Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Sunday, November 24, 2024

Biển Đông: Manila chiều ý Bắc Kinh, Duterte bị tố bán «tương lai» đất nước


Hình trên: Hội đàm giữa hai phái đoàn Philippines (T) và Trung Quốc, tại Điếu Ngư Đài, Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 29/08/2019.

Trước khi lên đường đi Trung Quốc vào cuối tháng 8/2019, tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã tỏ thái độ cứng rắn trên vấn đề Biển Đông, liên tiếp bắn tin là sẽ nêu bật phán quyết Tòa Trọng Tài Thường Trực PCA tại La Haye với đồng nhiệm Trung Quốc Tập Cận Bình.

Thế nhưng, sau chuyến công du, ông đã công khai loan báo việc Bắc Kinh tiếp tục phủ nhận phán quyết, nhưng đã hào phóng đề nghị cùng Manila đồng khai thác dầu khí tại vùng biển có tranh chấp, điều mà nguyên thủ Philippines đã chấp nhận. Quyết định bắt tay khai thác chung đã khiến ông Duterte bị chỉ trích là bán nước cho Trung Quốc.

Sau khi từ Bắc Kinh trở về, phát biểu với báo chí hôm 10/09/2019, ông Duterte xác nhận là đã nêu vấn đề phán quyết với ông Tập Cận Bình trong cuộc hội đàm ngày 29/08 tai Bắc Kinh, và đã được nhắc lại rằng Trung Quốc vẫn phủ nhận phán quyết đó. Lãnh đạo Trung Quốc đã khuyên ông là hãy gác bỏ phán quyết quốc tế để cùng nhau khai thác dầu khí trong vùng Biển Đông có tranh chấp,và Bắc Kinh « sẵn lòng » cho Manila hưởng 60%, chỉ lấy 40% mà thôi.

Báo chí Philippines đã trích nguyên văn lời của tổng thống Philippines khoe rằng chủ tịch Trung Quốc đã hứa : «Chúng tôi sẽ rộng lượng chia cho quý vị 60%».

Trước các nhà báo, ông Duterte cho biết là ông đồng ý với đề nghị của Trung Quốc, và sẽ không nói đến phán quyết Biển Đông để có thể thúc đẩy hợp tác khai thác dầu khí với Bắc Kinh.

Phớt lờ phán quyết về Biển Đông là «bán tương lai» Philippines

Quyết định của tổng thống Philippines đã lập tức bị dư luận trong nước phản đối, điển hình là lời tố cáo bán nước, cụ thể là « bán tương lai » đất nước, đến từ phó tổng thống Leni Robredo, một người từ lâu luôn chỉ trích thái độ cầu hòa và chạy theo Trung Quốc của tổng thống Duterte.

Theo báo mạng Philippines Rappler, bà Leni Robredo hôm 12/09, đã ra một thông cáo cực lực đả kích tổng thống Duterte về quyết định của ông là « sẽ lờ đi » phán quyết năm 2016 về Biển Đông của Tòa Trọng Tài Quốc Tế La Haye (Hà Lan), để cùng Trung Quốc thăm dò dầu khí.

Nữ phó tổng thống Philippines cho rằng : «Bảo đảm một tương lai tốt hơn cho con em chúng ta có lẽ là một trong những trách nhiệm quan trọng nhất, khó nhất của bất kỳ chính quyền nào. Bán tương lai này để lấy một thỏa thuận về dầu khí với Trung Quốc là một cách nhục nhã để thoái thác trách nhiệm đó.»

Đối với bà Leni Robredo, thông báo của ông Duterte rất đáng thất vọng, và hết sức vô trách nhiệm.

Việt Nam đã chứng minh là có thể đấu tranh với Trung Quốc

Phó tổng thống Philippines đồng thời phản bác lại lập luận thường được ông Duterte nhắc đi nhắc lại là khẳng định chủ quyền trên Biển Đông sẽ dẫn đến chiến tranh với Trung Quốc.

Bản thông cáo mà bà Robredo công bố viết : «Một lần nữa, như một số lãnh đạo đáng kính đã làm trước đây, tôi phải nói rõ : ĐIỀU ĐÓ KHÔNG ĐÚNG (câu được viết hoa). Chiến tranh không phải là phương tiện duy nhất để chúng ta khẳng định quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế của chúng ta, đó là điều mà các nước láng giềng Việt Nam và Indonesia mới đây và (trước đây) đã nhiều lần chứng minh.»

Bà Robredo cũng nêu vấn đề : «Tại sao bản thân tổng thống (Duterte) và chính quyền của ông Duterte lại phá hoại chiến thắng của Philippines ở Tòa Án La Haye chống lại Trung Quốc ?»

Bắc Kinh rộng lượng chia sẻ tài nguyên vốn dĩ là của Manila

Trên mạng Twitter, nhiều nhà quan sát không ngần ngại mỉa mai câu nói của tổng thống Duterte khoe rằng chính ông Tập Cận Bình đã hứa cho Philippines hưởng 60%.

Một chuyên gia Singapore về Biển Đông ghi nhận : Tập Cận Bình hứa một cách rộng lượng là sẽ cho Duterte 60% để thưởng công cho việc bỏ qua phán quyết của PCA, nhưng vẫn giữ 40%, một khoản trước hết phải nói là không hề thuộc về Trung Quốc.

Một nhà quan sát khác nói rõ thêm, « phương châm của Trung Quốc khi giao dịch với các bên yêu sách Biển Đông khác là : Cái gì của ta vẫn là của ta… Cái gì của ngươi thì chúng ta chia. Là bên vượt trội về kinh tế và quân sự, bạn có thể áp đặt điều kiện của mình cho đối phương ».

Một nhà quan sát thứ ba thì nhắc lại lời hứa của Tập Cận Bình là không quân sự hóa Biển Đông, với những thực tế mà ngày nay ai cũng thấy.

Giả vờ cứng rắn để biện minh cho chủ trương nhượng bộ

Riêng đối với giáo sư Richard Javad Heydarian, một chuyên gia Philippines tên tuổi về châu Á Thái Bình Dương, tác giả một công trình nghiên cứu về ông Duterte, thì ngay từ đầu, tổng thống Philippines đã quyết định bắt tay với Trung Quốc, bất chấp các hành vi ngang ngược của Bắc Kinh đối với nước ông, bất chấp dư luận bất bình ở trong nước.

Trong bài phân tích đăng ngày 29/08/2019 trên trang web của cơ quan Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á AMTI, thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc tế CSIS tại Washington, giáo sư Heydarian đã cho rằng việc ông Duterte lên tiếng cứng rắn, đòi đề cập đến phán quyết Biển Đông trước ngày lên đường đi Trung Quốc chỉ là một thủ đoạn che mắt dư luận nhằm biện minh cho quyết định thúc đẩy các thỏa thuận với Trung Quốc liên quan đến Biển Đông.

Đó là những thỏa thuận mà hậu quả là trao cho Trung Quốc một phần tài nguyên ngư nghiệp và năng lượng trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines (EEZ), những thỏa thuận gây tranh cãi, nếu không muốn nói là phi pháp, vốn sẽ có hậu quả tai hại cho toàn khu vực.

Theo ông Haydarian, tổng thống Duterte đã bộc lộ rõ ý đồ này trong Thông điệp quốc gia (22/07/2019) khi ông cố tình lọc lựa một vài điểm trong phán quyết của Tòa Trọng Tài để biện minh cho quyết định của ông cho phép ngư dân Trung Quốc tự do hoạt động và đánh bắt trong vùng biển Philippines.

Trích dẫn «quyền đánh bắt cá truyền thống» của Trung Quốc xung quanh bãi cạn Scarborough, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, Duterte đã tìm cách biện minh cho thỏa thuận miệng của ông với Trung Quốc về ngư nghiệp, có khả năng bao gồm toàn bộ vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, vi phạm Hiến Pháp Philippines.

Ông Duterte cũng đã trích dẫn có chọn lọc một số quy định của Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển về chia sẻ tài nguyên để bảo vệ chính sách gây tranh cãi của mình, đặc biệt là chủ trương cho Trung Quốc đồng khai thác năng lượng tại vùng Bãi Cỏ Rong (Reed Bank), nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và đường chín đoạn của Trung Quốc.

Thỏa thuận đó có khả năng vi phạm không chỉ Hiến Pháp Philippines, mà cả phán quyết của Tòa Trọng Tài, đã vô hiệu hóa đường lưỡi bò khi cho rằng Trung Quốc không có yêu sách chính đáng đối với các nguồn năng lượng trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

Tóm lại, đối với giáo sư Heydarian, khi chiều ý Trung Quốc và chấp nhận chia sẻ tài nguyên năng lượng tại Bãi Cỏ Rong với Trung Quốc, Duterte chỉ hợp pháp hóa các yêu sách quá mức của Trung Quốc trong khu vực và khuyến khích các hành động gây hấn của Bắc Kinh ở Biển Đông. Quyết định này sẽ khóa chặt Philippines vào các thỏa thuận chia sẻ tài nguyên dài hạn với Trung Quốc, trái với cả Hiến Pháp Philippines lẫn luật pháp quốc tế.

Nguồn: REUTERS, RFI/Mai Vân

More Stories From Biển Đông

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh