Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Friday, November 22, 2024

Mỹ đánh giá quá cao quân đội Nga, coi nhẹ quân đội Trung Quốc?


Ảnh minh họa : Một tầu ngầm của quân đội Trung Quốc. REUTERS.–

Liệu Trung Quốc có tiến hành các cuộc can thiệp quân sự bên ngoài lãnh thổ trong thời gian tới ? Hoa Kỳ có sẵn sàng đối phó với các hành động phiêu lưu quân sự của Trung Quốc ? Đây là các câu hỏi mà nhiều chuyên gia, nhà quan sát đang đặt ra.

Đầu tháng 6/2022, trong lúc cuộc xâm lăng của Nga tại Ukraina tiếp diễn, căng thẳng tại eo biển Đài Loan dâng cao. Trung tuần tháng 6/2022, cụ thể là ngày 15/06, Bắc Kinh công bố bản đề cương chuẩn bị cơ sở pháp lý cho các ‘‘can thiệp quân sự phi chiến tranh’’, ngoài Hoa Lục. Cùng ngày, trong cuộc điện đàm với tổng thống Nga Vladimir Putin, lần đầu tiên kể từ đầu cuộc tấn công Ukraina của Nga (ngày 24/02/2022), lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố ủng hộ Nga bảo vệ ‘‘chủ quyền quốc gia’’, tuyên bố được nhiều người ghi nhận như sự khẳng định quan hệ cứng rắn khác thường với phương Tây.

Trang mạng chuyên về chính trị và an ninh quốc tế Politico có một bài nhận định đáng chú ý. Bài ‘‘The U.S. overestimated Russia’s military might. Is it underestimating China’s?’’ (Phải chăng Mỹ đã đánh giá quá cao năng lực quân sự của Nga, trong lúc khả năng của quân đội Trung Quốc bị coi nhẹ ?), đăng tải ngày 15/06/2022. Bài viết nhấn mạnh đến việc tình báo Mỹ bị nhiều chỉ trích trong việc nắm bắt và dự báo khả năng hành động của quân đội Trung Quốc. RFI xin giới thiệu một số nét chính.

***

1/ Nhận định về việc tình báo Mỹ đánh giá thấp, và đánh giá không sát khả năng hành động của quân đội Trung Quốc là dựa trên những cơ sở nào?

Sự lớn mạnh của quân đội Trung Quốc trong những năm gần đây là điều rất rõ ràng. Hiện tại, Trung Quốc đã trở thành quốc gia có lực lượng hải quân đứng đầu thế giới, xét về mặt số lượng, với 355 chiến hạm, theo báo cáo mới nhất của bộ Quốc Phòng Mỹ năm 2021. Số quân nhân tại ngũ cũng tăng lên thành một triệu người. Về không quân, Trung Quốc có hơn 2.800 phi cơ, bao gồm oanh tạc cơ chiến lược và chiến đấu cơ. Bắc Kinh đưa vào hoạt động hệ thống vũ khí tên lửa siêu thanh đầu tiên DF-17 từ năm 2020. Hệ thống vũ khí hạt nhân cũng được tăng cường, dự kiến tăng lên thành ít nhất 1.000 đầu đạn trước năm 2030.

Theo Politico, Hoa Kỳ theo tương đối sát diễn biến liên quan đến tình trạng phương tiện vũ khí nói trên, nhưng điểm quan trọng là giới chuyên gia quân sự, tình báo Mỹ ít hiểu biết về việc chính quyền Trung Quốc sẽ sử dụng các lực lượng quân sự như thế nào, trong trường hợp xung đột vũ trang xảy ra.

Một thực tế rõ ràng được nhiều người ghi nhận là dường như tình báo Mỹ đã đánh giá quá cao sức mạnh của quân đội Nga. Khi cuộc chiến xâm lăng của Nga chống Ukraina bùng nổ, giới quân sự Mỹ đa phần dường như đều tin rằng quân đội Ukraina sẽ nhanh chóng bị quân đội Nga – vốn đã được hiện đại hóa đáng kể trong những năm vừa qua – đè bẹp, có thể ‘‘chỉ trong vài ngày hoặc có thể là vài tuần’’. Tình hình rõ ràng là ngược với các dự báo như vậy (Politico cũng nhấn mạnh đến việc tình báo Mỹ dự báo chính xác về việc Nga điều chuyển binh lực, và thậm chí khả năng xâm lăng Ukraina, nhưng dự báo kém về diễn tiến của cuộc chiến). Trước đó, hồi mùa hè năm ngoái, tình báo Mỹ cũng bị chỉ trích là đã đánh giá quá cao thực lực của quân đội Ahghanistan, không dự kiến sự sụp đổ nhanh chóng của chính quyền Kabul, được Hoa Kỳ hậu thuẫn. Hai thất bại xảy ra trong vòng chưa đầy một năm.

Trong thời gian gần đây, Quốc Hội Mỹ đã tổ chức nhiều cuộc điều trần với giới quân đội, tình báo. Trong một cuộc điều trần hồi đầu năm nay, thượng nghị sĩ Angus King đã khẳng định: nếu đánh giá được sát hơn tình hình, đặc biệt là nếu đánh giá đúng được quyết tâm kháng chiến của quân dân Ukraina và thực lực của Quân Đội Nga, thì chính quyền Mỹ có thể đã quyết định hậu thuẫn Ukraina từ sớm hơn trong cuộc kháng chiến chống Nga.

Nhiều lo ngại trong chính giới Hoa Kỳ về việc có thể đã có ‘‘một số góc chết’’ khiến tình báo và Quân Đội Mỹ không đánh giá đúng được khả năng hành động của Trung Quốc, đối thủ chiến lược của nước Mỹ, vốn đang ngày càng trở nên lớn mạnh hơn. Lẽ dĩ nhiên không thể phủ nhận được khả năng hiểu biết tương đối sát của Mỹ về tình trạng vũ khí của quân đội Trung Quốc, Lầu Năm Góc cung cấp một báo cáo thường niên rất chi tiết về lĩnh vực này. Tuy nhiên, ngay trong lĩnh vực này cũng có những diễn biến quan trọng lọt lưới. Một trong các ví dụ đáng chú ý về việc tình báo Mỹ dường như đã không dự đoán được, mà Politico nêu ra, là việc Trung Quốc có thể đã khiến bộ Quốc Phòng Mỹ bất ngờ với việc thử tên lửa siêu thanh có khả năng mang đầu đạn hạt nhân hồi năm ngoái. Vụ bắn thử tên lửa được coi là một sự kiện lớn.

2/ Việc đánh giá thấp quân đội Trung Quốc phải chăng liên quan đến việc đánh giá sai về chiến lược của đảng Cộng Sản Trung Quốc?

Một điểm rất quan trọng khác mà Politico nêu bật là việc Mỹ có nhiều khiếm khuyết trong việc nắm bắt được chiến lược quân sự của Trung Quốc. Đây là điều có ý nghĩa quan trọng bậc nhất. Một báo cáo của Ủy ban Tình báo Hạ Viện hồi tháng 9/2020 khẳng định phương Tây đã giả định sai lầm là Trung Quốc sẽ trở nên ‘‘dân chủ hơn’’, cùng với việc nền kinh tế thịnh vượng hơn. Chính giả định sai lầm hệ trọng này đã đánh lạc hướng nhiều nhà quan sát, khi bỏ qua một yếu tố căn bản, đó là ‘‘mục tiêu tiên quyết của đảng Cộng Sản Trung Quốc là duy trì và mở rộng quyền lực’’, và quân đội Trung Quốc được sử dụng để thực hiện mục tiêu này.

3/ Vì những lý do nào mà năng lực của tình báo Mỹ bị hạn chế về những gì liên quan đến quân đội Trung Quốc?

Có nhiều lý do hạn chế năng lực của tình báo Mỹ đánh giá về quân đội Trung Quốc. Theo Politico, sau vụ khủng bố 11/09/2001, tình báo Mỹ đã tập trung lực lượng vào việc chống khủng bố, và thế giới Ả Rập là địa bàn chính. Theo nhiều giới chức và nhà phân tích, số lượng nguồn tin là người nói tiếng Hoa, cộng tác với tình báo Mỹ là quá ít. Kể từ năm 2010, Bắc Kinh đã triệt hạ nhiều mạng lưới tình báo Mỹ, hành quyết hơn một chục người cung cấp tin tức cho tình báo Mỹ…

Hệ thống quyền lực ‘‘kín như bưng’’ của chế độ cộng sản Trung Quốc cũng là điều chủ yếu khiến cho việc nắm bắt thông tin về quân đội Trung Quốc, thông qua các nguồn tin bán chính thức, hay qua các kênh thông tin giữa giới chức quân sự hai nước, bị hạn chế rất nhiều. Cho đến nay, chính quyền Biden đã không thành công trong việc tổ chức cuộc đối thoại giữa bộ trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin với tướng Hứa Kỳ Lượng (Xu Qiliang), phó chủ tịch thứ nhất Quân Ủy Trung Ương Trung Quốc. Phía Mỹ chỉ tiếp xúc được với bộ trưởng Quốc Phòng Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe) với ‘‘người đồng cấp trên danh nghĩa’’ với bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ.

Bộ trưởng Ngụy Phượng Hòa vốn được coi là người ít liên quan đến việc kiểm soát hoạt động thực sự của Quân Đội Trung Quốc. Theo chuyên gia Lyle Morris, nguyên phụ trách bộ phận chuyên về Trung Quốc của bộ Quốc Phòng Mỹ, hiện làm việc tại RAND Corporation (Viện nghiên cứu và tư vấn tư nhân về chính sách quân sự), chính quyền Trung Quốc chủ ý dựng lên một ‘‘bức tường ngăn cách giữa giới chức quân sự chỉ huy quân đội với giới chức quân sự làm nhiệm vụ đối ngoại’’.

Khả năng tiếp cận thông tin về Quân Đội Trung Quốc của Mỹ càng thêm hạn chế, đặc biệt dưới thời chính quyền tiền nhiệm Donald Trump, với việc bộ Quốc Phòng rút đi nhiều quan chức quân sự cao cấp tại các sứ quán Mỹ, hạ thấp vai trò của các tùy viên quân sự, trong khi các tùy viên quân sự tại các sứ quán Mỹ ở châu Phi đóng vai trò quan trọng trong việc thu thập tin tức về Quân Đội Trung Quốc, cũng như Quân Đội Nga.

Bài phân tích của Politico cũng đặc biệt nhấn mạnh đến nhận định của một cựu quan chức bộ Quốc Phòng Mỹ, chỉ trích mạnh mẽ việc ‘‘thiếu chú ý từ lâu trong việc phân tích các thông tin từ các nguồn công khai từ Trung Quốc và về Trung Quốc’’, các phát biểu của giới chức cao cấp hàng đầu của chế độ Trung Quốc, cũng như những gì liên quan đến ‘‘học thuyết chính thức của Trung Quốc’’. Vẫn theo cựu quan chức nói trên, đánh giá về Trung Quốc của Mỹ trong nhiều năm bị lệch lạc, do đã không tính đủ đến bình diện này. Và khác với Nga, dường như tình báo Mỹ thiếu những nguồn tin ở thượng đỉnh hệ thống quyền lực của Trung Quốc.

4/ Về nguy cơ Trung Quốc tấn công Đài Loan, đâu là những điểm có thể coi là khiếm khuyết của tình báo Mỹ?

Theo cựu quan chức cao cấp tình báo quân đội Mỹ Erza Cohen, sẽ nguy hiểm nếu cho rằng Trung Quốc chỉ có thể tấn công Đài Loan trong vài năm nữa. Đặt ra một cái mốc như 2027, 2030 hay 2035… là nguy hiểm, bởi hành động đó có thể xảy ra ‘‘ngay ngày mai’’. Cần phải sẵn sàng trước nguy cơ này. Dự đoán Trung Quốc có thể tấn công Đài Loan trong 6 năm tới đã được đô đốc Philip Davidson, đưa ra hồi năm ngoái, với tư cách tư lệnh Bộ Chỉ Huy Ấn Độ – Thái Bình Dương của Mỹ, vào thời điểm đó.

Theo Politico, hiện tại giới phân tích quân sự còn chưa biết rõ Trung Quốc sẽ làm gì, nếu một cuộc can thiệp quân sự chống Đài Loan diễn ra, tiếp theo một cuộc tấn công bằng đường không và một cuộc đổ bộ. Nhiều câu hỏi hiện để ngỏ. Ví dụ như Trung Quốc tiến hành chiến tranh ra sao nếu xung đột biến thành chiến tranh trong đô thị? Trung Quốc sẽ làm gì, đối diện với các tổn thất lớn và việc thường dân sơ tán hàng loạt? Bắc Kinh sẽ có thể dùng hỏa tiễn và không quân tấn công trong bao lâu?… Theo cựu chuyên gia cao cấp Randy Schriver, ‘‘điều khó nhất là đo lường được khả năng quân đội Trung Quốc được huấn luyện như thế nào để đối phó với những tình huống phức tạp, ngoài dự kiến’’.

Nhiều bài học từ vấn đề dự báo chiến tranh Nga chống Ukraina chắc chắn sẽ vẫn còn cần được tiếp tục rút ra, để cải thiện khả năng của tình báo Mỹ nói riêng, và việc thu thập, phân tích thông tin quân sự nói chung, trong thế đối đầu với Trung Quốc.

Nguồn: RFI/Trọng Thành

Tags: ,

More Stories From Biển Đông

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh