Thương mại Mỹ – Trung: Thỏa thuận mong manh
Posted by Luu HoanPho, Jul 2, 2019, Comments Off
Hình trên: Tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Tập Cận Bình bên lề thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản ngày 29/06/2019.
Thỏa thuận thương mại Mỹ – Trung đạt được tại Osaka bền được bao lâu ? Đôi bên nhượng bộ những gì ? Những cam kết của Washington và Bắc Kinh đáng tin cậy đến đâu ? Chuyên gia về Đông Bắc Á Antoine Bondaz, Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Pháp, trả lời các câu hỏi trên với RFI tiếng Việt.
48 giờ sau cuộc họp rất được mong đợi giữa tổng thống Mỹ và chủ tịch Trung Quốc bên lề thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản, chỉ số chứng khoán từ Âu sang Á và nhất là tại Hoa Kỳ đã tăng vọt. Hứa hẹn đôi bên tạm dừng áp thêm thuế nhập khẩu vào hàng của đối phương, viễn cảnh Washington và Bắc Kinh mở lại đàm phán thương mại, chính quyền Trump nới lỏng gọng kềm cho tập đoàn viễn thông Trung Quốc Hoa Vi khiến các nhà đầu tư hy vọng.
Kịch bản này từng diễn ra đầu tháng 12/2018 khi nguyên thủ Mỹ và Trung Quốc chia tay nhau ở Buenos Aires-Achentina, cũng với một thỏa thuận đình chiến về mậu dịch.
Lần này, sau cuộc hội đàm 80 phút tại Osaka, phái đoàn Mỹ và Trung Quốc ra về với cam kết ngừng các biện pháp leo thang để nhường chỗ cho các vòng thương thảo. Khác với tại Buenos Aires, Washington không đưa ra thời hạn đàm phán. Nhưng tương tự như lần trước, phía chính quyền Trump ồn ào tuyên bố đã có một buổi làm việc “rất tích cực” với Bắc Kinh, thỏa thuận không còn xa vời, và đây sẽ là một thỏa thuận “tốt” và “có lợi” cho dân Mỹ.
Cụ thể hơn, báo chí được biết là hai ông Trump và Tập đã đồng ý trên hai điểm quan trọng. Một là Trung Quốc hứa nhập khẩu trở lại nông phẩm của Hoa Kỳ và hai là Washington tạm dừng lệnh cấm các công ty Mỹ giao thương với Hoa Vi. Nhưng tổng thống Trump cũng nhấn mạnh là không có ý định rút Hoa Vi ra khỏi danh sách đen các tập đoàn nước ngoài bị Washington coi là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.
Khác với Hoa Kỳ, phía Trung Quốc không để lộ nhiều thông tin ra ngoài. Trả lời đài RFI tiếng Việt, chuyên gia Antoine Bondaz ghi nhận cuộc họp hôm 29/06/2019 tại Osaka giữa hai ông Donald Trump và Tập Cận Bình chủ yếu nhằm thu hút chú ý công luận. Về thực chất, các nhà đầu tư quốc tế không chờ đợi gì nhiều, dù vậy nguyên thủ hai nước tạo môi trường thuận lợi để phái đoàn hai bên nối lại đàm phán.
Antoine Bondaz :Đây là một màn dàn dựng để cho thấy là đôi bên cùng thành công. Đừng quên rằng tại thượng đỉnh G20 tổ chức ở Achentina cuối năm ngoái, tổng thống Mỹ đã ký kết được một thỏa thuận về tự do mậu dịch với hai nước láng giềng sát cạnh là Canada và Mêhicô và cũng đã đồng ý về một thỏa thuận “ngừng bắn” với Trung Quốc.
Lần này, Washington và Bắc Kinh không thông qua bất kỳ một thỏa thuận chính thức nào về thương mại. Đôi bên chỉ đồng ý nối lại đàm phán và cả Donald Trump lẫn ông Tập Cận Bình cùng để cho phái đoàn của mình bắt tay vào việc. Không có gì bảo đảm là trong ngắn hạn Mỹ và Trung Quốc san bằng được những bất đồng, bởi vì tất cả những khúc mắc và những điểm nhạy cảm gây xung đột vẫn tồn tại. Trong nhiều tháng qua, Mỹ và Trung Quốc không giải quyết được gì trên những bất đồng đó. Nhìn kỹ, ta thấy ngay tất cả chỉ là những tuyên bố suông.
