Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Sunday, November 17, 2024

Úc mở rộng phạm vi răn đe quân sự đề phòng xung đột từ “mối đe dọa Trung Quốc”


Thủ tướng Úc Anthony Albanese trong cuộc họp báo nói về chính sách quốc phòng, tại Canberra, Úc, ngày 24/04/2023. AP – Lukas Coch.

Lần đầu tiên kể từ Thế Chiến II, Úc tiến hành cải tổ sâu rộng quân đội để răn đe mọi ý đồ sử dụng vũ lực ở Ấn Độ-Thái Bình Dương và đối phó với Trung Quốc, mà Canberra coi là « mối đe dọa cho trật tự thế giới ». Ngày 24/04/2023, chính quyền của thủ tướng Anthony Albanese thông báo tăng thêm 19 tỉ đô la Úc cho quốc phòng trong vòng 4 năm tới và giới thiệu học thuyết quân sự mới tập trung vào hai hướng : dự báo và răn đe.

Trung Quốc bị chỉ đích danh là « mối đe dọa cho trật tự thế giới »

Dù trước đó, nhiều quan chức chính phủ, trong đó có ngoại trưởng Penny Wong, khuyến cáo nên tránh làm phật lòng Trung Quốc – đối tác thương mại chính, nhưng bản báo cáo của bộ Quốc Phòng đã ưu tiên vấn đề an ninh khi chỉ đích danh Bắc Kinh. Trung Quốc bị coi là « mối đe dọa cho trật tự thế giới ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, với những tham vọng chủ quyền ở Biển Đông, tác động tiêu cực đến lợi ích quốc gia của Úc ». Bắc Kinh bị cáo buộc gia tăng năng lực quân sự « một cách thiếu minh bạch và không trấn an được vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương về những ý đồ chiến lược của Trung Quốc ».

Điểm thay đổi đầu tiên của chiến lược quốc phòng mới của Úc tập trung vào tăng năng lực cảnh báo. Quân đội Úc không thể tiếp tục giữ thế thụ động như từ những năm 1945 khi chỉ đề phòng mọi cuộc tấn công lãnh thổ từ các nước tầm trung trong vùng, như Indonesia, và theo giả thuyết mọi cuộc tấn công cần đi kèm với cảnh báo 10 giờ. Trong khi thực tế hiện tại cho thấy các quốc gia có thể « triển khai sức mạnh chiến đấu » thông qua các cuộc tấn công vào các tuyến đường tiếp tế và chiến tranh mạng. « Kỉ nguyên tên lửa » trong chiến tranh hiện đại cũng đã giảm đáng kể lợi thế địa lý của Úc.

Alice Nason, nhà nghiên cứu cộng tác của Trung tâm Nghiên cứu Hoa Kỳ của Đại học Sydney, được nhật báo Pháp Le Figaro trích dẫn ngày 24/04, nhận định học thuyết mới của Úc « thông qua một định nghĩa rộng hơn về lợi ích quốc gia của Úc khi mở rộng đến toàn bộ vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương », đồng thời bảo đảm rằng « để bảo vệ những lợi ích đó, Úc phải có những phương tiện duy trì sự cân bằng quyền lực ở trong vùng và hành động ngoài khuôn khổ lãnh thổ và môi trường trực tiếp ».

Úc ưu tiên phát triển năng lực tấn công tầm xa

Do đó, Úc sẽ ưu tiên củng cố lực lượng hải quân, trong đó có dự án tầu ngầm hạt nhân với liên minh AUKUS, nâng cấp các căn cứ quân sự ở phía bắc lãnh thổ, thay vì tập trung vào bộ binh, cũng như trang bị khả năng tấn công tầm xa từ đất liền và trên không. Việc tăng cường khả năng răn đe được thủ tướng Anthony Albanese giải thích trong buổi giới thiệu chiến lược mới là Úc « phải xây dựng và tăng cường an ninh bằng cách định hình tương lai thay vì chờ tương lai định hình chúng ta ».

Theo chuyên gia Malcolm Davis, thuộc Viện Chính sách Chiến lược Úc – ASPI, đây là một « bước đi đúng hướng » vì « chúng ta không thể bằng lòng nấp sau chiếc ô của Mỹ. Chúng ta muốn vừa có khả năng bảo đảm cho chính quốc phòng của mình, vừa đóng vai trò quan trọng hơn trong liên minh với Mỹ, cũng như với Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và một số nước ASEAN ».

Chính quyền của thủ tướng Anthony Albanese muốn Úc trở nên tự chủ hơn, sẵn sàng hơn và được an toàn hơn sau khi đại dịch Covid-19 đã cho thấy sự phụ thuộc của Úc vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo trang CNN, chính sách quốc phòng mới đặt trong tâm vào 6 ưu tiên chính : phát triển chương trình tầu ngầm hạt nhân, tăng cường trang bị tên lửa tầm xa và sản xuất đạn dược ở Úc, cải thiện hợp tác quốc phòng với các nước láng giềng, đặc biệt là ở vùng Thái Bình Dương, nâng cấp chiến đấu cơ F-35A và F/A-18F Super Hornet để khai thác các hệ thống tên lửa chống hạm tầm xa, tuyển dụng khẩn cấp nhân lực cho lực lượng phòng vệ Úc (ADF), trong đó có nhân viên trong các xưởng đóng tầu để mở rộng lực lượng tầu ngầm.

Thông qua sáu điểm ưu tiên này, có thể thấy Úc tập trung nâng cao khả năng « kiểm soát chủ quyền » và nâng cao tự chủ sản xuất, được thủ tướng Anthony Albanese đánh giá là không chỉ có lợi cho nền kinh tế mà còn được coi là « vấn đề cho an ninh quốc gia ».

Nguổn: Thu Hằng @ RFI

Tags: ,

More Stories From Á Châu

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh