Tại sao Trung Quốc tiếp tục “dằn mặt” Việt Nam ngay trong vùng đặc quyền kinh tế?
Posted by Luu HoanPho, Jul 15, 2019, Comments Off
Hình trên: Khu vực các lô dâu khí (màu xanh dương) mà Trung Quốc mời thầu nằm trong vùng EEZ của Việt Nam, nơi tàu khảo sát địa chấn của Trung Quốc đang hoạt động.
Trong khoảng hai tuần qua, các tàu cảnh sát biển của Việt Nam đã phải đối đầu với các tàu hải cảnh của Trung Quốc ở ngoài khơi bờ biển miền Trung Việt Nam, ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo quy định của Công ước quốc tế về luật biển của Liên Hiệp Quốc năm 1982 (UNCLOS). Đây là lần thứ hai trong vòng 5 năm qua kể từ khi Trung Quốc đưa giàn khoan dầu HD 981 vào gần khu vực quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp, tàu chấp pháp của hai nước đối đầu ngay trong vùng biển của Việt Nam. Theo đánh giá của một số chuyên gia, đây là một động thái dằn mặt của Trung Quốc đối với Việt Nam, đồng thời cũng là cách mà Trung Quốc làm để đòi chủ quyền ngay tại vùng thềm lục địa của Việt Nam.
Từ khoảng ngày 10 và 11/7, một số trang tin của Trung Quốc đã dẫn tin từ một trang dò tìm tàu trên biển về căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam ở Biển Đông. Sau đó, ông Ryan Martinson, một phó giáo sư tại trường Hải Chiến Hoa Kỳ viết trên Twitter của mình rằng từ ngày 3/7, tàu thăm dò dầu khí Trung Quốc có tên Haiyang Dizhi 8 (Marine Geology 9) đã đi vào vùng biển Việt Nam kiểm soát để khảo sát địa chấn. Đi cùng tàu này có các tàu bảo vệ bờ biển có vũ trang.
Dằn mặt trước chuyến thăm Hoa Kỳ?
Nhận xét về động thái mới của Trung Quốc ngoài Biển Đông, thạc sĩ Hoàng Việt, thành viên Quỹ Nghiên cứu Biển Đông của Việt Nam cho biết:
“Gần đây Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn thị Kim Ngân có chuyến thăm Trung Quốc. Chúng ta thấy Theo truyền thống mỗi lần mà chuẩn bị lãnh đạo Việt Nam sang thăm Hoa Kỳ thì trước đó một uỷ viên Bộ Chính trị sẽ sang Trung Quốc. Việc bà Kim Ngân sang Trung Quốc có lẽ theo tôi cũng là những chuẩn bị giải thích cho Trung Quốc về chuyến thăm Hoa Kỳ sắp tới. Cũng nhân dịp này Trung Quốc cũng muốn cảnh cáo và nhắc nhở Việt Nam là Trung Quốc sẵn sàng có thể ra tay.”
Trong chuyến thăm Việt Nam nhân Thượng đỉnh Mỹ Bắc Hàn ở Hà Nội vào cuối tháng 2 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã mời Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sang thăm Hoa Kỳ. Chuyến thăm được Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết sẽ được tiến hành trong năm nay nhưng không cho biết thời gian cụ thể. Một số nguồn tin không chính thức cho rằng có khả năng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ sang thăm Mỹ vào mùa thu năm nay nếu sức khoẻ cho phép.
Từng là kẻ thù trong chiến tranh Việt Nam, Hoa Kỳ và Việt Nam đã bình thường hoá quan hệ vào năm 1995. Vào năm 2013, nhân chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Hoa Kỳ, hai nước đã thống nhất nâng quan hệ hai bên lên thành đối tác toàn diện, thể hiện trên nhiều lĩnh vực bao gồm kinh tế, văn hóa, giáo dục, quốc phòng và an ninh.
Chiến lược An ninh Quốc gia của Mỹ dưới thời của Tổng thống Donald Trump cũng xác định Việt Nam là một trong những đối tác đang lên của Mỹ trong khu vực, đồng thời nhìn nhận vấn đề Trung Quốc xây lấp các đảo nhân tạo và quân sự hoá Biển Đông là một thách thức tiềm năng đối với an ninh của Mỹ.
Với cam kết thiết lập các đối tác trong khu vực như là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược Ấn Độ Thái Bình Dương mở, Hoa Kỳ cũng gia tăng việc trang bị thiết bị quân sự cho các nước để đối phó với Trung Quốc. Hồi tháng 4 năm nay, Hoa Kỳ đã chuyển giao cho Việt Nam 6 xuồng tuần tra cao tốc trị giá 12 triệu đô la.
Mới đây, vào tháng 5, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo sẽ cung cấp 6 máy bay không người lái ScanEagle cho Việt Nam với tổng trị giá hơn 9,7 triệu đô la.
Nhận xét về quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ, Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, Viện phó Viện nghiên cứu các vấn đề phát triển, từng nói với RFA: “Trong quan hệ với Hoa Kỳ thì trong các tuyên bố gần đây, Hoa Kỳ luôn nói tôn trọng thể chế của Việt Nam. Vì vậy Việt Nam không chỉ đi dây mà đã tạo ra được thế cân bằng động giữa các nước lớn. Theo tôi Việt Nam đã làm tốt vấn đề này. Nhưng gần đây Trung Quốc có những hành động hơi quá trên biển Đông nên Việt Nam cũng có biểu hiệu là dãn Trung và xích lại gần Mỹ hơn. Và trong đối tác toàn diện Việt Mỹ thì các yếu tố hợp tác chiến lược ngày càng nổi trội.”
Tuy nhiên, theo nhận định của Giáo sư Carl Thayer thuộc đại học New South Wales, Australia, khó có thể kết luận Trung Quốc cố tình làm điều này vào giữa lúc có chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân vì dù gì thì Chủ tịch Tập Cận Bình cũng khẳng định chính sách lâu dài giữa hai nước là duy trì hoà bình và ổn định.
Trung Quốc đòi chủ quyền ngay trong vùng EEZ của Việt Nam
Điểm đáng chú ý trong vụ đối đầu lần này giữa hai nước là địa điểm. Một số thông tin trên mạng xã hội cho rằng căng thẳng xảy ra ở khu vực Bãi Tư Chính mà Việt Nam dựng nhà giàn DK 1. Đây là khu vực đã từng xảy ra căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc vào năm 2017 khi Trung Quốc ép Việt Nam phải yêu cầu công ty Repsol của Tây Ban Nha bỏ khoan thăm dò dầu khí ở lô 136/03. Đây là khu vực nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam nhưng lại nằm trong đường đứt khúc 9 đoạn mà Trung Quốc vẽ ra trên biển.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Gregory Poling, Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng Hải (AMTI) – một trang chuyên theo dõi các hoạt động ở Biển Đông qua các hình ảnh vệ tinh – vụ đối đầu xảy ra ở cách Bãi Tư Chính của Việt Nam khoảng hơn 100 hải lý về phía Bắc, tức nằm gần hơn về phía tây quần đảo Trường Sa. Khu vực mà tàu khảo sát địa chấn của Trung Quốc đi qua cũng nằm trong khu vực 9 lô dầu khí mà Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) đưa ra mời thầu vào tháng 6 năm 2012. Chín lô này nằm sâu vào vùng thềm lục địa của Việt Nam, trùng với một loạt các lô dầu khí khác mà Việt Nam đang khai thác từ lô 128 đến 132 và từ lô 145 đến 156.
Việt Nam vào năm 2012 đã chính thức lên tiếng phản đối vụ mời thầu này của Trung Quốc và khẳng định cả 9 lô đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam.
Nhận định về việc Trung Quốc đưa tàu thăm dò địa chấn vào khu vực vùng thềm lục địa của Việt Nam lần này, chuyên gia Greg Poling cho biết:
“Trung Quốc đòi chủ quyền với vùng nước lịch sử trong vùng đường đứt khúc 9 đoạn. Nhưng cả khi không có đường đứt khúc, Trung Quốc vẫn đòi chủ quyền với toàn bộ quần đảo Trường Sa và đòi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa đối với quần đảo này. Bắc Kinh sẽ đòi chủ quyền vùng này vì nó nằm trong khoảng 200 hải lý từ quần đảo Trường Sa, dù có hay không có đường đứt khúc 9 đoạn.”
