Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Tuesday, November 5, 2024

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ: Việt Nam tiếp tục hạn chế nghiêm trọng các quyền tự do cơ bản


Bà Uzra Zeya, Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách An ninh Dân sự, Dân chủ và Nhân quyền.@RFA

Đại diện Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Bà Uzra Zeya nói sẽ tiếp tục tạo sức ép để chính quyền Việt Nam phải tôn trọng các quyền tự do cơ bản, trả tự do cho hơn 180 tù nhân chính trị và chấm dứt tình trạng đàn áp xuyên biên giới.

Bà Uzra phát biểu như trên tại buổi lễ kỷ niệm Ngày Nhân quyền Việt Nam lần thứ 30 (11/5/1994 – 11/5/2024) được diễn ra ở Thủ đô Washington DC, Hoa Kỳ trong ngày 14/5.

Bà Uzra Zeya -Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách An ninh Dân sự, Dân chủ và Nhân quyền, tại buổi lễ còn bày tỏ mối quan ngại sâu sắc khi Hà Nội tiếp tục áp đặt những hạn chế nghiêm trọng đối với tất cả các quyền tự do cơ bản, bao gồm quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do hội họp ôn hòa, tự do tôn giáo… hay điều kiện giam giữ hà khắc đối với các tù nhân chính trị bị kết án một cách bất công. Bà nói:

“Tiếp tục có nhiều báo cáo về các vụ chính quyền bắt giữ, hành hung, câu lưu, hạn chế đi lại cũng như tịch thu và phá hủy tài sản của tín đồ các tổ chức tôn giáo không được chính phủ công nhận hoặc không đăng ký.

Như nhiều người trong số các bạn đã biết, Ngoại trưởng Antony Blinken, đã chỉ định Việt Nam là một quốc gia trong danh sách theo dõi đặc biệt vì đã thực hiện hoặc dung túng cho những hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo.”

Theo bà Uzra, không gian dân sự và khả năng hoạt động của các tổ chức phi chính phủ ở Việt Nam bị hạn chế rất nhiều cả về mặt luật pháp và thực tế. Đó là nguyên do khiến từ năm 2021 đến nay, đã có sáu nhà hoạt động môi trường nổi bật bị bắt giữ và bị kết án bằng tội danh hết sức mơ hồ là “Trốn thuế”. Qua đó, bà Uzra khẳng định:

“Chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi Việt Nam tạo môi trường thuận lợi cho các tổ chức phi chính phủ hoạt động và đóng góp cho sự phát triển của đất nước, bao gồm cả việc trả tự do cho các lãnh đạo tổ chức phi chính phủ bị giam giữ oan uổng.”

Theo thống kê của các tổ chức nhân quyền Quốc tế, hiện có hơn 180 tù nhân chính trị bị kết án oan ở Việt Nam. Do đó trong phát biểu của mình, bà Uzra cho biết, sẽ tiếp tục tạo sức ép lên chính phủ Việt Nam để họ trả tự cho cho tất cả những người bị kết án oan trong đó có nhà báo Phạm Đoan Trang và các nhà hoạt động môi trường nổi bật bị bắt vì tội danh trốn thuế như Hoàng Thị Minh Hồng, Đặng Đình Bách…

Vấn đề đàn áp xuyên quốc gia cũng là nội dung được đề cập trong bài phát biểu của bà Uzra. Một ví dụ điển hình được bà nêu ra là vụ ông Đường Văn Thái bị bắt cóc vào tháng 4/2023 khi đang xin tị nạn ở Thái Lan: “Đây chỉ là một trong những ví dụ gần đây nhất về đàn áp xuyên quốc gia được báo cáo. Hoa Kỳ sát cánh và hỗ trợ những người bị nhắm tới bởi các hành động đàn áp xuyên quốc gia, đồng thời chúng tôi cam kết thúc đẩy trách nhiệm giải trình đối với những chính phủ thủ phạm.” bà Urza kết luận.

Bà Bay Fang – Chủ tịch đài Á Châu Tự do phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: RFA

Có mặt tại buổi lễ này, bà Bay Fang, chủ tịch đài Á Châu Tự do, cũng khẳng định tình hình tự do báo chí tại Việt Nam không được đảm bảo. Cụ thể trong phát biểu của mình, bà Bay Fang dẫn các số liệu thống kê từ Tổ chức Phóng viên Không Biên giới, rằng tổ chức này đã xếp Việt Nam vào top 10 môi trường hạn chế nhất thế giới về tự do báo chí. Tính đến hiện nay đã có 35 nhà báo và blogger đang bị bỏ tù. Trong đó, bà Bay nhắc đến bốn nhà báo là blogger của Ban tiếng Việt, Đài Á Châu Tự do đang bị giam giữ, bao gồm Nguyễn lân Thắng – 10 năm tù giam, Nguyễn Tường Thuỵ – 11 năm tù giam, Trương Duy Nhất – 10 năm tù giam và Nguyễn Vũ Bình – đang trong giai đoạn điều tra. Bà Bay Fang nhấn mạnh:

“Nhưng những nỗ lực của chế độ Việt Nam đã không ngăn cản chúng tôi hoàn thành công việc quan trọng của mình. Năm vừa qua, chúng tôi đã thực hiện các phóng sự về hàng trăm công dân Việt Nam bị buôn bán và buộc phải làm việc cho các trang web buôn bán dữ liệu ở Myanmar. Gần đây nhất, RFA đã đăng tải về hành trình gian khổ của những người Việt Nam vượt biên giới Hoa Kỳ qua Mexico để tìm kiếm tị nạn…”

Đại diện ban tổ chức buổi lễ, bà Destiny Nguyễn cho rằng, chính vì tình trạng nhân quyền Việt Nam tồi tệ như các khách mời đã nêu trên, nên cộng đồng người Việt ở hải ngoại càng phải lên tiếng và vận động nhiều hơn để cải thiện nhân quyền cho Việt Nam:

“Ngày mai chúng tôi sẽ có buổi vận động với các nghị sỹ và dân biểu, cũng như có buổi gặp gỡ riêng với Bộ ngoại giao Hoa Kỳ để nói về nhân quyền của Việt Nam.”

Tiếp theo lời kêu gọi của bà Destiny Nguyễn, ông Lê Trường Giang, từ tiểu bang North Carolina có mặt tại buổi lễ nói thêm rằng, cộng đồng người Việt cần lên tiếng thì chính phủ Hoa Kỳ mới quan tâm nhiều hơn đến nhân quyền Việt Nam:

“11/5 là ngày nhân quyền của Mỹ ở Việt Nam, kêu gọi người trẻ hãy tham gia vào các sự kiện như thế này để chính phủ Mỹ biết là chúng ta rất quan tâm tới nhân quyền”

Ngày Nhân Quyền cho Việt Nam (11/5) được vinh danh và công nhận bởi đạo luật số 103-258 mà Tổng thống Bill Clinton ký ngày 5/5/1994.

Trước đó, Nghị quyết chung SJ-168 được cả hai viện của Quốc hội Hoa Kỳ thông qua với đại đa số tuyệt đối vào ngày 17/5/1994. Hai Dân biểu Hoa Kỳ đồng chủ tịch Ủy ban Việt Nam tại Quốc hội Mỹ – bà Michelle Steel và ông Lou Correa, vào ngày 10 tháng năm ra nghị quyết “Lên án Đảng cộng sản Việt Nam (VCP) bỏ tù các nhà báo độc lập, giới bảo vệ nhân quyền, các nhân vật tôn giáo, và những tiếng nói đối lập tại Việt Nam”. Nghị quyết được đưa ra vào dịp Ngày Nhân quyền Việt Nam 11 tháng năm hàng năm. Nội dung Nghị quyết nêu rằng những người đang bị Việt Nam cầm tù chỉ vì họ thực thi các quyền tự do lên tiếng của họ.

Nguồn: RFA

Tags:

More Stories From Chính Trị

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh