Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Wednesday, December 25, 2024

Mười đại tội ác của Hồ Chí Minh và đảng Cộng Sản VN


Lê Duy San.- Hồ Chí Minh tên thật là Nguyễn Tất Thành bút hiệu Nguyễn Ái Quốc, bí danh Lý Thụy thành lập đảng CSVN vào năm 1930 tại Hương Cảng. Hồ Chí Minh làm Chủ Tịch đảng còn Trần Phú là Tổng Bí Thư đảng.

Ngày 17 tháng 8 năm 1945, một cuộc mít tinh của sinh viên công chức chính quyền Trần Trọng Kim được tụ tập tại trước Nhà hát Lớn thành phố Hà Nội để ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim vừa thu hồi chủ quyền vào ngày 11/3/1945 từ tay người Nhật. Hàng vạn người đứng đầy đường Paulbert (nay là phố Tràng Tiền). Người đi xem rất đông, trên bao lơn nhà hát lớn, cờ quẻ ly được kéo lên, mọi người hát vang bài Tiếng Gọi Thanh Niên và hoan hô chính phủ Trần Trọng Kim đã thu hồi được chủ quyền, độc lập cho Việt Nam. Họ hô to “Việt Nam độc lập muôn năm”. Nhưng sau đó bọn CSVN lúc đó gọi là Việt Minh, đã biến buổi mít tinh này thành cuộc tuần hành thị uy của quần chúng cách mạng do Việt Minh điều khiển. Sau cuộc biểu tình, Việt Minh phân phát cờ đỏ sao vàng cho dân chúng để đón quân giải phóng (tức quân đội Cộng Sản VN) ở chiến khu về. Hàng ngàn người vào Bắc bộ phủ hô to đả đảo phát xí Nhật, hoan hô giải phóng quân và hô hào dân chúng đi chiếm các công sở.

Ngày 19/8/1945, Hồ Chí Minh cùng đồng bọn đã đã tổ chức một cuộc biểu tình tại Nhà Hát Lớn Hà Nội. Sau đó một cánh tiến thẳng tới Phủ Khâm Sai, cơ quan đầu não của chính phủ Trần Trọng Kim, bắt giữ Khâm Sai Bắc Kỳ Nguyễn Xuân Chữ và cướp chính quyền của chính phủ hợp pháp Trần Trọng Kim. Ngày 2/9/1945, Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập tại quảng trưởng Ba Đình tại Hà Nội, tuyên bố nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Đảng Cộng sản Việt Nam đang từ họat động bí mật và bất hợp pháp trở thành một đảng cầm quyền trong đó có các tên: Hồ Chí Minh, Phan Anh, Vũ Đình Hòe, Đặng Thái Mai, Lê Văn Hiến, Trần Đăng Khoa, Hùynh Thiện Lộc, Hòang Minh Giám, Tạ Quang Bửu, Đặng Phúc Thông, Đỗ Đức Dục, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Chu Văn Tấn, Trần Huy Liệu, Hoàng Hữu Nam, Cù Huy Cận, Trần Công Tường, Nguyễn Khánh Toàn , Đặng Phúc Thông v.v… Kể từ đó, Hồ Chí Minh và đồng bọn đã gây ra không biết là bao nhiêu là tội ác cho dân tộc Việt Nam.

I/ Tội ác thứ 1: Sát hại ngàn đảng viên của các đảng phái quốc gia.
Sau khi cướp được chính quyền, ngày 6/3/1946, Hồ Chí Minh ký kết Hiệp Ước Sơ Bộ với Pháp, cho phép quân Pháp đổ bộ vào miền Bắc VN thay thế cho quân đội Trung Hoa (lúc đó đang hậu thuẫn cho VNQDĐ) để tước khí giới quân đội Nhật; nhưng thực ra là để cho Việt Minh rảnh tay tiêu diệt các đảng phái quốc gia nhất là VNQDĐ, một đối thủ không đội trới chung của chúng.
Hồ Chí Minh và đồng bọn đã bịa đặt là : “Việt Nam Quốc dân Đảng và Đại Việt Quốc dân đảng nhờ có vũ khí do Trung Hoa Dân Quốc chuyển giao còn tổ chức các đội vũ trang mang tên “Thần lôi đoàn”, “Thiết huyết đoàn”, “Hùm xám” v.v… Các đội vũ trang này đã tổ chức nhiều vụ cướp có vũ trang, bắt cóc, tống tiền, tổ chức ám sát những người theo Việt Minh và cả những người trung lập như ông Ba Viên rồi tuyên truyền đổ lỗi cho Việt Minh… Không những thế, đầu tháng 6 năm 1946, Việt Nam Quốc dân Đảng còn tổ chức cho Nghiêm Xuân Chi (đảng viên Việt Quốc) ám sát một số lãnh đạo của Việt Minh như Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh và ông Bồ Xuân Luật, một người cũ của Việt Cách nay đứng về phe Việt Minh.”

Với lý do trên, Hố Chi Minh đã chỉ thị cho Võ Nguyên Giáp tìm cách loại bỏ dần các đảng phái đối lập như Việt Quốc, Việt Cách, Đại Việt, những người Trotskist như Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Hồ Hữu Tường, Ngô Văn, lực lượng chính trị Công giáo v.v… Một trong những sự kiện nổi tiếng nhất trong chiến dịch tiêu diệt các đảng phái đối lập này là Vụ án Phố Ôn Như Hầu (1). Võ Nguyên Giáp đã mượn bàn tay Pháp tàn sát những đảng viên của các đảng phái quốc gia. Võ Nguyên Giáp âm mưu tạo ra vụ án, vu oan cho tổ chức Quốc Dân Đảng là giết người chôn quanh căn nhà số 9 phố Ôn Như Hầu đã là một cái cớ để quân Pháp và Việt Minh tấn công vào các khu chiến của Việt Nam Quốc Dân Đảng và Đại Việt Quốc Dân Đảng ở miền Bắc và miền Trung. Việt Minh cũng tấn công vào giáo phận Phát Diệm và bắt đi hàng ngàn giáo dân và giáo sĩ.(Ban Nghiên Cứu Lịch Sử Việt Nam, Santa Clara, CA, trang 386).

Ngày 12/7/1946, theo lệnh của Trường Chinh, Việt Minh âm thầm cho công an đột nhập trụ sở Việt Nam Quốc dân Đảng ở số 9 phố Ôn Như Hầu. Hằng trăm người bị giết bằng cách trói lại và bị quăng xuống những con sông để họ chết chìm rồi loan tin là những người này bị VNQDĐ thủ tiêu. Vụ này đã làm cho VNQDĐ tan rã, nhiều người phải chạy trốn sang Tầu trong đó có cụ Nguyễn Hải Thần (2), Hùynh Thúc Khánh, Vũ Hồng Khanh, Hòang Đạo (3), Nhất Linh Nguyễn Tường Tam và nhiều lãnh tụ của Việt Quốc và Việt Cách khác. Hàng ngàn người khác bị chúng bắt đem di giam giữ tại Hỏa Lò Hà Nội và nhiều nơi khác trong đó có nhà văn Khái Hưng Trần Khánh Giư (4).

Ngày 19/12/1946, chiến tranh Việt Pháp bùng nổ. Vì không thể mang theo những người chúng giam giữ ở Hỏa Lò (sợ bị cản trở) nên chúng đã đem tất cả tù nhân ra ngòai đường tàn sát hết trước khi rút lui giống như vụ chúng đã tàn sát trên 5,000 thường dân vô tội trong biến cố Tết Mậu Thân 1968 tại Huế. Sau khi vãn hồi được trật tự, quân đội Pháp đã gom tất cả các xác chết này cùng với những người dân thường bị lạc đạn chết đem chôn chung trong một nôi mộ lớn trên một con đường nhỏ cạnh tòa án nằm trên đường Lý Thường Kiệt làm bít luôn con đường này.

II/ Tội ác thứ 2: Sát hại cả trăm ngàn nông dân, địa chủ phú hào.
Với chủ trương TRÍ, PHÚ, ĐỊA, HÀO – ĐÀO TẬN GỐC, TRỐC TẬN RỄ, Hồ Chí Minh và bọn lãnh đạo đảng CSVN sau khi cử người đi Liên Sô và Trung Cộng học tập đã phát động phong trào Cải Cách Ruộng Đất với mục đích không những để tiêu diệt giới địa chủ mà còn để bần cùng hóa người dân. Nhiều nông dân có dăm sào ruộng cũng bị liệt vào hàng địa chủ để phải chịu đấu tố đến vong mạng.

Phong trào CCRĐ được phát động từ năm 1951 với Sắc Luật 42/SL ngày 1/7/1951được tạm ngưng vào giữa năm 1954 khi hiệp định Genève được ký kết vì ngụy quyền Hà Nội phải lo đón tiếp hơn 50,000 bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc, phải đối phó với phong trào di cư và cuộc biểu tình đòi di cư của người dân vùng Ba Làng (Thanh Hóa) và cũng để trấn an phần nào lòng dân đang căm phẫn. Phong trào CCRĐ này được tiếp tục vào cuối năm 1955 (khi Hải Phòng hòan tòan thuộc quyền kiểm sóat của CSVN) và mãi tới cuốn năm 1956 mới được chấm đứt.

Hình ảnh tòa án Nhân Dân để đấu tố địa chủ

Luật Sư Nguyễn Mạnh Tường, trả lời báo Quê Mẹ khi ông du lịch sang Pháp sau năm 1975, đã nói: “Trong lịch sử Việt Nam từ hồi lập quốc đến nay chưa có một cuộc thanh trừng giết dân nào khủng khiếp tàn bạo như cuộc CCRĐ. Hầu như mọi cuộc đấu tố đều có sự nhúng tay của cố vấn Trung cộng. Điều đó cho thấy chính quyền HCM lệ thuộc ngoại bang như thế nào” (Người Việt ngày 7-9-2004).

Nhà thơ Tố hữu nổi tiếng với bài thơ “Khóc Stalin” đã cổ võ cho phong trào CCRĐ như sau:
“Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong Cho đảng bền lâu,cùng rập bước chung lòng, Thờ Mao chủ tịch, thờ Sít-ta-lin bất diệt”. Tố Hữu

Nhà thơ Xuân Diệu cũng cổ võ với mấy câu thơ tương tự:
” …Địa hào, đối lập ra tro Lưng chừng, phản động đến giờ tan xương Thắp đuốc cho sáng khắp đường, Thắp đuốc cho sáng đình làng đêm nay Lôi cổ bọn nó ra đây Bắt quì gục xuống, đọa đày chết thôi” Xuân Diệu

Theo báo cáo chính thức của viện Thống Kê Hà Nội thì số người vứa bị giết vừa bị đầy ải cho đến chết là 172,000 người. Theo nhà báo Bùi Tín, cựu Phó Tổng biên tập nhật báo Nhân Dân của đảng CSVN, cho biết con số nạn nhân ít nhất phải lên đến nửa triệu bao gồm nạn nhân bị hành huyết độc đoán tại hiện trường qua quyết định của Tòa án nhân dân và những người thân của nạn nhân. Những người này bị đuổi ra khỏi nhà, tài sản bị tịch thâu, không có quyền làm việc, bị mọi người xa lánh vì sợ bị liên lụy với giai cấp địa chủ, lần lượt chết vì bịnh tật và vì đói rét do chế độ quản lý hộ khẩu. Vì thế có người còn nói đây là tội ác giệt chủng của Hồ Chí Minh và đảng CSVN giống như bọn Khờ Me đỏ đã gây cho dân tộc Khờ Me vào những năm 1975,1976, 1977. Rất nhiều cán bộ cao cấp và phú hào có công với kháng chiến cũng bị kết tội cường hào ác bá, hoặc tội tham gia trong các tổ chức phản động như VN Quốc Dân Ðảng chẳng hạn trong số này có bà Cát Thành Long, (5) một người có công lớn với cuộc kháng chiến chống Pháp cũng bị đấu tố và bị giết chết.

III/ Tội ác thứ 3: Tàn sát cả ngàn người trong vụ “ Quỳnh Lưu Khởi Nghĩa”
Sau cái gọi là Nghị quyết sửa sai của đảng CSVN về những đợt cải cách ruộng đất đẫm máu, các nạn nhân đã tìm những cán bộ thanh toán món nợ máu. Các đảng viên CS được thả về từ nhà tù, được khôi phục quyền hành, khôi phục đảng tịch, cũng liền tìm đến ngay các đồng chí đã vu cáo họ để trả thù

Dân chúng đã dùng ngay chính sách sửa sai của CSVN để đòi lại chồng con đã bị giết oan uổng, tài sản đã bị cưỡng đoạt bất hợp pháp và đòi quyền được di chuyển tự do vào Nam như đã ghi trong Hiệp định Geneve 1954. Hồ Chí Minh đã phải chính thức ra lịnh đình chỉ mọi vụ hành quyết các địa chủ vào tháng 10 năm 1956.

Và để xoa dịu lòng dân, đảng CSVN cũng đã thả khỏang 12,000 người còn sống trong tù vì bị kết tội địa chủ, cường hào ác bá (trong số này nhiều người bị kết án tử hình nhưng chưa thi hành). Nhiều vụ nổi dậy, bạo động lớn nhỏ đã xảy ra sau đó. Vụ dân chúng nổi dậy lớn nhất là vụ “Quỳnh Lưu Khởi Nghĩa” ở Nghệ An vào đầu tháng 11 năm 1956.

Theo Cẩm Ninh, tác giả bài “ Quỳnh Lưu Khởi Nghĩa” thì đây là “Một cuộc đấu tranh đẫm máu chống lại chính sách cai trị dã man của lãnh đạo CSVN, mà qua đó, chính sách Cải Cách Ruộng Ðất đã là nguyên nhân chính làm bùng nổ cơn phẫn nộ của người dân.”

Các bần cố nông trót nghe lời đảng vu cáo bậy nay sợ bị trả thù cũng vội vàng chạy ra thành phố để lánh nạn khiến số dân ở Hà Nội, Nam Ðịnh đột nhiên tăng lên gấp bội. Bầu không khí căm thù ở nông thôn cũng lan ra thành phố, ảnh hưởng đến giới công nhân, tiểu tư sản, sinh viên và trí thức. Một số đã lên tiếng chống đảng qua phong trào Nhân Văn Giai Phẩm, làm đảng CSVN rất lo sợ.

Toàn thể nhân dân tỉnh Nghệ An, gồm đủ mọi thành phần giai cấp ở các xã Quang Trung, Tân Nho, Diễn Tân, Vạn Kim, Diễn Ðức, Diễn Ðông, Diễn Nguyên, Minh Châu, Ðức Vinh, Hồng Thăng, Ðại Gia, Yên Trung đã mở 1 đại hội để tố cáo những chính sách cai trị tàn ác của chế độ CSVN.
Ngày 10/11/1956, khoảng 10,000 nông dân đã mở đại hội lần thứ hai tại xã Cẩm Trường để bàn thảo về những ngày tới. Nhưng ngay lúc đó, CSVN đã điều động 2 đại đội chủ lực và 1 đại đội công an võ trang huyện Diên Châu về xã Cẩm Trường để giải tán đại hội nông dân. Bạo động đã xảy ra. Tiếng súng và lựu đạn nổ vang trờị, mặc dù tay không nhưng khí thế quần chúng rất mạnh, những người phía sau đã tràn lên thay cho những người gục ngã phía trước giống như cuộc cách mạng 1789 ở Pháp. Cuối cùng, dân chúng đã bao vây đồn bộ đội, công an. Vào giữa đêm, CS đã phải đưa thêm 2 trung đoàn về bao vây 10,000 nông dân tại xã Cẩm Trường. Dưới cơn mưa phùn cuối đông, một trận địa đã diễn ra giữa 10,000 nông dân và 2 vòng trong ngoài đầy những công an và bộ đội. Tờ mờ sáng này 11/11/56, các bà mẹ đã đánh trống, mõ kêu gọi dân chúng quanh vùng đến tiếp cứu. Xã Diễn Châu như bị động đất. Rồi 30,000 nông dân kéo đến vây phía ngoài 2 trung đoàn chính quy của CS, trở thành 1 vòng bao vây thứ tự. Cuộc nổi dậy bộc phát quá lớn, quá mau, đã đi ra ngoài sự tiên liệu của cả 2 bên.

Rạng ngày 13/11/1956, 1 cuộc biểu tình vĩ đại với sự tham gia của gần 100,000 đồng bào tỉnh Nghệ An. Bài hát Quỳnh Lưu Khởi Nghĩa đã được truyền đi khắp nơi, hoà với những đợt trống, mõ vang lên liên tục:

Anh đi giết giặc lập công
Con thơ em gửi mẹ bồng
Ðể theo anh ra tiền tuyến
Tiêu diệt đảng cờ Hồng
Ngày mai giải phóng
Tha hồ ta bế ta bồng con ta.

Trước tình hình này, Hồ Chí Minh ra lịnh cho Văn Tiến Dũng điều động Sư đoàn 304 từ Thanh Hóa vào baovây. Và Ngày 14/11/1956, Văn Tiến Dũng huy động thêm Sư đoàn 312 vào trận địa quyết tiêu diệt nhân dân Quỳnh Lưu. Khi vòng đai thứ 7 thành hình, Hồ Chí Minh ra lịnh tiêu diệt cuộc nổi dậy có 1 không 2 trong lịch sử đấu tranh chống VC. Con số thương vong bị Việt Cộng dấu kín, nhưng theo những người dân Qùynh Lưu còn sống sót cho biết thì số người bị giết ít nhất cũng cả ngàn người và số người bị bắt cho đi tù ít nhất cũng trên 6,000 người.

