Nữ thủ tướng Estonia: Không nên đề ra một lối thoát cho Vladimir Putin
Posted by Luu HoanPho, May 18, 2022, Comments Off
Thủ tướng Estonia Kaja Kallas. Ảnh chụp ngày 22/04/2022. REUTERS – INTS KALNINS.–
Thủ tướng Estonia, bà Kaja Kallas khi trả lời báo Le Figaro hôm nay 18/05/2022 khẳng định, đối thoại với tổng thống Nga chỉ hoài công, và giải pháp cho cuộc chiến tranh ở Ukraina chỉ có thể là «quân sự».
Le Figaro : Đoàn kết với nhau khi cuộc chiến mới bắt đầu, Liên Hiệp Châu Âu (EU) dường như lại phân chia làm Đông và Tây về thái độ với Nga, và cách hỗ trợ Ukraina …
Kaja Kallas : Tuy có nhiều quan điểm khác nhau, nhưng tôi nghĩ rằng nên nhấn mạnh đến sự đoàn kết mà chúng ta đã tạo ra được. Khi chia rẽ, chúng ta trở nên yếu ớt, như thế chỉ phục vụ cho quyền lợi của Nga mà thôi.
Cũng là chuyện bình thường khi các nền dân chủ lớn như Đức và Pháp phải mất nhiều thời gian mới đạt được một quyết định, so với những nước nhỏ như ở vùng Baltic chẳng hạn. Tôi biết rằng đất nước quý vị cần thì giờ để đạt được sự đồng thuận, và tôi hoan nghênh quyết định quan trọng của Đức là tăng ngân sách quốc phòng lên trên 2 % GDP… Vấn đề là ở chỗ, Ukraina không có thời gian.
Le Figaro : Theo bà, tổng thống Emmanuel Macron có nên tiếp tục nói chuyện với ông Vladimir Putin?
Kaja Kallas : Những cuộc điện đàm đã chẳng mang lại kết quả gì. Ở Bucha, chúng ta đã phát hiện những dấu hiệu rõ ràng về diệt chủng. Đối với tôi, Vladimir Putin là tội phạm chiến tranh, và tôi không thấy bất kỳ lý do nào để nói chuyện với ông ta. Người ta bảo rằng cần chứng tỏ với Putin là ông ta bị cô lập, nhưng nếu cứ đối thoại mãi, Putin sẽ không cảm thấy cô đơn mà lại ngỡ rằng mình đang ở trung tâm thế giới.
Le Figaro : Bà có nghĩ rằng Liên Hiệp Châu Âu cần phải lưu tâm hơn đến quan điểm của các nước Đông Âu trong chính sách đối ngoại ?
Kaja Kallas :Tôi cho là không nên nói về Đông và Tây nữa, tất cả mọi người cần ngồi vào bàn với những quyền như nhau. Các quyền này, chúng ta đều có cả. Tôi lấy làm tiếc khi không có quốc gia thành viên mới nào có được đại diện ở những cấp cao nhất… Nhưng kể từ ngày 24/02, tôi nhận thấy đã được lắng nghe nhiều hơn. Đó là điều tốt, vì kinh nghiệm của chúng tôi với Nga sau 50 năm bị chiếm đóng khiến chúng tôi hiểu rõ hơn ai hết cung cách hoạt động của người Nga.
Le Figaro : Nếu Nga không ngưng lại, nước nào sẽ là mục tiêu sắp tới trong khu vực ? Estonia, Ba Lan, hay Transnistria ?
Kaja Kallas : Sẽ không có mục tiêu sắp tới. Chúng ta không có chọn lựa nào khác ngoài việc kết thúc chiến tranh, trừng trị kẻ gây chiến và tất cả những ai chịu trách nhiệm về tội ác chiến tranh. Nếu chúng ta chấp nhận trở lại như bình thường, chiến tranh sẽ tái diễn sau khi tạm ngưng một, hai năm.
Chúng ta không nên đề ra một lối thoát cho Vladimir Putin, vì đối với ông ta, chẳng khác nào bắn tín hiệu là lại có thể tái phạm. Giải pháp chỉ có thể là quân sự. Ukraina phải thắng được cuộc chiến này ! Như mới đây ngoại trưởng Ukraina, Dmytro Kuleba đã nói, nếu Nga ngưng chiến đấu thì sẽ có hòa bình; nhưng nếu Ukraina ngưng chiến đấu, thì sẽ không còn Ukraina nữa.
Le Figaro : Châu Âu có phản ứng đúng mực ?
Kaja Kallas : Liên Hiệp Châu Âu đã phản ứng nhanh chóng, một cách nhất quán. Nhưng chiến tranh càng kéo dài thì càng khó duy trì được sự đoàn kết này. Châu Âu không chỉ là một không gian địa lý, mà còn là các giá trị. Chính vì các giá trị châu Âu – tự do, dân chủ, chủ quyền – mà người Ukraina chiến đấu. Châu Ấu cần cho thấy là cũng bảo vệ những giá trị của mình.
Le Figaro : Chúng ta đang chứng kiến sự quay lại của chiến tranh lạnh chăng ? Với một bức màn sắt mới chia cách thế giới tự do và thế giới độc tài ?
Kaja Kallas : Sự phân chia này chưa bao giờ biến mất trên thực tế. Trong cuộc khủng hoảng Covid, ban đầu chúng ta từng tin rằng các chính quyền độc tài thành công hơn dân chủ, vì họ dễ dàng áp đặt được các biện pháp độc đoán với dân chúng. Tôi nói bằng trải nghiệm bản thân, vì đã từng sống ở Liên Xô, nơi mà ý thức hệ bóp nghẹt tất cả các quyền, từ quyền tự do cá nhân cho đến quyền tư hữu.
Nhưng giờ đây chúng ta nhận ra, rốt cuộc các quốc gia dân chủ đã xử lý khủng hoảng Covid tốt hơn các nước độc tài, cho dù đôi khi phản ứng chậm chạp hơn vì cần có thời gian để đạt đồng thuận.
Cuộc chiến giữa chuyên chế và tự do vẫn dai dẳng từ thời chiến tranh lạnh, và nay càng rõ rệt. Đôi khi tôi có cảm giác cuộc chiến tranh ở Ukraina là một sự tóm lược lịch sử của chúng tôi.
Khi một số người khẳng định hòa bình phải là mục đích, điều này làm tôi nhớ đến thời kỳ bị Liên Xô chiếm đóng sau chiến tranh lạnh. Vâng, chúng tôi có hòa bình. Nhưng đó là một nền hòa bình kèm theo giết người, bạo lực, đàn áp. Gia đình tôi đã bị đày sang Xibêri. Tôi không hề nghi ngờ về những gì sẽ diễn ra ở Ukraina, nếu chúng ta cứ đòi hỏi hòa bình bằng mọi giá.
Nguồn: RFI/Thụy My