Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Friday, November 22, 2024

Ukraina: Tiếp tục sơ tán các chiến binh Azovstal, điểm kháng cự cuối cùng ở Mariupol


Một binh sĩ Ukraina bị thương được đưa ra khỏi nhà máy Azovstal và được chuyển đến Novoazovsk, ngày 16/05/2022. REUTERS – ALEXANDER ERMOCHENKO.–

Tại Ukraina, hôm nay 17/05/2022, đang diễn ra cuộc sơ tán các chiến binh ở nhà máy thép Azovstal, thành trì kháng cự cuối cùng với quân Nga ở thành phố cảng Mariupol, miền nam Ukraina. Chính quyền Kiev loan báo 260 người đã được đưa ra, khẳng định họ đã «chu toàn nhiệm vụ».

Bộ tổng tham mưu Ukraina cho biết đã ra lệnh cho các chỉ huy «cứu mạng sống» những người còn trụ lại. Bộ Quốc Phòng Ukraina giải thích trên Telegram: «Rất tiếc là hiện nay Ukraina không thể giải tỏa Azovstal bằng phương tiện quân sự». Tổng thống Volodymyr Zelensky nói rằng: «Đất nước cần những người hùng còn sống».

Nga đã 3 lần ra tối hậu thư cho các chiến binh tử thủ lâu nay trong hệ thống đường hầm của nhà máy Azovstal, trong thành phố Mariupol bị vây hãm và bị oanh kích tàn bạo, nhưng họ đều từ chối ra hàng.

Về phía Nga, bộ Quốc Phòng hôm nay khẳng định 265 chiến binh Ukraina ở Azovstal đã đầu hàng và bị bắt làm tù binh, trong đó có 51 người bị thương nặng. Theo phía Kiev, các chiến binh này sẽ được đưa trở về Ukraina «trong khuôn khổ một chương trình trao đổi».

Ở miền đông, tại Sievierodonetsk, thành phố đang bị quân Nga bao vây, ít nhất 10 người thiệt mạng trong các trận oanh kích. Thành phố Lyssytchank, nằm đối diện, chỉ cách một con sông, cũng thường xuyên bị đánh bom, nhưng vẫn còn 20.000 thường dân ở lại dù chính quyền kêu gọi di tản.

Kharkov: Hàng trăm người vẫn sống trong métro

Tại Kharkov, quân Nga bị đẩy lùi về phía biên giới, ít có những vụ oanh kích xung quanh thành phố lớn thứ nhì Ukraina. Nhưng hàng trăm người vẫn phải sống trong métro vì nhà cửa đã bị bom đạn phá hủy, chẳng còn biết đi đâu.

Từ Kharkov, các thông tín viên Murielle Paradon và Sami Boukhelifa gởi về bài phóng sự :

«Ngồi trên một tấm nệm với chú chó nhỏ, bà Elena, 49 tuổi, vừa nhìn hình ảnh gia đình mình trên điện thoại di động vừa khóc. Hôm nay là sinh nhật của bà, và bà rất nhớ các con. Những người con của bà đã ra nước ngoài, nhưng Elena phải ở lại Kharkov vì cha mẹ bà bị kẹt trong một ngôi làng bị quân Nga chiếm đóng.

Bà nói: “Tôi không thể bỏ cha mẹ lại được, như vậy không đúng đắn chút nào. Tôi sẽ rất hạnh phúc khi cả gia đình được tụ tập”.

Elena và đa số những người hàng xóm bất đắc dĩ vẫn ở lại trong métro dù rất chật chội, vì họ không biết đi đâu. Nhà của họ đã bị các cuộc oanh kích phá hủy.

Đó là trường hợp người láng giềng của Elena, phải sống trong một toa tàu điện ngầm từ hai tháng rưỡi qua. Người này cho biết: “Chúng tôi đã mất nhà, căn hộ của tôi hoàn toàn bị thiêu rụi. Cũng không có cả việc làm, và chẳng còn tiền để thuê nơi ở khác”.

Những ai còn ở lại trong métro là những người có cuộc sống bấp bênh nhất. Một số có sức khỏe kém, như bà cụ Zoya, 75 tuổi. Bà nói: “Ồn ào lắm, ở đây có rất đông người và không đủ khí trời”.

Bà Zoya quyết định trở về nhà, cho dù căn hộ của bà không còn cửa sổ. Vào lúc thu thập đồ đạc, bà bực tức nói: “Tôi muốn hỏi ông Putin: Tại sao lại làm chúng tôi ra nông nỗi này?”

Bà cụ đã kiệt sức, cũng như nhiều người ở đây. Đã gần ba tháng họ phải sống dưới lòng đất».

Nguồn: RFI/Thụy My

Tags: ,

More Stories From Thế Giới

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh