Góc nhìn Phạm Chí Dũng và điều 117 bộ luật Hình sự
Posted by Luu HoanPho, Jan 3, 2020, Comments Off
Ông Phạm Chí Dũng là một trí thức được đào tạo bài bản của nền giáo dục ở nước CHXHCN Việt Nam, với nghiệp vụ của một sĩ quan chuyên trách mảng an ninh tài chính. Ông Phạm Chí Dũng bị khởi tố theo điều 117 bộ luật Hình sự. Điều luật này trước đây mang số 88 của bộ luật Hình sự, phiên bản 1999.
Khi ‘phản biện’ được hiểu là ‘phản động’ (!?)
Khách thể của điều 117, bộ luật Hình sự “Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”, được cơ quan công tố, xét xử, điều tra, cho rằng đó là “hành vi thông qua việc gây nghi ngờ, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, xâm phạm sự vững mạnh của chính quyền nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Vì vậy, khách thể của tội phạm này là sự tồn tại, vững mạnh của Nhà nước CHXHCN Việt Nam”.
Cơ quan công tố cũng lập luận, “mặt chủ quan của tội phạm này được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Mục đích của người phạm tội là chống chính quyền nhân dân”.
Điều 117 có thêm một khoản mới so điều 88, đó là những ai chuẩn bị phạm tội cũng bị phạt tù từ một đến năm năm. Có nghĩa nếu dựa trên những trường hợp bị bắt theo điều 88 trước đây, thì cụ thể những hành vi chuẩn bị phạm tội có thể là đọc trang mạng có nội dung chống nhà nước; lập các tài khoản mạng xã hội; tụ tập, tham gia hội, nhóm chống nhà nước; mua máy tính, máy quay phim… và có ý định chống nhà nước.
Từ thành phố Hồ Chí Minh, luật sư Đặng Đình Mạnh, Trưởng văn phòng luật mang tên ông, nhận xét: “Điều đáng nói nhất là bộ luật Hình sự tu chính bổ sung thêm sự chế tài trong cả trường hợp ‘chuẩn bị phạm tội’ mà luật hình sự cũ chưa từng quy định. Cụ thể, tội danh “Tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” thuộc điều 88 bộ luật Hình sự cũ, nay trở thành điều 117 bộ luật Hình sự tu chính, bổ sung thêm khoản 3: Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm tù”.
Câu hỏi lớn nhất được đặt ra: thế nào là chống chính quyền nhân dân, chống nhà nước? Việc góp ý bao gồm khen, chê, cổ súy, bài bác chứ không khích bác về những chính sách, quyết sách nào đó nhằm để chính quyền tốt hơn, nhà nước được lòng dân chúng hơn… thì tại sao khi thì vỗ tay hoan hô gọi đó là ‘phản biện’, khi thì coi đó là ‘phản động’, là chống chính quyền nhân dân?
Lằn ranh ‘xây’ và ‘chống’
Lằn ranh này hiện ra sao khi như lời tuyên bố của người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam hôm 30/12/2019, là “Cho đi tù còn cảm ơn. Chúng ta làm rất nhân văn”?
Xin điểm qua cuốn sách “Tư vấn, phản biện và giám định xã hội – kinh nghiệm và tổ chức thực hiện” của kỹ sư Trần Ngọc Hùng, đương kim Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật. Cuốn sách này đăng một số bài viết của ông Trần Ngọc Hùng trong 10 năm qua.
Theo giới thiệu, kỹ sư Trần Ngọc Hùng đã có hơn ba mươi năm “nếm mật nằm gai” trong ngành. Dấu chân của ông đã in trên nhiều công trình xây dựng trọng điểm ở khắp mọi miền đất nước. Tiếp đó trong suốt mười năm liền trên cương vị phó chủ tịch Văn phòng Quốc hội, ông đã có dịp học hỏi những bài học kinh nghiệm ở tầm vĩ mô.
Sau khi nghỉ hưu, ông Hùng tham gia công tác tại Tổng hội Xây dựng Việt Nam, và từ năm 2008 đến nay ông được các bạn đồng nghiệp tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, là tổ chức xã hội – nghề nghiệp của những người hoạt động trên lĩnh vực xây dựng ở Việt Nam.
Từ góc nhìn của người trong cuộc sau gần nửa thế kỷ hoạt động trên nhiều lĩnh vực, ông Hùng đúc kết về những yếu tố để thực hiện được tốt nhiệm vụ tư vấn, phản biện, giám định xã hội ở cuốn sách “Tư vấn, phản biện và giám định xã hội – kinh nghiệm và tổ chức thực hiện”. Những yếu tố này nếu thay tên Trần Ngọc Hùng, bằng Phạm Chí Dũng thì có lẽ vẫn không thay đổi ý nghĩa, cũng như giá trị khuyến cáo.
Một là, nghiên cứu kỹ mọi tác động của cơ chế chính sách, mọi quy định của pháp luật có liên quan đến vấn đề khi thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện, đặc biệt luôn nghiên cứu vai trò trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước và của các chủ thể mà cơ chế chính sách quy định của pháp luật tác động.
Yêu cầu thứ nhất đó của ông Trần Ngọc Hùng, nếu quan sát và bỏ công đọc các bài báo của ông Phạm Chí Dũng được đài VOA của Quốc hội Hoa Kỳ, mở hẳn một ‘chuyên trang’ cho những bài viết của tác giả Phạm Chí Dũng, sẽ thấy VOA hiểu rõ về giá trị khoa học của phản biện bằng ngòi bút báo chí. Những điều này còn có thể bắt gặp ở những yếu tố tiếp theo đây mà ông Trần Ngọc Hùng đã đúc kết.
Hai là, trên cơ sở các thông tin thu nhập được qua các cơ quan quản lý, các chủ thể bị tác động, các thông tin từ báo chí, dư luận, từ các hội đoàn dân sự, các chuyên gia, các nhà khoa học… cần sàng lọc, lựa chọn một cách khách quan, khoa học. Từ đó đề xuất các vấn đề để thực hiện tư vấn, phản biện.
Ba là, nội dung tư vấn, phản biện luôn được tập trung vào các kiến nghị kèm theo giải pháp một cách trung thực, khoa học.
Bốn là, tận dụng tối đa các diễn đàn lớn, có các nhà quản lý là cán bộ cao cấp chủ trì, tham dự như các buổi gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội…; các đại hội, hội nghị tổng kết năm của bộ, các ban chỉ đạo nhà nước… – Ở đây trong trường hợp của nhà báo Phạm Chí Dũng, đó là cơ hội từ những cơ quan truyền thông nước ngoài, các diễn đàn xã hội dân sự trong nước, từ cơ quan ngoại giao của nước ngoài tại Việt Nam.
Năm là, tận dụng tối đa phương tiện truyền thông, thông qua các buổi tọa đàm trực tuyến, phỏng vấn, bài viết để thể hiện chính kiến một cách công khai, nghiêm túc, với tinh thần xây dựng – điều này cho thấy nhà báo Phạm Chí Dũng làm rất tốt, và ông luôn cẩn trọng trong lựa chọn thái độ trung lập, không đảng phải chính trị khi tham gia các tọa đàm, phỏng vấn, hội luận.
Sáu là, cần giữ mối liên hệ và hợp tác với các cơ quan để được tạo điều kiện, phối hợp triển khai tư vấn, phản biện, như với các cơ quan của Quốc hội, liên hiệp hội, các bộ và các tổ chức hữu quan khác. Trong một thời gian dài, nhà báo Phạm Chí Dũng đã chủ động gửi yêu cầu đến các cơ quan hữu trách để mong được đối thoại, được lắng nghe đa chiều…, nhưng tất cả nguyện vọng đó của ông đã không được hồi đáp. Điều này có thể kiểm chứng qua những lá thư ông đã viết gửi đến nhà chức trách hiện còn lưu giữ trên trang Việt Nam Thời Báo.
Bảy là, thường xuyên tổ chức lấy ý kiến, lắng nghe các kiến nghị, các giải pháp của các hội thành viên, hội viên, các nhà khoa học, quản lý; khi cần thiết, tổ chức tọa đàm tranh luận, để lựa chọn các tư vấn phản biện khách quan, khoa học nhất – Yếu tố thứ bảy này từng được nhà báo Phạm Chí Dũng tổ chức nhân danh Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, tuy nhiên tương tự yếu tố thứ sáu kể trên, ông đã không nhận được sự hồi đáp, và còn bị gây khó dễ.
Hy vọng rằng trong năm mới 2020, với niềm tin “mặt trời vẫn đang tỏa sáng ở Việt Nam”, nhà chức trách Việt Nam sẽ không hẹp hòi gì nữa khi làm bạn đồng hành cùng với ông Phạm Chí Dũng dưới ánh mặt trời ấy rạng rỡ ấy để chuẩn bị đón chào một nhiệm kỳ mới của Đảng cầm quyền.
Nguồn: Nguyễn Nam @ VNTB