Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Tuesday, November 5, 2024

Đại án Vạn Thịnh Phát: Trưởng đoàn thanh tra bị mua chuộc bằng hàng triệu USD


Một cựu cục trưởng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bị Bộ Công an đề nghị truy tố vì “nhận hối lộ” 5,2 triệu USD trong vụ lừa đảo trái phiếu của ngân hàng SCB do chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan thâu tóm.

Bộ Công an Việt Nam vừa công bố kết luận điều tra, trong đó nói rằng cựu Cục trưởng Ngân hàng Nhà nước Đỗ Thị Nhàn nhận hối lộ 5,2 triệu USD trong khi các thành viên khác trong đoàn thanh tra đều nhận tiền của SCB để làm ngơ những sai phạm của ngân hàng do bà Trương Mỹ Lan thuộc tập đoàn Vạn Thịnh Phát thâu tóm.

Theo truyền thông trong nước, Bộ Công an, khi đưa ra kết luận điều tra về vụ án Vạn Thịnh Phát hôm 18/11, đề nghị truy tố 86 bị can về 7 tội danh, trong đó bà Nhàn, người đứng đầu Cục Thanh tra Giám sát Ngân hàng II thuộc Cơ quan Thanh tra, Giám sát Ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bị đề nghị truy tố tội Nhận hối lộ.

Bản kết luận điều tra vụ án cho thấy số tiền bà Nhàn nhận từ Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) là số tiền hối lộ lớn nhất từ trước tới nay, trong tổng số tiền tham ô của SCB, 304.000 tỷ đồng, cũng là số tiền tham nhũng lớn nhất trong lịch sử các vụ án ngân hàng ở Việt Nam, theo Tuổi Trẻ.

Cơ quan điều tra của Bộ Công an hồi đầu tháng 10 nói rằng có hơn 42.000 nhà đầu tư là nạn nhân của Vạn Thịnh Phát, vụ án lừa đảo thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp được xem là có số lượng bị hại lớn nhất từ trước tới nay trong ngành ngân hàng.

Bà Trương Mỹ Lan, chủ tịch Vạn Thịnh Phát, bị công an bắt giữ vào tháng 10 năm ngoái khi bị cáo buộc đã gian dối trong việc phát hành trái phiếu gắn với một số công ty thành viên của Vạn Thịnh Phát thông qua ngân hàng SCB. Trong kết luận của cơ quan điều tra đưa ra hôm 18/11, bà Lan bị truy tố các tội danh gồm tham “ô tài sản”, “vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng” và “đưa hối lộ”.

Theo tổng hợp của Dân Trí về 7 tội danh bị đề nghị truy tố đối với 86 bị can, bà Lan là người duy nhất bị cáo buộc tội “đưa hối lộ” và bàn Nhàn là người duy nhất bị buộc tội “nhận hối lộ”.

Cũng đưa tin về kết luận điều tra, VietNamNet cho biết bà Nhàn, người chỉ đạo đoàn thanh tra và chịu trách nhiệm chính về kết quả thanh tra ngân hàng SCB, đã nhận hàng triệu đô la tiền hối lộ đựng trong các thùng xốp được chuyển đến cho bà trong 3 lần.

Sau mỗi lần nhận tiền tại nhà riêng ở Hà Nội, bà Nhàn hỏi ông Võ Tấn Hoàng Văn, cựu tổng giám đốc SCB, là tiền gì? Ông Văn nói là tiền của bà Lan cảm ơn vì bà Nhàn đã giúp và hỗ trợ cho SCB trong quá trình thanh tra, theo VietNamNet.

Cơ quan điều tra cho rằng bà Nhàn đã bao che, bưng bít, báo cáo không trung thực, không đầy đủ kết quả thanh tra cho NHNN, dẫn đến NHNN không có đủ thông tin, tài liệu tham mưu để chỉ đạo xử lý các sai phạm của SCB, ngăn chặn hành vi phạm tội của bà Lan và đồng phạm, theo VietNamNet.

Ngoài bà Nhàn, 16 trong số 86 bị can bị đề nghị truy tố là các nhân viên trong đoàn thanh tra của NHNN, Thanh tra Chính phủ, và Ủy ban giám sát Tài chính Quốc gia. Họ đều bị cáo buộc tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Tuổi Trẻ cho biết, các thành viên của đoàn thanh tra cũng đều bị SCB “mua chuộc” bằng tiền, trong đó người nhận nhiều nhất sau bà Nhàn là ông Nguyễn Văn Hưng, phó chánh thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng của NHNN, được hối lộ 390.000 USD.

Đoàn thanh tra liên ngành này được ủy nhiệm rà soát các hoạt động của SCB trong thời gian triển khai kế hoạch tái cơ cấu giai đoạn 2015-2019.

Do bị “mua chuộc” nên đoàn thanh tra bỏ ra ngoài các số liệu phân loại nợ xấu và các chỉ tiêu tài chính của SCB đã bị thay đổi, theo Tuổi Trẻ. Kết luận của cơ quan điều tra được báo này trích dẫn nói rằng bà Nhàn và các thành viên đoàn thanh tra giúp thay đổi một số chỉ tiêu tài chính của SCB, khiến nợ xấu từ 91.000 tỷ đồng giảm xuống còn 53.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đang âm (-19.000 tỷ đồng) thành dương (+2.700 tỷ đồng), và hệ số an toàn vốn riêng lẻ cũng đang âm (-4%) thành dương (+6%).

Kết luận điều tra được VietNamNet trích dẫn nói rằng bà Nhàn đã báo cáo không trung thực, không đầy đủ, làm sai lệch kết quả thanh tra theo hướng giảm nhẹ sai phạm, tạo điều kiện giúp SCB tiếp tục tái cơ cấu.

Còn theo Thanh Niên, bà Lan bị cáo buộc thâu tóm hoạt động ngân hàng SCB để chiếm đoạt số tiền lên tới hơn 300.000 tỷ đồng thông qua một hệ sinh thái với hơn 1.000 doanh nghiệp, trong đó có nhóm công ty “ma” được thành lập để lấy pháp nhân góp vốn đầu tư vào các dự án, vay vốn ngân hàng và thực hiện việc đảo nợ hoặc ký hợp đồng hợp tác, thi công.

Trong khi đó, theo Dân Trí, cháu bà Lan, Trương Huệ Vân – người đã bị bắt giữ hồi tháng 10 năm ngoái – bị cáo buộc chỉ đạo nhân viên sử dụng 52 công ty “ma” và 4 công ty hoạt động độc lập, tạo lập 155 khoản vay khống để rút tiền khỏi SCB, liên đới chiếm đoạt hơn 1.088 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra vào tháng trước nói họ “vẫn đang dùng mọi biện pháp để triệt để thu hồi tài sản, bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư”. Còn các nạn nhân nói với VOA rằng họ tin tưởng “Nhà nước sẽ giúp dân” và mong “sớm lấy lại đủ số tiền đã bị lừa đảo” trong vụ trái phiếu của SCB.

Nguồn: VOA Tiếng Việt

Tags:

More Stories From Xã Hội

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh