Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Sunday, December 22, 2024

Hậu thuẫn quân sự Đài Loan: Biden đang làm suy yếu chính sách “mập mờ” của Mỹ đối với Đài Bắc?


Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden. Ảnh chụp tại Tokyo, ngày 23/05/2022. AP – Evan Vucci.–

Thứ Hai, 23/05/2022, trong cuộc họp báo tại Tokyo, Nhật Bản, tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố Hoa Kỳ có thể sẽ ứng cứu quân sự Đài Loan trong trường hợp bị Trung Quốc tấn công. Theo giới quan sát được AFP trích dẫn, phát biểu này của nguyên thủ Mỹ, vốn hay quen có những tuyên bố ngoại giao gay gắt, có nguy cơ phá vỡ «chính sách mơ hồ» định hướng chiến lược ngoại giao của Mỹ trong hồ sơ Đài Loan từ nhiều thập kỷ qua.

Phải chăng đây là một bước đi ngoại giao nhầm lẫn hay là thả bóng thử nghiệm ? Đối với những nhà báo thường xuyên đi theo các chuyến công du của tổng thống Mỹ, có một điều hầu như trở nên quen thuộc : Giật thót người khi nghe một tuyên bố gay gắt, tiếp đến là một sự hối hả «điều chỉnh» từ các cố vấn. Sau phát biểu hôm qua của chủ nhân Nhà Trắng, một quan chức chính quyền vội vã tuyên bố: «Chính sách của Mỹ đối với Đài Loan là không thay đổi».

Đây là lần thứ hai tổng thống Mỹ công khai tuyên bố can thiệp quân sự hỗ trợ Đài Loan. Một sự đoạn tuyệt sau nhiều thập niên duy trì «chính sách mập mờ» chăng? Tờ báo Anh The Guardian nhắc lại, Hoa Kỳ tuy công khai cung cấp vũ khí cho Đài Loan, nhưng chưa bao giờ công nhận quy chế một Nhà nước độc lập, cũng như chưa bao giờ trực tiếp hứa can thiệp quân sự, nếu có xung đột với Trung Quốc, hay chưa bao giờ tuyên bố sẽ đứng ngoài cuộc.

Sự mập mờ về chiến lược này cho đến nay đã giúp ngăn chặn Trung Quốc đánh chiếm Đài Loan, cũng như giúp ngăn chặn hòn đảo tự trị tuyên bố độc lập hoàn toàn, vì cả hai kịch bản đều có nguy cơ gây ra một cuộc khủng hoảng địa chính trị lớn. Tờ báo Anh dẫn lời Kurt Campell, điều phối viên chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương của Mỹ năm rồi còn nhắc rằng «sự rõ ràng về chiến lược» có những điểm dở đáng kể.

Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích được tờ Guardian và AFP trích dẫn, thì dường như nguyên thủ Mỹ tỏ ra không mấy gì thoải mái hơn người tiền nhiệm trước điều được gọi là «vùng xám» này. Việc ông nhiều lần «hớ hênh» trong các phát biểu liên quan đến Đài Loan chỉ làm «suy yếu thêm học thuyết mập mờ chiến lược của Mỹ», «làm phá hỏng tính chất răn đe» của chúng, theo như phân tích của bà Bonnie Glaser, giám đốc phụ trách khu vực châu Á, thuộc German Marshall Fund of the United States. Bởi vì, theo bà, điều đó có nguy cơ dẫn đến «những diễn giải sai lầm về lập trường của Mỹ». Chính sách đối ngoại chỉ có «hiệu quả một khi chúng rõ ràng và dễ hiểu cho các nước bạn bè, đồng minh và kẻ thù của Mỹ».

Một quan điểm cũng được ông Richard Haass, chủ tịch Council on Foreign Relations, trên mạng xã hội Twitter đồng chia sẻ, khi cho rằng «tốt hơn hết Hoa Kỳ hãy xem đó như là cơ hội để thể hiện lập trường mới, hoàn toàn nhất quán cho chính sách một nước Trung Hoa duy nhất, và điều đó sẽ làm thay đổi cách thức Hoa Kỳ thực hiện chúng.»

Nhưng nếu đây là một động tác «thả bóng thăm dò» của chính quyền Biden, ông Joshua Shifrinson, giáo sư ngành quan hệ quốc tế đại học Boston cảnh cáo đây sẽ là « một trò nguy hiểm », điều đó có thể «làm kịch phát các căng thẳng» với các nước đối thủ, nhưng cũng làm xáo trộn các nước đồng minh của Mỹ, như những gì xảy ra dưới nhiệm kỳ tổng thống Donald Trump.

Cuối cùng, AFP dẫn lời, Stephen Wertheim, Viện Nghiên cứu và Phân tích Carnegie lưu ý: «Lời đáp trả mạnh mẽ của phương Tây trước hành động gây hấn của Nga tại Ukraina có thể được sử dụng như là vũ khí răn đe Trung Quốc tấn công Đài Loan, nhưng các phát biểu của ông Biden có nguy cơ đánh mất lợi thế này.»

Nguồn: RFI/Minh Anh

Tags: , ,

More Stories From Á Châu

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh