Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Sunday, December 22, 2024

Millon hoãn phiên đấu giá ấn vàng vua Minh Mạng sau khi Việt Nam phản đối


Hình ảnh ấn vàng “Kim bảo tỷ”, tức con dấu truyền đời của các vua Nguyễn, được quảng cáo trong thông báo đấu giá của Millon hiện đã bị rút xuống. Hãng đấu giá thông báo lùi ngày đấu giá mới sang 10/11.

Cuộc đấu giá con dấu truyền đời của các vua Nguyễn thế kỷ 19 đã bị hoãn lại tại Pháp sau khi chính quyền Việt Nam cho biết họ đang tìm kiếm các cuộc đàm phán nhằm có thể lấy lại được ấn tín bằng vàng này.

Nhà đấu giá Millon của Pháp thông báo trên trang web chính thức rằng phiên đấu giá, ban đầu được ấn định vào chiều ngày 31/10 tại Paris, đã được rời sang ngày 10/11 với lý do được đưa ra là vì cổ vật này nhận được “sự quan tâm mạnh mẽ của nhà nước Việt Nam”. Tuy nhiên Millon không đưa ra thêm chi tiết về sự quan tâm đặc biệt của chính phủ Hà Nội.

Giá khởi điểm mà nhà đấu giá Pháp thông báo sẽ cho lên sàn đấu giá vào ngày ấn định ban đầu cho ấn vàng có tên “Kim bảo tỷ” là từ 2 đến 3 triệu euro. Thông báo về buổi đấu giá dự kiến cho ngày 31/10 hiện không còn truy cập được trên trang web của Millon.

Theo mô tả của hãng đấu giá, ấn vàng cao 10,4 cm, mặt ấn hình vuông và nặng 10,78 kg. Hình ảnh của ấn vàng được công bố cho thấy quai ấn đúc hình một con rồng uốn khúc, đầu ngẩng cao nhìn về phía trước và trán rồng có khắc chữ “vương” trong tiếng Hán, tức “vua.”

Ấn “Kim bảo tỷ”, mà truyền thông trong nước gọi là “Hoàng đế chi bảo”, được vua Minh Mạng, người trị vì từ 1820 đến 1841, cho đúc bằng vàng ròng vào năm 1823 và là bảo vật được truyền qua các đời vua Nguyễn cho đến vua Bảo Đại.

Chiếc ấn này nằm trong số các tài sản mà vua Bảo Đại viết di chúc để lại cho người vợ sau cùng của ông, bà Monique Baudot, sau khi ông qua đời vào năm 1997, theo Thông tấn xã Việt Nam. Một năm sau khi bà Baudot, công dân Pháp, qua đời, chiếc ấn vàng được mang ra bán đấu giá ở Paris.

Cùng với ấn vàng “Kim bảo tỷ”, Millon còn dự kiến đưa ra đấu giá trong cùng phiên ngày 31/10 một cổ vật khác của nhà Nguyễn là chiếc bát vàng triều Khải Định, trị vì từ 1917 đến 1925.

Trích dẫn thông tin từ Cục Di sản Văn hóa hôm 1/11, tờ Tuổi Trẻ cho biết, sau nỗ lực ngoại giao của Việt Nam, hãng Millon đã đồng ý tạm hoãn đấu giá ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” trong 10 ngày và cho phép Việt Nam thương lượng để mua trực tiếp.

Các quan chức Việt Nam cho biết khả năng có thể đạt được một thỏa thuận trước thời hạn chót, theo Bloomberg.

Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế của Bộ VH-TT-DL, bà Nguyễn Phương Hòa, nói với Bloomberg rằng “Ấn vàng Hoàng đế chi bảo là một món đồ cổ đại diện cho nhiều giá trị của một thời kỳ lịch sử của Việt Nam”. Bà Hòa còn cho biết Việt Nam đã tìm cách trì hoãn cuộc đấu giá để “hai bên có một cuộc đàm phán trực tiếp với hy vọng lấy lại được cổ vật cho Việt Nam”.

Đại diện dòng dõi nhà Nguyễn ở Việt Nam cũng gửi thư kháng nghị đến hãng đấu giá Millon để phản đối họ đưa ra bán đấu giá hai món đồ của nhà Nguyễn và yêu cầu họ hủy phiên đấu giá.

VOA chưa nhận được phản hồi yêu cầu bình luận từ nhà đấu giá Million.

Tại thông báo hoãn đấu giá chiếc ấn vàng, Millon cho biết bảo vật này thuộc sở hữu của vua Bảo Đại, vị hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn và cũng là của Việt Nam, và được vị vua này truyền lại cho con cháu của mình.

Vua Bảo Đại thường được sách báo của nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam xem là một vị vua bù nhìn gắn với chính quyền Pháp khi nước này đô hộ Việt Nam trong nhiều thập kỷ, cho đến khi Pháp bị các lực lượng cứu quốc Việt Nam đánh bại vào năm 1954.

Vua Bảo Đại sống lưu vong ở Pháp sau khi bị lật đổ vào năm 1954 cho đến khi qua đời.

Trước đây, một chiếc đồng hồ Rolex của vua Bảo Đại, một trong những loại hiếm nhất, được nhà đấu giá Phillips bán với giá hơn 5 triệu USD vào năm 2017, theo Forbes. Được chế tác từ vàng 18 karat, chiếc đồng hồ này là một trong ba mẫu có mặt số đen duy nhất còn tồn tại. Đây cũng là chiếc đồng hồ duy nhất có vạch kim cương ở các giờ chẵn, khiến nó trở thành món đồ độc nhất vô nhị.

Nguồn: VOA Tiếng Việt

Tags: ,

More Stories From Văn Hóa

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh