Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Sunday, December 22, 2024

VNCH khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, TQ từng im re!


Theo Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng Lưu Anh Rô, năm 1974, chính quyền Việt Nam Cộng hòa từng suýt đưa được Trung Quốc ra Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc vì cưỡng chiếm trái phép Hoàng Sa.

Như tin đã đưa, trong khuôn khổ chuỗi hoạt động tại Đà Nẵng nhằm ghi dấu 40 năm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép, chiều 19/1 sẽ diễn ra cuộc hội thảo quốc gia về chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa do Hội Khoa học Lịch sử TP Đà Nẵng chủ trì tổ chức.

Hiện Ban tổ chức hội thảo đã nhận được tham luận của nhiều học giả, nhà nghiên cứu có uy tín ở Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng chuyên nghiên cứu lịch sử, pháp lý về chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa. Một trong những vấn đề được nhiều tham luận quan tâm là vai trò của chính quyền Việt Nam Cộng hòa (VNCH) từ năm 1954 – 1975 trong việc khai thác, sử dụng và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa.

Trung Quốc từng im re trước khẳng định chủ quyền của Đệ nhất VNCH

Là thành viên tham gia đề tài nghiên cứu khoa học “Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam qua các tài liệu lưu trữ của chính quyền VNCH (1954 – 1975)” do Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng chủ trì, thạc sĩ Lưu Anh Rô, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử TP Đà Nẵng có bài tham luận rất đáng chú ý, dài 15 trang với tựa đề “Vụ Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa của Việt Nam qua một số tư liệu lưu trữ (1954 – 1975).

Qua nghiên cứu nhiều văn bản thời ông Ngô Đình Diệm và các chính quyền kế tiếp sau đó do Văn phòng Phủ Thủ tướng và Văn phòng Phủ Tổng thống lưu lại, tham luận của thạc sĩ Lưu Anh Rô nêu rõ, dưới thời Ngô Đình Diệm, việc ông ban hành nhiều sắc lệnh, nghị định về Hoàng Sa, nhất là những hoạt động kinh tế, quân sự tại đây như: cho khai thác phân chim, thành lập công ty khai thác tài nguyên ở Hoàng Sa tại Sài Gòn; xây dựng các cơ sở hạ tầng như nhà ở, cầu cảng, phân xưởng, nhà thủy văn; đưa lính ra bảo vệ và thay đổi các chức vụ Đảo trưởng… cho thấy tính liên tục của quá trình khai thác, bảo vệ của chính quyền VNCH đối với các quần đảo của Việt Nam, trong đó có Hoàng Sa.

Sau khi Hiệp định Geneve được ký kết vào năm 1954, việc chuyển giao quyền lực giữa quân đội Pháp và chính quyền Quốc gia Việt Nam (sau ngày 26/10/1956 là VNCH) đã để lại một khoảng trống trong việc bố phòng ở biển Đông. Lợi dụng sơ hở đó, một số nước đã lén lút cho quân đổ bộ chiếm đóng trái phép một số đảo thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Tuy nhiên, chính quyền Ngô Đình Diệm và các chính quyền trước đó đều lên tiếng phản đối hành động chiếm cứ trái phép Hoàng Sa và Trường Sa của bất kỳ quốc gia nào; đồng thời không ngừng khẳng định các quần đảo này là của Việt Nam.

Đáng chú ý nhất, theo hai nhà nghiên cứu Nguyễn Bá Diến và Nguyễn Hùng Cường trong bài tham luận chung có tựa đề “Nguyên tắc chiếm hữu thực sự trong luật quốc tế và chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” là tuyên bố của ông Trần Văn Hữu (Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của Chính phủ Quốc gia Việt Nam 1950 – 1952) về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tại Hội nghị Hòa bình ở San Francisco (Hoa Kỳ – 1951) với sự tham dự của 51 nước.

Tuyên bố này của ông Trần Văn Hữu không gặp bất cứ một sự phản kháng nào, kể cả Trung Quốc. Do vậy, tại hội nghị kể trên, khi có một đề nghị bổ sung bản dự thảo Hòa ước yêu cầu trao trả cho Trung Quốc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì hội nghị đã bác bỏ với số phiếu áp đảo là 46 phiếu thuận, 3 phiếu chống và 1 phiếu trắng.

Đệ nhị VNCH tiếp tục khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa

Đầu những năm 1970, khi quan hệ giữa các nước lớn trên thế giới có nhiều thay đổi và diễn biến phức tạp, Trung Quốc từng bước “phát tín hiệu” thân thiện với Mỹ, một sự thỏa hiệp ngấm ngầm của cả hai bên bắt đầu được khởi động thì các vấn đề liên quan đến tranh chấp Hoàng Sa và Trường Sa giữa chính quyền VNCH và Trung Quốc cũng từng bước trở nên quyết liệt.

Trong xu thế đó, theo tham luận của thạc sĩ Lưu Anh Rô, chính quyền VNCH đã liên tiếp ban hành các tuyên bố, công hàm, văn kiện ngoại giao… tiếp tục khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời phản đối những đòi hỏi vô lý của Trung Quốc.

Ngày 13/7/1971, Bộ truởng Ngoại giao VNCH Trần Văn Lắm có mặt tại Hội nghị lần thứ VI của Hiệp hội các Quốc gia châu Á-Thái Bình Dương ở Manila (Philippines) tái khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Ông Lắm cũng nhắc lại lời tuyên bố chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của cựu Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Chính phủ Quốc gia Việt Nam Trần Văn Hữu tại Hội nghị San Francisco (Hoa Kỳ) năm 1951.

Tiếp đó, nhận thức được diễn biến của tình hình về tranh chấp trên biển Đông ngày càng phức tạp, ngày 15/7/1971, Nha Thông tin báo chí Bộ Ngoại giao đã ra Thông báo số 214/BNG/TTBC/TT về chủ quyền của VNCH trên các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Nội dung tuyên bố nếu rõ:

“Chánh phủ VNCH long trọng xác nhận lại một lần nữa chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa… VNCH là quốc gia duy nhất có chủ quyền hợp pháp trên hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, vì đã thực hiện được các điều kiện ấn định trong Hiệp định năm 1885, liên quan đến vấn đề chủ quyền lãnh thổ. Chánh phủ VNCH tuyên bố VNCH có chủ quyền hoàn toàn trên hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa và bác bỏ tất cả các đòi hỏi của bất cứ một quốc gia nào về vấn đề này”.

Suýt đưa Trung Quốc ra Hội đồng Bảo an vì xâm chiếm Hoàng Sa

Ngày 20/1/1974, một ngày sau khi Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Bộ trưởng Ngoại giao VNCH đã gọi điện và gửi thư cho Chủ tịch Hội đồng Bảo an và Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đề nghị những biện pháp cần thiết trước tình hình khẩn cấp về việc Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm Hoàng Sa. Hành động dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Trung Quốc đã vi phạm Điều 2 của Hiến chương Liên Hiệp Quốc.

Theo tham luận của thạc sĩ Lưu Anh Rô, các nước như Liên Xô, Hà Lan, New Zealand, Indonesia…, các tổ chức quốc tế như Tổng Liên đoàn Lao động thế giới, các lực lượng thanh niên Italia, Hội đồng công dân Australia, Viện Nghiên cứu xã hội Australia, Ủy ban Đại học Australia bảo vệ Đông Dương,…đã lên tiếng phản đối hành động xâm lược lãnh thổ bằng vũ lực của Trung Quốc.

Cũng trong năm 1974, Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc đã thông qua Nghị quyết 3314 định nghĩa về hành vi xâm lược bằng vũ lực. Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc lúc này là Tiến sĩ Gonzalo Jr, Facio (cũng là Ngoại Trưởng Costarica), sau khi được VNCH thông báo nội tình và thể theo lời yêu cầu, đã mở một cuộc tham khảo sôi nổi vào ngày 25/1 và đề nghị đưa vụ Hoàng Sa vào nghị trình của Hội đồng Bảo an. Tuy nhiên việc triệu tập một phiên họp của Hội đồng Bảo an không thành vì Trung Quốc lúc đó đang là là hội viên thường trực, có quyền phủ quyết.

“Từ sự kiện này cho thấy, VNCH đã đạt được thắng lợi về mặt ngoại giao, khi Tiến sĩ Facio tuyên bố đáng lẽ Hội đồng Bảo an phải thảo luận vụ này, và ông cho biết riêng Costarica luôn hậu thuẫn cho VNCH” – Tham luận của thạc sĩ Lưu Anh Rô nhấn mạnh.

Tiếp đó, ngày 21/1/1974, Bộ Ngoại giao VNCH đã gửi công hàm cho các thành viên ký kết định ước của Hội nghị quốc tế về Việt Nam để tố cáo Trung Quốc xâm phạm quần đảo Hoàng Sa thuộc lãnh thổ VNCH. Công hàm có đoạn: “Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đang cố tình sử dụng võ lực như một phương tiện để chiếm thêm lãnh thổ, vi phạm trầm trọng các nguyên tắc thông thường của công pháp Quốc tế và Hiến chương Liên hiệp quốc và cũng vi phạm trầm trọng Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam ký tại Paris ngày 27 tháng Giêng năm 1973 và Định ước của Hội nghị quốc tế về Việt Nam ký tại Paris, ngày 2 tháng Ba năm 1973”.

Tiếp tục khẳng định chủ quyền sau khi Hoàng Sa bị xâm chiếm

Tham luận của thạc sĩ Lưu Anh Rô tiếp tục cho hay, ngay cả khi Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm đóng trọn vẹn Hoàng Sa, để tiếp tục khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo này, ngày 21/6/1974, chính phủ VNCH đã có một bản tuyên cáo về tài nguyên thiên nhiên của quốc gia trong vùng biển và dưới đáy biển, trong đó nêu rõ:

“Chính phủ VNCH… có thẩm quyền và có sứ mạng bảo tồn đúng mức và khai thác hợp lý các tài nguyên thiên nhiên của quốc gia, trong đó gồm có các tài nguyên ở trong vùng biển và dưới đáy biển tiếp cận với lãnh thổ VNCH, ngõ hầu gìn giữ tài sản quốc gia và mang lại lợi ích tối đa cho dân chúng….

Chính phủ VNCH cũng đã cho tiến hành nhiều cuộc khảo sát trên mặt biển và trong lòng đáy biển để ước định sự khả hữu và vị trí của các nguồn tài nguyên khoáng sản ở dưới đáy biển. Qua hai đợt đấu thầu năm 1973 và năm 1974, chính phủ VNCH đã cấp dữ quyền đặc nhượng tìm kiếm và khai thác dầu lửa trong thềm lục địa, cho một số công ty thuộc nhiều quốc tịch và có trình độ kỹ thuật cao. Công cuộc này có thể đem lại nhiều lợi ích lớn lao cho nhân dân miền Nam Việt Nam về các mặt phát hiện tài nguyên, huấn luyện nhân sự, đảm bảo cung cấp nhiên liệu và thu hoạch lợi tức…”.

Tham luận của thạc sĩ Lưu Anh Rô kết luận: “Như vậy, các văn kiện, tuyên bố và công hàm ngoại giao đã thể hiện mạnh mẽ ý chí chủ quyền của VNCH với quần đảo Hoàng Sa; khẳng định quyền bất khả xâm phạm của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Từ những tài liệu này, góp phần tạo cho dư luận thế giới, nhất là những cường quốc lúc bấy giờ hiểu sâu và rõ hơn về chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo này, đã tạo ra một luồng dư luận ủng hộ về tính chính nghĩa về chủ quyền, sự vô lý của Trung Quốc khi dùng vũ lực để cưỡng chiếm Hoàng Sa của Việt Nam.

Từ các tài liệu trên cho thấy, cái gọi là “chủ quyền” của Trung Quốc tại Hoàng Sa, hay nói đúng hơn, từ năm 1954 đến năm 1974, khi Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm Hoàng Sa của Việt Nam, do chính quyền VNCH đang trực tiếp cai quản, là một hành động phi pháp, trái hẳn với quy định của công pháp quốc tế. Thực tế đó cũng cho thấy, Hoàng Sa chưa bao giờ là của Trung Quốc; và nhân dân Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử chưa bao giờ có ý định từ giã chủ quyền của mình đối với phần đất thiêng liêng này của Tổ quốc, dẫu cho đất nước đã trải qua bao bước thịnh suy, thăng trầm; bao nhiêu triều đại, chính quyền kế tiếp… trực tiếp cai quản Hoàng Sa và Trường Sa”.

Fb HẢI CHÂU (lược thuật từ Chứng Nhân)

Tags: ,

More Stories From Á Châu

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh