Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Sunday, November 17, 2024

5 điểm nổi bật của nghị sự Tập Cận Bình – Putin


Hôm thứ Tư (22/3), lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình đã kết thúc chuyến thăm cấp cao tới Nga. Dù sau cuộc họp, ông Tập và Putin đã đưa ra tuyên bố dài lên án Mỹ và NATO, nhưng không có bước đột phá nào về cuộc chiến xâm lược của Nga ở Ukraine vốn đang được toàn cầu quan tâm. Giới quan sát dấy lên nhiều suy đoán về mục đích thực sự chuyến thăm Nga của ông Tập.

Hôm 20/3/2023, ông Putin và ông Tập Cận Bình đã gặp nhau tại Moscow. (Nguồn ảnh: SERGEI KARPUKHIN/SPUTNIK/AFP via Getty Images)

Chuyến đi Nga gặp Tổng thống Putin của Chủ tịch Tập Cận Bình diễn ra trong bối cảnh Nga đang tiếp tục tấn công Ukraine, nhưng Bắc Kinh vẫn cam kết phát triển quan hệ với Moscow bất chấp cộng đồng quốc tế ngày càng tăng cường cô lập Nga.

Cuộc gặp không cho thấy có được tiến bộ trong việc giải quyết xung đột ở Ukraine, thay vào đó là thể hiện mối quan hệ cá nhân thân thiết của ông Tập Cận Bình và ông Putin, đồng thời vạch ra cách họ có thể thúc đẩy một trật tự thế giới đối lập với trật tự của nền dân chủ phương Tây do Mỹ dẫn đầu.

Bản danh sách từ Điện Kremlin cho thấy cuộc gặp đã đạt được hơn một chục thỏa thuận, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực từ thương mại và công nghệ đến tuyên truyền nhà nước. Tuyên bố trọng tâm của ông Tập tập trung vào việc hai nước sẽ “làm sâu sắc thêm” mối quan hệ của họ với nhau như thế nào.

Sau đây là 5 điểm nổi bật của cuộc gặp Tập – Putin:

1. Không có đột phá trong giải quyết xung đột Ukraine

Cuộc gặp Tập – Putin từng thu hút nhiều sự chú ý của Mỹ và châu Âu đã không đạt được bước đột phá nào trong việc giải quyết xung đột ở Ukraine. Trong khi đó tuyên bố chung Tập – Putin do Bộ Ngoại giao ĐCSTQ đưa ra, kêu gọi chấm dứt mọi hành động gây căng thẳng và khiến chiến tranh kéo dài, nhưng lại ngược ngạo tuyên bố không thừa nhận khủng hoảng bạo lực và nhân đạo đang diễn ra ở Ukraine là do cuộc chiến xâm nhập và tấn công quân sự của Nga. Trái lại, ông Tập thúc giục NATO “tôn trọng chủ quyền, an ninh và lợi ích của các quốc gia khác”. Tuyên bố lặp lại những lời hoa mỹ lâu nay từ ĐCSTQ và Nga cáo buộc NATO kích động cuộc xâm lược của Nga.

Chuyến thăm Nga lần này của ông Tập Cận Bình đang cố gắng định vị Bắc Kinh như bên trung gian hòa bình trong cuộc chiến Nga-Ukraine. Trước chuyến thăm, ĐCSTQ đã đưa ra kế hoạch hòa bình gồm 12 điểm, kêu gọi ngừng bắn và đàm phán hòa bình.

Ông Putin nói với các phóng viên sau cuộc hội đàm với ông Tập hôm thứ Ba (21/3) rằng nhiều điều khoản trong kế hoạch hòa bình của Bắc Kinh đối với Ukraine có thể là cơ sở cho một giải pháp hòa bình cho Ukraine khi phương Tây và Kyiv sẵn sàng. Nhưng đề xuất này được coi là không khả thi ở phương Tây và Ukraine, vì giải pháp không bao gồm yêu cầu Nga rút quân khỏi lãnh thổ Ukraine, thay vào đó yêu cầu phương Tây dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Nga.

Tổng thống Zelensky của Ukraine cho biết hôm thứ Ba rằng lệnh ngừng bắn sẽ “chỉ đơn giản là đóng băng” tội ác xâm lược của Nga, giúp họ có thời gian chuẩn bị trước khi tiến hành một cuộc tấn công khác để đạt được mong muốn duy nhất của họ: “Chiếm đất nước chúng tôi”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nâng ly chúc mừng trong tiệc chiêu đãi sau cuộc hội đàm tại Điện Kremlin ở Moscow vào ngày 21/3/2023. (Nguồn ảnh: PAVEL BYRKIN/SPUTNIK/AFP Qua Getty Images)

Hội đàm Tập – Putin kéo dài 3 giờ, hai bên đã nói những gì?

2. Ông Tập không thảo luận về phiên bản thỏa thuận hòa bình của Ukraine

Người phát ngôn Dmitry Peskov hôm thứ Tư cho biết, trong hội đàm này Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không thảo luận về kế hoạch hòa bình do Ukraine đề xuất nhằm chấm dứt chiến tranh.

Phiên bản Ukraine của kế hoạch hòa bình 10 điểm lần đầu tiên được Tổng thống Zelensky của Ukraine đề xuất tại hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 11 năm ngoái.

Kế hoạch hòa bình này bao gồm việc khôi phục lại lãnh thổ Ukraine, yêu cầu Nga rút quân khỏi toàn bộ Ukraine, đảm bảo an ninh hạt nhân, đảm bảo xuất khẩu lương thực của Ukraine, và một hiệp ước hòa bình cuối cùng giữa Nga và Ukraine.

Nhà Trắng kiên quyết yêu cầu ông Tập Cận Bình thúc ép ông Putin rút quân khỏi Ukraine. Nhà Trắng nhấn mạnh rằng thỏa thuận ngừng bắn mà không yêu cầu quân Nga rút khỏi Ukraine chẳng khác gì sự công nhận Nga chiếm đóng lãnh thổ Ukraine. Ngoài ra, một lệnh ngừng bắn tạm thời chỉ có thể giúp ông Putin có thời gian để trang bị lại quân đội và tấn công Ukraine một lần nữa vào thời điểm thích hợp.

Điều phối viên truyền thông chiến lược của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng, ông John Kirby cho biết trong một cuộc họp báo hôm thứ Ba: “Dù nhìn theo bất kỳ cách nào thì tôi cũng không thể hợp lý hóa được tính công chính của Trung Quốc”.

Trước đó, ông Tập cho biết Bắc Kinh đã có được lập trường công bằng về cuộc chiến sau cuộc hội đàm kéo dài với ông Putin.

Mỹ hoài nghi về hội nghị thượng đỉnh Tập-Putin, đặc biệt là mục tiêu đã nêu của ĐCSTQ là hành động như bên kiến ​​tạo hòa bình. Ông Kirby nói rằng nếu Trung Quốc muốn vào vai của bên mang tính xây dựng, họ cần sử dụng ảnh hưởng để thúc ép Nga chấm dứt chiến tranh.

Người phát ngôn Dmitry Peskov của Điện Kremlin đáp trả về phản ứng của phương Tây rằng: “Đối với phản ứng tập thể của các nước phương Tây, không có gì bí mật với bất kỳ ai rằng phản ứng này là không thân thiện và thù địch sâu sắc trong hầu hết các vấn đề”.

Hai động thái của Tòa Bạch Ốc trong ngày diễn ra cuộc gặp Tập – Putin

3. Mục đích thực sự của cuộc gặp Tập – Putin: Củng cố liên minh chống Mỹ và cố gắng thiết lập trật tự thế giới mới

Nhiều chuyên gia cho rằng Trung Quốc và Nga nỗ lực hướng đến một liên minh chống Mỹ và một trật tự thế giới phù hợp hơn với kiểu quản trị độc đoán hơn mà họ vốn không ngừng thúc đẩy. Đó là động lực của cuộc gặp Tập – Putin này chứ không phải vấn đề hào hứng gì đối với giải quyết xung đột Ukraine.

Khi ông Tập rời Điện Kremlin vào tối thứ Ba sau khi tham dự quốc yến do ông Putin chủ trì, những lời chia tay của ông nhắc lại quan điểm rằng cán cân quyền lực toàn cầu đang thay đổi.

“Thay đổi chưa từng xảy ra trong một thế kỷ đang đến, chúng ta đang cùng nhau thúc đẩy”, ông Tập nói khi bắt tay với Putin, ám chỉ góc nhìn của ông Tập rằng phương đông đang trỗi dậy còn phương tây đang suy tàn.

Trong một tuyên bố chung, hai nhà lãnh đạo độc tài kêu gọi thúc đẩy một thế giới “đa cực”, ám chỉ một hệ thống không bị chi phối bởi các giá trị và quy tắc phương Tây.

Họ cũng tấn công Washington trên nhiều mặt, bao gồm thúc giục Mỹ ngừng phá hoại an ninh khu vực và quốc tế cũng như ổn định chiến lược toàn cầu.

CNN dẫn lời chuyên gia Alexander Korolev về quan hệ quốc tế tại Đại học New South Wales ở Úc, nói rằng tuyên bố chung cho thấy “xu hướng chung về thế giới quan và cách tiếp cận nhiều vấn đề quốc tế giữa Trung Quốc và Nga”.

“(Trung Quốc và Nga) rất rõ ràng và rành mạch trong việc xác định Mỹ là mối đe dọa an ninh chính”, ông Korolev nói.

Lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình nói chuyện với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải ở thành phố Samarkand, Uzbekistan ngày 16/9/2022. (Nguồn: SERGEI BOBYLYOV/ SPUTNIK/ AFP via Getty Images)

4. Ông Tập lo ngại NATO tăng cường quan hệ quân sự với các nước châu Á-Thái Bình Dương và tìm cách tăng cường hợp tác quân sự với Nga

NATO và AUKUS (liên minh an ninh của Úc, Anh và Mỹ) đã nổi lên như những mối lo ngại an ninh rõ ràng đối với ông Tập và ông Putin, bao gồm cả ảnh hưởng của NATO và AUKUS đối với châu Á.

Trong tuyên bố chung, cả ông Tập và ông Putin đều bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc “NATO tiếp tục tăng cường quan hệ an ninh quân sự với các nước châu Á-Thái Bình Dương, phá hoại hòa bình và ổn định khu vực”. Hai bên cũng phản đối “các lực lượng quân sự ngoài khu vực phá hoại hòa bình và ổn định khu vực”.

Khi hành vi của ĐCSTQ ở Biển Đông trở nên hung hăng hơn và mối đe dọa khủng hoảng eo biển Đài Loan gia tăng, Mỹ đã tăng cường sự hiện diện của mình ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và quan hệ với các đồng minh trong khu vực.

Tương tự, NATO cũng đang tăng cường quan hệ liên minh với các nước ở châu Á, xu thế đó khiến của ĐCSTQ lo ngại hơn. Vào cuối tháng 1, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã đến thăm các nước láng giềng của Trung Quốc là Hàn Quốc và Nhật Bản, đồng thời nhấn mạnh việc tăng cường hợp tác an ninh với Hàn Quốc và Nhật Bản. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh lên án NATO chọc vào vùng phòng thủ truyền thống, vươn vòi sang các nước châu Á.

Với lo ngại đó, một mục đích khác trong chuyến đi gặp Putin của ông Tập là tìm kiếm liên minh quân sự với Nga. Trong một tuyên bố chung, hai bên cho biết Trung Quốc và Nga cam kết “tăng cường hơn nữa sự tin tưởng lẫn nhau về mặt quân sự”, đề cập đến việc tăng cường trao đổi và hợp tác quân sự và thường xuyên tổ chức các cuộc tuần tra chung trên biển và trên không.

Trung Quốc và Nga đã nhiều lần tập trận chung.

5. Tập Cận Bình sẵn sàng liên minh với Putin chống lại phương Tây, nhưng do dự trong thỏa thuận khí đốt

Hôm thứ Ba (21/3), ông Putin cho biết Moscow sẵn sàng hỗ trợ các công ty Trung Quốc thay thế các công ty phương Tây đã sơ tán khỏi Nga sau chiến tranh Nga-Ukraine.

Sau khi chịu lệnh trừng phạt sâu rộng từ các nước phương Tây, Nga ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc với tư cách là thị trường nhập khẩu và xuất khẩu thiết bị điện tử.

Ông Putin muốn mở rộng xuất khẩu năng lượng sang Trung Quốc trong bối cảnh châu Âu giảm phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên chính của Nga, tuy nhiên ông Tập không cam kết mua thêm khí đốt tự nhiên.

Ông Putin cho biết đến năm 2030, mỗi năm ít nhất 98 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên sẽ được cung cấp cho Trung Quốc. Dù con số đó cao hơn gấp 6 lần con số Nga bán cho Trung Quốc thông qua đường ống vào năm ngoái, nhưng vẫn còn kém xa so với thời kỳ đỉnh cao Nga cung cấp cho châu Âu. Ông Tập Cận Bình đã không đưa ra một thỏa thuận rõ ràng nào với ông Putin trong chuyến thăm, thậm chí không gật đầu với tiến độ nhỏ nhất trên đường ống dẫn khí Power of Siberia 2 – một mắt xích quan trọng trong nỗ lực của Moscow nhằm bán thêm khí đốt cho Trung Quốc.

Nhà lãnh đạo Nga này cũng cho biết sau cuộc họp rằng ông ta và ông Tập Cận Bình đã thảo luận về đường ống mới, qua đó có thống nhất về “gần như tất cả” các vấn đề của thỏa thuận. Nhưng tuyên bố chung không rõ ràng như thế.

Ông Tập Cận Bình tại cuộc họp báo cũng không đề cập rõ ràng đến đường ống này.

Bloomberg cho biết, việc hai bên không đạt được tiến triển trong bất kỳ thỏa thuận năng lượng lớn nào – hoặc các chi tiết hợp tác cụ thể trong các lĩnh vực khác của nền kinh tế – cho thấy Trung Quốc do dự trước những động thái có vẻ quá gần gũi của Nga. Ông Tập Cận Bình muốn tránh đối mặt với các biện pháp trừng phạt kinh tế cứng rắn hơn từ phương Tây có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế Trung Quốc.

Bloomberg dẫn lời giáo sư Dongshu Liu chuyên về chính trị Trung Quốc tại Đại học Thành phố Hồng Kông: “Kế hoạch của ông Tập Cận Bình là có được cân bằng. Trung Quốc (ĐCSTQ) muốn Nga có thể tiếp tục tồn tại, nhưng họ không muốn bị coi là hoàn toàn ủng hộ Nga”; “Câu hỏi đặt ra là Trung Quốc sẽ làm gì khi chiến tranh phát triển, nếu Nga trở nên bất lợi hơn và cần sự hỗ trợ về kinh tế và quân sự của Trung Quốc để tồn tại? Khi đó Trung Quốc sẽ cần đưa ra những lựa chọn lớn hơn”.

Giới quan sát cũng có nhận định, mặc dù đường ống này có thể cung cấp cho Trung Quốc một giải pháp rẻ hơn trong thay thế khí đốt tự nhiên hóa lỏng, nhưng Chính phủ của ông Tập vẫn muốn đảm bảo đa dạng hóa nguồn cung – về cơ bản là không lặp lại sai lầm như châu Âu từng phạm khi quá phụ thuộc vào Nga.

Theo CNN, giáo sư Jean-Pierre Cabestan về khoa học chính trị tại Đại học Baptist Hồng Kông cho rằng tuyên bố chung Tập Cận Bình – Putin sẽ không giúp Trung Quốc có được thêm bạn bè ở châu Âu, vì cả châu Âu được huy động để hỗ trợ Ukraine, để đuổi quân xâm lược Nga ra khỏi lãnh thổ Ucraina.

Theo Trương Đình, Epoch Times

Tags: ,

More Stories From Thế Giới

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh