Hoa Kỳ sắp khai triển tàu ngầm hạt nhân đến Guam, tăng cường uy thế tại chuỗi đảo thứ nhất
Posted by Luu HoanPho, Aug 19, 2024, Comments Off
Sơ đồ minh họa chuỗi đảo thứ nhất và chuỗi đảo thứ hai. (Ảnh chụp màn hình báo cáo của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ)
Hoa Kỳ dự kiến sẽ sớm khai triển lực lượng tàu ngầm hạt nhân trú đóng dài hạn tại đảo Guam. Đây sẽ là một sự thăng cấp lớn đối với các trung tâm quân sự quan trọng của Hoa Kỳ trên chuỗi đảo thứ hai, và chắc chắn sẽ tạo uy thế và sức mạnh răn đe hướng đến khu vực chuỗi đảo thứ nhất.
Cùng với việc gần đây Hoa Kỳ tăng cường liên minh quân sự với Nhật Bản và Philippines, sự hiện diện và năng lực ứng phó của quân đội Hoa Kỳ tại chuỗi đảo thứ nhất cũng sẽ được tăng cường và nâng cấp. Những dấu hiệu này cho thấy Hoa Kỳ đang từng bước khai triển chiến lược tại chuỗi đảo thứ nhất nhằm kiềm chế và ngăn chặn các hoạt động hàng hải và hàng không của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), trong trường hợp ĐCSTQ phát động chiến tranh tại Eo biển Đài Loan và Biển Đông.
Theo Newsweek, tàu ngầm tấn công nhanh chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Minnesota lớp Virginia trang bị hỏa tiễn hành trình thông thường dự kiến sẽ thay đổi cảng chính từ Trân Châu Cảng ở Hawaii sang Guam, kể từ năm tài chính mới bắt đầu vào ngày 01/10 năm nay.
Thiếu tá Rick Moore, phát ngôn viên của cố vấn trưởng các vấn đề tàu ngầm thuộc Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ nói với Newsweek rằng, đây sẽ là tàu ngầm cùng cấp bậc đầu tiên đóng thường trực ngoài khơi Guam, hành động này sẽ “bổ sung một tàu ngầm tấn công thế hệ mới với những khả năng tân tiến cho lực lượng hải quân ở tuyến đầu.”
Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh hải quân ĐCSTQ đang nhanh chóng xây dựng và mở rộng các hoạt động quân sự ngoài khơi. Thiếu tá Moore cho biết: “Hải quân Hoa Kỳ thường xuyên đánh giá việc khai triển lực lượng tại hải ngoại, bao gồm việc khai triển các tàu ngầm hải quân tại Guam. Chúng tôi cam kết sẽ khai triển các nền tảng có năng lực nhất của mình để duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”
Các lãnh đạo quân đội Hoa Kỳ cho biết, Trung Quốc đang tiến hành xây dựng quân đội quy mô lớn nhất kể từ sau Đệ nhị Thế chiến, với lực lượng thường xuyên hoạt động ngoài chuỗi đảo thứ nhất và gần đây đã vượt xa khỏi chuỗi đảo thứ hai: vào ngày 08/07/2024, hải quân ĐCSTQ cùng một đội gồm bốn tàu và một đội tuần tra oanh tạc cơ liên hợp của Nga đã đến vùng biển Bering gần Alaska, Hoa Kỳ.
Guam là lãnh thổ cực tây của Hoa Kỳ, và là trung tâm quân sự chủ chốt trên chuỗi đảo thứ hai. Chuỗi đảo thứ hai lấy đảo Guam làm trung tâm, phía bắc kéo dài đến vùng trung bộ của Nhật Bản, phía nam kéo dài đến Papua New Guinea nằm phía bắc nước Úc. Chuỗi đảo thứ hai cùng với chuỗi đảo thứ nhất—bao gồm miền nam Nhật Bản, Đài Loan, và Philippines, kéo dài đến Singapore—là các cấp độ khác nhau của khái niệm phòng thủ từ thời Chiến Tranh Lạnh, nhằm hạn chế hoạt động hàng không và hàng hải của ĐCSTQ trong thời chiến.
Guam cách eo biển Đài Loan và các vùng biển tranh chấp ở biển Hoa Đông và Biển Đông khoảng 1,500-1,700 dặm Anh (khoảng 2,400-2,700 km), trong khi khoảng cách từ Trân Châu Cảng đến các khu vực này là gấp hai lần rưỡi. Điều này làm cho Guam trở thành điểm tập kết lý tưởng để Hoa Kỳ khai triển sức mạnh hải quân đến chuỗi đảo thứ nhất.
Mặc dù Guam cũng nằm trong tầm bắn đạn đạo của quân đội ĐCSTQ, nhưng cựu lính tàu ngầm Hoa Kỳ Bryan Herrin nói với Newsweek rằng, trong trường hợp xảy ra chiến tranh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, thì các tàu ngầm tấn công của Hoa Kỳ có thể nhanh chóng phóng đạn đạo và ngư lôi.
Ông Herrin cho biết: “Vị trí chiến lược của Guam có ý nghĩa quân sự rất quan trọng đối với hải quân Hoa Kỳ, do đó có thể khai triển, bảo trì, và tái trang bị các tàu ngầm hiện đại nhất tại đây là điều thiết yếu.”
Tàu ngầm hạt nhân USS Minnesota nặng 7,800 tấn, dài 377 feet (115 mét), được trang bị ngư lôi Mark 48 và có thể phóng tới 12 hoả tiễn hành trình Tomahawk từ hệ thống phóng thẳng đứng.
Hải quân Hoa Kỳ cho biết, các tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia bắt đầu phục vụ từ đầu những năm 2000, đã được tăng cường khả năng chiến đấu, bao gồm các hoạt động ven biển để hỗ trợ chiến tranh chống tàu ngầm, chiến tranh chống tàu mặt nước, các nhiệm vụ tấn công và tình báo, giám sát và trinh sát.
Nguồn: Trình Văn, Hoa Hưng @Epoch Times