Ba Dân biểu Liên Bang hối thúc Ngoại trưởng Mỹ yêu cầu Việt Nam cho biết Trương Duy Nhất ở đâu
Posted by Luu HoanPho, Feb 17, 2019, Comments Off
Hôm 15/2/2019, 3 Dân biểu Liên bang Hoa Kỳ gồm Alan Lowenthal, Zoe Lofgren và Harley Rouda đồng ký tên vào bức thư gửi Ngoại Trưởng Mike Pompeo bày tỏ lo ngại về sự mất tích của ông Trương Duy Nhất, blogger của Đài Á Châu Tự Do sau khi ông này đến Bangkok để tìm kiếm quy chế tị nạn chính trị.
Bức thư nhấn mạnh đến hội nghị thượng đỉnh lần 2 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 27/2 – 28/2/2019 tới đây.
“Tự do báo chí là giá trị nền tảng của Hoa Kỳ và chúng tôi khẩn thiết đề nghị ông (Mike Pompeo – PV) sử dụng tất cả các kênh ngoại giao để áp lực chính phủ Việt Nam cung cấp thông tin về nơi ở của Trương Duy Nhất.
Chúng tôi đồng thời khẩn thiết đề nghị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tổ chức điều tra về việc đột nhiên biến mất của ông Nhất.
Thêm nữa, chúng tôi cũng đòi hỏi ông phải gây áp lực lên chính quyền Thái Lan tiếp tục điều tra trường hợp này,” bức thư ký tên 3 dân biểu nêu rõ.
Trước đó, bà Cao Thị Xuân Phượng, vợ của nhà báo độc lập Trương Duy Nhất cũng gửi đơn đến lãnh đạo chính phủ và các cơ quan báo chí bày tỏ quan ngại về tính mạng của chồng mình sau gần 20 ngày mất tích tại Thái Lan và đề nghị tìm kiếm ông này.
Trong bức thư của ba Dân biểu Liên bang được các báo đài Việt ngữ đăng tải lại tiết lộ, ông Nhất đến Bangkok, Thái Lan lúc 4 giờ chiều ngày 19/1/2019 và đăng ký qui chế tị nạn tại văn phòng của Cao ủy Liên Hiệp quốc về người tị nạn hôm 25/1.
Lúc 5 giờ ngày hôm sau, cô Trương Thục Đoan, con gái ông Nhất hoàn toàn mất liên lạc với cha mình.
Ba dân biểu cũng dẫn lại thông tin từ Đài Á Châu Tự Do cho biết, đã có những mối quan ngại tăng cao từ tháng 1/2019 rằng chính phủ VN nhắm tới Trương Duy Nhất bởi vì ông này có những thông tin gây hại đến Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.
Hôm 11/2, Giám đốc điều hành của Cơ quan Hoa Kỳ về Truyền Thông Toàn Cầu (USAGM) John Lansin bày tỏ “quan ngại sâu sắc về việc mất tích của blogger của Đài Á Châu Tự Do, ông Trương Duy Nhất, người được tin tưởng là bị bắt cóc tại BangKok, Thái Lan sau khi ông ấy tới đây để tìm kiếm quy chế tị nạn chính trị.”
Ông John Lansin cũng nhắc lại trường hợp của phóng viên RFA Nguyễn Văn Hóa bị bỏ tù hồi đầu năm 2017 và cho rằng đây là “2 ví dụ về việc có rất nhiều nguy cơ nhắm đến tự do báo chí và an toàn, an ninh của những nhà báo trên toàn cầu.”
Trong tuyên bố của ông John Lansin cũng cho biết, Cơ quan Hoa Kỳ về Truyền Thông Toàn Cầu cùng với các tổ chức như Ân xá Quốc tế, Theo dõi nhân quyền, Ủy ban bảo vệ Ký giả và Phóng viên Không biên giới đồng kêu gọi chính phủ Thái Lan làm mọi việc có thể để xác định vị trí của ông Nhất và bảo đảm an toàn cho ông ấy.
Nguồn: RFA