Vụ tập kích ở Cư Kuin: Những lời cảnh báo bị bỏ ngoài tai
Posted by Luu HoanPho, Jun 19, 2023, Comments Off
Hiện trường trụ sở UBND xã ở huyện Cư Kuin bị tấn công hôm 11/6/2023
Người Thượng từng nổi dậy suốt chiều dài lịch sử đất nước này, trước cả thời ông Diệm lẫn thời toàn trị Cộng sản. Vụ tập kích ở Cư Kuin là sức công phá của mâu thuẫn nội tại trong lòng chế độ, dù Chính quyền tìm mọi để cách khỏa lấp. Nếu tiếp tục trưng lên hình ảnh trang bị gậy gộc và súng ống cho người Kinh “săn bắt” các nghi can bản địa như vừa qua, thì đấy là một hình thức gieo mầm tiếp cho tai họa.
—————————
Tin tức “độc nhất vô nhị” từ đâu ra?
Từ khi xảy ra vụ tập kích ở huyện Cư Kuin khiến chín người thiệt mạng, trong đó có bốn công an, hai quan chức xã và ba thường dân, Công an đã bắt giữ hơn 50 người, đồng thời tăng cường kiểm soát báo chí và các trang mạng trong nước. Bộ Công an hầu như cấm hẳn các ý kiến bình luận về biến cố. Ấy vậy nhưng ngày 14/6 vừa qua, bỗng xuất hiện một FB, với tít khá giật gân: “Nóng! Bộ Công an chính thức công khai danh tính thủ lĩnh nhóm nổi loạn” (1). Nghe FB này độc thoại, có thể nhận ra ngay, nếu không phải của Bộ Công an thì nó cũng từ “người nhà của Công an” – lực lượng A47 – đứng ra trình diễn! Vì nếu ngoài luồng, FB ấy đã không thể tồn tại suốt từ hôm ấy đến nay. Trong khi truyền thông đa phần loan tin theo phát ngôn viên Bộ Công an liên quan vụ việc ở tỉnh Đắc Lắc, thì FB nói trên có những thông tin quá đặc biệt, tường thuật mọi chuyện cứ như là vừa từ thực địa trở về, hay từ Văn phòng của Trung tướng Tô Ân Xô đi ra. Quả là “unique” (Đúng là độc nhất vô nhị!)
Phát ngôn viên Tô Ân Xô “khuyến cáo các cơ quan truyền thông cần kiểm chứng thông tin trước khi đăng tải để đảm bảo thông tin đúng sự thật” sau khi có cuộc tập kích rạng sáng 11/6 tại huyện Cư Kuin. Nhưng làm thế nào có thể kiểm chứng được cái FB nóng như “mùa mất điện” nói trên? Ngoài việc phải chấp nhận nó là FB “họ hàng” của Công an. Nhưng nếu như cái “lý lịch” ba đời của FB “Nóng!” ấy còn có phần bị hoài nghi, thì “tính thiếu chuyên nghiệp” của nó là một điều chắc chắn. Này nhé, nó bắt đầu bằng khẳng định, “Bộ công an chính thức công khai danh tính thủ lĩnh nhóm nổi loạn…”, tiếp theo là hàng loạt liệt kê: Người có tên là Y Quynh Bdap đã nấp dưới vỏ bọc trí thức, mấy năm qua tự tung tự tác, đào tạo và huấn luyện lực lượng ngay giữa “đại ngàn Tây Nguyên” để cuối cùng có được một cuộc tập kích như vừa qua (2). Câu hỏi đặt ra là, tất cả những hoạt động “phản cách mạng” ấy không nhẽ xẩy ra trước mũi Công an? Nếu thế thật thì “Công an của ta tài quá!” Chỉ trong vòng bốn ngày, đã lôi được cả cái ổ “phản động” ấy ra, cùng danh sách những kẻ cấu kết với chúng từ nước ngoài!
Tuy nhiên, nếu lắng nghe ý kiến của các luật sư trong nước thì vấn đề lại khác! Sau cuộc họp báo ngày 14/6 của Trung tướng Tô Ân Xô, kênh VTV1 của Đài Truyền hình Việt Nam và nhiều tờ báo đã đăng tải hình ảnh của các nghi phạm bị bắt trong mấy ngày gần đây cùng những lời khai của họ. Trong bản tin lúc 19h30 ngày 14/6, VTV1 đưa ra “lời thú tội” của năm nghi phạm bị cho là đã tham gia vào vụ tấn công, hình ảnh của họ không được làm mờ là vi phạm nguyên tắc tố tụng. Một luật sư nhân quyền từ TP. HCM, nói với RFA trong điều kiện ẩn danh: “Việc đăng tải hình ảnh công dân, kể cả khi họ là nghi can, bị can mà không xin phép hoặc không làm mờ mặt… sẽ xâm hại quyền cá nhân về hình ảnh và mang theo nhiều hệ lụy khác.” Các luật sư còn đòi hỏi, để bảo đảm việc xét xử công bằng, đúng người đúng tội và tránh oan sai, những người bị bắt cần được tiếp cận ngay với luật sư (3). Xin thưa các vị luật sư đáng kính, các vị từ Sao Hỏa xuống Việt Nam hay sao? Nếu có hiện diện của luật sư, Công an lấy đâu ra những lời khai “nóng” và thành tích phá án nhanh như vậy?
Lựa chọn cả bạo lực lẫn tâm linh
Cuộc tập kích rạng sáng 11/6 vừa qua gợi lại câu chuyện bi tráng cách đây 22 năm. Sự kiện hàng ngàn bà con dân tộc tụ tập theo bảy đoàn người đi từ sáu hướng rầm rập kéo về thủ phủ Buôn Ma Thuột ngày 3/2/2001 vẫn còn được nhiều nhà báo liên tưởng khi nhận tin về vụ xả súng vừa rồi. Hồi bấy giờ, Bộ Chính trị ĐCSVN đã dùng cụm từ “bạo loạn chính trị ở Tây nguyên” để mô tả các biến cố xảy ra thời điểm ấy tại nhiều nơi ở Tây nguyên. Buổi tối ngày 1/2 của 22 năm về trước, hàng trăm người Thượng trang bị cọc, dao găm, thuổng diễu hành qua quảng trường “Đại đoàn kết” tại thành phố Pleiku. Trụ sở UBND tỉnh Gia Lai bị bao vây trong đêm. Trụ sở tòa nhà ĐCSVN tại tỉnh Gia Lai bị lục soát và phá cửa sổ vào khoảng 9 giờ sáng ngày hôm sau. Trụ sở Công an tỉnh Gia Lai cũng thuộc quyền kiểm soát của người Thượng lúc 11 giờ trưa. Biểu tình diễn ra ngày 2/2/2001 tại Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum với sự tham gia của đa số thành phần dân tộc bản địa. Ngày 3/2/2001, hàng ngàn người dân địa phương tuần hành cùng các máy cày tại các huyện Ea Súp, Buôn Đôn, Ea H’leo, Krông Năng, Krông Búk, Krông Nô, Krông Pắc, Krông Bông, Cư M’gar, nhiều người diễu hành ngay tại trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột (4).
Trong danh sách “bạo loạn chính trị” hồi bấy giờ, đã có tên hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur. Nguyên do đưa đến vụ biến loạn lần thứ hai ở Ea Tiêu và Ea Ktur mặc dù chưa được chính thức công bố, nhưng những gì từng xảy ra trong quá khứ, cho thấy rất có thể vấn đề cưỡng chế đất đai, đàn áp sắc tộc và tôn giáo lại bùng nổ thành bạo lực. Tấn công trụ sở nhà nước mà không biết đến pháp luật là không thể chấp nhận. Nhưng mặt khác, những tiếng súng ấy cũng cảnh báo, đứng trước thử thách sinh tồn của căn tính, người Thượng đã liều mình để vượt thoát. Tất nhiên, có nhiều người trong số họ không chọn con đường bạo lực, mà lại nương vào tâm linh, vào đức tin Ki-tô để làm chỗ dựa cho sự tái tạo và củng cố một căn tính mới cho bản thân và cho cộng đồng của mình. Facebooker Nguyễn Anh Tuấn đã chỉ ra tiếp: “Ít nhất về mặt tinh thần, nhiều người Thượng đã dứt khoát lựa chọn phương án hiện đại hóa theo đức tin Ki-tô với sự dẫn dắt của nhà thờ, hội thánh, thay vì combo “cờ đảng, ảnh bác” mà chính quyền mong muốn nơi họ. Một căn tính mới dựa trên đức tin Ki-tô đang được nuôi dưỡng và lớn mạnh trong cộng đồng các sắc dân bản địa chính là lý do khiến chính quyền phải trấn áp bằng mọi giá” (5).
Những lời cảnh báo bị bỏ ngoài tai
Bộ máy cai trị của Đảng và Nhà nước trên thực tế đa số là những người Kinh, họ đưa toàn bộ “bản thiết kế” các làng xã và các thành phố dưới xuôi lên áp đặt cho các buôn làng Tây Nguyên. Đối với dân bản địa, “buôn làng” đồng nghĩa với “đất nước”. Trong con mắt của người Thượng, khi thấy các gia đình người Kinh, từ họ hàng, làng xóm đến các “quan cai trị”, lũ lượt từ dưới xuôi tràn ngập Tây Nguyên, phá buôn lập phố, phá rừng lập làng, họ không thể nghĩ khác được – Đó là những “kẻ thực dân mới”. Những “tân thực dân này” tầm nhìn lại hạn hẹp, chỉ thấy cái lợi trước mắt, không thấy lâu dài, không có chiều sâu văn hoá. Nhà văn quân đội Phạm Đình Trọng đã phân tích chuẩn không cần chỉnh: “Những dự án phá rừng trồng cao su, cà phê hình thành trong phòng máy lạnh của quan cai trị. Tư bản hoang dã làm giầu bằng đất đai, bằng tài nguyên thiên nhiên đi đêm với quan cai trị, khoanh vùng chiếm đất Tây Nguyên trên bản đồ. Những công ty cao su phá hàng trăm hecta rừng trồng cao su. Hàng trăm hecta rừng mất đi cho sân golf, cho resort, cho những khu đô thị mọc lên. Hàng ngàn hecta rừng chìm dưới lòng hồ thuỷ điện… Những cánh rừng thăm thẳm của thần linh, của huyền thoại, sử thi Tây Nguyên nhanh chóng biến mất” (6).
Nhà văn Nguyên Ngọc là “già làng” đối với thế hệ làm báo của chúng tôi cũng đã từng đề cập đến lời cảnh tỉnh khá sớm của nhóm nghiên cứu tình hình Tây Nguyên trước đây: “Nếu không kịp thời có giải pháp khắc phục những khiếm khuyết của quá trình khai thác và sử dụng đất đai thì vấn đề dân tộc sẽ rất có thể phát sinh trong thực tế nay mai ở Tây Nguyên, chí ít là mất ổn định, nghiêm trọng là máu lại đổ… một khi vấn đề dân tộc và tôn giáo quyện vào nhau thì nguy cơ tới thật khó lường” (7). Và trước Nguyên Ngọc cả thế kỷ, khi mà sự hiện diện của người Kinh ở Tây Nguyên hãy còn mờ nhạt, bởi ngoại trừ những phu đồn điền được tuyển mộ, người Kinh bị cấm lên Tây Nguyên thuở ấy, cũng đã từng có những lời cảnh báo như thế. Vào buổi bình minh của thế kỷ 20 từng có một nhà thám hiểm, dân tộc học Henri Maître (1883 – 1914) từng nhận định về những tổn hại từ sự can thiệp của người Kinh vào Tây Nguyên như sau: “Ở phía này, sự thâm nhập hòa bình của ‘người An Nam’ còn tai hại cho ‘người Mọi’ hơn các cuộc cướp phá của người Lào và người Cambodge (Campuchia). Người Lào và người Cambodge chỉ làm lay chuyển và tỉa cành cái thân vẫn còn sống động của chủng tộc, còn người An Nam thì gặm dần và làm cho nó ruỗng nát tới tận lõi”. (8)
Nguồn: Nguyễn Hải Triều @ RFA
__________
Tham khảo:
1. https://fb.watch/l9f4A34FM8/?mibextid=5Ufylb
2. https://fb.watch/l9f4A34FM8/?mibextid=5Ufylb
3. https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/attorneys-say-authorities-should-keep-testimonies-secret-and-protect-images-of-suspects-in-shooting-incident-in-dak-lak-06152023075002.html
4. https://vietnamthoibao.org/vntb-tay-nguyen-lai-bien-loan/
5. https://www.facebook.com/nguyen.anh.tuan8690/posts/pfbid06PctdEqUuWCzDCcAVP5scyhQbiDZoV5XCPsg4tC6ufncgTGoQCe7GxyitdYjLvtul
6. https://baotiengdan.com/2023/06/16/tieng-sung-cu-kuin-dak-lak/
7. https://phapluatdansu.edu.vn/2009/12/10/00/00/4108-2/
8. https://www.sachhay.org/sach/ChiTietSach/2996/rung-nguoi-thuong?BookShelfID=5