Biển Đông: Việt Nam tố cáo Trung Quốc biến nơi không tranh chấp thành tranh chấp
Posted by Luu HoanPho, Sep 30, 2019, Comments Off
Vị trí lô dầu khí 6.01 (màu tím) của Việt Nam ở vùng Bãi Tư Chính (Biển Đông). Bản đồ do AMTI – CSIS công bố.
Theo nhật báo Ấn Độ Times of India ngày 29/09/2019, trả lời phỏng vấn riêng cho tờ báo này, đại sứ Việt Nam tại New Dehli Phạm Sanh Châu khẳng định là tại Biển Đông, Trung Quốc «đang biến các vùng không tranh chấp thành vùng tranh chấp».
Ông Phạm Sanh Châu tuyên bố là , Việt Nam « sẽ dùng mọi phương tiện hòa bình được quy định trong luật pháp quốc tế để bảo vệ các lợi ích chính đáng của chúng tôi (…) Chúng tôi không loại trừ bất cứ biện pháp nào để bảo vệ những lợi ích chính đáng của chúng tôi ».
Theo đại sứ Châu, Việt Nam đang đối đầu với một trong những khủng hoảng nghiêm trọng nhất trên Biển Đông trong vòng 8 năm qua. Ông nhắc lại : « Vào năm 2011, Trung Quốc đã vào vùng biển của chúng tôi để cắt dây cáp ngầm của chúng tôi. Rồi đến năm 2014, Trung Quốc đã điều một giàn khoan khổng lồ đến vùng biển của chúng tôi. Năm 2019, Trung Quốc lại đưa tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 vào vùng biển của chúng tôi. Nhưng lần này, tàu Trung Quốc ra vào nhiều lần, làm như đây là vùng biển của họ và họ muốn đến, muốn đi lúc nào tùy thích ».
Đại sứ Việt Nam còn lưu ý « điều nguy hiểm nhất đó là họ có một đảo nhân tạo được quân sự hóa ở kế bên. Cho nên, họ không cần trở về Hoa lục hay đảo Hải Nam ( để được tiếp tế ) ».
Ông Phạm Sanh Châu nhấn mạnh là những hành động của Trung Quốc diễn ra không chỉ vào dịp kỷ niệm 70 năm ( thành lập Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa ), mà còn trùng hợp với dịp kỷ niệm 3 năm phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực về Biển Đông, bác bỏ những đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh ở khu vực này.
Trong khi đó, nhật báo The Economic Times, cũng của Ấn Độ, hôm nay đăng một bài viết cho rằng Việt Nam có lý khi phản đối hành động của Trung Quốc ở khu vực Bãi Tư Chính, nơi mà tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 đã xâm nhập từ đầu tháng 7 cùng với nhiều tàu hộ vệ. Tờ báo trích lời các chuyên gia hàng hải cho rằng Trung Quốc không được quyền tiến hành bất cứ hành động này làm phức tạp thêm tình hình và vi phạm quyền chủ quyền của Việt Nam ở Bãi Tư Chính.
Hà Nội đã nhiều lần yêu cầu các tàu của Trung Quốc phải rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và cũng đã kêu gọi quốc tế can thiệp để ngăn chặn các hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông để « duy trì hòa bình, ổn định và an ninh khu vực ». Nhưng cho tới nay, Việt Nam có vẻ đơn độc trong cuộc đối đầu với Trung Quốc ở biển này, tuy Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu, Ấn Độ và một số nước khác đã bày tỏ quan ngại về các hành động của Bắc Kinh.
Nguồn: RFI/Thụy My