Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Friday, November 22, 2024

Virus corona: Trung Quốc gây áp lực với Tổ Chức Y Tế Thế Giới


Sau hai ngày họp và sau nhiều cuộc tranh cãi gay gắt, ngày 22/01/2020, các thành viên ủy ban khẩn cấp của Tổ Chức Y Tế Thế Giới ( WHO ) vẫn bị chia rẽ trong việc ban bố tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng ở cấp độ quốc tế liên quan dịch viêm phổi do virus corona mới.

Sau khi họp thêm một ngày, ủy ban này cũng không thống nhất được ý kiến. Theo nhận định của tờ Le Monde, dường như những tính toán về chính trị đã lấn át các lập luận khoa học, bởi vì Trung Quốc dứt khoát không muốn WHO ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu.

Sau cuộc họp, bác sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, tổng giám đốc WHO, nói rằng hiện giờ dịch viêm phổi cấp tính do virus corona mới chỉ là « vấn đề khẩn cấp y tế ở Trung Quốc », chứ chưa phải là một « vấn đề khẩn cấp y tế toàn cầu ». Theo lời ông, sự bùng phát mạnh mẽ của virus corona ở Trung Quốc là một nguy cơ « rất cao » ở Trung Quốc và là một nguy cơ « cao » đối với khu vực và trên thế giới.

Ngoài những tuyên bố của tổng giám đốc, trong Tổ Chức Y Tế Thế Giới, cũng như trong ủy ban khẩn cấp, trong những ngày qua, không một ai phát biểu điều gì về vấn đề này. Nhưng theo các thông tin mà tờ Le Monde thu thập được từ nhiều nguồn khác nhau, sở dĩ WHO không ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu, đó chính là do sự chống đối quyết liệt của Trung Quốc và các nước đồng minh. Những nước này đã gây áp lực đối với các thành viên ủy ban khẩn cấp và ban lãnh đạo Tổ Chức Y Tế Thế Giới.

Le Monde nhắc lại WHO có một công cụ pháp lý, Quy định Y Tế Quốc Tế. Bản quy định này đã được sửa đổi vào năm 2005, do Trung Quốc trong nhiều tháng đã che giấu các thông tin về dịch viêm phổi cấp tính nặng SARS 2002-2003. Bản mới có những quy định gắt gao hơn với các nước thành viên WHO, nhằm giúp cộng đồng quốc tế ngăn ngừa và đối phó với những nguy cơ nghiêm trọng về y tế, có thể từ một quốc gia lan ra nhiều nước khác và đe dọa cả thế giới.

Theo các quy định đó, WHO đã lập ra một ủy ban khẩn cấp về dịch viêm phổi do virus corona mới, với 15 thành viên và 6 cố vấn, chủ yếu là các chuyên gia dịch tễ học, đến từ những quốc gia đại diện cả năm châu. Trong cuộc họp hai ngày 22 và 23/01, tổng giám đốc của WHO đã mời đại sứ của bốn quốc gia bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhiều nhất là Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc và Nhật Bản, đến dự với tư cách quan sát viên. Chính tại cuộc họp này mà đại sứ Trung Quốc đã gây áp lực với ủy ban và qua đó gây áp lực đối với tổng giám đốc WHO.

Theo một người nắm rành về hồ sơ này, được Le Monde trích dẫn, không phải là chính quyền Bắc Kinh xem nhẹ tính chất nghiêm trọng của dịch bệnh, bằng chứng là họ đã thi hành những biện pháp rất nghiêm ngặt theo lệnh của chủ tịch Tập Cận Bình. Nhưng Bắc Kinh cho rằng Trung Quốc không còn là một nước thế giới thứ ba nữa, mà nước này hoàn toàn có đủ khả năng để tự mình đối phó với khủng hoảng y tế, khác với lúc xảy ra dịch SARS. Một trong những điểm khác so với thời dịch SARS : lần này Trung Quốc đã công bố rộng rãi cho thế giới những dữ liệu mà họ nắm được từ con virus corona mới.

Một lý do khác khiến Bắc Kinh không muốn WHO ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu, đó là vì họ sợ làm như vậy sẽ gây tác hại cho trao đổi mậu dịch và cho giao thông, điều mà Trung Quốc và các đồng minh của họ muốn tránh.

Trước thái độ cương quyết này, tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cố tìm ra một thỏa hiệp với Bắc Kinh. Trong chuyến đi Trung Quốc của hai ngày qua, ông đã thuyết phục được Bắc Kinh chấp nhận cho WHO gởi một phái đoàn chuyên gia quốc tế đến Trung Quốc để phối hợp các nỗ lực đối phó ở cấp độ toàn cầu với dịch viêm phổi do virus corona mới.

Nguồn: RFI/Thanh Phương

More Stories From Biển Đông

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh