6 đại án năm 2022 gây rúng động dư luận
Posted by Luu HoanPho, Dec 31, 2022, Comments Off
Ảnh từ trái qua phải, từ trên xuống dưới, gồm: Cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng, cựu TGĐ Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng, cựu TGD AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan.
“Hai cựu Bộ trưởng và một cựu Thứ trưởng của 2 Bộ dính sai phạm” tại Việt Á; “Lợi dụng dịch bệnh ăn trên mồ hôi xương máu của đồng bào” trong Chuyến bay giải cứu; “Điển hình cho lợi ích nhóm và nhóm lợi ích” tại AIC; “Cú lừa 8.000 tỷ đồng” tại Tân Hoàng Minh; “Chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng” tại Vạn Thịnh Phát; “Thao túng thị trường chứng khoán” tại FLC là 6 vụ án gây rúng động dư luận trong năm 2022.
Công ty Việt Á
Đại án mang tên Việt Á “bùng nổ” khi ngày 17/12/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra thông báo khởi tố 7 bị can, trong đó có Phan Quốc Việt (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á) và Phạm Duy Tiến (Giám đốc CDC Hải Dương), về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Sau đó, hàng loạt giám đốc, cán bộ CDC tại các tỉnh thành cũng bị khởi tố, bắt giam.
Sang năm 2022, đại án Việt Á tiếp tục nóng khi 2 cựu Bộ trưởng, một cựu Thứ trưởng của 2 Bộ; cựu Bí thư Hải Dương; Trợ lý của Phó Thủ tướng bị khởi tố, bắt giam.
Trong đó, ông Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế) bị điều tra về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Ông Chu Ngọc Anh (cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ) và ông Phạm Công Tạc (cựu Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ) bị điều tra về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Ông Phạm Xuân Thăng, cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, bị điều tra về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Ông Nguyễn Văn Trịnh, Trợ lý Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, bị điều tra về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Tính đến ngày 19/12/2022, Cơ quan điều tra các cấp đã khởi tố 29 vụ án với 102 bị can để điều tra về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “Nhận hối lộ”, “Đưa hối lộ”, Tham ô tài sản”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Trong 102 bị can bị khởi tố, có:
- 4 người thuộc Bộ Y tế, gồm: ông Nguyễn Thanh Long, Nguyễn Minh Tuấn (cựu Vụ trưởng Vụ trang thiết bị và công trình y tế), Nguyễn Nam Liên (cựu Vụ trưởng Vụ kế hoạch tài chính), Nguyễn Huỳnh (Phó trưởng phòng Quản lý giá, Cục Quản lý Dược);
- 3 người thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, gồm: ông Chu Ngọc Anh, Phạm Công Tạc, Trịnh Thanh Hùng (Phó vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật);
- Hàng chục lãnh đạo, cán bộ CDC, Sở Y tế, Bệnh viện của ít nhất 24 tỉnh thành phố.
Nhiều Giám đốc CDC các tỉnh thành trước khi bị bắt đều khẳng định “không nhận một đồng nào từ Việt Á”:
- Giám đốc CDC Hậu Giang Nguyễn Văn Lành: “Bản thân tôi không nhận bất cứ thứ gì của Công ty Việt Á hết”, nhưng sau đó bị phát hiện để người Công ty Việt Á đến nhà tặng quà, trong đó có 450 triệu đồng;
Giám đốc CDC Nghệ An Nguyễn Văn Định khẳng định bản thân “minh bạch, làm đúng trình tự, quy trình, thủ tục trong các gói thầu cung cấp vật tư kit xét nghiệm với Công ty Việt Á”, nhưng sau đó bị bắt vì Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; - Giám đốc CDC Nam Định Đỗ Đức Lưu: “Không nhận một đồng hoa hồng nào” trong cả 4 hợp đồng ký kết với Công ty Việt Á. Tuy nhiên, theo điều tra, Công ty Việt Á đã trích phần trăm “hoa hồng” ngoài hợp đồng chỉ định thầu kit xét nghiệm cho CDC Nam Định với số tiền hơn 3,1 tỷ đồng;
- Giám đốc CDC tỉnh Thừa Thiên – Huế Hoàng Văn Đức: “Cơ quan công an làm việc mà các ông ở Việt Á khai dù chỉ mua một ly cà phê cho tôi thì tôi đi tù cũng xứng đáng”. Tuy nhiên, sau những phát ngôn này không lâu, ông Đức đã bị bắt tạm giam. Khám xét tại nhà, công an thu giữ nhiều tài liệu, tiền mặt liên đến vụ án;
- Giám đốc CDC tỉnh Bắc Giang Lâm Văn Tuấn: “Không nhận một đồng nào từ Công ty Việt Á, quá trình đấu thầu thực hiện đúng quy định”. Tuy nhiên, kết luận điều tra ban đầu xác định ông Tuấn và thuộc cấp của mình đã nhận hoa hồng lên tới 44 tỷ đồng từ Công ty Việt Á;
- Giám đốc CDC Hà Nội Trương Quang Việt: “Chúng tôi không thực hiện mua một gói kit xét nghiệm COVID-19 nào của Công ty Việt Á”. Tuy nhiên, công an xác định ông Việt và thuộc cấp nhận 1,1 tỷ đồng của Việt Á.
Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, trong 2 năm 2020 – 2021, có 33 bộ, địa phương mua sắm kit xét nghiệm COVID-19 từ Công ty Việt Á với tổng giá trị 2.161,6 tỷ đồng (trực tiếp hoặc qua đơn vị trung gian phân phối).
Đà Nẵng đứng đầu với gần 275,5 tỷ đồng, thứ 2 là Bắc Giang hơn 194 tỷ đồng, thứ 3 là Đồng Tháp 174 tỷ đồng, thứ 4 là Hải Dương gần 167 tỷ đồng… 3 bộ gồm: Bộ Quốc phòng hơn 105,8 tỷ đồng, Bộ Y tế hơn 75 tỷ đồng và Bộ Công an hơn 7 tỷ đồng.
Bộ Công an cho biết bị can Phan Quốc Việt đã “bắt tay” với các đối tác nâng khống giá kit xét nghiệm COVID-19 lên khoảng 45% và chi “hoa hồng” cho các đối tác khoảng 800 tỷ đồng.
Doanh thu bán kit xét nghiệm cho các tỉnh thành gần 4.000 tỷ đồng và riêng Công ty Việt Á thu về trong vụ này hơn 500 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra đã phong tỏa, ngăn chặn tài khoản giao dịch, sổ tiết kiệm, kê biên tài sản, thu hồi 1.700 tỷ đồng.
Chuyến bay giải cứu
Từ cuối tháng 3/2020, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 lây lan, Việt Nam tạm dừng các chuyến bay thương mại quốc tế.
Sau đó, Việt Nam tổ chức nhiều chuyến bay để đưa người Việt ở nước ngoài về nước, mà báo chí nhà nước gọi là các “chuyến bay giải cứu” hay “chuyến bay nhân đạo”.
Tổ công tác các chuyến bay giải cứu gồm 5 bộ: Ngoại giao, Công an, Quốc phòng, Y tế, Giao thông vận tải.
Có gần 2.000 chuyến bay đã được thực hiện để đưa các công dân từ hàng chục quốc gia, vùng lãnh thổ về Việt Nam.
Điều đáng nói, các chuyến bay tuy mang danh là “giải cứu”, là “nhân đạo”, nhưng có rất nhiều người “kêu cứu” vì họ phải trả giá vé cao ngất ngưởng, gặp nhiều khó khăn trong việc làm thủ tục mới được về quê hương.
Đơn cử, giá vé máy bay của Vietnam Airlines từ Canada và Mỹ về Việt Nam dao động từ 52 – 58 triệu đồng/vé, cao gấp đôi so với mức giá trước đây (khoảng 25 – 30 triệu đồng/vé).
Tại thời điểm chưa có dịch COVID-19, giá vé máy bay 2 chiều Matxcơva – Hà Nội dao động từ 600 – 1.200 USD tùy thời điểm. Tuy nhiên, trong thời gian bay giải cứu, nhiều khách phải mua vé máy bay với giá lên tới 1.300 USD/chiều…
Đặc biệt, có người mặc dù có tiền nhưng vẫn không mua được vé, phải “quen biết” hoặc “đi cửa sau” mới có. Nhiều người Việt ở nước ngoài khi ấy tìm cách về nước với giá rẻ hơn nhiều, như bay về Phnom Penh (Campuchia), sau đó bay về Việt Nam, tổng chi phí kể cả cách ly 7 ngày chưa đến 30 triệu đồng…
Qua điều tra, ngày 27/1/2022, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 cán bộ Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) để điều tra về tội “Nhận hối lộ”. Trong đó, có Cục trưởng Nguyễn Thị Hương Lan, Phó Cục trưởng Đỗ Hoàng Tùng.
Nhận định về vụ “chuyến bay giải cứu” gắn với các bê bối khác xảy ra thời đại dịch nói riêng và trong xã hội Việt Nam nói chung, Võ sư Đoàn Bảo Châu viết trên trang Facebook cá nhân (có hàng trăm ngàn người theo dõi) rằng: “Các cán bộ thời nay không có lý tưởng phục vụ tổ quốc, phục vụ nhân dân gì mà trong đầu họ chỉ có một lý tưởng duy nhất là kiếm lợi trong bất kì hoàn cảnh nào, ngay cả khi ‘đồng bào’ của họ khốn cùng nhất”.
Trên trang Facebook cá nhân có hàng chục ngàn người theo dõi, ông Hà Phan viết “chính sách bị trục lợi, ý nghĩa chiến dịch ‘giải cứu’ bị bóp méo, uy tín quốc gia bị tổn thương, tình cảm đồng bào bị lợi dụng và nỗi lo của dân chúng bị biến thành tiền cho một nhóm cấu cào”.
Ông Nguyễn Đức Minh, một người Việt đang sinh sống tại Mỹ, chia sẻ trên trang Facebook cá nhân:
“Mỗi năm, gần 200.000 lao động phổ thông của đất nước này đã phải ra nước ngoài tìm việc để có được thu nhập tốt hơn. Là do các doanh nghiệp trong nước không tạo đủ việc làm có thu nhập tốt cho họ. Là do nhiều quan chức còn mải đặt ra đủ thứ giấy phép, thủ tục để kiếm tiền từ các doanh nghiệp…
Mình cứ nghĩ đến cảnh những người lao động phổ thông đã phải vay mượn để đi lao động tại nước ngoài nay phải chịu cảnh thất nghiệp do đại dịch. Chi phí sinh hoạt thì đắt đỏ, thu nhập thì không có, phải sống chui rúc cả chục người trong những phòng trọ chật hẹp. Họ chỉ mong được về lại với gia đình, họ hàng để nương tựa.
Vậy mà vẫn có những quan chức sẵn sàng nhận hối lộ để rồi tước đi cái ước muốn đơn giản nhất của đồng bào như vậy”.
Nhiều người nổi tiếng khác trên mạng xã hội và dư luận cũng đưa ra các quan điểm, đánh giá như: “Lợi dụng dịch bệnh ăn trên mồ hôi xương máu của đồng bào”; “Nhân văn ở đâu?”; “Giải cứu chỗ nào?”; “Ngạo nghễ đón ai hay chỉ là cuộc bán mua sòng phẳng thậm chí cao giá…”; “Thiêng liêng hai tiếng đồng bào bao nhiêu, thì kiếm ăn trên nỗi sợ hãi của đồng bào càng man rợ bấy nhiêu”…Hai cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao ông Tô Anh Dũng (trái) và Vũ Hồng Nam. (Ảnh: bocongan.gov.vn)
Mở rộng điều tra, tính đến tháng 12/2022, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam 37 bị can thuộc 8 bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp, để điều tra tội “Nhận hối lộ”, “Đưa hối lộ”, “Môi giới hối lộ”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
8 bộ ngành, địa phương gồm: Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Ban đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải, UBND TP. Hà Nội.
Hai quan chức cao nhất bị khởi tố tính đến nay là hai cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, gồm: ông Tô Anh Dũng và ông Vũ Hồng Nam.
Ngoài ra, những cái tên nổi bật bị khởi tố còn có ông Nguyễn Quang Linh (Trợ lý của Phó thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh); Nguyễn Thanh Hải (Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế, Văn phòng Chính phủ); ông Chử Xuân Dũng (Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội)…
Tại buổi họp báo hồi cuối tháng 6/2022, đại diện Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an cho biết kết quả điều tra bước đầu đã chứng minh các bị can nhận hàng chục tỷ đồng và hàng trăm nghìn USD.
Người phát ngôn Bộ Công an cũng cho biết có 2.000 chuyến bay giải cứu đã được thực hiện. Sau khi trừ chi phí, các bị can đã trục lợi mỗi chuyến bay vài tỷ đồng.
Công ty AIC
Ngày 21/12, TAND TP. Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tiến bộ – AIC) và 35 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Công ty AIC và các đơn vị có liên quan.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch AIC Group tại một cuộc họp với chính quyền tỉnh Bắc Giang. (Ảnh: bacgiang.gov.vn)
Trong 35 bị cáo bị đưa ra xét xử, có cựu Bí thư Đồng Nai Trần Đình Thành; cựu Chủ tịch Đồng Nai Đinh Quốc Thái; cựu Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ; cựu Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai.
Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn (bị khởi tố ngày 29/4, đang bỏ trốn) bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “Đưa hối lộ”.
Bị cáo Trần Đình Thành và Đinh Quốc Thái (cùng bị bắt, khởi tố ngày 19/10) bị truy tố về tội “Nhận hối lộ”.
Bị cáo Phan Huy Anh Vũ (bị bắt, khởi tố ngày 29/4) bị truy tố về tội “Nhận hối lộ” và tội “Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Bị cáo Bồ Ngọc Thu (bị bắt, khởi tố ngày 20/10) bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Cựu Bí thư Đồng Nai Trần Đình Thành (trái) và cựu Chủ tịch Đồng Nai Đinh Quốc Thái. (Ảnh: vov.vn)
Theo kết luận điều tra, năm 2003, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã có quan hệ quen biết với ông Trần Đình Thành khi đó đang là Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai.
Qua tìm hiểu, ông Thành biết bà Nhàn có quan hệ rộng rãi với nhiều bộ ngành, địa phương và có khả năng hỗ trợ tỉnh xin vốn.
Năm 2007, trước khi UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt Dự án Đầu tư xây dựng Bệnh viện Đồng Nai, bà Nhàn gặp và nhờ ông Thành quan tâm, tạo điều kiện cho công ty tham gia các dự án của tỉnh.
Sau đó, bà Nhàn đã nhiều lần gặp gỡ ông Thành, ông Đinh Quốc Thái (khi đang là Phó Chủ tịch tỉnh), bà Bồ Ngọc Thu, đề nghị tạo điều kiện để Công ty AIC tham gia đấu thầu và trúng các gói thầu thiết bị y tế tại Dự án Đầu tư xây dựng Bệnh viện Đồng Nai.
Năm 2010, khi dự án bệnh viện có khó khăn về vốn đầu tư trang thiết bị y tế, qua trao đổi với bà Bồ Ngọc Thu, ông Thành đã điện thoại nhờ và được bà Nhàn đồng ý hỗ trợ tỉnh xin vốn.
Đầu năm 2013, khi Bệnh viện Đồng Nai được UBND tỉnh chấp thuận cho thuê đơn vị tư vấn để điều chỉnh danh mục thiết bị y tế chuyên môn phù hợp với tình hình thực tế, bà Nhàn chỉ đạo nhiều thuộc cấp thông đồng, móc ngoặc với chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn, các công ty “quân xanh” để đảm bảo cho AIC được trúng thầu.
Kết quả, Công ty AIC trúng 16 gói thầu (2 gói thầu xây lắp và 14 gói thầu thiết bị) trong tổng số 26 gói thầu tại Dự án với tổng số tiền gần 666 tỷ đồng, qua đó hưởng lợi trái pháp luật hơn 148 tỷ đồng, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản nhà nước 152 tỷ đồng.
Quá trình Công ty AIC tham gia và trúng thầu, cựu Bí thư Đồng Nai Trần Đình Thành đã nhận hối lộ 6 lần với tổng số tiền 14,5 tỷ đồng do bà Nhàn trực tiếp đưa tại trụ sở Công ty AIC và tại Đồng Nai.
Cựu chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái nhận hối lộ 14 lần tổng cộng 14,5 tỷ đồng.
Cựu Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ nhận hối lộ 6 lần tổng cộng 14,8 tỷ đồng.
Cơ quan công tố cho rằng vụ án AIC “là một minh họa điển hình cho lợi ích nhóm và nhóm lợi ích”. “Đó là sự cấu kết, thông đồng giữa doanh nghiệp với người có thẩm quyền vì lợi ích vật chất, đã thực hiện trái quy định pháp luật. Tạo điều kiện để doanh nghiệp trục lợi, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hàng trăm tỷ đồng”.
Tại phiên tòa hôm 24/12, cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị đề nghị tổng hình phạt 30 năm tù; Bị cáo Trần Đình Thành bị đề nghị 10-11 năm tù; Bị cáo Đinh Quốc Thái bị đề nghị 9-10 năm tù; Bị cáo Phan Huy Anh Vũ bị đề nghị 9-10 năm tù; Bị cáo Bồ Ngọc Thu bị đề nghị 4-5 năm tù.
Tân Hoàng Minh
Ngày 5/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với 7 để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh và các tổ chức, đơn vị có liên quan.
Ông Đỗ Anh Dũng và con trai Đỗ Hoàng Việt. (Ảnh: bocongan.gov.vn)
7 người bị bắt có ông Đỗ Anh Dũng (Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh) và Đỗ Hoàng Việt (Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh) – là con trai ông Dũng.
Theo Bộ Công an, Tập đoàn Tân Hoàng Minh có nhiều hành vi vi phạm pháp luật trong việc phát hành trái phiếu, huy động tiền của nhà đầu tư, các công ty thành viên thuộc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh.
Kết quả điều tra xác định từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022, ông Dũng và các cá nhân tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã có hành vi gian dối, sử dụng 3 công ty thành viên (Công ty TNHH đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty Cổ phần đầu tư và dịch vụ khách sạn Soleil, Công ty Cổ phần Cung Điện Mùa Đông) và các công ty liên quan, phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật, tổng trị giá 10.300 tỷ đồng, để huy động tiền của nhà đầu tư nhưng không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu.
Từ thủ đoạn trên, ông Đỗ Anh Dũng cùng đồng phạm đã lừa đảo, chiếm đoạt hơn 8.000 tỷ đồng của hơn 6.000 nhà đầu tư.
Tại buổi họp báo hôm 1/10, ông Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, cho biết trong vụ Tân Hoàng Minh, số tài sản được kê biên, phong tỏa khoảng 4.000 tỷ đồng.
Vạn Thịnh Phát
Ngày 7/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 3 đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, để điều tra về những sai phạm tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan.
Các bị can trong vụ án (từ trái sang phải, trên xuống dưới) gồm: bà Trương Mỹ Lan, bà Trương Huệ Vân, bà Nguyễn Phương Hồng, ông Hồ Bửu Phương. (Ảnh: bocongan.gov.vn)
3 đồng phạm gồm: Trương Huệ Vân (Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn quản lý Bất động sản Windsor), Nguyễn Phương Hồng (Trợ lý Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), Hồ Bửu Phương (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Chứng khoán Tân Việt, nguyên Phó Tổng Giám đốc phụ trách tài chính Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát).
Bộ Công an cho biết các bị can đã có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu trái quy định pháp luật để chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của người dân trong thời gian năm 2018 – 2019.
Đáng chú ý, chỉ sau ít ngày bị bắt, đêm ngày 10/10, báo Vietnamnet và Pháp Luật TP.HCM loan tin bị can Nguyễn Phương Hồng qua đời vào lúc 3h30 rạng sáng ngày 9/10, nhưng không nêu rõ nguyên nhân qua đời. Khoảng vài giờ sau, bản tin trên đã bị gỡ.
Tại họp báo Chính phủ chiều 29/10, ông Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an, nói “trong quá trình tố tụng, có bị can, người liên quan qua đời do đột tử. Tất nhiên, việc này có khó khăn cho quá trình điều tra, nhưng chắc chắn bản chất của vụ việc sẽ được làm rõ, pháp luật sẽ được thực thi đúng người, đúng tội”.
Ông Xô cũng khẳng định vụ Vạn Thịnh Phát là “một trong những vụ án khó và rất khó, rất khó trong cả quá trình đối với lực lượng thực thi pháp luật trong cả quá trình điều tra, trinh sát và khởi tố vụ án”.
Theo đề nghị từ phía Bộ Công an, đầu tháng 11, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội đã yêu cầu các cá nhân, tổ chức tạm dừng ngay mọi hoạt động liên quan đến việc giao dịch chuyển nhượng, mua, bán, cho, tặng, cầm cố, thế chấp đối với cổ phần/phần vốn góp… của các công ty tại Hà Nội thuộc sở hữu của các bị can, cá nhân, công ty có liên quan vụ án.
Trong quá trình điều tra, có 762 công ty bị “đóng băng” tài sản. Đến cuối tháng 11, Bộ Công an gỡ phong tỏa tài sản cho 20/762 công ty.
Tại buổi họp báo hôm 19/12, đại diện Bộ Công an cho biết đến nay đã khởi tố 2 vụ án và 27 bị can.
Tập đoàn FLC
Ngày 29/3, Cơ quan điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Trịnh Văn Quyết (khi đó là Chủ tịch Tập đoàn FLC) về hành vi “Thao túng thị trường chứng khoán”.
Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị FLC, đại diện hãng Bamboo Airways tại tọa đàm “Bay thẳng tới Côn Đảo: Trải nghiệm thiên đường du lịch mới”, tháng 9/2020. (Ảnh: mt.gov.vn)
Đến đầu tháng 4, Cơ quan chức năng tiếp tục bắt, khởi tố 4 bị can để điều tra về hành “Thao túng thị trường chứng khoán”, gồm:
- Hai em gái của ông Trịnh Văn Quyết là bà Trịnh Thị Minh Huế (cán bộ Ban kế toán Tập đoàn FLC), Trịnh Thị Thúy Nga (Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán BOS);
- Bà Hương Trần Kiều Dung (Phó Chủ tịch thường trực HĐQT Tập đoàn FLC, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán BOS);
- Bà Nguyễn Quỳnh Anh (Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán BOS).
Kết quả điều tra xác định từ ngày 1/9/2016 đến ngày 10/1/2022, ông Trịnh Văn Quyết chỉ đạo bà Huế liên hệ với các cá nhân có quan hệ họ hàng với gia đình, người thân thành lập 20 công ty; đồng thời mượn, sử dụng CMND của 26 người thân mở tổng cộng 450 tài khoản chứng khoán đứng tên bà Huế và các công ty, cá nhân tại 41 công ty chứng khoán. Trong đó có 120 tài khoản mở tại Công ty Chứng khoán BOS, 330 tài khoản mở tại các công ty chứng khoán khác.
Mục đích của việc làm trên nhằm đẩy giá chứng khoán FLC từ 14.650 đồng/cổ phiếu ngày 1/12/2021 lên giá “trần” cao nhất 24.050 đồng/cổ phiếu (trung bình là 22.586 đồng/cổ phiếu, tăng 64%).
Tiếp đó, ông Quyết chỉ đạo các bị can và một số người khác đặt lệnh bán 175 triệu cổ phiếu FLC và đã khớp lệnh bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC với giá 22.586 đồng/cổ phiếu (tương đương số tiền 1.689 tỷ đồng) nhưng không công bố thông tin trước khi giao dịch chứng khoán, thu lợi bất chính 530 tỷ đồng, gây thiệt hại rất lớn cho nhà đầu tư.
Đến ngày 25/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tiếp tục khởi tố ông Trịnh Văn Quyết và các cá nhân có liên quan về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Cụ thể, theo Bộ Công an, từ năm 2014-2016, ông Quyết và đồng phạm làm thủ tục tăng vốn điều lệ khống từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng, tương ứng với 430 triệu cổ phần của Công ty Cổ phần Xây dựng Faros. Khi được niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS trên sàn chứng khoán, ông Quyết đã bán, chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư.
Bước đầu, cơ quan điều tra xác định, tính đến ngày 24/2/2021, Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế bán toàn bộ cổ phiếu ROS mang tên ông ta và cổ phiếu ROS mang tên 5 cá nhân khác (do ông Quyết nhờ đứng tên), thu được tổng cộng 6.412 tỷ đồng và rút tiền mặt để chiếm đoạt.
Hoàng Minh @ trithucvn