Toà Trọng tài Quốc tế hồi năm 2016 đã ra phán quyết bác bỏ tính hợp lệ của đường đứt khúc 9 đoạn, đồng thời cũng không công nhận các thực thể thuộc quần đảo Trường Sa đang tranh chấp giữa các nước là đảo và vì vậy Trường Sa không thể có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Tuy nhiên Trung Quốc đã không công nhận phán quyết này.
Mặc dù cả 9 lô dầu khí được Trung Quốc mời thầu vẫn chưa có một công ty nước ngoài nào tham gia, nhưng theo chuyên gia Greg Poling, Trung Quốc cũng không muốn từ bỏ việc tiếp tục mời thầu các lô dầu khí này.
“Vùng mà tàu này hoạt động là khu vực mà công ty CNOOC của Trung Quốc tuyên bố 9 lô dầu khí và đưa ra mời thầu vào năm 2012, ngoài khơi Việt Nam, và cũng là để gửi thông điệp đến Hà Nội. Không có công ty nước ngoài nào sẵn sàng tham gia đấu thầu các lô này vì không có công ty nào thấy hiệu quả vì việc đưa khí từ đó vào đất liền Trung Quốc là không hiệu quả. Trung Quốc không quan tâm đến khí đốt ở đó, nó không giúp ích gì cho họ cả, không hiệu quả về mặt kinh tế. Nhưng nếu họ có thể khiến công ty nước ngoài tham gia đâú thầu vào một trong nhưng lô mời thầu năm 2012 ở phía bắc Bãi Tư Chính thì đó là một chiến thắng về mặt ngoại giao cho Trung Quốc. Họ có thể nói là công ty nước ngoài thừa nhận đòi hỏi chủ quyền của họ.”
Theo giải thích của chuyên gia Greg Poling, khoảng cách từ 9 lô dầu khí mà Trung Quốc mời thầu đến đảo Hải Nam của Trung Quốc, nơi xa nhất là khoảng hơn 600 hải lý. Việc lắp đặt ống đưa khí đốt vào đất liền đi qua vùng nước tranh chấp là quá xa và hiện không hiệu quả về mặt kinh tế.
Giáo sư Carl Thayer thuộc đại học New South Wales của Australia cho rằng cũng có khả năng vụ đụng độ nằm ở gần khu vực nơi Trung Quốc đã từng bán quyền khai thác dầu khí cho công ty Crestone của Mỹ hồi năm 1992. Nếu vị trí này được xác nhận thì khu vực này cũng là thuộc các lô dầu khí 133 và 134 của Việt Nam.
“Nếu vị trí của tàu khảo sát Trung Quốc thực sự được xác nhận ở phía tây đảo Trường Sa Lớn (thuộc quần đảo Trường Sa), thì đây sẽ là khu vực cực kỳ nhậy cảm với Việt Nam. Trường Sa Lớn là đảo lớn nhất mà Việt Nam kiểm soát và cũng là đông dân nhất trong các đảo của Việt Nam tại đây. Năm 2017 và 2018, Trung Quốc đã cáo buộc Việt Nam vi phạm tinh thần hiểu biết lẫn nhau giữa lãnh đạo hai nước. Và bây giờ năm 2019 thì chiếc giầy đang ở trong chân của Trung Quốc. Nếu những gì đang diễn ra ở Biển Đông trong tháng 7 được xác nhận chính xác, thì điều này cho thấy Trung Quốc đang chuẩn bị đẩy đòi hỏi chủ quyền trên biển của mình khi Việt Nam lùi bước“, Giáo sư Carl Thayer nói, và giải thích thêm rằng Việt Nam đã lùi bước trước sức ép của Trung Quốc trong các năm 2017 và 2018 khi yêu cầu công ty Repsol của Tây Ban Nha phải ngưng khoan thăm dò dầu khí ngay tại vùng thềm lục địa của Việt Nam.
Việt Nam sẽ lại lui bước?
Mặc dù vụ đối đầu giữa các tàu cảnh sát biển Việt Nam và Trung Quốc đã diễn ra được khoảng 2 tuần nhưng cho đến lúc này báo chí chính thống của cả hai nước đều im lặng. Số lượng tàu thực sự tham gia vào vụ đối đầu cho đến lúc này vẫn chưa thể xác định chính xác. Tuy nhiên, theo nhận định của Thạc sĩ Hoàng Việt, tình hình có khả năng vẫn nằm trong tầm kiểm soát.
“Tôi nghĩ rằng Trung Quốc không dại gì làm to chuyện và Việt Nam càng không muốn làm to chuyện. Điều đó giải thích vì sao cả hai bên cùng im tiếng. Việt Nam chỉ đưa ra công luận quốc tế, kêu gọi công luận quốc tế giúp đỡ khi Việt Nam thấy tuyệt vọng bị dồn đến nước đường cùng như sự kiện hồi năm 2014. Tôi nghĩ cho đến giờ tất cả báo chí hai bên đều im hết thì chứng tỏ là hai bên vẫn vờn nhau là chính chưa dẫn đến tình huống căng thẳng. Trong lúc như vậy chính phủ Việt Nam chưa đưa ra thông tin để chọc giận Trung Quốc thêm.”
Hồi đầu tháng 5 năm 2014, khi Trung Quốc đưa giàn khoan dầu HD981 vào khu vực thềm lục địa của Việt Nam, quan hệ hai nước đã trở nên căng thẳng trong nhiều tháng. Tàu của hai nước đã có những đụng độ trong suốt thời gian này. Vụ việc chỉ chấm dứt khi Trung Quốc rút gian khoan vào khoảng giữa tháng 7 cùng năm. Chuyên gia Greg Poling vào lúc đó đã nhận xét rằng Trung Quốc đã muốn thử phản ứng của Việt Nam khi đưa giàn khoan dầu vào ngay vùng thềm lục địa của Việt Nam. Vụ việc đã dẫn đến những phản ứng mạnh từ cả chính phủ lẫn người dân Việt Nam mà phía Trung Quốc cũng không ngờ.
Vào lúc này, phản ứng của Việt Nam vẫn chưa thể xác định là mạnh mẽ đến mức nào, có tương tự như hồi năm 2014 hay không. Tuy nhiên, theo chuyên gia Greg Poling, Việt Nam sẽ phải phản ứng mạnh nếu nhận thấy vụ việc lần này gần như bản dạo đầu của vụ giàn khoan HD 981.
“Nếu Việt Nam cảm thấy nó đe doạ đến hoạt động của những lô dầu khí đang khai thác ví dụ như ở Nam Côn Sơn chẳng hạn, nơi đáp ứng đến 10% nhu cầu điện của Sài Gòn, thì đó là quan ngại lớn hơn là việc Trung Quốc ngăn cản Việt Nam khai thác các lô mới. Thứ hai là nếu Việt Nam cảm thấy cuộc khảo sát lần này của Trung Quốc giống như bản dạo đầu như vụ khoan thăm dò của gian khoan HD 981. Thứ ba có thể chỉ đơn giản là một sắp đặt. Trung Quốc đã liên tục thách thức Việt Nam nhiều lần và Việt Nam cũng đã nhiều lần lùi bước và có thể lần này cũng vậy?”
Căng thẳng trên Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc lần này diễn ra vào ngay lúc Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sang thăm Trung Quốc và gặp Chủ tịch Tập Cận Bình. Tại cuộc gặp này, Chủ tịch Tập Cận Bình đã kêu gọi Việt Nam nhìn vào đại cục, thăng tiến tình hữu nghị và tăng cường hợp tác nhằm nâng cao quan hệ hai nước. Theo truyền thông trong nước, vấn đề Biển Đông cũng được hai bên nhất trí sẽ được giải quyết trên tinh thần nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai Đảng và nhà nước, đó là bằng biện pháp hoà bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, kiềm chế, kiểm soát bất đồng vì đại cục hai nước.
Nguồn: RFA