IV/ Tội ác thứ 4: Khủng bố giết hại hàng chục ngàn dân lành.
Suốt thời gian cuộc chiến từ 1945 đến 1975, Việt Cộng và bè lũ đã sát hại không biết bao nhiêu là dân lành vô tội và những người mà chúng nghi có liên hệ với chính phủ quốc gia bằng cách bằng cách đêm đêm tìm đến để sát hại. Chúng cho đào đường đặt mìn, đắp mô và pháo kích bừa bãi vào Saigòn và các thị xã của các thành phố miền Nam. Chúng cho nổ mìn tại các nhà hàng, vũ trường, quán ăn. Điển hình là vụ VC khủng bố bằng cách cho nổ mìn tại nhà hàng nổi Mỷ Cảnh và Vũ trường Tự Do tại Saigon và quán Đỏ ở thị xã Bạc Liêu vào năm 1965 làm chết cả chục người và cả trăm người khác bị thương. Dã man nhất là vụ pháo kích vào trường tiểu học Cai Lậy.

Hình ảnh các em học sinh nằm chết la liệt tại sân trường
Ngày 9 tháng 3 năm 1974 khỏang 3giờ chiều, đúng lúc các em học sinh đang trong giờ ra chơi, Việt Cộng đã pháo kích đạn cối 82ly vào trường tiểu học Cai Lậy, tỉnh Định Tường, giết chết 32 em học sinh và làm 43em học sinh khác bị thương. Để tưởng niệm các em học sinh này và cũng để kể tội ác Việt cộng đã sát hại những em học sinh vô tội, nhà trường có làm một tấm bia đá dựng ngay trong sân trường. Sau ngày 30/4/1975, VC đã đập phá, thủ tiêu chứng tích tấm bia lịch sử này.

Đây không phải là vụ duy nhất Việt Cộng pháo kích vào trường học để sát hại các em học sinh vô tội để khủng bố dân lành vô tội. Vào năm 1972, Việt cộng cũng đã pháo kích vào Trường Tiểu Học Cộng Đồng Song Phú quận Bình Minh tỉnh Vĩnh Long (gần Chi Khu Biệt Lập Ba Càng) giết chết nhiều em học sinh thơ dại.
http://vietnamsaigon75.blogspot.com/2013/02/viet-cong-phao-kich-truong-tieu-hoc-cai.html.
Nhưng vụ pháo kích dã man nhất, vô nhân đạo nhất và khủng khiếp nhất là vụ pháo kích vào đòan người chạy trốn Cộng Sản khi Việt Cộng tổng tấn công đợt 2 vào mùa hè năm 1972 còn gọi là mùa hè Đỏ Lửa.

Năm 1972, khi Cổ Thành Quảng Trị bị mất vào tay Việt Cộng, người dân tỉnh Quảng Trị lo sợ trước viễn tượng một cuộc thảm sát dân lành tương tự như cuộc thảm sát trong biến cố Têt Mậu Thân 1968 ở Huế, nên dân chúng cả tỉnh Quảng Trị đã bồng bế nhau trốn chạy vào Huế qua quốc lộ 1. Một đòan người đông như kiến cỏ dài hàng chục cây số trên quốc lộ 1, chỉ cần một cái ống nhòm bình thường nhìn vào, ai cũng biết là dân chúng đang chạy lọan. Vậy mà bọn Việt
Cộng cũng vẫn dùng súng cối 61 ly, 75 ly, B40, B41 v.v… (6) pháo suốt ngày đêm vào đòan người chạy lọan. Cả một đọan đường dài hàng chục cây số, xác người chết ngổn ngang, người nọ chồng lên người kia, máu chảy đỏ thẫm cả mặt đường. Báo chí đã gọi đọan đường này là Xa Lộ Kinh Hòang.

Hình ảnh thường dân bị pháo kích chết nằm la liệt trên quốc lộ 1
Theo đài RFA, “Vào lúc đó (30/4/72 ?), bộ đội cộng sản đã bắn trực diện vào dòng người chạy loạn trên quốc lộ 1 đoạn từ thị xã Quảng Trị cũ qua Hải Lăng tới Huyện Phong Điền. Hàng chục ngàn thường dân đã chết trên đoạn đường này, và cái tên Đại lộ Kinh Hoàng được nhắc tới từ ngày đó”.

V/ Tội ác thứ 5: Sát hại trên 5,000 thường dân vô tội trong Tết Mậu Thân 1968. Sáng sớm ngày 31 tháng 1 năm 1968, lợi dụng hưu chiến trong dịp Tết Nguyên Đán, Quân đội Cộng Sản Hà Nội và Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, con đẻ của Cộng Sản Hà Nội đã bất thình lình tấn công tại nhiều thành phố của miền Nam Việt Nam, trong đó có Sài Gòn và Huế. Chúng chiếm được Huế và tưởng là đã “giải phóng” vĩnh viễn được thành phố này nên Lực Lượng Cách Mạng Huế cùng với Liên Minh Dân Tộc Dân Chủ Hòa Bình của Lê văn Hảo đã họp hội nghị để thành lập một Chính Quyền Cách Mạng, với mục đích tổ chức việc quản trị thành phố và chuẩn bị chống lại sữ phản công của quân đội VNCH. Ngày 15 tháng 2 năm 1968 Ủy Ban Nhân Dân Cách Mạng Thừa Thiên Huế được thành lập và Lê Văn Hảo đảm nhiệm chức vụ chủ tịch.” Sau khi Ủy Ban Nhân Dân Cách Mạng Thừa Thiên Huế được thành lập, chúng ra thông cáo yêu cầu tất cả các quân cán chính của chính quyền VNCH phải ra trình diện rồi bắt giữ họ. Chúng cho những tên cộng sản nằm vùng như an hem Hòang Phủ Ngọc Tường, Hòang Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Đắc Xuân v.v…đi lùng bắt những người trốn tránh không chịu ra trình diện và những người chúng nghi là thành phần “phản động. Nhiều người bị giết ngay tại nhà, trước ngõ hoặc trên đường phố và được chúng chôn ngay tại chỗ.

