Tháng trước và tháng này, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền cũng như hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam thi nhau vẽ ra viễn cảnh tươi sáng nếu các cá nhân là “chủ nhân” của Việt Nam – tức người dân – giành được một suất… “xuất khẩu lao động” (XKLĐ) – mỹ từ chỉ chuyện đưa người Việt đi làm thuê ở khắp nơi trên thế giới. XKLĐ trở thành giải pháp hồi đầu thập niên 1980 và sau 40 năm đã trở thành “chiến lược” vì vừa có thể giải quyết việc làm cho các… “chủ nhân”, vừa dặm nền để… xây dựng CNXH.
Sau khi các viên chức hữu trách của Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội (LĐTBXH) tuyên truyền: Nếu được Nhật, Nam Hàn cho phép đến làm thuê, các cá nhân là… “chủ nhân” của Việt Nam có thể kiếm được “hàng ngàn đô/tháng” (1), lãnh đạo chính quyền nhiều địa phương tiếp tục tuyên truyền thêm. Ví dụ, đại diện chính quyền tỉnh Nghệ An khoe với Quốc hội và các “chủ nhân”: Mỗi năm, Nghệ An đưa từ 13.000 đến 14.000 “chủ nhân” đi làm thuê ở ngoại quốc, nhờ vậy tạo ra… “dòng chảy nửa tỉ USD/năm” (2). Công cuộc xây dựng CNXH trên toàn Việt Nam sắp tròn nửa thế kỷ nhưng cứ như những gì các viên chức hữu trách ở Nghệ An khoe thì chính việc đưa các “chủ nhân” đi làm thuê ở ngoại quốc mới… “mang lại nhiều lợi ích thiết thực, góp phần quan trọng trong giải quyết việc làm và đẩy mạnh phát triển kinh tế, xây dựng quê hương”, kể cả tạo ra nguồn tiền để… “thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới” – vốn vẫn được dùng như bằng chứng, chứng minh cho sự đúng đắn khi xây dựng CNXH tại Việt Nam!
Cho dù đã đưa hơn một trăm ngàn cư dân đi làm thuê ở “110 quốc gia và vùng lãnh thổ” nhưng các viên chức hữu trách ở Nghệ An chỉ trăn trở một điều, đó là làm sao để… “đưa công tác XKLĐ theo hướng có hiệu quả hơn”! Chẳng riêng Nghệ An, đưa các “chủ nhân” đi làm thuê cho ngoại nhân ở ngoại quốc mới được giới lãnh đạo đảng CSVN nâng lên thành… “chiến lược”, yêu cầu phải… “bài bản” hơn và được xác định như một yếu tố đặc biệt quan trọng trong… “Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội mười năm 2021-2030” (3).
Tuy giành và giữ độc quyền lãnh đạo toàn diện Việt Nam, dẫu luôn khẳng định về sự “tài tình và sáng suốt” của mình nhưng đảng CSVN hoàn toàn bất lực trong việc tạo dựng một xã hội mà “ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Nếu không bế tắc về sinh kế, không tuyệt vọng về tương lai, chắc chắn những… “chủ nhân” của Việt Nam không thi nhau tìm đường đi làm thuê ở ngoại quốc bằng đủ mọi cách, kể cả việc chấp nhận bị biến thành hàng hóa cho thiên hạ buôn – khiến Việt Nam trở thành một điểm nóng về tệ nạn buôn người, chấp nhận mạo hiểm tính mạng, chấp nhận bị ngược đãi, bị làm nhục, chấp nhận trở thành những cá nhân sống bất hợp pháp trên xứ người.
Không chỉ có thế! Để quảng bá cho “chiến lược XKLĐ”, các viên chức hữu trách trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền và hệ thống truyền thông chính thức tiếp tục giới thiệu những… “ngôi làng đổi thay nhờ XKLĐ” (4). Chẳng hạn, đầu tháng này, tờ VnExpress giới thiệu xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh đang “lột xác” khi “biệt thự mọc lên khắp xã” và gần như nhà nào cũng có “tivi, tủ lạnh, máy giặt, điều hòa, lò vi sóng…” nhờ đồng lòng… xuất ngoại đi làm thuê.
Đến giờ, chỉ thấy toàn đảng tiếp tục “hồ hởi, phấn khởi” với việc gửi các “chủ nhân” của quốc gia ra ngoại quốc làm thuê để họ tự cứu thân, cứu gia đình, qua đó giúp đảng… “xây dựng CNXH” bằng nguồn ngoại tệ càng ngày càng dồi dào, không thấy viên chức hữu trách nào thèm bận tâm về nhiều vấn nạn xã hội đã nảy sinh suốt bốn thập niên gửi “chủ nhân” đi làm thuê. Cách nay bốn tháng, tờ Công An Nhân Dân giới thiệu một phóng sự, nhấn mạnh, phía sau sự sung túc của chính xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh “là những sự thật đắng cay khi không ít lao động bỏ mạng xứ người, vợ chồng lục đục kéo nhau ra tòa, con cái hư hỏng khi thiếu sự chăm sóc, dạy bảo của bố mẹ” (4).
Tại sao “đội ngũ tiên phong” không nhận ra điều mà ai cũng biết: Những vấn nạn xã hội liên quan đến gia đình, đến nguồn nhân lực (không đủ sống, thiếu chuyên môn, thiếu kỹ năng) sẽ sớm trở thành chướng ngại vật đe dọa sự ổn định và phát triển của một quốc gia, một dân tộc? Tại sao không thấy “đội ngũ tiên phong” hổ thẹn, nhận trách nhiệm khi không hoàn thành “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” vào năm 2020 để các “chủ nhân” chỉ còn lựa chọn duy nhất là… xuất ngoại làm thuê nếu muốn đạt được ấm no?
Việc gia hạn mục tiêu “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” thêm mười năm nữa có đạt được không khi doanh nghiệp trong nước thì “khát” lao động (5), còn đa số “chủ nhân” hoàn tất hợp đồng đi làm thuê ở ngoại quốc khi quay trở về xứ sở của mình thì tiếp tục thất nghiệp, rơi trở lại vào vũng lầy đói nghèo (6). Đâu phải tự nhiên mà các “chủ nhân” của Việt Nam thi nhau bỏ trốn, chấp nhận tình trạng cư trú – làm việc bất hợp pháp trên xứ người (7) cho nên hết quốc gia này đến quốc gia khác không “tạm ngưng” tiếp nhận những “chủ nhân” của Việt Nam đến làm thuê thì cũng “tạm ngưng” tiếp nhận những “chủ nhân” của Việt Nam cư trú ở một số huyện, một số tỉnh nào đó (8).
Nguồn: Blog Trân Văn @ VOA
Chú thích
(3) https://baochinhphu.vn/xay-dung-chien-luoc-xuat-khau-lao-dong-bai-ban-10222082517405128.htm
(4) https://cand.com.vn/Phong-su/noi-buon-mang-ten-xuat-khau-lao-dong-i653023/
(6) https://vietnamnet.vn/vi-sao-nhieu-lao-dong-tu-nhat-tro-ve-that-nghiep-2058959.html
(8) https://nld.com.vn/cong-doan/lao-dao-mat-uy-tin-vi-lao-dong-bo-tron-20220915205435411.htm