Trung Quốc phẫn nộ trước việc Mỹ – Philippines tăng cường hợp tác an ninh?
Posted by Luu HoanPho, Nov 23, 2022, Comments Off
Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris trên tàu tuần duyên Teresa Magbanua của Philippines tại cảng Puerto Princesa, ngày 22/11/2022. REUTERS – POOL.
Tránh để lộ ra bề mặt, nhưng dường như chuyến công du Philippines trong hai ngày 21-22/11/2022 của phó tổng thống Mỹ Kamala Harris khiến Trung Quốc giận dữ không kém so với sự kiện chủ tịch Hạ Viện Mỹ Nancy Pelosi viếng thăm Đài Loan hồi tháng 8/2022.
Bắc Kinh thừa biết với việc bà Harris tham quan đảo Palawan, sát vùng biển có tranh chấp chủ quyền với Manila tại Biển Đông, viễn cảnh Washington – Manila khởi động lại các chương trình hợp tác quân sự là những thông điệp nhắm tới Trung Quốc. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc chưa chính thức phản ứng về sự kiện này, nhưng tờ Hoàn Cầu Thời Báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng Sản nước này, đã lập tức lên án phó tổng thống Mỹ muốn đổ thêm dầu vào lửa, « châm ngòi » cho Biển Đông dậy sóng.
Hãng tin Mỹ AP nhắc lại một sự cố xảy ra hai ngày trước chuyến công du của phó tổng thống Harris : tuần duyên Trung Quốc đã ngăn cản Philippines kéo vớt một mảnh vỡ được phát hiện tại khu vực gần đảo Thị Tứ (Pag-Asa). Mảnh vỡ này, được cho là thuộc tên lửa Trường Chinh 5B, rơi cách đảo Thị Tứ 800 mét theo hải quân Philippines. Sau đó, phía Trung Quốc đã « tịch thu » mảnh vỡ này.
Hôm 22/11/2022, khi đến thăm một làng chài và lực lượng tuần duyên ở đảo Palawan, phía tây Philippines, gần với quần đảo Trường Sa, nơi có tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và nhiều nước Đông Nam Á, phó tổng thống Hoa Kỳ tuyên bố Wahsington cam kết sát cánh với Manila trước những hành vi « hù dọa và cưỡng chế » ở Biển Đông. Tránh nêu đích danh Trung Quốc, nhưng bà đã mạnh mẽ lên án « tàu ngoại quốc thâm nhập hải phận Philippines, đánh bắt bất hợp pháp các nguồn hải sản, uy hiếp ngư dân địa phương, trong lúc mà (những tàu cá đó) làm ô nhiễm đại dường, hủy hoại môi trường biển ».
Từ Palawan, phó tổng thống Hoa Kỳ đã nhấn mạnh đến tầm mức quan trọng của « luật pháp quốc tế », về quyền « tự do giao thông hàng hải ». Nhân vật số 2 trong chính quyền Biden còn nói thêm Bắc Kinh tùy thích diễn giải thế nào về sự hiện diện của bà tại hòn đảo này, nhưng bà Harris đến đây với mục đích nhắc nhở Mỹ là một quốc gia của Ấn Độ – Thái Bình Dương, có trách nhiệm bảo đảm an ninh trong khu vực cho các nước đồng minh của Hoa Kỳ.
Đại sứ Philippines tại Washington, Jose Manuel Romualdez, đánh giá Palawan là một cột mốc quan trọng chứng tỏ « quyết tâm của Mỹ hỗ trợ các đồng minh như Philippines tại các vùng biển, các hải đảo có tranh chấp » chủ quyền với Trung Quốc. Hơn thế nữa, vẫn theo nhà ngoại giao này, việc chọn đến thăm một hòn đảo nằm sát vùng có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc cho thấy Mỹ đánh giá « tình hình nghiêm trọng tới mức độ nào ».
Thêm một yếu tố nữa khiến Bắc Kinh phẫn nộ về mối quan hệ giữa Hoa Kỳ với Philippines vào thời điểm này : Trước ngày bà Harris đến Manila, một quan chức cao cấp của Mỹ tiết lộ phó tổng thống Hoa Kỳ đã bắt đầu đàm phán về một chương trình hợp tác quân sự « cho phép quân nhân Mỹ tạm thời được đồn trú tại các căn cứ của Philippines ». Có từ 3 đến 5 căn cứ quân sự của Philippines được các giới chức hai nước quan tâm.
Báo New York Times thì đánh giá, đối với Philippines, chuyến công du của phó tổng thống Kamala Harris thể hiện « tầm mức quan trọng » của quốc gia Đông Nam Á này trong chiến lược của tại Ấn Độ – Thái Bình Dương. Tờ báo trích giáo sư Aries Arugay, đại học Philippines theo đó : việc chính quyền Biden và Marcos Jr. đẩy mạnh hợp tác quân sự là điều hiển nhiên trong bối cảnh căng thẳng leo thang theo từng ngày trong khu vực eo biển Đài Loan. Trung Quốc nhiều lần tuyên bố sẽ thống nhất hòn đảo này kể cả bằng sức mạnh quân sự. Giáo sư Arugay giải thích thêm trong trường hợp nổ ra xung đột vũ trang, Philippines là một địa điểm gần nhất với chảo lửa đó, gần hơn nhiều so với các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ tại đảo Okinawa, Nhật Bản.
Nhìn đến các thỏa thuận quân sự giữa Mỹ với các đồng minh thân cận nhất trong vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương, gồm Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines và Thái Lan, thì Philippines có vị trí gần eo biển Đài Loan hơn cả, đảo Luzon chỉ cách Đài Loan có chừng 200 km. Cưu cố vấn trong chính quyền Trump, Randall Schriver, được Reuters trích dẫn, tiết lộ Washignton đang rất quan tâm đến vị trí của Luzon. Đây có thể là nơi để Hoa Kỳ tích trữ rocket, tên lửa và các hệ thống phòng thủ khác trong trường hợp quân đội Trung Quốc « đổ bộ » lên Đài Loan.
Vẫn theo Randall Schriver, sau chính quyền Rodrigo Duterte, tổng thống Marcos Jr. là một chính khách thân Mỹ ra mặt. Tháng 9/2022, bên lề khóa họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc tại New York, tổng thống Philippines đã khẳng định với Joe Biden rằng Manila là « đối tác, là đồng minh, là bạn của nước Mỹ ».
Cuối cùng để giải thích về thái độ của Bắc Kinh tránh biểu lộ bực mình về các hoạt động ngoại giao của phó tổng thống Mỹ tại Philippines, một số nhà quan sát cho rằng câu trả lời có lẽ được đặt trong cuộc thảo luận tay đôi giữa tổng thống Joe Biden và chủ tịch Tập Cận Bình hôm 14/11/2022 vừa qua, bên lề thượng đỉnh G20, Bali – Indonesia. Cũng không loại trừ khả năng là Washington và Bắc Kinh đã có những trao đổi nhân cuộc họp hôm 22/11/2022, tại Cam Bốt, giữa bộ trưởng Quốc Phòng 2 nước. Trước mắt, nội dung cuộc trao đổi giữa các ông Ngụy Phượng Hòa và Lloyd Austin vẫn được giữ kín. Điều chắc chắn duy nhất : Biển Đông là một trong những mặt trận để Hoa Kỳ và Trung Quốc đọ sức và điều đó càng lúc càng khiến các nước Đông Nam Á lo ngại.
Nguồn: RFI/Thanh Hà