Cần Thơ: Dân tố bảo vệ công ty Cadif đánh dân trong dự án khu đô thị mới Thới Lai
Posted by Luu HoanPho, Nov 1, 2022, Comments Off
Khu đô thị mới Thới Lai do CADIF đầu tư xây dựng.
Người dân tố cáo Công ty Cổ phần Đầu tư Cadif, trực thuộc Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Cần Thơ thuê người rào thửa đất đang ở tình trạng tranh chấp và đánh dân khi bị phản đối.
Ông Nguyễn Hoàng Trung Kiên, 32 tuổi là người dân có đất ở nằm trong Dự án khu đô thị mới Thới Lai (huyện Thới Lai) do công ty Cadif làm chủ đầu tư.Theo ông Kiên thuật lại, vào sáng 26/10, các bảo vệ thuộc Công ty Cổ phần Dịch vụ Bảo vệ An ninh Cần Thơ được thuê đến khu đất để rào lưới sắt B40, khi gia đình ông gồm mẹ và ba chị em ông Kiên ra phản đối thì xảy ra xô xát giữa hai bên.
Bà Bùi Kim Ba, mẹ ông Kiên – năm nay 65 tuổi, bị xây xước ngoài da và tổn thương phần mềm.
Ông cho biết, công an địa phương xuống hiện trường sau khi nhận được tin báo về vụ việc, họ có trích xuất băng ghi hình từ camera an ninh của công trình để điều tra vụ việc.
Phóng viên gọi điện thoại cho công an và Uỷ ban Nhân dân huyện Thới Lai nhưng không ai nghe máy.
Chúng tôi cũng gọi điện cho Công ty Cổ phần Dịch vụ Bảo vệ An ninh Cần Thơ để kiểm chứng thông tin, một giọng nam phủ nhận chuyện có hợp đồng dịch vụ bảo vệ với với Công ty Cadif.
Ngoài ra, một nhân viên nữ của Công ty Cadif cho biết lãnh đạo của công ty đi họp hết và không thể trả lời các câu hỏi của phóng viên, đề nghị phóng viên để lại số điện thoại.
Thu hồi đất đai và đền bù không thoả đáng
Cha của Kiên là ông Nguyễn Hoàng Việt có hai mảnh đất bị thu hồi vì dự án trên.
Hồi năm 2020, ông Kiên tuyên chín tháng tù giam sau khi dùng máy xúc, ủi sập nhà kho của công ty Cadif trên phần đất bị UBND huyện Thới Lai cưỡng chế giao cho công ty này.
Tháng 8/2020, ông Kiên uống thuốc trừ sâu tự tử, trước ngày chấp hành án một ngày nhưng may mắn được cấp cứu kịp thời, tuy nhiên sau đó ông cũng phải chấp hành án.
Ngoài ra, thửa đất rộng gần 300 m2 đất cặp lề tỉnh lộ 922 của gia đình ông Việt sinh sống ổn định từ trước năm 1990 tới nay, là phần diện tích đang tranh chấp.
Ông Kiên cho biết mảnh đất này của gia đình ông có trong sổ mục kê, trong danh sách kiểm kê là đất ở đô thị do Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Thới Lai công nhận.
Mảnh này bị thu hồi cho dù không có quyết định thu hồi đất. Mãi đến tháng 5/2021, chính quyền thành phố Cần Thơ mới ban hành quyết định thu hồi đất bổ sung.
Tuy nhiên, do không đồng tình với mức giá đền bù (3 triệu đồng/mét vuông so với giá đền bù 6 triệu đồng/mét vuông cho các gia đình khác ở cùng khu) nên ông Việt đã đưa đơn kiện lên Toà án Nhân dân Tối cao và đang chờ thụ lý.
Trước đó, gia đình ông và công ty thoả thuận không thay đổi hiện trạng mảnh đất trước khi có phán quyết của Toà án Nhân dân Cấp cao tại thành phố Cần Thơ.
Gia đình ông Việt khởi kiện quyết định của thành phố Cần Thơ vì quyết định này dựa trên Nghị quyết 65 năm 2016 của Hội đồng Nhân dân thành phố, trong khi nghị quyết này phê duyệt dự án tại ấp Thới Thuận A trong khi trên thực tế dự án được thực hiện tại ấp Thới Thuận B.
Quyết định thu hồi đất có trước rồi mới sửa đổi chủ trương đầu tư- mà theo nguyên tắc quy định pháp luật thì sai nguyên tắc trình tự, ông Kiên cho biết.
“Nguyên một dãy đất 46 hộ, chỉ có 13 hộ được bồi thường theo giá 6 triệu đồng/mét vuông. Những chủ hộ này là cán bộ, người làm trong bộ máy chính quyền địa phương và người mua đất sau này được xét và công nhận đủ điều kiện nhận bồi thường theo giá đất ở.
Còn những gia đình gốc sống ở đây từ trước năm 1980 như gia đình tôi, có sổ mục kê, giấy chứng nhận văn phòng nhà đất, đăng ký đất đai là đất ở, thu thuế là đất ở nhưng chỉ được hỗ trợ 50% diện tích chứ không có bồi thường.
Khi chúng tôi hỏi căn cứ nào để xét cho người dân thì (Phòng Tài nguyên-Môi trường huyện- PV) không trả lời, chỉ nói là không đủ điều kiện.”
Ông nói gia đình ông tiếp tục gửi đơn khiếu nại yêu cầu căn cứ vào các giấy tờ như sổ mục kê, hoá đơn đóng thuế và xác nhận của văn phỏng đất đai để được xác nhận là đất ở, với nguyện vọng của gia đình là được bồi thường như các gia đình khác. Ông Kiên nói:
“Căn cứ vào các giấy tờ đó để xác nhận đất của gia đình tôi là đất ở và được bồi thường với giá như của người ta.”
Ông Kiên cho RFA biết gia đình ông cùng nhiều hộ khác rất băn khoăn khi chính quyền thành phố Cần Thơ không cho họ biết giá đất nền nơi định cư mới. Hiện tại bên Uỷ ban bán lại nhưng chưa công bố giá bán mà nói sẽ báo giá khi xong dự án.
Nguyện vọng của ông Kiên và gia đình là cơ quan nhà nước căn cứ vào các giấy tờ họ có thì xác nhận đất đủ điều kiện là đất ở để có thể nâng giá đền bù và được hưởng chính sách tái định cư với giá mua lại đất thấp.
Một người dân khác, ông Lương Hoàng Đông ở Thới Thuận B cho phóng viên biết gia đình ông cũng bị thu hồi 120 mét vuông đất ở với giá 3 triệu đồng/mét vuông và gần 8.000 mét vuông đất ruộng lúa với số tiền 2,2 tỷ đồng. Gia đình ông cũng được hứa sẽ cho mua một mảnh đất trong khu vực dự án nhưng giá cả chưa được xác định.
Ông Đông cho phóng viên biết gia đình đã khiếu nại lên Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Thới Lai để được công nhận phần đất ở với hy vọng sau này có quyền lợi cao hơn nếu mua lại đất ở trong khu dự án.
Dự án khu đô thị mới Thới Lai có 140 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó có 57 hộ có nhà và đất cặp lề Đường tỉnh 922. Ông Kiên nói cho đến nay, 138 hộ đã nhận tiền đền bù, chỉ còn hai gia đình là gia đình ông Nguyễn Hoàng Việt và gia đình con gái ông Việt là bà Nguyễn Thị Kim Kiều.
Dự án sai sót từ bước đầu
Báo Thanh Tra của Thanh tra Chính phủ ngày 28/7 năm nay có bài viết tựa đề Cần sớm giải quyết dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng nói về Dự án Khu đô thị mới huyện Thới Lai với nhiều sai sót dẫn đến hệ luỵ và tồn đọng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Theo đó, dự án này do Công ty Cadif thực hiện với tổng diện tích xây dựng 97.588 m2, tổng mức đầu tư 783,29 tỷ đồng. Bài báo viết dự án có sai sót ngay từ khi bắt đầu, với việc ghi sai địa điểm thực hiện dự án là ấp Thới Thuận A, trong khi trên thực tế thì vị trí thửa đất xây dựng thuộc ấp Thới Thuận B.
Theo cơ quan thanh tra, trong quá trình thực hiện dự án từ khi bắt đầu đã có nhiều sai sót của hàng loạt các cơ quan như Công ty Cadif; Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Xây dựng thành phố Cần Thơ; Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Kinh tế và Hạ tầng, và Ban Quản lý dự án và phát triển quỹ đất của huyện Thới Lai.
Các sai sót của các cơ quan trên dẫn đến việc tham mưu cho UBND huyện Thới Lai giải quyết khiếu nại lần đầu là 15 hộ và Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ lần hai là 12 hộ phải thu hồi quyết định giải quyết lần 1 và lần 2 và chưa thu hồi diện tích đất ngoài ranh quy hoạch 124,5m2 theo yêu cầu của 10 hộ dân bị ảnh hưởng là chưa đúng với quy định của pháp luật làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện của dự án.
Thanh tra kết luận từ sai sót dẫn đến những hệ lụy, rắc rối đến nay vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm liên quan đến công tác đền bù, giải phóng mắt bằng, hỗ trợ tái định cư của một số hộ dân chịu ảnh hưởng bởi dự án.
Về công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, đến tháng 5/2022 đã phê duyệt 140 hộ; đã nhận tiền 124/140 hộ, chưa nhận tiền 16 hộ. Hiện đã có 121 hộ giao mặt bằng, còn lại 19 hộ chưa bàn giao.
Báo Thanh Tra cũng nói vào cuối năm 2017, cơ quan thanh tra tiếp nhận đơn thư của ông Nguyễn Hoàng Việt phản ánh gia đình ông bị thu hồi 295,9 m2 đất ở đô thị cho dù không có quyết định thu hồi đất. Tháng 5/2021, chính quyền thành phố Cần Thơ mới ban hành quyết định thu hồi đất bổ sung cho mảnh đất này.
Gia đình ông Việt còn bị thu hồi 3005,4m2 (đất trồng lúa) mà gia đình ông đồng ý giao cho chủ đầu tư để hưởng chính sách 11 suất tái định cư (trong đó vừa giao vừa xét mua) mà các ban, ngành đã thống nhất giao cho gia đình ông và các con.
Tuy nhiên, đến ngày 15/1/2019, UBND huyện Thới Lai vẫn đưa lực lượng đến cưỡng chế để buộc gia đình ông Nguyễn Hoàng Việt mất các chính sách trên.
Vấn đề mà gia đình ông Nguyễn Hoàng Việt cùng với một số hộ dân bị ảnh hưởng khác bức xúc là: Tại sao trong số 56 hộ cùng dãy đất, cùng sinh sống nhưng lại có 13 hộ được bồi thường 6 triệu đồng/m2 và cấp nền tái định cư (trong đó 2 hộ có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và 11 hộ không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Các hộ còn lại thì chỉ nhận bồi thường 3 triệu đồng/m2 và không được cấp nền tái định cư, mà chỉ được quyền mua.
Nguồn: RFA