Sách trắng tôn giáo: Việt Nam nói có tự do trong khi nhiều nhóm tôn giáo độc lập bị đàn áp
Posted by Luu HoanPho, Mar 9, 2023, Comments Off
Một số sự kiện về Tôn giáo – Tín ngưỡng ở Việt Nam năm 2022.
Trong cuốn sách đầu tiên công bố toàn diện về tôn giáo ở Việt Nam, Chính phủ cho rằng họ tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tôn giáo trong khi một số tổ chức tôn giáo độc lập khẳng định điều ngược lại.
Ngày 09/3, Ban Tôn giáo Chính phủ lần đầu tiên công bố sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam” với lời khẳng định “ở Việt Nam không có sự phân biệt tín ngưỡng, tôn giáo; không có mâu thuẫn, xung đột giữa các tôn giáo” và “Người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau cùng chung sống hài hòa trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.”
Sách trắng cũng khẳng định các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật, Nhà nước không phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo: “Không một cá nhân, tổ chức tôn giáo nào hoạt động theo đúng pháp luật mà bị ngăn cấm.”
Tự do nhưng phải đăng ký
Sách trắng cho biết Nhà nước Việt Nam đã công nhận 36 tổ chức tôn giáo thuộc 16 tôn giáo khác nhau như Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Hồi giáo, Tôn giáo Baha’i,…
Trong thực tế, Nhà nước chỉ cho phép các nhóm tôn giáo có đăng ký và được quản lý là sinh hoạt bình thường. Các nhóm tôn giáo còn lại bị chính quyền coi là bất hợp pháp, và tìm cách triệt phá hoặc nhẹ nhất là cấm các tín đồ tập trung thực hành nghi lễ tôn giáo.
Hoà thượng Thích Không Tánh, thành viên trụ cột của Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, một hệ phái Phật giáo bị Nhà nước Việt Nam đàn áp suốt từ năm 1975, nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) về cơ chế xin cho trong tự do tôn giáo.
“Nhà nước thường nói tổ chức hay đoàn thể đăng ký để nhà nước người ta công nhận và mình thực hiện cho nó phù hợp. Nhưng mà sự thực mình đăng ký thì người ta không bao giờ đồng ý.
Nếu có đăng ký đi nữa thì người ta sẽ ép phải thế này thế kia, phải trực thuộc hệ thống và các ràng buộc với nhà nước.
Nếu mình xin đăng ký mà họ không cho rồi cứ sinh hoạt thì họ kiếm cớ bắt. Nếu mình thông báo thì họ lặng thinh cho là không phù hợp.”
Theo thầy Thích Không Tánh, Nhà nước triệt phá các tổ chức tôn giáo độc lập và để duy nhất một nhóm tôn giáo do Nhà nước lập lên hoặc thuần phục Nhà nước được sinh hoạt, trụ trì chùa Liên Trì nhắc đến Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Cao Đài Chơn truyền, Hoà Hảo Thuần tuý, một số nhóm Tin Lành…
Thời gian qua, chúng tôi đã phản ánh các vụ việc các cơ sở thờ tự của Giáo hội Việt Nam Thống nhất bị đập phá hay đàn áp như vụ: chùa Thiên Quang ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, hay Sơn Linh Tự ở Pleiku.
Chùa Thiên Quang liên tục bị chính quyền huyện Xuyên Mộc đe doạ triệt phá nếu không gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong khi chùa Sơn Linh đã bị đập phá hoàn toàn gần đây và chính quyền thị trấn Plei Kần không cho phép sư trụ trì dựng lại cơ sở thờ tự này.
“Quý thầy bên Tăng đoàn Giáo hội (Phật giáo Việt Nam Thống nhất- PV) xin tổ chức cúng lễ thì họ (chính quyền- PV) ngăn cản nhất quyết nói phải theo Phật giáo quốc doanh thì mới cho.”
Chức sắc và tín đồ của nhóm tôn giáo độc lập Phật giáo Hoà Hảo Thuần tuý cũng bị đàn áp.
Trong sách trắng được báo Tuổi trẻ trích dẫn, Chính phủ khẳng định: “Người dân cũng hoàn toàn tự do lựa chọn theo hoặc không theo một tín ngưỡng, tôn giáo nào. Nhà nước bảo đảm sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào dân tộc thiểu số, vốn chiếm khoảng 14% dân số.”
Tuy nhiên, trong nhiều năm qua chính quyền một số tỉnh ở Tây Nguyên liên tục sách nhiễu chức sắc và người theo Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên, một nhóm tôn giáo không được chính quyền Việt Nam công nhận. Họ không được tụ tập để thực hiện các nghi lễ trong dịp Giáng sinh và mỗi chủ nhật.
Giữa năm 2022, gia đình 13 người H’mong của ông Xồng Bá Thông bị chính quyền xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An “trục xuất khỏi địa phương” vì theo Tin Lành.
Quy ước của bản Phù Khả 1, xã Na Khoi trong đó có quy định “không theo tôn giáo khác với người H’mong” dán ngay trước nhà người dân.
Trong khi đó, chính quyền huyện Kỳ Sơn áp dụng mô hình An dân ở bản Phù Khả 1, xã Na Ngoi, để ép buộc người dân trong bản không theo các loại đạo (tôn giáo khác) mà chỉ thực hiện theo tín ngưỡng phong tục tập quán lâu đời của người Mông.
Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đối với người đang bị giam giữ
Sách trắng khẳng định “Nhà nước bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đối với người chấp hành án phạt tù” và cung cấp gần 4.500 cuốn thuộc 17 đầu sách liên quan tôn giáo được đưa vào thư viện của 54 trại giam.
Hoà thượng Thích Không Tánh, người có ba lần bị giam giữ với hơn 10 năm tù vì đòi quyền tự do tôn giáo, nói với RFA:
“Ở tù, khi mình ngồi niệm Phật, rồi có mấy vị linh mục cầu nguyện, vậy mà người ta vô đàn áp, bắt đi biệt giam luôn.
Ngay cả các cuốn kinh thánh, sách giáo lý bên ngoài gửi vô cho mình đọc họ lấy hết thu hết.”
Ông Nguyễn Văn Điển, một người Công giáo mới mãn hạn tù cuối tháng hai vừa qua nói, trong sáu năm ở trại giam và trại tạm giam ông không được gặp linh mục dù có đề nghị. Tuy nhiên, ông được nhận sách kinh thánh gia đình gửi vào nếu sách đó được in bởi Nhà xuất bản tôn giáo.
Trong khi gia đình của hai nhà hoạt động Trương Văn Dũng và Bùi Tuấn Lâm cho biết, họ không được gửi sách tôn giáo vào cho người thân. Cả hai đang bị giam giữ trong thời gian điều tra về cáo buộc “phát tán tài liệu nhằm chống nhà nước.”
Tháng 12 năm ngoái, Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi đặc biệt vì các vi phạm về tự do tôn giáo.
Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam phản hồi hai tuần sau đó cho rằng, hành động của Mỹ “dựa trên những đánh giá thiếu khách quan cũng như các thông tin không chính xác về tình hình tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam,” và cho biết sẵn sàng trao đổi với Mỹ trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở, tôn trọng lẫn nhau,…
Nguồn: RFA