Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Sunday, December 22, 2024

Liên minh toàn cầu tiến hành giải quyết chiến lược hủy diệt của Bắc Kinh ở Thái Bình Dương


Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (Trái) nói chuyện trong một cuộc họp báo chung với Thủ tướng Fiji Frank Bainimarama tại thủ đô Suva của Fiji hôm 30/05/2022. (Ảnh: Leon Lord/AFP qua Getty Images)

Liên minh liên nghị viện về Trung Quốc (IPAC) đã công bố một diễn đàn mới để giải quyết ảnh hưởng đang diễn ra của Bắc Kinh ở Nam Thái Bình Dương, trong đó có hiệp ước an ninh quân sự gây tranh cãi với Quần đảo Solomon.

IPAC được thành lập vào năm 2020 sau khi dịch COVID-19 bùng phát và gồm 200 nghị sĩ từ 23 quốc gia đang tìm cách định hình chính sách và thảo luận về mối đe dọa do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) gây ra.

Diễn đàn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương IPAC sẽ sát cánh cùng các diễn đàn hiện có, như Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương và Diễn đàn Nghị viện Á Châu-Thái Bình Dương, và sẽ là một trong những diễn đàn chuyên dụng đầu tiên để đối phó với “các động lực tăng cường trong khu vực” do các hoạt động ảnh hưởng của Bắc Kinh gây ra, vốn đã làm gia tăng sự bất ổn trong khu vực này.

Bức ảnh này chụp các lá cờ từ các quốc gia thuộc quần đảo Thái Bình Dương đang được trưng bày tại Yaren vào ngày cuối cùng của Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương (PIF) vào ngày 05/09/2018. (Ảnh: Mike Leyral/AFP qua Getty Images)

“Diễn đàn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương IPAC cũng sẽ tăng cường phối hợp trong việc ứng phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực, chẳng hạn như hiệp ước an ninh gần đây được ký kết giữa chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Quần đảo Solomon,” theo một tuyên bố gửi The Epoch Times. Hành động này diễn ra sau lời kêu gọi của chuyên gia quốc phòng Michael Shoebridge đối với IPAC nhằm mở rộng sang khu vực Nam Thái Bình Dương.

Thành viên của diễn đàn sẽ tăng lên

Hiện tại, các nhà lập pháp từ Úc, New Zealand, Ấn Độ, và Nhật Bản đang tham gia vào Diễn đàn mới. Tuy nhiên, mục tiêu trung hạn là thu hút các nghị sĩ từ Nam Hàn, Đài Loan, Quần đảo Thái Bình Dương, và các đối tác dân chủ khác trong khu vực này.

Bà Ingrid Leary, nghị sĩ Đảng Lao Động liên bang ở New Zealand và là thành viên của IPAC cho biết: “Việc các nghị sĩ từ một số quốc gia Thái Bình Dương đang trong quá trình gia nhập IPAC cho thấy mức độ nghiêm túc trong việc họ nắm bắt tình hình đang thay đổi ở Thái Bình Dương.”

“Chúng tôi hoan nghênh tiếng nói của họ vì điều đó rất quan trọng nhằm thông báo cho liên minh về những quan điểm và hiểu biết của họ, cũng như cách họ mong muốn các quốc gia khác phản ứng với những động lực ngày càng gia tăng trong khu vực của họ.”

Trong khi đó, IPAC cho biết các thỏa thuận an ninh song phương, như thỏa thuận giữa Solomons và Bắc Kinh, là một ví dụ về chiến lược “chia để trị” đang được ĐCSTQ áp dụng để làm suy yếu các nhóm khu vực như Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương.

“Do đó, chúng tôi kêu gọi các chính phủ của chúng ta tiếp tục nói rõ với chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa — và bất kỳ chính phủ nào khác muốn can dự vào khu vực của chúng ta — rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm quân sự hóa các đảo ở Thái Bình Dương đều không được hoan nghênh và không thể chấp nhận được,” IPAC cho biết. “Các nền dân chủ phải sát cánh cùng nhau để duy trì hòa bình và ổn định của khu vực này.”

Bắc Kinh lợi dụng những nền dân chủ đang suy yếu

Diễn đàn mới của IPAC sẽ cần phải tiến hành nhanh chóng do sự bất ổn đang diễn ra của các thể chế dân chủ ở một số quốc gia Thái Bình Dương — nhiều quốc gia trong số đó tình cờ có mối liên hệ chặt chẽ với Bắc Kinh.

Tuần trước, Thủ tướng của chính phủ thân Bắc Kinh Bob Loughman đã giải tán Quốc hội của đất nước này nhằm tránh một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Ông Loughman đã phải đối mặt với áp lực trong nhiều tháng sau khi cố gắng thay đổi Hiến pháp của quốc gia để kéo dài thời hạn nhiệm kỳ từ bốn năm lên năm năm, đồng thời cho phép công dân ngoại quốc nắm giữ chức vụ trong chính phủ — có một lượng lớn công dân Trung Quốc trong khu vực này.

Thủ tướng Vanuatu Bob Loughman nói chuyện tại một cuộc thảo luận trong khuôn khổ Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương (PIF) ở Suva, Fiji, hôm 12/07/2022. (Ảnh: William West/AFP qua Getty Images)

Trước đó một tuần, ba nghị sĩ Tongan đã bị loại khỏi Quốc hội sau khi Tòa án phúc thẩm của nước này kết luận họ phạm tội hối lộ cử tri.

Mặc dù chính phủ Kiribati đã cố gắng trục xuất Thẩm phán người Úc David Lambourne, người phục vụ tại tòa án tối cao của quốc gia Thái Bình Dương này, nhưng ông Lambourne cũng là chồng của thủ lĩnh phe đối lập Tessie Lambourne, người mà ông nói là đang phải đối mặt với áp lực từ bỏ chính trị.

Thẩm phán này cho biết có “bằng chứng cụ thể mạnh mẽ” cho thấy chính sách của Trung Quốc là một yếu tố xác định vai trò của chính phủ này trong việc cố gắng trục xuất ông, cùng với sự ủng hộ mạnh mẽ của lãnh đạo phe đối lập ở Đài Loan.

Quần đảo Solomon lún sâu hơn vào vòng tay của ĐCSTQ

Tuy nhiên, câu chuyện chính trị đang diễn ra ở quần đảo Solomon đã thu hút sự chú ý nhiều nhất, đặc biệt là sau khi Thủ tướng Manasseh Sogavare ký một hiệp ước an ninh với Bắc Kinh sẽ cho phép vũ khí, cảnh sát, quân đội, và các tàu hải quân của Trung Quốc được đồn trú trong khu vực — chỉ cách 1,700 km từ thành phố Cairns, miền bắc nước Úc.

Solomons cũng là nơi diễn ra các cuộc giao tranh rộng lớn trong Trận chiến giành Guadalcanal của Đệ nhị Thế chiến.

Ông Sogavare đã tìm cách xoa dịu các nhà lãnh đạo phương Tây bằng sự bảo đảm rằng sẽ không có căn cứ quân sự nào được thiết lập ở Solomons — bất chấp những bằng chứng ngày càng nhiều về tham vọng quân sự lâu dài của Bắc Kinh đối với khu vực này.

Thủ tướng của Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare (Giữa) đến tuyên bố khai mạc Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương (PIF) ở Suva hôm 12/07/2022 (Ảnh: William West/AFP via Getty Images)

Hơn nữa, vị thủ tướng này cũng đã thắt chặt bang giao với Bắc Kinh trong khi vẫn đang làm việc để kéo dài thời gian tại vị.

Hôm 08/08, chính phủ ông Sogavare đã đệ trình một Dự luật lên Nghị viện để trì hoãn cuộc bầu cử của đất nước này thêm sáu tháng với lý do không tăng quá mức ngân sách của đất nước trong khi nước này đăng cai Thế vận hội Thái Bình Dương.

Mặc dù hôm 18/08, chính phủ này đã công bố một thỏa thuận vay 448.9 triệu nhân dân tệ (66.15 triệu USD) từ Ngân hàng Xuất nhập cảng quốc doanh Trung Quốc để tài trợ cho việc xây dựng 161 tòa tháp của đại công ty viễn thông gây tranh cãi Huawei — một lần nữa với lý do ủng hộ Thế vận hội Thái Bình Dương.

Quan hệ đối tác với Huawei đã gây ra những lo ngại rằng Solomons có thể bị ràng buộc sâu hơn vào Sáng kiến Vành đai và Con đường gây tranh cãi của Bắc Kinh và khiến các mạng di động và kỹ thuật số của quốc gia này bị vi phạm quyền riêng tư. Huawei bị cấm trên mạng 5G của một số quốc gia phát triển, trong đó có Úc, Hoa Kỳ, và Vương quốc Anh.

Nguon: Daniel Y. Teng daniel.teng@epochtimes.com.au.

Thanh Tâm @ ePochTimes biên dịch

Tags:

More Stories From Á Châu

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh