Đồng Tâm cải tạo nhà văn hoá trên đất nhà thờ Công giáo, công an rải kín xã
Posted by Luu HoanPho, Nov 8, 2022, Comments Off
Các giáo dân đặt tượng Đức Mẹ tại nhà văn xóa xã Đồng Tâm ngày 22/12/2020.
Nhà chức trách thành phố Hà Nội đưa hàng trăm công an xuống xã Đồng Tâm để hỗ trợ chính quyền xã trong dự án xây và cải tạo nhà văn hoá thôn Hoành trên mảnh đất Song Bát của nhà thờ Công giáo và trấn áp sự phản đối của dân trong giáo xứ.
Theo một người dân tên Hoa ở thôn Hoành (tên đã được đổi vì lý do an ninh theo yêu cầu của người được phỏng vấn), hàng trăm công an, cảnh sát cơ động cùng nhiều xe cứu thương, xe thùng (để bắt người) được điều động vào xã Đồng Tâm từ ngày 1/11. Người này nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA):
“Hàng trăm công an và cảnh sát cơ động được đưa tới xã Đồng Tâm ngày mùng 8/10 Âm lịch (tức ngày 1/11 Dương lịch- PV). Xe cứu thương, cứu hỏa, xe bắt người rất nhiều đậu ở sân vận động xã. Mọi lối đi vào xã đều có chốt canh rào chắn.
Các lối ra vào làng đều có rào chắn, mỗi chốt có từ năm đến bảy công an canh chốt. Cũng không kém cái ngày cưỡng chế đất Đồng Sênh là mấy!”
Đồng Sênh là một khu đất rộng khoảng 59 ha và là điểm nóng tranh chấp đất giữa người dân địa phương và chính quyền thành phố.
Đầu năm 2020, Bộ Công an Việt Nam và Công an thành phố Hà Nội điều động khoảng 3.000 cảnh sát cơ động tấn công vào làng Hoành, bắn chết thủ lĩnh tinh thần là ông Lê Đình Kình, và bắt giữ khoảng 30 người khác. Vụ tấn công cũng khiến ba công an bỏ mạng.
Những người dân Đồng Tâm này bị tuyên hai mức án tử hình, một án chung thân và nhiều án tù và án treo về tội “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ.”
Một người khác tên Hồng (cũng được đổi tên vì lý do an ninh) ở thôn Hoành cho RFA biết, ngày hôm sau một số công an được rút đi, số còn lại thì đa số mặc quần áo dân sự lảng vảng trên các con đường của thôn. Một số khác thì được đưa vào tận các gia đình giáo dân- những người phản đối việc xây dựng nhà văn hoá thôn trên đất Song Bát của giáo xứ.
Theo bà Hồng, có khoảng 80 hộ dân trong giáo xứ trong khoảng 300 hộ dân Công giáo ở đây phản đối dự án trong khi khoảng 1.300 hộ dân khác của thôn Hoành không có ý kiến về dự án này. Công an được cử đến nhà của những hộ dân phản đối, ở đó cả ngày và chỉ ra về khi trời tối.
Có trường hợp công an còn nấu cơm hộ cho một phụ nữ đang bị bệnh, bà Hồng nói, bổ sung rằng đa số viên công an mà bà tiếp xúc thì còn rất trẻ, dường như là sinh viên của trường công an-cảnh sát được điều động về, và họ đều nói giọng miền Trung.
Bà Hồng cho biết từ ngày 1/11, mảnh đất Song Bát được quây kín bằng tôn cao hơn đầu người và do vậy, từ bên ngoài không biết người bên trong đang làm gì. Trên tường bằng tôn có biển hiệu “Khu vực thi công, không phận sự cấm vào.”
Bà Hồng cho biết thêm người lạ đi vào xã thì bị soi xét nhưng người dân địa phương thì đi lại bình thường và không gặp trở ngại gì trong sinh hoạt thường nhật.
Dự án cải tạo và nâng cấp Nhà Văn hoá thôn Hoành gặp phải sự phải đối của linh mục và giáo dân của giáo xứ Công giáo nằm trong thôn Hoành, vì công trình này nằm trên đất Song Bát của nhà thờ. Mảnh đất này có diện tích hai mẫu Bắc Bộ (7.200 mét vuông).
Theo linh mục Giuse Nguyễn Văn Thoan, linh mục chánh xứ của giáo xứ này thì khu đất này thuộc về giáo xứ cách đây hơn 100 năm, do Cha Loan (Hội thừa sai) mua để giúp việc dầu đèn nhà thờ.
Phóng viên RFA nhận được một văn bản mang tên Quyết nghị của Uỷ ban hành chính tỉnh Hà Đông ban hành ngày 27/6/1956 với chữ ký của ông Chủ tịch Nguyễn Chí Trực với nội dung “Ủy ban hành chính tỉnh đồng ý để lại cho nhà thờ xứ ruộng hai mẫu đất… để xử dụng vào việc thờ cúng và cho những nhà tu hành có điều kiện sinh sống làm việc tôn giáo.”
Phóng viên đã liên lạc với linh mục Thoan nhưng ông không trả lời. Một linh mục muốn ẩn danh ở khu vực gần đó cho phóng viên biết qua tin nhắn:
“Xã Đồng Tâm đang xây nhà văn hoá với hướng mở là cả hai cùng sử dụng, ví dụ khi giáo xứ dâng hoa, rước hoặc lễ ngoài đó.
Chính quyền mời cha xứ ra họp nhưng ngài không ra vì chủ trương của ngài là đòi lại toàn bộ miếng đất Song Bát này.
Hôm qua (6/11-PV) gặp ngài đi lễ chầu lượt ngài nói chuyện một số giáo dân bức xúc muốn ra đập phá nhà văn hoá nhưng ngài không cho.”
Phóng viên gọi điện cho Văn phòng Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội nhưng người nhấc máy đã dập máy sau khi phóng viên giới thiệu. Sỹ quan trực ban của Công an huyện Mỹ Đức thì nói phóng viên đến trụ sở của cơ quan để được cung cấp thông tin.
Theo trang Facebook Huyện Mỹ Đức-Hà Nội của chính quyền huyện này thì Uỷ ban Nhân dân xã Đồng Tâm chính thức khởi công sửa chữa, cải tạo Nhà Văn hoá thôn Hoành vào ngày 4/11 vừa qua.
Theo đó, công trình này đã được UBND xã Đồng Tâm xây dựng từ năm 2008 để sử dụng làm nơi sinh hoạt cộng đồng cho toàn thể dân chúng trong thôn. Tuy nhiên, hiện nay công trình này đã xuống cấp, cần được sửa để “đảm bảo các tiêu chí về xây dựng Nông thôn mới nâng cao, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cộng đồng của Nhân dân.”
Vẫn theo trang này, dự án xây dựng và cải tạo Nhà Văn hoá thôn Hoành đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và nằm trong chương trình xây dựng Nông thôn mới của xã. Dự án nhận được sự ủng hộ của đa số dân chúng thôn Hoành với 93,87% hộ dân trên địa bàn thôn Hoành thể hiện quan niệm đồng tình khi UBND xã tổ chức lấy phiếu xin ý kiến.
Theo dự án, sau khi được cải tạo, Nhà Văn hoá thôn Hoành sẽ là một không gian mở xanh sạch đẹp hơn phục vụ lợi ích, sinh hoạt chung của người dân toàn xã, thôn Hoành và các cụm dân cư, trong đó có đồng bào Công giáo. Các hoạt động của các tổ chức, cá nhân khi có nhu cầu thì đăng ký với chính quyền địa phương theo quy định của luật và quy chế hoạt động của nhà văn hoá.