Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Sunday, December 22, 2024

Hạ tầng cơ sở: G7 muốn lái các nước đang phát triển ra khỏi quỹ đạo Trung Quốc


Một phiên họp của các lãnh đạo nhóm G7 tại lâu đài Elmau (Kruen – Đức) ngày 26/06/2022. AP – Markus Schreiber.—

Thời sự thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế trong ngày đầu tiên của thượng đỉnh nhóm nước công nghiệp phát triển G7 đang diễn ra tại Đức là Washington phát động một chương trình rộng lớn đầu tư cơ sở hạ tầng hướng tới các nước đang phát triển với nguồn vốn 600 tỷ đô la trong 5 năm.

Chương trình có tên gọi «Đối tác cho hạ tầng cơ sở và đầu tư thế giới» theo sáng kiến của Hoa Kỳ, dự kiến huy động nguồn vốn 600 tỷ đầu tư dành cho các nước đang phát triển từ nay đến năm 2027. Chương trình này dựa trên những «giá trị được chia sẻ», sự «minh bạch», tôn trọng quyền của người lao động, môi trường và bình đẳng và «chúng ta đề xuất những lựa chọn tốt nhất» cho các nước đang phát triển, theo như lời bình luận của ông Biden tại phiên họp đầu tiên của G7 ngày 26/06/2022.

Cả tổng thống Mỹ cũng như các lãnh đạo khác tham dự G7 đều không hề nhắc đến tên Trung Quốc trong dự án này, nhưng giới quan sát đều hiểu rằng đó là một chương trình nhằm mục tiêu ngăn chặn đà bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc trên thế giới, một mục tiêu sẵn có từ trước của các nước phương Tây, đi đầu là Hoa Kỳ.

Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, Ursula von der Leyen, nhận định rằng các nước đối tác của phương Tây, được ngầm hiểu là những nước đã đi theo hướng dân chủ thay vì theo Bắc Kinh, đã có lựa chọn để phát triển mạng lưới điện và hạ tầng cơ sở y tế của mình. Bà Ursula von der Leyen cho biết Liên Âu sẽ huy động 300 tỷ euros trong khuôn khổ chương trình để xây dựng hệ thống hạ tầng cơ sở thay thế cho các công trình trong dự án «Vành đai và Con đường» do chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng từ năm 2013.

Với chương trình đầu tư rộng lớn này, các nước phương Tây rõ ràng muốn chứng tỏ sự khác biệt với Trung Quốc, đặc biệt trong thiện chí đầu tư giúp các nước nghèo phát triển. Từ nhiều năm qua, Bắc Kinh đã đổ tiền ồ ạt vào hàng loạt các nước đang phát triển để xây dựng một hệ thống hạ tầng cơ sở phục vụ dự án toàn cầu của họ.

Tuy nhiên, Trung Quốc luôn bị tố cáo là tiến hành các dự án không minh bạch, những nguồn vốn vay rủi ro. Ngoài ra bên cạnh các ưu đãi đầu tư, Bắc Kinh luôn kèm theo các điều kiện về chính trị hay văn hóa với các chính phủ. Những hệ quả như vậy đã được thấy rõ ở nhiều nước châu Phi, sau chưa đầy một thập kỷ triển khai sáng kiến của Tập Cận Bình vẫn được gọi là «Con đường tơ lụa mới» của Trung Quốc.

Trong chương tình «đối tác toàn cầu cho hạ tầng cơ sở», riêng Hoa Kỳ hứa huy động 200 tỷ đô la trong 5 năm. Nhưng «huy động» đối với phương Tây không có nghĩa là viện trợ, hay các nước sẽ mang tiền của mình đổ vào các công trình hạ tầng cơ sở ở các nước đang phát triển. Các nguồn vốn đầu tư sẽ bao gồm các khoản vay, các nguồn tiền từ chính phủ hoặc tư nhân được các chính phủ khuyến khích.

Con số 600 tỷ trong 5 năm là rất lớn, không dễ dàng huy động được, nhất là vào thời điểm thế giới, chủ yếu các nước phương Tây, vừa chớm bước vào thời kỳ phục hồi sau đại dịch thì đã phải đối mặt với hàng loạt cuộc khủng hoảng lớn do cuộc chiến tranh tại Ukraina gây ra.

Câu hỏi lớn được đặt ra ở đây là, với ý đồ tốt như vậy, phương Tây có thể lật ngược xu thế các nước phát triển chạy theo sức hấp dẫn của nguồn tiền Trung Quốc? Hoa Kỳ tin vào thành công. Cuộc phản công trên mặt trận kinh tế và quyền lực mềm Trung Quốc này «đã có từ nhiều năm qua, nhưng không thực sự quá muộn», theo như nhận xét của một quan chức Nhà Trắng. Theo quan chức này, ngày càng có nhiều nước nhận được nguồn vốn hay đầu tư trong khuôn khổ dự án «Vành đai và Con đường» của Trung Quốc đã thấy rằng nền kinh tế của họ không hề được cải thiện, mà đất nước ngày thêm mắc nợ trầm trọng. Nhiều nước còn phải tính đến chuyện bán tài nguyên, công trình hạ tầng cho người Trung Quốc.

Dự án của các nước G7 về hạ tầng cơ sở toàn cầu vào lúc này chỉ cho thấy một điều: Phương Tây chưa bao giờ hết nỗi lo về tham vọng bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc trên thế giới.

Tags: , ,

More Stories From Á Châu

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh