Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Sunday, November 17, 2024

Cựu Ngoại trưởng Kissinger có bị chơi khăm?


Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger dự một lễ trao giải thưởng nơi Thủ tướng Đức Angela Merkel nhận giải “Henry A Kissinger” ở Viện Mỹ tại Berlin hôm 21/1/2020.–

Là một nhân vật cộm cán trong lịch sử ngoại giao Hoa Kỳ, nhờ chuyến đi “phá băng” trong quan hệ với Trung Quốc và nhờ cuộc chiến tranh Việt Nam, Henry Kissinger vẫn nổi như cồn suốt năm thập kỷ qua. Nhưng tuần này, tờ “Politico” tiết lộ về việc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ sắp tôn vinh một nhà ngoại giao từng làm Lãnh sự Mỹ ở Pakistan những năm 1970 nhưng đã bị Kissinger, lúc đó là Ngoại trưởng, cho về vườn vì bất đồng quan điểm…

Tôn vinh hay chơi khăm?

Tuần này, Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ có buổi lễ kỷ niệm để tưởng nhớ Archer K. Blood tại một phòng họp nằm trong tòa nhà Foggy Bottom của Bộ. Viên Lãnh sự Blood này vào năm 1971 đã dũng cảm phản đối cuộc đàn áp đẫm máu kinh hoàng tại Pakistan. Khi Bộ Ngoại giao tổ chức lễ kỷ niệm để tưởng nhớ nhà ngoại giao quá cố của Mỹ là để tôn vinh chủ nghĩa anh hùng của một cá nhân. Sẽ có một phòng họp được đặt tên Archer K. Blood để vinh danh sự nghiệp của ông. Kelly Keiderling, Phó trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Cục Nam và Trung Á cho biết: “50 năm trôi qua, nay là lúc phải nghĩ lại những giá trị cần được tôn vinh và hy vọng rằng, chúng ta tiếp tục giữ những giá trị đó như một phần đạo đức nghề nghiệp của chính mình”. Khi tưởng niệm Bloood như thế, những ai đã và đang làm việc tại Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ luôn nghĩ về một cái tên khác, tuy không nói ra, đó chính là cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger.

Chính TS. Kissinger chứ không phải ai khác là người đã hoạch định chính sách của Mỹ thời bấy giờ, chủ trương ủng hộ điều mà nhiều học giả ngày nay không ngần ngại nói thẳng ra là tội ác diệt chủng. Cách đây 51 năm, chính Ngoại trưởng Kissinger đã loại bỏ Blood ra khỏi Bộ Ngoại giao như một nhân vật bất đồng chính kiến. Vì vậy, có hàm ý rằng, buổi lễ trong tuần này sẽ là một “cái tát ngầm” dành cho chính khách của nền chính trị Reapolik, được sinh ra trong tòa nhà Foggy Bottom, đại bản doanh một thời của Kissinger và là nơi Blood chứng kiến ​​sự nghiệp ngoại giao của mình bị “trật đường ray”, vì đã dám phản đối chủ trương của vị Ngoại trưởng nổi như cồn một thời. Câu chuyện của Blood rất đáng ngưỡng mộ, dù có hoặc không có sự xuất hiện của Kissinger. Đây là sự cạnh tranh liên quan đến các giá trị dân chủ, lợi ích quốc gia và nhiệm vụ của một chuyên viên đối ngoại liên bang (1).

Nhà ngoại giao Hoa Kỳ Archer K. Blood là một trong số các quan chức Hoa Kỳ đã chứng kiến ​​chiến dịch bạo lực chống lại những người ly khai Bengali, chứng kiến các vụ sát hại hàng loạt sinh viên, trí thức và các dân tộc thiểu số theo đạo Hindu tại địa phương khi đó là Đông Pakistan. Mười triệu người tị nạn đã chạy sang nước láng giềng Ấn Độ. “Một triều đại kinh hoàng” – Blood đã báo cáo trong một điện tín gửi Washington ngay sau khi Pakistan thảm sát hàng ngàn người vô tội cùng với những cáo buộc không có căn cứ. Trong một thông điệp khác, Blood gọi đó là “tội ác diệt chủng có chọn lọc”. Vấn đề đối với Blood là Washington lúc bấy giờ hoàn toàn không muốn nghe những bức điện kiểu đó.

Chính quyền của Richard Nixon lúc bầy giờ lo ngại, Pakistan là một đối tác quan trọng trong chiến tranh lạnh và bất cứ chuyên viên ngoại giao nào của Mỹ tố cáo chính quyền Pakistan là một phức tạp không mong muốn. Nixon và Kissinger có lý do của họ: Chính quyền Pakistan hồi bấy giờ đó đã tạo điều kiện cho Kissinger bí mật tiếp cận Trung Quốc. Trong khi đó, những người ủng hộ người Bengal bao gồm Liên Xô và Ấn Độ, một chính phủ thân thiện với Moscow mà chính quyền ghê tởm. Các bức điện của viên Lãnh sự Blood đã khiến chính quyền phẫn nộ. Trong một cuộc trò chuyện tại Phòng Bầu dục với Nixon, Ngoại trưởng Kissinger lúc đó đã gọi Blood là “kẻ điên khùng ở Dhaka”. Sau đó, Blood được triệu hồi về Washington và bị sa thải. Từng là một ngôi sao đang lên, nhưng người ta giao cho ông một công việc hành chính. Sau đó Blood đã được Kissinger biệt phái đến Trường Cao đẳng Chiến tranh Lục quân, không nhận một chức vụ nào ở nước ngoài cho đến khi Kissinger rời đi.

Ủy viên Bộ Chính trị Lê Đức Thọ và Cố vấn Tổng thống Mỹ Henry A. Kissinger chụp hình với các trợ lý sau các đàm phán tại Paris hôm 23/5/1973. AP

“Chiến lược đảo ngược” của Kissinger

Phong cách “ngoại giao bí mật” của Kissinger tuy có hiệu quả nhưng gây tranh cãi vì trái với các giá trị dân chủ truyền thống. Chính vì thế, mà Kissinger bị Blood kiên quyết chống lại. Di sản Việt Nam và Bangalis là vết đen trong sự nghiệp mà Kissinger gọi là “một kinh nghiệm quốc gia bi thảm” (a tragic national experience). Kissinger thường bị sinh viên tẩy chay mỗi khi trở về Harvard là nơi ông từng giảng dạy. Bóng ma Việt Nam và Bangalis vẫn ám ảnh ông. Có lần được hỏi, ông nghĩ gì khi sinh viên Harvard một mặt vẫn phải đọc và học các sách ông viết ra, mặt khác vẫn kéo nhau xuống đường biểu tình chống lại ông. Kissinger không trả lời trực tiếp câu hỏi mà chỉ phán: “Nhờ có chúng tôi, thế giới mới được như hôm nay”.

Để có thể rút quân Mỹ khỏi Việt Nam “trong danh dự”, và để đối phó với Liên Xô trong thời chiến tranh lạnh, Kissinger đã bí mật gặp lãnh đạo Trung Quốc mấy chục lần, nhưng nhiều thành viên nội các và Bộ Ngoại giao Mỹ không biết. Pakistan là cầu nối Washington với Bắc Kinh, mà tướng Yahya Khan là đầu mối bí mật của Kissinger, khi “ngoại giao bóng bàn” giữa Mỹ và Trung Quốc nổi tiếng từ năm 1971. Kissinger đã đặt nền móng cho quan hệ Mỹ – Trung, làm thay đổi lịch sử và bàn cờ nước lớn trong mấy thập kỷ.

Nhờ chuyến đi “phá băng” trong quan hệ với Trung Quốc và nhờ cuộc chiến tranh Việt Nam, Henry Kissinger vẫn nổi như cồn cho đến hôm nay. Có thể nói Kissinger đã vận dụng thành công Cấu trúc Quyền lực (Concert of Powers) của châu Âu cũ vào trật tự thế giới thời chiến tranh lạnh, để Nixon bắt tay Mao (2/1972) chơi “con bài Trung Quốc”, rút quân Mỹ khỏi Việt Nam “trong danh dự” và tập trung đối phó với Liên Xô trong chiến tranh lạnh. Nhưng cái giá cho trò chơi realpolitik ấy là phải hy sinh Đài Loan vì “Một nước Trung Quốc” (One China Policy). Nay chuẩn bị bước sang tuổi “bách niên” nhưng ông không chịu ngồi yên. Ngày 23/5/2022 mới đây, Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới, ông đã một lần nữa làm dư luận dậy sóng khi khuyên Ukraine nhượng đất cho Nga để đổi lấy thỏa thuận hòa bình. ?” (2)

Kissinger đã tạo ra bước ngoặt lịch sử cho quan hệ hợp tác Mỹ – Trung trong một trật tự cách đây nửa thế kỷ, với chủ trương “Can dự Xây dựng” (Constructive Engagement) mà năm đời Tổng thống Mỹ đã theo đuổi. Trong khi Nixon đã thừa nhận sai lầm lịch sử trước khi nhắm mắt, thì Kissinger vẫn ngậm miệng ăn tiền để nhận giải Nobel hòa bình, và nay còn định đảo ngược lịch sử một lần nữa. Theo Kissinger, “thật không khôn ngoan khi có thái độ thù địch với hai đối thủ và thúc đẩy họ xích lại gần nhau. Trước mắt, chúng ta không nên gộp cả Nga và Trung Quốc lại với nhau như một yếu tố không thể tách rời. Chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên hoàn toàn mới…” Trong đó, Kissinger định chơi Reapolik lần nữa. Nhưng lần này, Kissinger khuyên, nên thay “lá bài Trung Quốc” bằng “lá bài Nga” để “ngăn đe” Trung Quốc. Liệu “Chiến lược đảo ngược” này của Kissinger có đất dụng võ? Liệu khi cuộc chiến tranh Nga – Ukraine kết thúc theo một kịch bản nào đó, chúng ta sẽ có dịp kiểm chứng tính hữu dụng của tân học thuyết Kissinger? (3)

Nguồn: bình luận của Mai Luân @ RFA

______________

Tham khảo:

1. https://www.politico.com/news/magazine/2022/06/24/henry-kissinger-archer-blood-state-department-00041932
2. http://www.viet-studies.net/kinhte/NQuangDy_Kissinger.html
3. https://www.voatiengviet.com/a/l%E1%BB%9Di-khuy%C3%AAn-c%E1%BB%A7a-kissinger-c%C3%B3-c%C3%B2n-gi%C3%A1-tr%E1%BB%8B-/6615871.html

Tags:

More Stories From Á Châu

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh