Ngoại giao Việt Nam với Trung, Mỹ, Nhật, những tín hiệu ‘ngược xuôi’ gửi ra và nhận dạng thế nào
Posted by Luu HoanPho, Jun 28, 2023, Comments Off
“Người dân Việt Nam có mong muốn là Việt Nam ‘làm bạn với tất cả các nước, nghĩa là ai vào Việt Nam cũng hoan nghênh miễn là mở cửa làm ăn với nhau bình thường, nhưng đằng sau cái tốt ấy, đừng cài một điều gì để lừa đảo, lật nhau thì được,” một nhà quan sát chính trị nội bộ và quan hệ đối ngoại của Việt Nam lên tiếng với Đài Á Châu Tự Do trong dịp Việt Nam đang có những hoạt động đối ngoại, hợp tác kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng được cho là khá bận rộn trong hạ tuần tháng 6/2023.
Ông Phạm Viết Đào, cựu quan chức Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch của Việt Nam trước đây, chia sẻ với RFA nhận định cá nhân về quan hệ Trung Quốc và Việt Nam:
“Bây giờ với Trung Quốc nếu hàng hóa hai chiều với Việt Nam cứ bán đi thoải mái cũng tốt, mà với Mỹ, mời Mỹ vào như thế cũng là tốt, nhưng có một điều là ở Việt Nam theo tôi có sự chi phối của Trung Quốc, bởi vì Trung Quốc đầu tư rất nhiều và có cả đầu tư ngầm, cho nên người ta có thể có sự giật dây…”
Ông Phạm Viết Đào là tác giả bộ sách bút ký, tiểu luận, điều tra nhiều tập “Vị Xuyên và Thế sự Việt – Trung”. Nhân dịp này, ông trả lời phỏng vấn của RFA:
RFA: Trong lúc Việt Nam đang đón tàu sân bay USS Ronald Reagan và các chiến hạm hộ tống, tác chiến của Hoa Kỳ thăm Việt Nam, ghé TP. Đà Nẵng (từ ngày 25-30/6/2023), truyền thông Việt Nam, trong đó báo Quân Đội Nhân Dân hôm 27/6 đưa tin ‘Quân chủng Hải quân kỷ niệm 50 năm Chiến công chống đế quốc Mỹ phong tỏa sông, biển miền Bắc’ (1); báo điện tử Tạp Chí Cộng sản của Việt Nam cùng ngày có bài “Sáng ngời giá trị Chiến công chống Đế quốc Mỹ phong tỏa sông, biển miền Bắc” (2), hay VTV1 phát chương trình ‘Giao lưu nghệ thuật: Mở đường ra Biển’ hôm 25/6/2023, gặp gỡ các nhân vật lịch sử trong cuộc chiến tranh chống phong tỏa sông, biển miền Bắc của Hải quân nhân dân VN” (3), là người từng làm việc trong ngành quản lý nhà nước về văn hóa của Việt Nam, ý kiến của ông thế nào?
Ông Phạm Viết Đào: Tôi nghĩ rằng đôi khi chính quyền Việt Nam tạo ra những động tác giả, cái này bây giờ người dân không biết được, không biết chính quyền Việt Nam nói thế là thật lòng, hay là họ nói thế là bởi quán tính, hay là do bị sự ‘giật dây’ nào phát biểu như vậy. Nhưng vấn đề là nhìn vào thực chất, bây giờ thực chất trong quan hệ Việt Nam với Mỹ thế nào? Tôi nghĩ rằng việc Mỹ, rồi Nhật Bản, rồi chưa kể Hàn Quốc, Úc, Ấn Độ… mà ‘vào’ thì có lợi cho Việt Nam. Mà với thực tình như thế, nếu có thấy như vậy, Trung Quốc cũng không thể ‘vác dao, vác gậy’ mãi ra mà làm gì được.
Vì vậy, cách đưa tin như trên là cách mà Việt Nam muốn xoa dịu với Trung Quốc, đó là đoán định của tôi, bởi vì ngay bây giờ tôi cũng không thể biết rõ được, nhưng tôi nghi ngờ rằng chính quyền cộng sản Việt Nam nói thì như vậy, nhưng không rõ là họ ‘đi đêm’ thế nào. Song về mặt người dân mà tôi quan sát được, tôi thấy họ cho rằng nếu giữ được hòa khí, Việt Nam mở cửa làm ăn được với Mỹ, Nhật, Hàn Quốc v.v… cả với Trung Quốc nữa, thì có thể lựa chọn ra xem ai là tốt, ai làm ăn chất lượng với Việt Nam để thấy là tốt, chứ không nên để xảy ra chuyện ép buộc, chặn cửa nữa.
Cả Việt Nam lẫn Trung Quốc đều giỏi ‘động tác giả’
Ông Phạm Viết Đào: Theo đoán định của tôi, do bấy lâu nay Trung Quốc dọa nạt Việt Nam và vào quấy nhiễu ở khu vực Bãi Tư Chính trên Biển Đông, nên Việt Nam bây giờ mời tàu Mỹ, Nhật… vào vùng biển nước mình, đồng thời có những động tác ‘tuyên truyền chống Mỹ’ như vậy, là để Trung Quốc dịu bớt đi. Tôi xin nói rằng từ trước tới nay, Việt Nam rất giỏi về ‘động tác giả’, và Trung Quốc cũng rất giỏi về món ‘động tác giả’ đó, nên chưa biết là ‘ai lừa ai’, nhưng với Việt Nam (trong quan hệ với Trung Quốc), cần phải có thời gian để nhìn nhận xem có chuyện ai đó ‘bán quyền lợi’ quốc gia cho ai hay không, và vẫn phải xem việc họ (chính quyền) thực làm, còn họ nói thì biết vậy thôi.
Còn về việc mấy bài báo tuyên truyền ‘chống Mỹ’ vừa rồi, tôi xin nói thêm rằng trong thâm tâm, người dân Việt Nam theo cảm nhận của tôi là vẫn ủng hộ và nghiêng về phía Mỹ, thành ra chính quyền Việt Nam nói như trên là để đối ngoại với Trung Quốc. Còn người Mỹ đến đây làm những việc như thế là tốt, người dân Việt Nam ủng hộ, nghĩa là người Mỹ đến Việt Nam như thế, kết hợp với bảo vệ biển, rồi cùng nhau khai thác dầu là tốt.
Và có thể chính quyền Việt Nam cho rằng Mỹ là ‘người lớn’, họ sẽ không chấp gì ‘chuyện tuyên truyền chống Mỹ ấy’, rằng ‘ông Mỹ thực dụng, miễn là làm được các công việc thôi, còn anh nói gì tôi, tôi không chấp anh’. Trong khi Trung Quốc thì ‘tiểu khí’, nên đối với Trung Quốc, chính quyền Việt Nam phải ‘chơi trò đó’ để xoa dịu và làm được việc của mình.
Tôi biết rằng Việt Nam đang có những động thái ráo riết để đưa doanh nghiệp của Mỹ vào Biển Đông, mà bây giờ thực ra chỉ có Mỹ mới có thể vào khu vực này được thôi. Nga bây giờ cũng đổi hay hạ giọng…, nên tôi nghĩ chính quyền Việt Nam làm như thế để xoa dịu, khiến Trung Quốc bớt ‘sĩ diện’ của họ đi, còn bên trong, họ tìm cách để Mỹ có thể vào khai thác. Chỉ có Mỹ mới có thể giúp được Việt Nam làm ăn kinh tế được ở đó… Tôi nghĩ rằng người dân Việt Nam vẫn ủng hộ Mỹ hơn là ủng hộ Trung Quốc.
RFA: Theo truyền thông Việt Nam và Trung Quốc, trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và đoàn Chính phủ Việt Nam tháp tùng, nhiều lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc, từ Chủ tịch Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Cường, Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc TQ Vương Hộ Ninh, Ủy viên trưởng Nhân đại toàn quốc TQ Triệu Lạc Tế, cho đến Bộ trưởng Quốc phòng TQ Lý Thượng Phúc… đều khẳng định mong muốn của Trung Quốc trong việc ‘đẩy mạnh hợp tác hòa bình, hữu nghị với Việt Nam’, thúc đẩy và cam kết tạo các điều kiện để thúc đẩy các hợp tác nhiều mặt từ chính trị, kinh tế, thương mại, mậu dịch, tới an ninh, quốc phòng v.v…, đề cao nguyên tắc giải quyết các tranh chấp, khác biệt ‘bằng biện pháp hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế’ v.v…, ông có bình luận gì và nhất là độ tin tưởng ra sao với những ‘cam kết, hứa hẹn’ của ban lãnh đạo nhà nước Trung Quốc với phía Việt Nam?
Ông Phạm Viết Đào: Tôi cho rằng không thể tin được Trung Quốc, đó là điều mà các nhà chính trị nói với nhau bởi vì Trung Quốc nay có thể phát biểu thế này, nhưng mai có thể lại hành xử khác. Vừa rồi ông Tập Cận Bình tặng huân chương hữu nghị cho ông Tổng Bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng, rồi ngay sau đó lại xua các tàu của họ vào vùng biển của Việt Nam, thì chuyện đó người ta nói là hiển nhiên về cung cách của Trung Quốc rồi. Còn với Việt Nam thì chính quyền cũng tuyên bố ngoại giao bên ngoài như thế, còn ngấm ngầm họ làm gì, người dân không thể biết được. Trong chuyến đi này của Thủ tướng Việt Nam, tôi nghĩ là Trung Quốc cũng có thể họ gây áp lực, ép để Việt Nam đổi lại phải ‘trả’ những điều gì đó. Tôi lấy ví dụ, tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông quá hạn nhiều lần, khiến Việt Nam bị lỗ, bây giờ họ lại muốn nối tiếp dự án đó, rồi tuyến đường sắt Lào Cai – Hải Phòng mà Trung Quốc muốn Việt Nam làm theo đề xuất của họ, mà công luận cho rằng, nếu làm theo, thì có thể là ‘bán đứng’ Hải Phòng của Việt Nam cho Trung Quốc.
Tuyến đường sắt phía Bắc VN, và sáng kiến Vành Đai, Con Đường
Ông Phạm Viết Đào: Bởi vì nếu thực hiện dự án Lào Cai – Hải Phòng đó, hàng hóa từ Vân Nam của Trung Quốc chạy qua con đường của Hải Phòng, đường đi sẽ gần hơn nhiều cho phía Trung Quốc, và người ta cho rằng chấp nhận việc đó là Việt Nam phải ‘cống nạp’ cho Trung Quốc. Đó có thể là một trong các điều kiện mà Việt Nam phải đáp ứng để đổi lại các phát biểu trên của lãnh đạo Trung Quốc, nhưng tôi thấy rằng nếu chấp nhận như thế có thể là ‘bán đứng chủ quyền’ của Việt Nam ở Hải Phòng cho phía Trung Quốc. Trung Quốc sẽ dùng tiền lãi của hàng hóa, vận tải hàng hóa qua ngả đó để lũng đoạn chính trị và kinh tế Việt Nam. Bởi vì như chúng ta biết, hàng hóa từ thời Pháp thuộc theo đường sắt từ Vân Nam đã di chuyển như thế nào, bây giờ với dự án như thế mà được chấp nhận, hàng hóa của Trung Quốc từ ngả Vân Nam sẽ chạy qua Hải Phòng và đi thẳng ra biển, thì Trung Quốc sẽ lợi ra sao. Và điều quan trọng nhất là Trung Quốc có thể sử dụng tiền bạc, tiền lãi để lũng đoạn chính trị Việt Nam. Quan chức Việt Nam về mặt hành chính ở đó sẽ như là đi ‘làm thuê’ cho Trung Quốc, họ có thể sử dụng việc đó để điều khiển các quan chức địa phương cấp tỉnh, cho đến Bộ trưởng nọ kia và dùng con đường sắt đó để chở những hàng hóa một cách có lợi cho Trung Quốc, kể cả ‘tuổn hàng hóa’. Nói chung, làm việc với Trung Quốc, cần suy nghĩ nhiều tầng, nhiều lớp thì mới có thể hiểu họ được.
RFA: Nếu những điều ông đề cập, phân tích trên là có cơ sở, có liên hệ nào giữa (những) dự án hạ tầng cơ sở giao thông, vận tải như vậy với điều mà báo chí, truyền thông hai nước đề cập là lãnh đạo Trung Quốc đề nghị Việt Nam tham gia nhiều hơn vào Sáng kiến Vành đai, Con đường (BRI) do Trung Quốc đề xuất và thực hiện lâu nay trên phạm vi toàn cầu và ở khu vực?
Ông Phạm Viết Đào: Chính xác là như vậy, đó chính là một nội dung liên quan Sáng kiến Vành đai, Con đường đó, và cái này ở trong biên bản chuyến thăm Trung Quốc trước đó của Tổng Bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng đã nói rồi, rằng hai bên sẽ sớm làm một con đường sắt (khổ 1,4 mét) qua bên Trung Quốc như thế. Còn báo chí, truyền thông Hà Nội đã ‘bắn tin’ rằng Chủ tịch UBND TP Hà Nội gặp gỡ Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, bày tỏ mong muốn nối tiếp dự án Cát Linh – Hà Đông dài thêm 20-30 cây số nữa tới Xuân Mai. Và tuyến đường sắt Lào Cai đi Hải Phòng với khoảng cách chừng 400 cây số, rõ ràng là một khoản đầu tư cả tỷ đô-la mà Việt Nam nếu làm sẽ phải vay tiền của Trung Quốc. Và khả năng là Trung Quốc sẽ bỏ tiền ra cho vay, rồi tính nợ với Việt Nam, và rất có khả năng là Việt Nam sẽ đi làm ‘công không’ cho Trung Quốc. Chưa kể như tôi đã nói, Trung Quốc dùng chính tiền đó để lũng đoạn nội bộ, quan chức Việt Nam, và Trung Quốc có rất nhiều cách để làm việc đó.
Thủ tướng VN Phạm Minh Chính và Chủ tịch TQ Tập Cận Bình ở Bắc Kinh hôm 27/6/2023. Xinhua via AP
‘Mời tàu Mỹ, Nhật vào, một động thái ngoại giao có tính toán’
RFA: Gần đây, đặc biệt trong tháng 6/2023, Việt Nam được cho là đã có những hoạt động bang giao, đối ngoại với quốc tế và khu vực khá ‘nhộn nhịp’, chẳng hạn gần nhất và đang diễn ra là đón tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan và nhóm tàu hộ vệ, tác chiến thăm Đà Nẵng, trước đó cũng tại Đà Nẵng, Việt Nam tiếp đón hai tàu chiến của hải quân Nhật Bản, Bộ trưởng Quốc phòng VN Đại tướng Phan Văn Giang cũng đã thăm chính thức Ấn Độ, chưa kể Tổng thống Hàn Quốc và Thủ tướng Australia, hai quốc gia là đồng minh, đối tác quan trọng của Mỹ ở khu vực, đều tới thăm chính thức Việt Nam, bên cạnh các diễn biến khác, chẳng hạn như tin cho hay hai khu trục hạm Nhật Bản diễn tập với tàu Lý Thái Tổ của Việt Nam trên Biển Đông (4), ông có bình luận gì thêm?
Ông Phạm Viết Đào: Trước đó, phải nói thêm là tàu của hải quân Trung Quốc cũng ghé thăm hữu nghị Việt Nam, còn tôi theo dõi tin tức thì thấy rằng giàn khoan mà công ty của Nga thuê để thăm dò dầu khí trong hợp tác với Việt Nam là giàn khoan của Nhật Bản. Có lẽ tôi cho rằng họ đưa giàn khoan đó vào để họ có cớ để bảo vệ, tức là nếu có điều gì xảy ra ở Bãi Tư Chính, nếu tàu Trung Quốc mà vào Bãi đó, thì họ (Nhật Bản) sẽ nhảy vào can thiệp, họ sẽ lấy lý do giàn khoan đó là của họ và họ phải bảo vệ.
Cụ thể hơn, tôi nghĩ rằng các động tác thăm dò chỉ là bề nổi, thực chất là họ cũng đề phòng việc Trung Quốc có thể làm liều và vào quậy phá Bãi Tư Chính, nên tôi nghĩ hạm đội của Nhật vào cũng để thăm dò, nhưng họ có nhiệm vụ bảo vệ giàn khoan của nước họ, bởi vì dàn khoan cho thuê có giá cả tỷ đô-la không phải là một chuyện đùa, bây giờ nếu để cho tàu của Trung Quốc vào ‘húc đổ’ thì không được, nên họ phải đưa tàu vào để họ tính toán cả những phương án đó, chưa kể các tàu của Mỹ vào cũng có thể có những tính toán thêm.
Nhưng tôi cho rằng, cho các tàu chiến của Nhật và Mỹ vào vùng biển Việt Nam vừa qua và hiện nay rõ ràng là một đòn ngoại giao được tính toán kỹ của Việt Nam trong quan hệ với Nhật Bản và Mỹ. Chính vì thế, quay lại với việc tuyên truyền về thời chiến tranh chống Mỹ của Việt Nam, là có thể Chính phủ Việt Nam muốn cho Trung Quốc bớt đi sự ‘điên rồ’ của họ, và có thể đó là cung cách ngoại giao ‘cây tre’ của Việt Nam, khi mà về vấn đề tranh chấp với Trung Quốc, họ đã cho tàu Mỹ, tàu Nhật vào, còn về mặt khác, họ phải tuyên bố, tuyên truyền này nọ, để Trung Quốc bớt đi ‘tiểu khí’. Còn riêng với tàu của Nhật Bản vào Việt Nam, tôi xin nói thêm là vì Nhật có dàn khoan cho Nga thuê ở đó, ở khu vực Bãi Tư Chính của Việt Nam, nếu Trung Quốc có hành vi gây gổ gì, thì hạm đội của Nhật Bản cũng có thể ‘nhảy vào’ bảo vệ, tôi hiểu vấn đề có thể theo hướng đó, và do đó Trung Quốc có thể sẽ không dám làm liều, mà hiện nay mới chỉ là dọa dẫm…
‘Trung Quốc rất khó tin, VN phải dựa vào dân’
RFA: Theo ông, chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính có thể giúp giải quyết ‘dứt điểm’ được gì hay không những vấn để được cho là ‘tranh chấp’ về chủ quyền biển đảo vốn gây căng thẳng lâu nay trong quan hệ Việt – Trung trên Biển Đông nói chung và khu vực Bãi Tư Chính nói riêng, như ông đề cập, nếu những thông tin được chia sẻ và phân tích ở trên là có cơ sở?
Ông Phạm Viết Đào: Tôi nghĩ là sẽ không thể giải quyết dứt điểm được, bởi vì Trung Quốc có hành xử ‘trẻ con’, khi đứa trẻ cần cái gì, thì đòi cho bằng được, nên không có gì là ‘quân tử’ cả. Tức là mỗi lần họ cần gì, thì họ lại vác các thứ ra dọa, như là ‘dọa đánh’, để đòi, và nếu phía bên kia ‘nhả ra’, thì họ lại thôi, đó là đường lối ngoại giao và làm ăn lâu nay của Trung Quốc.
Có người nói là nó giống kiểu của anh ‘Chí Phèo’, cho nên không bao giờ có chuyện Trung Quốc họ đàng hoàng đâu.
Cái này thì khác với Mỹ, khác với Tây Âu, ở các nước đó, người ta nói gì thì người ta giữ lời, giữ quốc thể của người ta. Cho nên cứ hiểu Trung Quốc có thể như một tay ‘Chí Phèo’, đói rượu, thì vác dao đi, và khi được trao trai rượu rồi, thì mới để yên cho mọi người.
Và đã hiểu đường lối của ‘ông AQ, ông Chí Phèo’ như vậy, thì với Trung Quốc không thể tin vào việc Trung Quốc nói, ký kết, là làm, mà nếu ở đây với Việt Nam, nếu Việt Nam yếu, là Trung Quốc liền vào, còn khi nào Việt Nam có thế mạnh lên, thì có thể họ lại xuống nước. Rõ ràng là Việt Nam mời những tàu chiến hạm đội của Mỹ, của Nhật vào thăm như hiện nay, vừa qua, thì Trung Quốc ‘xuống nước’.
Và khi Trung Quốc ‘xuống nước’ như thế, thì chính quyền Việt Nam cũng phải nói vài câu, gọi là ‘đánh tiếng’, ‘chửi Mỹ’ vài câu, để Trung Quốc bớt hung đồ, để Việt Nam được việc của mình hơn. Còn hơn nữa, đi sang Trung Quốc chẳng có mất gì nhiều vài mấy lời nói, còn về nước, khi ở trong nhà, việc gì là của mình, thì mình cứ làm thôi. Tôi xin nói lại là trong thâm tâm người Việt Nam bây giờ, người ta bênh Mỹ, bênh Nhật nhiều hơn là bênh mấy ‘ông Tàu’. Người dân là như thế, và đó là nền tảng vững chắc của sự liên kết hữu nghị giữa các nước.”
RFA: Về đối sách cơ bản, bền vững cho quốc phòng của Việt Nam, để có thể đối phó hiệu quả nhất với những đe dọa của ngoại bang đối với chủ quyền, trong đó để bảo vệ chủ quyền Biển đảo và các lợi ích quốc gia chính đáng của mình, thì Việt Nam, chính quyền Việt Nam cần quan tâm, chú ý giải pháp gì, theo ông?
Ông Phạm Viết Đào: Theo tôi, vấn đề chính là Việt Nam phải dân chủ hóa xã hội thì mới có thể bảo vệ được đất nước. Bởi vì bảo vệ được đất nước này chính là người dân, chứ không phải là ông vua hay mấy ông tướng nào, mà việc đó chính là bởi người dân. Người dân mà không ủng hộ, thì anh không thể làm được gì. Và tôi nghĩ người Mỹ, người Nhật quá biết dân tộc này. Tôi nghĩ họ vào Việt Nam là bởi vì họ tin tưởng vào người dân Việt Nam, và nếu người dân đồng lòng ủng hộ và bảo vệ, thì Trung Quốc không làm gì được.
Với người Việt Nam, tôi nghĩ người Nhật Bản, người Hàn Quốc, kể cả người Đài Loan đánh giá đúng về người dân Việt Nam, và tôi tin rằng người Mỹ cũng đánh giá đúng về người dân Việt Nam, chỉ có điều là chính chính quyền và Đảng CSVN này, hễ có người dân nào mà hữu nghị, bắt tay với các bè bạn đó, là lại có thể đem bắt bỏ tù, như họ bắt những người như TS. Hoàng Ngọc Giao, nhà báo Nguyễn Tường Thụy, nhà hoạt động môi trường, sinh thái Hoàng Thị Minh Hồng, hay là nhà báo Mai Phan Lợi v.v…, tôi thấy những người bị bắt đó chẳng làm gì vi phạm cả… Tôi nghĩ tất cả những cái đó là những cái chặn lại dân khí, tôi cho rằng có thể đó là những cái mà chính quyền Việt Nam mắc mưu Trung Quốc, khi Trung Quốc có thể hù dọa (chính quyền Việt Nam) rằng: những người đó, hay xã hội dân sự, hay người dân đó mà ‘nếu anh để họ nổi lên, họ sẽ tranh mất quyền của anh’…
Theo tôi, cần phải nhớ rằng muốn giữ được đất nước là phải ở người dân, người ta giữ gìn cho, còn các ông quan chức, tức là chính quyền đơn phương thì làm sao mà giữ được, nên nếu chính quyền coi thường dân, các ông sẽ thua hết.”
RFA: Trân trọng cảm ơn nhà quan sát, bình luận thời sự Phạm Viết Đào đã trả lời cuộc phỏng vấn này trên quan điểm riêng.
Nguồn: Quốc Phương @ RFA
_____________
Tham khảo:
(1) https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/tin-tuc/quan-chung-hai-quan-ky-niem-50-nam-chien-cong-chong-de-quoc-my-phong-toa-song-bien-mien-bac-732450
(2) https://dangcongsan.vn/bien-dao-viet-nam/sang-ngoi-gia-tri-chien-cong-chong-de-quoc-my-phong-toa-song-bien-mien-bac-640665.html
(3) https://vtv.vn/video/mo-duong-ra-bien-25-6-2023-626826.htm
(4) https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/two-japanese-destroyers-made-joint-drills-with-vietnamese-ship-06272023084220.html