Về cơ bản, “không có gì thay đổi”
Những điểm nhạy cảm vẫn tồn đọng từ 12 vòng đàm phán vừa qua gồm những gì và không lẽ đôi bên không hề đạt được một chút tiến triển nào trên những hồ sơ gai góc đó ?
Antoine Bondaz : Phía Hoa Kỳ đặt ra nhiều yêu sách với Trung Quốc. Thứ nhất là nguyên tắc có qua có lại, đòi Bắc Kinh bảo đảm cho các công ty Mỹ tham gia thị trường Trung Quốc một cách bình đẳng hơn. Thứ hai là chính quyền Trump bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ các bằng sáng chế của các hãng Mỹ. Về phía Bắc Kinh, Tập Cận Bình không thể nhượng bộ Donald Trump trên những vấn đề cơ bản đó, vì lùi bước có nghĩa là Trung Quốc đầu hàng Mỹ.
Không hẳn là Trung Quốc không nhượng bộ. Ít ra là qua lời nói. Vào lúc Donald Trump và Tập Cận Bình bắt tay nhau tại Osaka, Nhật Bản, bộ Thương Mại Trung Quốc thông báo giảm nhẹ hoặc xóa bỏ lệnh cấm các công ty nước ngoài đầu tư vào một số lĩnh vực. Từ ngày 30/07/2019 Bắc Kinh sẽ mở cửa đón đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực : vận tải đường biển, công nghiệp giải trí, một số hoạt động khai thác dầu hỏa và khí đốt … Danh sách cấmcủa Trung Quốc hiện đang liên quan đến 48 lĩnh vực kinh tế, đến cuối tháng này sẽ được thu hẹp lại còn 40.
Tuy nhiên theo ông Antoine Bondaz, tất cả những cử chỉ hòa hoãn của đôi bên chỉ là bề ngoài :
Antoine Bondaz : Trong cuộc đối đầu Mỹ – Trung, vấn đề chính là Trung Quốc muốn bắt kịp Hoa Kỳ. Bắc Kinh muốn đứng ngang hàng và thậm chí là hơn cả Mỹ về kinh tế và nhất là về công nghệ cao. Đối với Washington, sự vươn lên này biến Trung Quốc thành một mối đe dọa trực tiếp. Đó là điều cơ bản đối với Trump hay bất kỳ một người nào khác ở Nhà Trắng. Trên chính trường Mỹ, hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa bất đồng với nhau về khá nhiều hồ sơ, nhưng riêng đối với Trung Quốc thì khác. Cả hai đảng này cùng đồng ý phải ngăn chận Trung Quốc trước khi nước này bắt kịp Hoa Kỳ về mặt công nghiệp, chính trị và nhiều lĩnh vực khác nữa.
Ngoài ra, báo chí hay nói đến « một hiệp định ngưng chiến » về thương mại, nhưng theo tôi, không thể xem thỏa thuận giữa hai ông Trump và Tập là hiệp định hưu chiến được, bởi vì trước mắt cả hai phía cùng duy trì các biện pháp áp thuế. Họ chỉ đồng ý với nhau là « không ban hành thêm các biện pháp trừng phạt mới, không đánh thuế nhập khẩu thêm vào hàng của nhau ».
Để thực sự có thể coi là Mỹ và Trung Quốc « đình chiến », theo tôi, đôi bên phải trở về với thời điểm trước tháng 3/2018, tức là trước khi chính quyền Trump đánh thuế nhôm và thép của Trung Quốc, tiếp theo sau là những đòn trả đũa và leo thang. Tổng thống Trump rất đắc ý với các biện pháp đánh thuế nhập khẩu. Ông coi đó là một công cụ hiệu quả để bắt đối phương nhượng bộ và Donald Trump tin chắc sẽ đạt đến đích, đạt được một thỏa thuận tốt với Trung Quốc, như ông vẫn thường nói.
Kết thúc gần một tuần lễ công du châu Á, trở về Hoa Kỳ, tổng thống Trump phải đối mặt với nhiều chỉ trích trong chính giới, vì quyết định nới lỏng lệnh phong tỏa Hoa Vi. Hai gương mặt nổi bật của đảng Cộng Hòa là thượng nghị sĩ Ted Cruz (bang Texas) và Marco Rubio (bang Florida) coi đây là một “sai lầm nghiêm trọng”, bởi Hoa Vi vẫn bị nghi ngờ sử dụng trang thiết bị viễn thông nhằm mục đích dọ thám Hoa Kỳ. Tuy nhiên, theo lời Steve Tsang, giám đốc học viện SOAS China Institute- Đại Học Luân Đôn, nới lỏng trừng phạt Hoa Vi là một đòn khéo léo của Washington tránh để cho Bắc Kinh khai thác lá bài dân tộc chủ nghĩa, kêu gọi tẩy chay hàng Mỹ.
Trump hay Tập đang “nóng ruột” ?
Một tuyên bố khác được tổng thống Donald Trump lập đi lập lại nhiều lần sau cuộc hội đàm với nguyên thủ Trung Quốc đó là Nhà Trắng không “vội vã” đạt được một thỏa thuận về thương mại với Trung Quốc, nếu như đấy “không phải là một thỏa thuận tốt cho nước Mỹ”. Giới quan sát cho rằng, tổng thống Mỹ không có nhiều thời gian như ông đã phát biểu với báo chí. Bức tranh kinh tế Hoa Kỳ không tệ, nhưng nhiều chỉ số cho thấy rằng, cỗ máy công nghiệp của Mỹ bị chựng lại. Nghiên cứu của cơ quan ISM – hiệp hội các nhà cung cấp, trụ sở tại bang Arizona, Hoa Kỳ cho thấy chỉ số hoạt động của nền công nghiệp Hoa Kỳ rơi xuống mức thấp nhất kể từ hai năm rưỡi nay. Nguyên nhân do chiến tranh thương mại Mỹ- Trung gây nên. Chỉ số trong ngành xây dựng trong tháng 5/2019 được bộ Thương Mại Mỹ công bố đã giảm mạnh hơn nhiều so với dự phóng.
Trong bối cảnh đó chuyên gia Antoine Bondaz phác họa ra hai kịch bản cho bước kế tiếp trong cuộc đọ sức thương mại giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc.
Antoine Bondaz : Hai kịch bản có thể xảy ra. Nếu như ép được Trung Quốc nhượng bộ thì chính quyền Mỹ sẽ dừng tay. Ngược lại nếu như Donald Trump không thuyết phục được cử tri Mỹ rằng việc ông làm là đúng và có hiệu quả, thì Nhà Trắng sẽ cứng rắn hơn nữa với Bắc Kinh. Trước mắt, không có dấu hiệu Trung Quốc sẵn sàng chiều ý Trump. Có nhiều khả năng tình hình còn căng thêm hơn nữa trong bối cảnh Mỹ sẽ bầu lại tổng thống vào năm tới.
Trung Quốc bội ước hay Mỹ đổi ý ?
Câu hỏi đặt ra là thỏa thuận Mỹ – Trung lần này liệu tồn tại được bao lâu. Gần bảy tháng trước, tại Buenos Aires, hai ông Tập Cận Bình và Donald Trump đã “tạm thời buông súng” để thương lượng. Đôi bên ấn định kỳ hạn 90 ngày. Nhưng rồi xung khắc thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã hiện nguyên hình là một cuộc chiến công nghệ cao. Bước sang đầu tháng 5/2019 chính tổng thống Hoa Kỳ thông báo đôi bên đang cận kề một thỏa thuận đình chiến, để rồi vài ngày sau, Nhà Trắng tố cáo Bắc Kinh “bội ước” và tăng hỏa lực trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.
Có một điều chắc chắn với Donald Trump: một hiệp định thương mại “tốt” là một thỏa thuận sẽ giúp ông tái đắc cử tổng thống năm 2020. Còn với ông Tập Cận Bình, một thỏa thuận “tốt” phải là một văn bản phác họa ra mối quan hệ Mỹ – Trung cho tương lai, như ghi nhận của một chuyên gia về quan hệ Mỹ Trung, bà Yun Sun, thuộc trung tâm nghiên cứu Stimson Centre, trụ sở tại Washington.
Nguồn: RFI/Thanh Hà