Lần đầu tiên TT Trump quan tâm nhân quyền
Posted by Luu HoanPho, Jul 22, 2019, Comments Off
Hội nghị Cấp Bộ trưởng về Thăng tiến Tự do Tôn giáo năm 2019, diễn ra từ 16-18/7/2019 tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, có nét khởi sắc và đáng hy vọng hơn những hội nghị cùng tên diễn ra trước đây.
Lần đầu tiên kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống, Donald Trump tiếp đón nạn nhân bị đàn áp tôn giáo từ 17 quốc gia trên thế giới, trong đó có hai nhà hoạt động tôn giáo Việt Nam là Mục sư Tin Lành A Ga – một người Thượng Tây Nguyên, và đạo hữu Lương Xuân Dương – một tín đồ Cao Đài nằm trong nhóm nạn nhân bị đàn áp tôn giáo. (hình trên)
Hẳn sự chú tâm hơn hẳn của Tổng thống Mỹ về vấn đề tự do tôn giáo quốc tế đã khiến Hội nghị Cấp Bộ trưởng về Thăng tiến Tự do Tôn giáo vào năm 2019 có nét khác biệt khá nhiều so với những hội nghị trước đây. Bởi theo ông Võ Văn Ái – chủ tịch Ủy Ban Bảo Vệ Quyền Làm Người Tại Paris, Pháp, thì “Chúng tôi từng sang hoạt động tại Hoa Kỳ từ lâu, điều trần tại quốc hội Hoa Kỳ cũng lắm lần, nhưng có thể nói tổ chức tôn giáo của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ lần này qui mô hơn hết. Bởi lần này không chỉ là nói đến những ví dụ hay những trường hợp đàn áp tôn giáo tại các quốc gia trên thế giới mà lần này rất quan trọng và đặc biệt là Hoa Kỳ muốn đưa vấn đề tranh đấu cho tự do tôn giáo thành một chiến lược toàn cầu chứ không phải chỉ binh vực cho một tôn giáo này hay một tôn giáo kia hay vấn đề những người bị đàn áp không mà thôi…”.
Trong khi đó, không ít ý kiến đã yêu cầu đưa Việt Nam trở lại CPC.
CPC (Countries of Particular Concern) là Danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo.
Theo Đạo Luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế, chính phủ Hoa Kỳ phải đưa vào danh sách CPC các chính quyền nào nhúng tay vào hoặc dung túng cho các vi phạm tự do tôn giáo. Theo định nghĩa trong luật Hoa Kỳ, vi phạm tự do tôn giáo là các hành vi cấm đoán, hạn chế hay trừng phạt việc tụ tập ôn hoà để sinh hoạt tôn giáo, kể cả việc tùy tiện bắt “đăng ký” sinh hoạt tôn giáo; việc tự do phát biểu về tôn giáo của mình; quyền đổi tôn giáo hay tín ngưỡng; quyền dưỡng dục con theo niềm tin tôn giáo riêng.
Theo luật Hoa Kỳ, quốc gia trong danh sách CPC phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt leo thang: phản đối; cảnh cáo; hoãn hay đình chỉ các trao đổi văn hoá hay khoa học; hoãn, đình chỉ hay huỷ bỏ các chuyến công du; chấm dứt, hạn chế hay đình chỉ các khoản viện trợ; yêu cầu các định chế tài chánh tư và quốc tế hạn chế tiền cho vay và không tài trợ; cấm bán hay chuyển vũ khí và kỹ thuật cho quốc gia đó; cấm các cơ quan chính quyền Hoa Kỳ không ký các hiệp ước xuất nhập cảng với quốc gia đó.
Đồng thời luật cũng trừng phạt các giới chức chính quyền chịu trách nhiệm về sự đàn áp tôn giáo bằng cách không cấp visa vào Hoa Kỳ cho đương sự và các người trong gia đình.
Cho tới nay, chính quyền Việt Nam vẫn đàn áp khốc liệt các tôn giáo ly khai. Hàng loạt chùa chiền của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất – từ Sài Gòn đến Đà Nẵng – đã bị nhà cầm quyền cưỡng chế giải tỏa và ủi sập không thương xót. Trong khi đó, hàng loạt tu sĩ Cao Đài, Tin Lành, Công giáo bị sách nhiễu, hành hung và đấu tố…
Hội đồng liên tôn Việt Nam – tổ chức phối hợp giữa 5 tôn giáo độc lập trong Công giáo, Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, Tin Lành, Phật giáo Hòa Hảo, Cao Đài – đã nhiều lần gửi thư phản đối ra quốc tế,khẳng định tình trạng tự do tôn giáo ở Việt Nam vẫn chưa có gì cải thiện, nếu không muốn nói là ngày càng trầm trọng.
Hầu như năm nào Báo cáo về tự do tôn giáo quốc tế của Ủy ban tự do tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ cũng phải nhắc lại: “Chính phủ Việt Nam vẫn tiếp tục coi một số nhóm tôn giáo và các hoạt động của họ là sự đe dọa cho đất nước. Những tổ chức tôn giáo không xin phép chính phủ để hoạt động phải đối mặt với những rủi ro là bị chính quyền địa phương đe dọa và quấy nhiễu”. Những bản báo cáo này cũng cho biết ở Việt Nam vẫn còn khoảng 150 tù nhân chính trị đang bị giam giữ, rất nhiều người trong số này bị giam giữ vì lý do đức tin tôn giáo và kêu gọi tự do tôn giáo. Những tù nhân đã được trả tự do hiện vẫn phải đối mặt với những truy bức từ phía chính quyền.
Ủy ban tự do tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ thường xuyên kêu gọi gắn liền vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo với phát triển quan hệ kinh tế an ninh và quân sự giữa Mỹ và Việt Nam, thực hiện các chương trình về tự do Internet và phát triển xã hội dân sự. Ủy ban này cũng kêu gọi chính phủ Mỹ thúc giục Việt Nam ngừng ngay việc bắt giữ và bỏ tù những nhà hoạt động tôn giáo, và nhân quyền, kêu gọi đại sứ quán Mỹ ở Việt Nam tiếp tục gặp gỡ và trao đổi trực tiếp với những người tù lương tâm và gia đình họ ở Việt Nam.
Kiến nghị đáng chú ý nhất của Ủy ban tự do tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ là chính phủ Mỹ sử dụng danh sách các quốc gia được quan tâm đặc biệt của Bộ Tài chính và từ chối cấp visa đối với những cá nhân và cơ quan vi phạm quyền con người, bao gồm vi phạm nghiêm trọng tự do tôn giáo.
Kiến nghị trên dựa theo tinh thần của Dự luật chế tài liên quan đến tình hình nhân quyền ở Việt Nam của một số nghị sĩ Mỹ. Những cá nhân lãnh đạo ở Việt Nam và có thể cả thân nhân của họ nếu bị phát hiện vi phạm nhân quyền trầm trọng sẽ bị cấm nhập cảnh vào Mỹ, đồng thời tài khoản và tài sản của họ ở nước ngoài có thể bị phong tỏa.
Nguồn: Thường Sơn @ VNTB