Chiến tranh Ukraina: Nga ngày càng thiếu quân
Posted by Luu HoanPho, Jun 10, 2022, Comments Off
Ảnh minh họa: Quân đội Nga rút khỏi một làng ở ngoại ô Kiev, Ukraina, ngày 01/04/2022. AP – Rodrigo Abd.–
Trong một thông báo đăng trên mạng Twitter ngày 09/06/2022, tức là ngày thứ 106 của cuộc chiến tranh Ukraina do Nga phát động, bộ Quốc Phòng Ukraina khẳng định đã có đến 31.700 binh sĩ Nga thiệt mạng. Đây là một con số không thể được kiểm chứng một cách độc lập. Tuy nhiên, theo các quan sát viên phương Tây, sau hơn một trăm ngày xâm lược Ukraina, một trong những vấn đề chính mà Quân Đội Nga bắt đầu gặp phải là tình trạng ngày càng thiếu binh sĩ.
Theo ghi nhận của đài truyền hình Pháp France24, trong bài phân tích ngày 08/06/2022 mang tựa đề “Chiến tranh Ukraina: Nga tuyệt vọng tìm thêm binh lính”, tình trạng thiếu quân mà Matxcơva đang gặp phải quả là một điều khá lạ lùng đối với một nước mà trong lịch sử thường được coi là “một cỗ máy có thể cử hết làn sóng chiến binh này đến làn sóng chiến binh khác xông lên, làm kiệt quệ những kẻ thù vượt trội về công nghệ, chẳng hạn như Đức Quốc Xã vào thời Thế Chiến Thứ II”.
Ra sức tuyển mộ, kể cả dùng tiền để dụ dỗ
Dấu hiệu rõ rệt nhất phản ánh tình trạng quân số thiếu hụt là những nỗ lực của Quân Đội Nga từ hơn ba tháng nay nhằm tuyển thêm binh lính, từ việc hứa hẹn lương cao cho đến mở rộng hạn tuổi nhập ngũ.
Nhật báo Nga Moscow Times ngày 23/05 vừa qua cho biết là nhiều đoàn xe tuyển quân đã ngang dọc đất nước, đến tận vùng Siberia xa xôi chiêu mộ tân binh cho mặt trận Ukraina. Tờ báo Đức Süddeutsche Zeitung cũng ghi nhận là Quân Đội Nga đã cho thiết lập nhiều văn phòng tuyển dụng lưu động gần nơi trình diễn của các nhóm nhạc rock nổi tiếng để thu hút thanh niên.
Ở cấp thượng tầng Nhà Nước, tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 25/05 cũng đã ban hành một đạo luật cho phép tất cả người Nga trong độ tuổi từ 18 đến 65 được phép nhập ngũ, trong khi trước đó chỉ có những người Nga dưới 40 tuổi mới được phép gia nhập quân đội.
Để thu hút lính mới, chính quyền sẵn sàng dùng đến biện pháp kích thích tài chánh. Jeff Hawn, chuyên gia về các vấn đề quân sự của Nga tại trung tâm nghiên cứu địa chính trị New Lines Institute của Mỹ, nêu bật: “Quân Đội Nga đang đề nghị trả cho những tân binh ký hợp đồng ba tháng một mức lương gần tương đương với một năm thu nhập của cư dân tại một số vùng nghèo”.
Theo ông Rod Thornton, chuyên gia về các lực lượng vũ trang Nga tại King’s College ở Luân Đôn, giới hạn duy nhất mà chính quyền Nga dường như tự đặt ra là “không được gửi lính nghĩa vụ ra trận, vì ở Nga, đó là một hành vi bất hợp pháp”. Tuy nhiên, không thiếu bằng chứng về việc lính nghĩa vụ trẻ tuổi bị đưa sang chiến đấu ở Ukraina.
Pháo binh và xe tăng thay vì quân lính
Đối với giới phân tích, thiệt hại nhân mạng nặng nề của Quân Đội Nga tại Ukraina chỉ là bề nổi của vấn đề thiếu hụt quân số đã có từ rất lâu trong một lực lượng được mô tả là lớn thứ hai trên thế giới sau Hoa Kỳ.
Theo chuyên gia Rod Thornton: “Trên giấy tờ, Nga có một số lượng lớn các sư đoàn bộ binh, nhưng phải biết là hầu hết các lữ đoàn tạo thành các lực lượng đó đều thiếu quân số kể từ khi chiến tranh lạnh kết thúc”.
Còn theo ông Jeff Hawn, tình trạng thiếu binh sĩ kinh niên này là “kết quả của một sự tiến hóa qua nhiều thế hệ đối với một dân số đã phải chịu tổn thất to lớn trong hai cuộc chiến tranh thế giới, gánh chịu hậu quả của cuộc thanh trừng thời Stalin và công cuộc công nghiệp hóa bắt buộc trong thời kỳ Xô Viết”. Nói cách khác, số dân có thể nhập ngũ đã giảm đi đáng kể vào thời kỳ Liên Xô sụp đổ.
Nicolo Fasola, chuyên gia về các vấn đề an ninh tại các nước Liên Xô cũ tại Đại Học Anh Quốc Birmingham, giải thích: “Chính vì thiếu người mà Nga đã điều chỉnh học thuyết chiến tranh, “nhấn mạnh nhiều hơn trên việc sử dụng pháo binh và xe thiết giáp, thay vì bộ binh”. Cuộc khủng hoảng nhân khẩu đang diễn ra khiến cho Matxcơva không muốn hy sinh thêm người, trong khi chính quyền đang làm mọi cách để ngăn chặn sự sụt giảm dân số nghiêm trọng.
Tuy nhiên, theo ông Fasola, nếu chiến thuật nói trên hoàn toàn phù hợp với kiểu chiến tranh chớp nhoáng, như tại Crimée năm 2014, và các trận đánh dùng hỏa lực hùng hậu nghiền nát kẻ thù như ở Syria, thì tại Ukraina, “nơi lực lượng xâm lược tìm cách chiếm cứ các vùng lãnh thổ, điều cần phải có là những người lính cụ thể có khả năng chiếm đóng các vùng đất đó, và đây chính là yếu huyệt của quân đội Nga”.
Theo nhà nghiên cứu từ trường đại học Anh, những thành công của Quân Đội Ukraina ở Kiev và Kherson, nơi các lực lượng chiếm đóng đã bị đẩy lùi, minh họa cho điểm yếu này của Nga, và Matxcơva đã thất bại “vì vấn đề nhân lực và học thuyết không phù hợp với mục tiêu của cuộc chiến”.
Chuyên gia Rod Thornton tóm lược tình hình như sau: “Lực lượng Nga hiện có rất nhiều đại pháo và xe bọc thép ở mặt trận, nhưng lại có ít người để sử dụng các phương tiện này”.
Theo ông Jeff Hawn, nguyên tắc vàng nổi tiếng của bất kỳ cuộc xung đột vũ trang nào là tương quan lực lượng phải là ba chọi một nghiêng về bên tấn công nếu muốn giành chiến thắng. Tại Ukraina, tỷ lệ này chỉ là hai đấu một và thậm chí một chọi một ở một số nơi.
Chuyên gia này kết luận: “Tình trạng thiếu quân đã thực sự trở thành một trong những lý do chính khiến đà tiến lực lượng Nga ở Donbass bị chậm lại”, trong lúc phía Ukraina “ít khó khăn hơn nhiều trong việc động viên người dân gia nhập quân đội để bảo vệ đất nước”.
Tuyển quân không kịp, cần phải tổng động viên?
Matxcơva không phải là không thấy rõ khuyết điểm của mình, bằng chứng là những nỗ lực tuyển thêm quân trong thời gian gần đây. Vấn đề là các biện pháp đưa ra đều không đạt kết quả, buộc chính quyền phải nghĩ đến khả năng tối hậu là tổng động viên.
Theo tờ Moscow Times, tất cả các sáng kiến được đưa ra – những chiến dịch tuyển dụng và lời hứa về mức lương cao ngất ngưởng cho những người Nga bình thường – dường như không thành công lắm. Đối với chuyên gia Nicolo Fasola, tiếng xấu vốn có của Quân Đội Nga đã góp phần vào thất bại đó: “Quân Đội Nga nổi tiếng là khắc nghiệt và cung cấp rất ít phúc lợi xã hội”.
Côn ông Jeff Hawn thì cho rằng: “Lời hứa về mức lương cao sẽ thu hút những người hám lợi, nhưng điều đó không nhất thiết khiến họ trở thành những tân binh có động cơ tốt nhất chống lại những người lính Ukraina đang chiến đấu bảo vệ đất nước của họ”.
Đó là lý do tại sao Nga đã điều động binh sĩ từ các nước khác, như từ Nam Ossetia và Abkhazia, hai vùng thân Nga tại Gruzia, hay từ Tchetchenya, thậm chí từ Syria. Có điều, theo ông Nicolo Fasola, “đó chỉ là những đơn vị tiếp ứng tạm thời, không đủ để giải quyết các vấn đề về quân số trong dài hạn”. Ông Rod Thornton cho biết thêm là quân tăng viện “còn lâu mới đủ để đáp ứng nhu cầu, và đó là những đội quân cần phải học cách hòa nhập vào chuỗi chỉ huy được thiết lập ở Ukraina”.
Vladimir Putin có một giải pháp cuối cùng: Tổng động viên. Tất cả các chuyên gia được phỏng vấn đều tin rằng đối với tổng thống Nga, đây là biện pháp tối hậu, bởi vì nếu làm như vậy, ông sẽ phải công nhận rằng “chiến dịch đặc biệt” ở Ukraina là một cuộc chiến tranh. Theo chuyên gia Fasola, đây là một bước đi mà Vladimir Putin không muốn thực hiện, vì “sẽ rất tốn kém về mặt chính trị”.
Nguồn: RFI/Trọng Nghĩa