Việt Cộng tập trung đồng bào Huế để tìm bắt quân nhân và công chức VNCH
Trong 28 ngày chiếm giữ Huế, bọn Việt Cộng (bộ đội Bắc Việt và quân đội Gỉai Phóng Miền Nam) ngày nào cũng đi lùng bắt giết các quân nhân VNCH nghỉ phép về nhà ăn Tết và viên chức của VNCH. Những người dân thường không theo chúng, chúng cũng bắt và giam giữ tại nhiều nơi khác nhau. Số người bị bắt giam vào khỏang gần 10,000 người.

Khi quân đội VNCH phản công và tái chiếm thành phố Huế, để dễ dàng và an tòan cho cuộc rút lui, chúng đã bắt những người dân mà chúng đang giam giữ, đào những hầm hố lớn, nói là, nói là để làm hầm trú ẩn. Đào xong, chúng xả súng bắn vào họ rồi lấp đất chon họ luôn. Nhiều người chưa chết, chúng cũng chôn luôn.

Một hầm chôn tập thể ở Huế được khai quật

Sau khi quân đội VNCH tái chiếm được Huế, do sự chỉ dẫn của dân chúng, người ta đã khám phá được gần 100 hầm hố chôn người. Có hố chôn 5, 3 người, có hố chôn một vài chục người. Còn hầm thì chôn ít nhất cũng có cả trăm người. Tổng cộng số xác chết vào khỏang hơn 5,000 người, chưa kể hơn 2,000 người mất tích (7). Nhiều nạn nhân bị trói hai tay và bị bắn vào đầu. Có thể nói đây là vụ người dân VN bị Việt Cộng tàn sát tàn bạo và dã man nhất trong cuộc chiến Việt Nam (1955-1975)

VI/ Tội ác thứ 6: Cướp tài sản của nhân dân miền Nam sau năm 1975.
Sau tháng 4 năm 1975, đảng CSVN đã cướp 16 tấn vàng của Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam tức của nhân dân miền Nam đem về Bắc chia nhau. Ngòai ra với những chính sách đổi tiền, mỗi gia đình chỉ được phép đổi có 100 ngàn đồng tiền VNCH để lấy $200 tiền VC cũng như chính sách đánh tư sản mại bản, cải tạo công thương nghiệp, chính sách kinh tế mới, cho đi vược biên bác chính thức, đảng Cộng Sản VN đã cướp trắng trợn không biết là bao nhiêu vàng bạc, của cải, nhà cửa của đồng bào miền Nam và cũng kể từ đó, đảng Cộng Sản Việt Nam đã được nhân dân miền Nam gọi là đảng Cướp, thật không sai chút nào.

Ngày nay chúng (bọn CSVN) còn cướp cả đất đai của các tôn giáo như Công Giáo, Phật Giáo, Cao Đài, Hoà Hảo, Tin Lành v.v…và đất đai của nhân dân cả hai miền Nam, Bắc vì thế mới có những vụ giáo dân xứ Thái Hà biểu tình phản đối ở Hà Nội, giáo dân Tam Tòa mit tinh cầu nguyện ở Vinh, vụ dân oan khiếu kiện ở Saigon v.v…Ngay cả những người đã nghe theo lời dụ dỗ của bọn chúng, đem tiền về làm ăn, chúng cũng không tha như Trần Trường ở Orange County, Nguyễn Gia Thiều, chồng Hoa Hậu Hà Kiều Anh, ở Pháp, Trịnh Vĩnh Bình ở Hà Lan,
vụ Bát Nhã Làng Mai ở Lâm Đồng, Nguyễn thị Vân ở Úc, v.v…Nhiều người còn bị chúng bỏ tù trước khi cướp hết sạch tài sản.

VII/ Tội ác thứ 7: Giam giữ bất hợp pháp cả 100,000 quân dân miền Nam.
Sau khi cưỡng chiếm được miền Nam Viêt Nam, bọn Việt Cộng đã bắt cả trăm ngàn quân cán chính của VNCH đi “học tập cải tạo” thực chất là đi tù không thời hạn. Có nhiều người đi tù tới 17 năm mới được thả về. Nhiều người đã chết trong trại “Cải tạo” vì bệnh tật, vì đói khát, vì bị hành hạ cả về thể xác lẫn tinh thần.

Thực ra mục đích của Việt Cộng khi đưa ra chính sách này là muốn cô lập những người mà chúng coi là nguy hiểm cho chế độ.

Hình ảnh của một trại “Học Tập Cải Tạo”

Theo sự ước tính của các nhà nghiên cứu đáng tin cậy và đã được phổ biến thì có vào khỏang 150 trại tù “cải tạo” và con số tù “cải tạo” (8) vào khỏang 150,000 người (tính trung bình mỗi trại tù 1,000 tù nhân). Có những nạn nhân đã bị giam giữ tới 17 năm, và theo Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ thì đại đa số nạn nhân bị giam giữ từ 3 tới 10 năm.

Anh Trần Mộng Lâm, một người phải đi “học tập cải tạo“ cho biết như sau:
“Sau 1975, chúng tôi, các quân nhân, công chức của Việt Nam Công Hoa bị “phe thắng trận” đưa vào trong các trại trừng giới gọi là Trại Học Tập Cải Tạo. Bỏ ra ngoài những sự hành hạ, trả thù, hay sát hại dã man, trên lý thuyết, mục đích của sự tập trung này là một cuộc tẩy não, để chúng tôi “tiến bộ”. Cuộc tẩy não gồm có 10 bài học. Để cho những ai chưa có cơ hội tham dự cuộc tẩy não này, tôi xin trình bầy vắn tắt như sau : Mấy trăm tên tù (trong trại của tôi, khoảng gần 500) được đưa vào một hội trường để nghe các thuyết trình viên trình bầy mỗi kỳ là một đề tài (thường là 1 tuần lễ cho một đề tài). Học xong, về trại, chúng tôi phải họp tổ (mỗi tổ gồm 10 người) rồi thảo luận chung với nhau về đề tài đó, liên hệ với bản thân, nhận tội với nhân dân, và giúp nhau tiến bộ, Mỗi lần họp như vậy, có cán bộ quản giáo dự. Mọi người đều phải “thành khẩn khai báo” các tội trạng của mình, phê bình các bạn mình, tự phê bình bản thân…”

Theo ông Đỗ Ngọc Uyển thì:
“Học tập cải tạo” là một nguỵ danh để che đậy 5 Tội Ác chống Loài Người (Crimes against Humanity) được dự liệu tại Điều 7 của Đạo Luật Rome (Article 7 of The Rome Statute) của bè lũ Việt gian cộng sản đối với quân, dân, cán, chính VNCH đã bị chúng giam cầm (imprisonment) một cách phi pháp sau ngày 30/04/1975. Đây cũng là một tội ác có tính lịch sử của lũ Việt gian cộng sản. Cái nguỵ danh “tù cải tạo/HO” phải được Chính Danh là : Tù Nhân Chính Trị và Nạn Nhân của Tội Ác chống Loài Người của Hồ Chí Minh và bè lũ cộng sản. Cũng cần phải nói thêm rằng khi dùng cái danh từ « cải tạo » của cộng sản là mắc mưu chúng bởi vì chúng tuyên bố lếu láo rằng vì các anh có “nợ máu” với nhân dân nên các anh phải đi “cải tạo”, và khi tự gọi mình là “tù cải tạo” tức là tự nhận mình có tội. Cũng như khi tự gọi mình là một “HO”- một cái nguỵ danh đã bị lộng giả thành chân để chỉ một người “tù cải tạo” – là tự từ bỏ cái căn cước người tù chính trị của mình. Cho nên, Chính Danh là vấn đề rất quan trọng cả về chính trị và lịch sử. Dùng Nguỵ Danh để che đậy và bóp méo một sự kiện lịch sử là tội đại gian và có tội đối với lịch sử.”

VIII/ Tôi ác thứ 8: Tước đọat quyền sinh sống của nhân dân miền Nam khiến cả nửa triệu người phải bỏ nước ra đi và bỏ mạng trên biển cả.

Sau năm 1975, không phải chỉ những người phục vụ trong chính quyền miền Nam như quân nhân, công chức bị Việt Cộng trả thù bằng cách cho đi tù mà chúng gọi là cho đi “học tập cải tạo mà ngay cả thường dân cũng không thóat khỏi. Với các chính sách “đánh tư sản mại bản’, “cải tạo công thương nghiệp”, “kinh tế mới”, “hộ khẩu”, “hợp tác xã” v.v…bọn Việt Cộng đã tước đọat hết tài sản của người dân miền Nam kể cả quyền sinh sống của họ khiến cả triệu người đã phải bỏ nước ra đi tìm sự sống.

Người dân miền Nam có thể chịu cực khổ nếu con cái họ có tương lai. Nhưng họ không thể nhìn con cái họ trở thành những con vật trong xã hội Cộng sản Việt Nam, một xã hội đầy bất công và thù hận. Vì thế chỉ còn một con đường duy nhật là vượt biên. Nếu may thoát được thì con cái họ còn có hy vọng có được một tương lai tốt đẹp hay ít nhất cũng có được một cuộc sống đáng sống. Bởi vậy họ đã liều mình vượt biên bằng đường bộ qua Cam-pu-chia, đến Thái Lan hay vượt Biển qua Mã Lai, Nam Dưong,

Phi Luật Tân. Tới nơi nào cũng được, bất chấp sự bắt bớ của công an, cướp bóc, hãm hiếp của hải tặc hay bão tố trên biển cả, miễn là ra khỏi được cái điạ ngục khủng khiếp đó là Việt Nam
Thuyền chở 162 người vượt biển bị đắm lúc sắp đáp được vào bờ

Với những con thuyền mong manh, chất chứa cả trăm người, người dân miền Nam đã liều chết đi tìm tự do. Hàng chục ngàn phụ nữ đã bị hải tặc hãm hiếp, và khỏang năm trăm ngàn thuyền nhân đã bỏ xác trong biển cả.

Theo sử gia Trần Gia Phụng: Vượt biên năm 1975 là cuộc xuất ngoại vĩ đại nhất trong lịch sử Việt Nam kể từ ngày lập quốc. Ðây là một sự kiện hoàn toàn bất ngờ đối với Nam Việt, Bắc Việt, Hoa Kỳ và cả thế giới. Trước đó, không một ai có thể tiên đoán được phong trào vượt biên sẽ xảy ra đến mức lớn lao như thế. Phong trào vượt biên kéo dài từ 1975 đến 1996 ngang bằng với thời gian chiến tranh từ 1954 đến 1975. Tổng số người rời bỏ đất nước bằng tất cả các cách, cộng với những người tử nạn trên đường vượt biên, lên đến khoảng gần bằng tổng số dân chúng và quân nhân Việt Nam cả Nam lẫn Bắc tử trận trong cuộc chiến từ 1954 đến 1975 (khoảng 3,000,000).

Những đợt vượt biên ào ạt, bất chấp mạng sống đã làm rúng động lương tâm nhân loại, và đã phơi trần bản chất độc ác của chế độ Cộng Sản Việt Nam (CSVN) trước công luận thế giới”
Sự kiện nầy không nững là tiếng chuông cảnh tỉnh nhân loại về cái gọi “Thiên Đường Cộng Sản”, mà còn nói lên một tội đại ác của Cộng Sản Việt Nam và bè lũ.

IX/ Tội ác thứ 9: Đánh thuê cho Nga Tầu khiến cả triệu người dân chết vì chiến tranh.
Việt Cộng Hà Nội nghe theo quan thầy Liên Sô, Trung Cộng xâm chiếm miền Nam VN tức VNCH không phải là để bảo vệ lãnh thổ mà là để thi hành nghĩa vụ quốc tế của đảng Cộng Sản Nga Tầu. Chính Lê Duẩn, nguyên Tổng Bí Thư của đảng Cộng Sản Việt Nam đã nói: “Ta đánh miền Nam là đánh cho Liên Xô, cho Trung Quốc” và “Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc, cho các nước xã hội chủ nghĩa và cho cả nhân loại. Năm 1976 Lê Duẫn ngang nhiên áp đặt Chủ Nghĩa Cộng Sản lên đầu toàn dân VN, đổi tên đảng Lao Động (lừa bịp dân lúc trước vì dân không thích cộng sản) thành đảng csvn. Lê Duẩn nói “ Ta đã thành công trong việc cắm lá cờ Mác-Lê trên toàn cõi Việt Nam”

Đền thờ Lê Duẩn ở huyện Cẩm Xuyên tỉnh Hà Tĩnh

Lời nói của Lê Duẩn, Tổng Bí Thư đảng Cộng Sản Việt Nam đã nói lên bản chất và mục tiêu thực sự của cuộc chiến Việt Nam không phải là “cuộc chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam” như bọn Việt Cộng đã rêu rao mà chỉ là một cuộc chiến ý thức hệ. Bọn Việt Cộng đánh cho Liên Xô để bành trướng đế quốc CS khắp toàn cầu theo chủ trương của Cộng Sản quốc tế. Ðánh cho Trung Cộng để mở rộng bờ cõi Ðại Hán xuống khắp vùng Ðông Nam Á theo ý đồ của đảng Cộng Sản Trung Quốc. Ðoàn quân dưới sự lãnh đạo của đảng CSVN rốt cuộc chỉ là một bọn lính đánh thuê không hơn, không kém.

Vì nghĩa vụ lính đánh thuê này mà bè lù Hồ chí Minh và đảng Cộng Sản Việt Nam đã gây nê cuộc chiến kéo dài 20 năm (1955-1975) và quân đội 2 miền Nam Bắc chết cả triệu người và cả triệu người dân vô tội khác phải thiệt mạng.

X/ Tội ác thứ 10: Bán nước và làm nô lệ cho Tầu.
Năm 1958, Phạm Văn Đồng ký công hàm ngày 14/9/1958 ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4/9/1958 của Trung Quốc quyết định về hải phận của Trung quốc và tôn trong hải phận 12 hải lý của Trung Quốc.

Năm 1979, sau khi bị Tầu dàn 200,000 quân vượt qua biên giới tiến công, tàn phá bình địa vùng biên giới trong đó có Động Tam Thanh thuộc Lạng Sơn, Việt Nam mất khoảng 789 km vuông vùng biên giới. Tới ngày 30 tháng 12 năm 1999, Bọn lãnh đạo VNCS lại bí mật cắt
nhượng thêm dọc biên giới khoảng 1300km chiều dài và từ 2 đến 12 km chiều rộng dâng cho Trung Cộng. Tính ra Việt Nam mất khỏang 15,000 km vuông miền biên giới Cao Bằng Lạng Sơn. Ải Nam Quan cũng bị sát nhập vào Tầu. Động Tam Thanh, thị xã Đồng Đăng, Thác Bản Giốc và hang Pắc Bó, mà trước kia Hồ Chí Minh dùng làm nơi trú ẩn trong lúc thời chiến tranh với Pháp, cách Tầu 50 km nay cũng nằm sát kề biên giới.

Sau khi nhận được tin Bộ Trưởng Trung Cộng là Tang Jiaxuan muốn gặp Bô Trưởng CSVN tại ThaiLand khi ông ta viếng thăm nước nầy. Ngày 26 tháng 7 năm 2000, Ông Nguyễn Duy Niên đáp chiếc Air Bus bay từ phi trường Nội Bài sang ThaiLand để gặp Bộ Trưởng Ngoại giao Trung Quốc tại khách sạn Shangri-La Hotel Bankok. Cuộc gặp rất ngắn ngủi. Tang Jiaxuan giao cho Niên một chồng hồ sơ đòi CSVN phải hiến thêm đất và biển. Trong hồ sơ ghi rõ Trung Quốc đòi luôn 50/50 lãnh hải vùng Vịnh Bắc Việt và đòi VietNam phải cắt 24,000 Km vuông vùng biển cho TQ.
Ngày 28 tháng 7 bộ chính trị đảng CSVN đã nhóm họp kín để thỏa mãn yêu cầu này của Trung Cộng. Ngày 26/9/2000, Phan Văn Khải đã đáp chuyến bay qua Bắc Kinh và được xe Limo chở tới Quảng Trường Nhân Dân để gặp Lý Bằng. Lý Bằng cho Khải biết là Lê Khả Phiêu và Giang Trạch Dân đã gặp nhau 2 lần cho vụ hiến đất rồi. Lý Bằng cho biết là Nông Đức Mạnh (lúc đó là chủ tịch Quốc Hội DCSVN) đã sang Trung Quốc vào tháng 4 năm 2000 và Lý Bằng đã gặp lại Nông Đức Mạnh, vào tháng 8 năm 2000 ở New York Hoa Kỳ. Việc Phan Văn Khải được triệu sang Trung Cộng đẻ gặp Lý Bằng chỉ là để thông báo cho biết việc hiến đất của Lê Khả Phiêu và Nông Đức Mạnh mà thôi. Vào ngày 24 tháng 12 năm 2000 , Thứ Trưởng Bộ Ngoại Giao VN Lê Công Phụng được Trần Đức Lương phái đi Trung Quốc thương thảo một lần nữa để gặp ông tình báo của Trung Quốc là ông Hoàng Di, ông nầy là cánh tay phải của Bộ Trưởng Ngoại Giao Trung Quốc. Theo bản báo cáo cho bộ chính trị CSVN, ông Lê Công Phụng cho biết lúc đầu ông Hoàng Di vẫn khăng khăng đòi chia 50/50 với Việt Nam về vùng biển Vịnh Bắc Việt “Beibu Bay” và đòi lấy luôn đảo Bạch Long Vĩ. Sau đó ông Phụng, được bộ chính trị dặn trước là xin lại 6% của Vùng
biển gần khu vực Bạch Long Vĩ vì đã được lâu đời là của Việt Nam. Kết Qủa cuộc đi đêm này, Việt Nam còn lại 56% Vịnh Bắc Việt và mất đi 16,000 sq Km vùng vịnh cho Trung Quốc. Ngày 26 tháng 2 năm 2001 Nguyễn Mạnh Cầm bay sang Trung Quốc để gặp ông Qian Qichen tại đảo Hải Nam. Nguyễn Mạnh Cầm cám ơn Trung Quốc đã mua vùng Vịnh Bắc Việt của Việt Nam (Beibu Bay) với giá 2 tỉ US Dollar.

Tóm lại, kể từ ngày Hồ Chí Minh và đồng bọn cướp được chính quyền từ tay Thủ Tướng Trần Trọng Kim, Hồ Chí Minh và đảng Cộng Sản Việt Nam đã phạm 10 tội đại ác sau:

1/ Sát hại ngàn đảng viên của các đảng phái quốc gia
2/ Sát hại cả trăm ngàn nông dân, địa chủ phú hào
3/ Tàn sát cả ngàn người trong vụ “ Quỳnh Lưu Khởi Nghĩa”
4/ Khủng bố giết hại hàng chục ngàn dân lành.
5/ Sát hại trên 5,000 thường dân vô tội trong Tết Mậu Thân 1968.
6/ Cướp tài sản của nhân dân miền Nam sau năm 1975.
7/ Giam giữ bất hợp pháp cả 100,000 quân dân miền Nam.
8/ Tước đọat quyền sinh sống của nhân dân miền Nam khiến cả nửa triệu người phải bỏ nước ra đi và bỏ mạng trên biển cả.
9/ Đánh thuê cho Nga Tầu khiến cả triệu người dân chết vì chiến tranh.
10/ Bán nước và làm nô lệ cho Tầu.

Ngòai 10 tội đại ác này, Hồ Chí Minh và đảng Cộng Sản Việt Nam còn phạm cả trăm ngàn tội ác khác trong suốt cuộc chiến từ 1945 đến 1975 và cho đến bây giờ chúng vẫn còn đang tiếp tục gây tội ác cho dân tộc Việt Nam.

Nếu bè lũ Hồ Chí Minh và đảng CSVN không biết ăn năn hối cải, không biết nghĩ tới quyền lợi tối thượng của quốc gia dân tộc thì như cô sinh viên Nguyễn Phương Uyên đã nói: ‘‘Đảng Cộng Sản VN hãy chết đi !’’ để cho đất nước và người dân được sống, để cho những người yêu nước có khả năng điều hành đất nước. Đừng để cho người dân phải phẫn nộ, vùng lên
để lôi cổ xuống trị tội. Tới lúc đó bè lũ Hồ Chí Minh và đảng CSVN , nhất là bọn công an Việt Cộng đừng mong quỳ xuống đường phố như bọn công an Ukraine để xin dân chúng tha tội.
Lê Duy San

Chú thích
(1) Căn nhà số 9 Phố Ôn Như Hầu Hà Nội là nơi họat động đầu não của VNQDĐ
(2) Cụ Nguyễn Hải Thần, lãnh tụ Việt Cách, lúc đó đang là phó Chủ Tịch trong chính phủ liên hiệp mà Hồ Chí Minh là Chủ Tịch.
(3) Hòang Đạo tên thật là Nguyễn Tường Long, ông là thành viên trong chính phủ liên hiệp. Sau vụ Ôn Như Hầu, ông đi cùng với phái đoàn hòa giải của Chính Phủ Liên Hiệp để hòa giải những bất đồng giữa các đảng phái quốc gia với Cộng Sản (Việt Minh). Việc hòa giải thất bại, ông phải lánh sang Trung Quốc. Năm 1948 khi được tin chính phủ quốc gia được thành lập, ông tìm cách trở về hợp tác. Ngày 22 tháng 7 tháng 1948, trên chuyến xe lửa từ Hương Cảng về Quảng Châu, khi vừa tới ga Thạch Long, Hoàng Đạo bị đột quỵ rồi mất, lúc 42 tuổi. Có tin cho rằng ông đã bị Việt Minh đón đường sát hại.
(4) Năm 1946 Khái Hưng tên thật là Trần Khánh Giư. Ông bị Cộng Sản (Việt Minh) bắt và giam giữ tại Liên Khu 3 (Lạc Quần, Trực Ninh) rồi đem xử tử hình ở bến đò Cựa Gà, phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định vào năm 1947. Theo ông Nguyễn Tường Triệu, con nuôi Khái Hưng, tiết lộ Khái Hưng mất tích sau Tết Ðinh Hợi (22/1/1947)
(5) Tên thật của bà là Nguyễn thị Năm. Bà là người đầu tiên bị mang ra xử bắn trong cuộc CCRĐ. Bà là người đã che giấu và nuôi dưỡng các lãnh đạo cộng sản như Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ, Lê Thanh Nghị, Lê Giản v.v… trong thời gian đảng CSVN còn hoạt động bí mật. Hai con trai bà, ông Nguyễn Công và ông Nguyễn Hanh đều theo Việt Minh từ trước 1945. Khi phong trào CCRĐ được phát động, ông Nguyễn Công đang làm chính uỷ trung đoàn và ông Nguyễn Hanh là đại đội phó bộ đội thông tin.
(6) Tầm xa của bích kích 60, 82 ly là 2 và 3 cây số, của tên lửa B40, B41 là vài trăm thước. Hiện diện của cán và đuôi B40, B41 trên đường có nghĩa là các vũ khí này đã được xạ thủ sử dụng không xa mục tiêu quá 2, 3 cây số mà là ở rất gần. Vậy không thể nói là vô tình hay sơ xuất.
(7) Theo cựu Thiếu Tá Liên Thành, Chỉ Huy Trưởng BCH/CSQG Thừa Thiên-Huế thì con số thường dân bị giết là 5,327 và bị mất tích là 1,200 người.
(8) Theo ông Đỗ Ngọc Uyển thì con số tù “Cải tạo” vào khỏang 1 triệu người và số người chết trong trại tù “cải tạo” là 165,000 người. Hai con số này có lẽ ông gồm cả những người bị đi học tập có 5, 3 ngày hoặc kể cả những người bị đi tù cải tạo ở miền Bắc sau năm 1954.

More Stories From Chính Trị

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh