ASEAN ‘rất khó đưa ra quan điểm thống nhất về Biển Đông’
Posted by Luu HoanPho, Nov 4, 2019, Comments Off
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị chụp hình bắt tay với các Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN tại Bangkok hôm 31/7/2019.
Một nhà quan sát đưa ra nhận định ASEAN rất khó có được quan điểm thống nhất về vấn đề Biển Đông tại hội nghị cấp cao ASEAN lần này.
Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 35 khai mạc tại Bangkok, Thái Lan từ hôm 2/11, với sự tham gia của khoảng 3.000 quan chức và nhà báo từ các nước Đông Nam Á, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Úc, New Zealand và Ấn Độ.
Các báo nhà nước cho hay Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự chương trình chính của hội nghị từ ngày 2-4/11.
Theo Cổng Thông tin ASEAN Việt Nam, lễ chuyển giao cương vị chủ tịch luân phiên ASEAN từ Thái Lan sang Việt Nam dự kiến diễn ra vào ngày 4/11.
Những diễn biến gần đây cho thấy tình trạng căng thẳng gia tăng ở Biển Đông có thể phủ bóng các cuộc đàm phán khi các nhà lãnh đạo, giới chức ngoại giao hàng đầu trong khu vực nhóm họp tại sự kiện.
Trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 1/11, Nhà quan sát Hà Hoàng Hợp nhận định:
“Điều quan trọng nhất để bàn thì là tổng kết năm vừa rồi mà Thái Lan là chủ tịch, cái gì làm được, cái gì chưa được. Thứ hai là gặp các đối tác nước ngoài, vì lần này là chấm dứt mà. Thứ ba là bàn giao chức chủ tịch luân phiên cho Việt Nam.”
Nhận định về khả năng Việt Nam tận dụng vị thế chủ tịch luân phiên ASEAN để thúc đẩy vấn đề Biển Đông, ông Hợp nói:
“Người ta sẽ làm tất cả những gì có thể để mà hạn chế chuyện Trung Quốc quấy phá Việt Nam và các nước có biển mà đang có tranh chấp ở Biển Đông, tức là Việt Nam, Malaysia, Brunei và Philippines. Đó là về đường hướng. Còn làm cái gì thì người ta vẫn phải làm như đang làm. Tức là tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế và mong muốn ASEAN đoàn kết hơn trong chuyện này vì một nửa ASEAN không phải là quốc gia có biển và không ở Biển Đông. Và tranh thủ tương tác trực tiếp với Trung Quốc để có bước tiến rõ ràng hơn về đàm phán COC (Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông). Vì COC như hiện nay chỉ có lợi cho Trung Quốc thôi và vô cùng khó khăn. Có thành viên ASEAN nói là phải dựng lại. Có đối tác bên ngoài như Mỹ nói rằng COC không thể là luật mới được, nó phải dựa trên luật pháp quốc tế, không thể hạn chế hoặc tước đi quyền của nước khác theo luật quốc tế. Đó là cái Việt Nam có thể nhìn ra và cố gắng làm gì đó để giữ ổn định ở Biển Đông.”
Ông Hà Hoàng Hợp dự báo rằng việc xử lý vấn đề Biển Đông với Trung Quốc “chắc còn cần nhiều thời gian nữa”. Ông giải thích:
“ASEAN có một nguyên tắc thống nhất trong ASEAN. Nguyên tắc thống nhất này rất đặc biệt. Điều gì người ta định nghĩa chữ thống nhất trong sự đa dạng, mà đã đa dạng thì sao thống nhất được. Nên trước hết mình nói ASEAN có thể thiếu nhất, vì nội bộ ASEAN của từng nước, chứ chưa phải tác động bên ngoài. Tuy nhiên, tác động từ Trung Quốc với các nước ASEAN rất là mạnh. Đấy là một thứ làm cho ASEAN giảm đoàn kết, không thể thống nhất được trong vấn đề Biển Đông. Việt Nam thì cố gắng thực hiện toàn bộ nỗ lực để mà nâng cao sự thống nhất, đoàn kết trong ASEAN. Thứ hai là thực hiện các bước phát triển ASEAN dựa trên hiến chương ASEAN. Đó là hai kỳ vọng lớn từ phía Việt Nam mà tôi quan sát được.”
Trong khi đó, ông Nguyễn Khắc Giang, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Victoria Wellington, New Zealand, nhận định:
“Tôi nghĩ rằng sự kiện Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 35 diễn ra ở Bangkok thì các vấn đề quan trọng nhất chắc chắn là về kinh tế, đặc biệt là những cái thảo luận liên quan đến việc đàm phán hiệp định RCEP (Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực) được các bên quan tâm, đàm phán từ rất lâu rồi mà chưa có kết quả cụ thể.”
“Cái thứ hai cũng quan trọng là các cuộc thảo luận liên quan đến Biển Đông theo như tôi được biết thì trong tuyên bố của nước chủ nhà có thể có một vài tuyên bố đáng lo ngại của ASEAN về các hoạt động gần đây trên Biển Đông. Theo tôi đó là hai vấn đề chính mà sẽ được thảo luận nhiều nhất.”
Từ góc độ người quan sát các sự kiện chính trị, ngoại giao trong khu vực, ông Khắc Giang thừa nhận “các bình luận của ASEAN từ trước đến nay không thực sự chỉ rõ tên Trung Quốc là đối tượng gây ra những vấn đề ở Biển Đông”. Ông nói thêm:
“Nếu so với những hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần trước, ngay cả vấn đề Biển Đông cũng được đưa vào thông cáo chính thức, thì nếu mà các nước liên quan như Việt Nam, Philippines vận động được ASEAN ra tuyên bố chung nhắc về Biển Đông thôi thì cũng là thành công rồi.”
“Thứ hai, cũng phải đặt trong bối cảnh cái đàm phán COC cũng đang diễn ra trong giai đoạn quan trọng, ở bước thứ hai của quá trình đàm phán COC, việc ra một tuyên bố chung của ASEAN về quan ngại tình hình ở Biển Đông, tôi nghĩ cũng là tác động tích cực để làm sao cho đàm phán giữa COC-Trung Quốc đi theo hướng thuận lợi hơn cho các thành viên ASEAN.”
“Thực ra thì ASEAN từ trước đến giờ vẫn hoạt động trên nguyên tắc đồng thuận thì cũng sẽ rất là khó để đưa ra một quan điểm thống nhất, đặc biệt là về những vấn đề nhạy cảm như Biển Đông, trong đó có mối quan hệ với Trung Quốc là một trong các yếu tố quyết định nhất.”
“Từ trước đến giờ, chúng ta cũng biết là một số nước có mối quan hệ kinh tế tốt với Trung Quốc và không có quyền lợi trực tiếp ở Biển Đông như Campuchia, Myanmar hay là Thái Lan thì rất dễ ngả theo Trung Quốc trong một số giai đoạn nhất định. Cũng như gần đây, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đến Hà Nội đã tuyên bố ngay là các nước đừng hy vọng sử dụng ASEAN như phiên tòa để mà vận động cho các chính sách liên quan đến chủ quyền mà Campuchia không muốn trở thành con tốt thí trong ván cờ đấy. Quan điểm của ông Hun Sen có lẽ cũng tương tự như quan điểm của một số bên trong ASEAN mà không có quyền lợi ở Biển Đông. Rõ ràng việc dùng ASEAN làm kênh quan trọng nhất để xử lý vấn đề Biển Đông thì rất là khó, nhưng mà coi ASEAN là bên trung lập, diễn đàn để chúng ta có thể thể hiện quan điểm liên quan đến chủ quyền, cũng như đàm phán dưới góc độ một nhóm các nước có quyền lợi liên quan ở Biển Đông như COC thì sẽ rất có lợi cho Việt Nam.”
Tuy nhận định Việt Nam “sẽ khó có bước gì đột phá” khi đảm nhận vai trò chủ tịch luân phiên ASEAN trong năm sau, nhưng ông Khắc Giang cũng chia sẻ thêm:
“Theo tôi, cái quan trọng nhất là khi giữ vai trò chủ tịch ASEAN là Việt Nam sẽ thúc đẩy nhiều hơn hoạt động liên quan đến đối thoại với Trung Quốc, đặc biệt là Biển Đông. Cái thứ hai là trong tuyên bố, trong các cuộc họp của ASEAN thì vấn đề Biển Đông có lẽ sẽ được nêu ra nhiều hơn. Cái thứ ba là khi Việt Nam nắm quyền chủ tịch ASEAN, thì có thể chúng ta có vai trò tốt hơn trong việc lãnh đạo chung khối ASEAN khi đàm phán COC với Trung Quốc.”
“Như chúng ta quan sát trong 10 năm gần đây, rõ ràng vị thế của Việt Nam tại ASEAN tăng lên rất là nhiều. Đặc biệt Việt Nam có vai trò khá chủ động trong việc tích cực sử dụng ASEAN như một diễn đàn để thể hiện quan điểm của mình về các vấn đề quốc tế, liên quan đến chủ quyền, biển đảo. Rõ ràng Việt Nam là một nước khá là lớn trong ASEAN so về dân số, tốc độ phát triển kinh tế, tiềm năng phát triển, ổn định chính trị. Do vậy, khả năng Việt Nam trở thành một nhóm nước lãnh đạo ASEAN đóng vai trò lớn hơn thì sẽ càng ngày càng rộng mở, đặc biệt là trong bối cảnh nhóm ASEAN-5 (Malaysia, Singapore, Thái Lan, Indonesia và Philippines) đang có vấn đề của riêng họ, như Thái Lan đang có vấn đề bất ổn. Rõ ràng đây là thời cơ lớn để Việt Nam bước lên để khẳng định vị thế lớn hơn tại ASEAN cũng như các diễn đàn khác.”
Năm 2020 Việt Nam dự kiến sẽ đảm nhiệm trở lại vai trò chủ tịch luân phiên ASEAN trong bối cảnh toàn cầu nói chung và khu vực nói riêng mà giới quan sát đánh giá là khá phức tạp từ chính trị, kinh tế lẫn thương mại.
Phát biểu tại buổi gặp và làm việc với tổng thứ ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi hôm 26/8 tại Hà Nội, với chủ đề ‘ASEAN Gắn Kết Và Chủ Động Thích Ứng’, bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định trong cương vị chủ tịch luân phiên ASEAN 2020 Việt Nam sẽ thực hiện vai trò củng cố khối đoàn kết, thống nhất và sức mạnh nội tại của ASEAN, gắn bó với người dân, lấy người dân làm trung tâm.
Nguồn: RFA