Thái Bình Dương: Các đảo quốc tí hon cản đà thống trị của gã khổng lồ Trung Quốc
Posted by Luu HoanPho, Jun 3, 2022, Comments Off
Ảnh minh họa: Ngoại trưởng Trung Quốc Vượng Nghị tại Fiji ngày 30/05/2022. © AP.–
Trước khi ngoại trưởng Trung Quốc bắt đầu chuyến công du (26/05 – 04/06/2022) qua gần một chục đảo quốc tí hon ở miền Nam Thái Bình Dương, Bắc Kinh cứ tưởng là sẽ dễ dàng thuyết phục các nước này ký kết một thỏa thuận an ninh chung theo kiểu hiệp ước mà Trung Quốc đã có với Quần Đảo Salomon gần đây. Thế nhưng tham vọng gắn chặt các nước có diện tích và dân số không bằng một tỉnh nhỏ của Trung Quốc vào quỹ đạo của Bắc Kinh đã gặp trở ngại bất ngờ.
Nhân hội nghị giữa ngoại trưởng Trung Quốc với đại diện 10 đảo quốc miền Nam Thái Bình Dương hôm 30/05 vừa qua tại Fiji, thỏa thuận an ninh mà Trung Quốc đề xuất đã bị từ chối. Không những thế, thủ tướng Samoa, một trong những đảo quốc tí hon này, ngày 02/06 còn nhấn mạnh thêm là văn kiện đó cần phải được thảo luận ở cấp toàn khu vực trước khi được thông qua.
Khó khăn đối với Trung Quốc nằm ở điểm này: Cơ chế bao trùm toàn khu vực Nam Thái Bình Dương chính là Diễn Đàn Quần Đảo Thái Bình Dương (Pacific Islands Forum), bao gồm cả các đảo quốc có quan hệ ngoại giao với Đài Loan chứ không phải Bắc Kinh, cũng như Úc và New Zealand, hai nước từng lên tiếng quan ngại trước thái độ ngày càng quyết đoán của Trung Quốc trong việc gia tăng hiện diện về an ninh và chính sách ở vùng Nam Thái Bình Dương, một khu vực có ý nghĩa quân sự chiến lược quan trọng.
Thỏa thuận về an ninh của Trung Quốc bị từ chối
Trong bài phân tích “Nam Thái Bình Dương từ chối ràng buộc vận mệnh của mình vào Bắc Kinh”, nhật báo Pháp Le Monde ngày 31/05 vừa qua đã đánh giá rằng việc thỏa thuận an ninh với Trung Quốc bị từ chối một hôm trước đó là một thất bại bất ngờ của ngành ngoại giao Trung Quốc, cứ tưởng là có thể áp đặt thế thống trị “đại quốc” của Bắc Kinh đối với trên các tiểu đảo quốc miền Nam Thái Bình Dương.
Theo tờ báo Pháp, trong vòng công du Nam Thái Bình Dương của ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, quan trọng nhất là chặng ngừng tại Fiji trong ngày 29 và 30 tháng 5. Tại đây diễn ra cuộc họp giữa Vương Nghị và tất cả các đồng nhiệm Nam Thái Bình Dương, với mục tiêu là ký kết được một thỏa thuận mà Bắc Kinh đã đề xuất trước đó, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực khác nhau, như kinh tế, như lập bản đồ đáy biển, khai thác tài nguyên thiên nhiên, và nhất là huấn luyện lực lượng an ninh và an ninh mạng.
Tập Cận Bình gây sức ép cũng không xong
Để gây thêm sức ép, đích thân chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gởi đến hội nghị một thông điệp ca ngợi tình hữu nghị giữa hai bên và bảo đảm là Bắc Kinh luôn luôn là một người anh em tốt đối với các đảo quốc Thái Bình Dương.
Thế nhưng các nhà lãnh đạo Thái Bình Dương đã tuyên bố không chấp nhận “tầm nhìn phát triển chung” mà Bắc Kinh đề xuất, do thiếu sự đồng thuận trong khu vực. Theo ghi nhận của Le Monde, ngoài Micronesia, các nước Papua New Guinea và Samoa – cũng như Palau, quốc gia công nhận Đài Loan về mặt ngoại giao và không được mời tham dự cuộc họp này, dường như đều phản đối ý đồ của Trung Quốc. Do đó, Bắc Kinh đã phải hài lòng với một thỏa thuận liên quan đến nông nghiệp, biến đổi khí hậu và xóa đói giảm nghèo.
Dĩ nhiên là Bắc Kinh đã từ chối nói đến thất bại mà khẳng định rằng “các cuộc thảo luận vẫn tiếp tục”, đồng thời công bố một bản “tuyên bố lập trường” về quan hệ với Nam Thái Bình Dương, bao gồm “tầm nhìn” 15 điểm cũng như 24 cam kết cụ thể. Điều đáng chú ý là không có yếu tố nào trong văn kiện này liên quan đến an ninh.
Micronesia đi đầu trong phong trào phản đối?
Theo các nhà quan sát, ngay từ trước lúc ngoại trưởng Trung Quốc lên đường công du Nam Thái Bình Dương, nội dung thỏa thuận an ninh mà Bắc Kinh muốn các đảo quốc trong vùng ký kết đã bị rò rỉ. Theo báo mạng Mỹ Politico tại châu Âu ngày 02/06, chính một số nước không hài lòng với đề xuất an ninh của Trung Quốc, hầu như rập khuôn theo hiệp ước đã ký với Quần Đảo Salomon, đã tiết lộ dự thảo này cho báo chí.
Theo ghi nhận của Le Monde, tác nhân chủ chốt trong việc cản bước Bắc Kinh là Micronesia, quốc gia thuộc diện nhỏ nhất trên thế giới – (diện tích 702 km2, dân số hơn 102.000 người).
Trong một bức thư được gửi vào tháng 5 cho các đồng nhiệm Nam Thái Bình Dương, tổng thống Micronesia đã gióng lên hồi chuông cảnh báo. Theo ông, dự thảo thỏa thuận, phần lớn do Trung Quốc soạn thảo trước, nhằm thay thế một mối quan hệ đa phương – một bên là Trung Quốc, một bên là Nam Thái Bình Dương – cho mối quan hệ song phương hiện tại và “lái lòng trung thành của Thái Bình Dương theo hướng của họ (Trung Quốc)”, ông giải thích . Vào mùa hè năm 2021, Micronesia đã ký một thỏa thuận với Hoa Kỳ cho phép Washington thiết lập một căn cứ quân sự ở nước này.
Lo ngại trước tấm gương hiệp ước Trung Quốc-Salomon
Phải nói là thỏa thuận Trung Quốc-Salomon có những quy định rất đáng ngại như việc chính quyền Salomon “có thể, theo nhu cầu của họ, yêu cầu Trung Quốc cử cảnh sát, quân đội và các lực lượng vũ trang khác đến nước này để duy trì trật tự xã hội, bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân, cung cấp viện trợ nhân đạo hoặc bất kỳ hình thức hỗ trợ nào khác”.
Còn về phía Bắc Kinh, thỏa thuận quy định là Trung Quốc, “theo nhu cầu của riêng mình, sẽ có thể cho tàu thuyền của mình thực hiện các chuyến ghé cảng Salomon, tiếp tế hậu cần, thực hiện các chuyến dừng và quá cảnh. Các lực lượng phù hợp của Trung Quốc có thể được sử dụng để bảo vệ an toàn cho lao động và các dự án lớn của Trung Quốc ở quần đảo Solomon”.
Bắc Kinh khẳng định không đặt căn cứ quân sự tại Salomon, nhưng giới phân tích đã nêu bật sự kiện Trung Quốc trước đó đã hứa sẽ không quân sự hóa các đảo nhỏ ở Biển Đông nhưng không hề giữ lời.
Trung Quốc chỉ thất bại tạm thời?
Việc không thúc đẩy được các nước miền Nam Thái Bình Dương ký kết thỏa thuận an ninh chung với Trung Quốc quả đúng là một thất bại cho Bắc Kinh. Tuy nhiên giới phân tích đều rất thận trọng, cho rằng khu vực đang trở thành đấu trường cạnh tranh giữa Trung Quốc một bên và Úc, Mỹ cùng các đồng minh, và nếu phương Tây không nhanh chóng có biện pháp tích cực hơn nhằm chinh phục trở lại những nước vốn trước đây nằm trong vùng ảnh hưởng của mình, thì khả năng Trung Quốc thống trị được khu vực này là điều có thực.
Ngay trong vòng công du sắp kết thúc, hãng tin Mỹ AP đã ghi nhận sự kiện “Trung Quốc không đạt được thỏa thuân lớn ở vùng Nam Thái Bình Dương, nhưng đã gặt hái được những thắng lợi nhỏ”.
Theo đài phát thanh Mỹ VOA hôm 02/06, Sean King, phó chủ tịch công ty tư vấn chính trị Park Strategies ở New York, bi quan hơn, cho rằng: “Đã đến lúc Trung Quốc tiến vào Thái Bình Dương khi quần đảo Solomon và Kiribati trong những năm gần đây đã chuyển công nhận Bắc Kinh thay vì Đài Bắc, trong khi các cuộc đàm phán của Washington để gia hạn thỏa thuận liên kết với Quần đảo Marshall, Liên bang Micronesia và Palau được cho là không tiến triển nhanh chóng và thuận lợi như chờ đợi”.
Còn ông Satu Limaye, phó chủ tịch tổ chức nghiên cứu Trung Tâm Đông Tây ở Honolulu thấy rằng Bắc Kinh có tầm dự phóng từ 20 đến 30 năm. Các dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc và mối quan hệ đang phát triển với các nhà lãnh đạo địa phương cuối cùng sẽ xóa nhòa ảnh hưởng của Úc-Mỹ. Học bổng mà Trung Quốc dành cho người dân trên đảo và các trợ giúp chống lại mực nước biển dâng cao sẽ gây ấn tượng mạnh nếu ảnh hưởng của phương Tây không theo kịp.