Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Friday, November 22, 2024

“Drone trên biển”: Vũ khí mới của Kiev trong cuộc chiến tranh chống Nga?


Ảnh vệ tinh của hãng Maxar Technologies cho thấy chiếc Moskva, soái hạm trước đây của Hạm Đội Biển Đen, neo tại cảng Sébastopol (Crimée) ngày 07/04/2022. AP.

Vào lúc tờ mờ sáng ngày 29/10/2022, nhiều chiếc drone trên biển, có lẽ là của Ukraina, đã tấn công cảng Sebastopol của Nga ở Crimée. Ít nhất 3 tàu Nga được cho là đã bị trúng đạn, trong đó có chiếc Makarov, soái hạm mới của Hạm Đội Biển Đen.

Quy mô thiệt hại vẫn chưa rõ ràng, nhưng dẫu sao đây là một vố đau mới cho Hải Quân Nga, ba tuần sau vụ phá hoại Cầu Crimée, vài tháng sau khi Tổng Hành Dinh Hải Quân Nga bị drone trên không tấn công, và sáu tháng sau khi chiếc Moskva, soái hạm khi ấy của Hạm Đội Biển Đen, bị bắn chìm.

Cảng Sebastopol là một địa điểm có tính chiến lược cao đối với Hải Quân Nga, vì đây là nơi đóng quân của Hạm Đội Biển Đen. Một địa điểm quan trọng đối với cả cuộc chiến ở Ukraina lẫn khả năng vươn xa đến tận vùng Địa Trung Hải.

Nga tố cáo Ukraina dùng cả drone trên biển lẫn trên không

Ngay sau khi vụ tấn công xẩy ra, Nga đã lập tức tố cáo Ukraina là thủ phạm, nêu bật việc sử dụng loại drone trên biển, tức là những chiếc thuyền không người lái có mang theo chất nổ.

Theo nhật báo Pháp Libération ngày 30/10, thông báo chính thức đầu tiên đề cập đến cuộc tấn công này đến từ thống đốc Nga của Sebastopol. Vào lúc 4 giờ 13 sáng theo giờ Paris, nhân vật này xác nhận: “Chiến hạm thuộc Hạm Đội Biển Đen đã đẩy lùi một cuộc tấn công bằng drone trong vùng biển của Vịnh Sebastopol. Không có cơ sở nào trong thành phố bị ảnh hưởng. Chúng tôi vẫn bình tĩnh. Tình hình đang trong tầm kiểm soát ”. Các hình ảnh và các tuyên bố khác nhau cho thấy là cuộc tấn công xảy ra vào lúc tảng sáng.

Theo tuyên bố của bộ Quốc Phòng Nga, cuộc tấn công vào Sebastopol được cho là có sự tham gia của 7 chiếc drone trên biển và 9 chiếc drone trên không. Trên các hình ảnh nghiệp dư khác nhau, hoặc hình ảnh do chính quyền Ukraina công bố (những hình ảnh do drone bay trực tiếp chụp được) và đã được chứng thực, ta có thể thấy ít nhất sáu chiếc drone trên biển khác nhau, ba chiếc được sử dụng trước bình minh, và ba chiếc nữa sau đó.

Trong một số đoạn video, người ta thấy lực lượng Nga cố gắng bắn chận các chiếc drone đang tiến gần đến tàu của họ. Ít nhất hai chiếc bị phá nổ trước khi tiếp cận mục tiêu.

Theo các hình ảnh kể trên, căn cứ vào hình dạng và thiết bị của các con tàu, có hai chiến hạm Nga đã bị đánh trúng. Trước hết là một khinh hạm lớp Đô đốc Grigorovich, mà một số nhà phân tích xác định rằng đó là chiếc Makarov, soái hạm của Hạm Đội Biển Đen, sau khi soái hạm trước đó là chiếc Moskva bị đánh chìm vào tháng 4.

Con tàu thứ hai bị bắn trúng là tàu rà mìn thời Liên Xô mang tên Ivan Golubets, mà theo chính bộ Quốc Phòng Nga, đã bị một vài “thiệt hại nhỏ”.

Còn có một chiếc tàu khác bị tấn công ngay trong cảng Sebastopol, nhưng không rõ là tàu nào. Ngoài chiếc Ivan Golubets, Nga vẫn mập mờ, chỉ nói đến “một số tàu” bị tấn công.

Kiev cố tình mập mờ, chỉ chế nhạo đối phương

Về phần mình, chính quyền Kiev không chính thức nhận trách nhiệm về vụ tấn công, nhưng để cho cơ quan tình báo chế nhạo phản ứng của đối phương.

Theo Libération, chỉ vài giờ sau chiến dịch, tình báo Ukraina đã chia sẻ trên các mạng xã hội khác nhau của họ một thông điệp đáng chú ý: “Đây là thời điểm cho Bavovna! Và điều này có nghĩa là thiết bị của Nga và cứ điểm của những kẻ chiếm đóng lại bị phá hủy”.

Tờ báo giải thích: “bavovna” là một từ ngữ mỉa mai của Ukraina, được sử dụng để chế nhạo cách người Nga giảm thiểu quy mô tổn thất của các vụ nổ xảy ra trên địa bàn của họ, đặc biệt là sau các cuộc tấn công của Ukraina. Kiểu phủ nhận về mặt chính thức, nhưng lại công nhận một cách không chính thức là điều thường được chính quyền Ukraina áp dụng kể từ đầu cuộc chiến đến nay.

Đối với Libération, vũ khí được sử dụng trong cuộc tấn công hôm 29/10 rõ ràng là mang chữ ký của Kiev, chủ yếu sử dụng loại drone trên biển, tức là các thiết bị nhỏ, được điều khiển từ xa, phát nổ khi tiếp xúc với mục tiêu.

Đây là những thiết bị rẻ tiền, có thể được chế tạo bằng cách sử dụng các linh kiện dùng trong các sản phẩm thương mại dân dụng như động cơ mô tô nước chẳng hạn.

Một thiết bị loại này, có hình dạng tương tự như các chiếc drone trên biển được thấy trong các đoạn video do chính quyền Ukraina công bố, đã được chụp ảnh vào tháng 9 sau khi dạt vào bờ biển vùng Crimée.

Theo Le Figaro, một bức ảnh chụp nhanh đăng tải trên internet cho thấy chiếc drone trên biển đó có kích thước của một chiếc xuồng kayak, được trang bị một máy ảnh quang điện, một máy đo xa laser và một ăng-ten vệ tinh Starlink, cho phép điều khiển thiết bị từ xa. Hai vết lồi ở mũi drone dường như là ngòi nổ, ủng hộ giả thuyết về một “chiếc drone kamikaze”.

Le Figaro: Nguồn gốc các chiếc drone còn mơ hồ

Chiến dịch tấn công Sebastopol hôm 29/10 đã được nhật báo Le Figaro khen ngợi vì đã kết hợp hai loại drone vừa trên không, vừa trên biển, cho thấy trình độ thành thạo của lực lượng Ukraina trong lĩnh vực thiết bị không người lái. Vấn đề là nguồn gốc các chiếc drone trên biển do Ukraina sử dụng vẫn chưa rõ ràng.

Đối với Le Figaro, cuộc tấn công nhằm vào Hạm Đội Biển Đen của Nga ở Sebastopol là điều chưa từng có trong cuộc xung đột Ukraina, khẳng định tầm quan trọng của thiết bị không người lái trong cuộc chiến tranh “cường độ cao” này, nơi mỗi bên đều nỗ lực mở rộng kho vũ khí và phương tiện không người lái, dùng để tấn công hay giám sát và tình báo

Phía Nga đã tố cáo một số nước từ Anh đến Canada giúp đỡ Ukraina trang bị drone trên biển. Matxcơva khẳng định đã phân tích mảnh vỡ đến từ các chiếc drone được sử dụng hôm 29/10, và phát hiện ra các linh kiện do Canada chế tạo. Nga còn tố cáo Anh đứng sau các vụ tấn công tại Crimée.

Theo Le Figaro, Anh Quốc quả thực là đã loan báo vào tháng 8 vừa qua quyết định cung cấp cho Ukraina sáu chiếc tàu lặn không người lái để chống mìn. Thế nhưng, đặc điểm của các thiết bị đó không khớp với những gì được biết về tính chất tấn công của chiến dịch được triển khai vào sáng 29/10 tại Sebastopol.

Về phần mình, Hoa Kỳ cũng đã từng đề cập đến “các tàu phòng thủ ven biển không người lái” như một phần trong số vũ khí cung cấp cho Ukraina. Nhưng Lầu Năm Góc luôn giữ kín về những phương tiện đó, chỉ nói rằng sẽ trích ra từ kho dự trữ của Hải Quân Hoa Kỳ.

Nga cũng đã trực tiếp cáo buộc Kiev lợi dụng hành lang được thiết lập để xuất khẩu ngũ cốc Ukraina, một tuyến đường biển từ Odessa đến vùng biển Rumani, để tấn công Sebastopol. Cụ thể hơn, Nga tố cáo việc drone trên biển của Ukraina được phóng đi từ vùng lân cận Odessa, sau đó đi theo hành lang xuất khẩu ngũ cốc để đến vùng Sebastopol. Nga thậm chí còn khẳng định rằng drone đã được phóng đi từ các tàu dân sự sử dụng tuyến hàng hải đặc biệt này.

Theo Libération, Matxcơva đã viện cớ như trên để đình chỉ thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc từ các cảng của Ukraina, bất chấp thực tế là hành lang xuất khẩu đó, và rộng hơn là hành trình của các con tàu vận chuyển ngũ cốc đến eo biển Bosphorus, không hề đến gần cảng Sebastopol.

Nguồn: RFI/Trọng Nghĩa

Tags: ,

More Stories From Thế Giới

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh