Virus corona: Vũ Hán, địa ngục trần gian ở Trung Quốc
Posted by Luu HoanPho, Feb 3, 2020, Comments Off
Virus corona đang hoành hành tại Trung Quốc khiến cả thế giới lo sợ. Sống với virus corona, Vũ Hán không khác gì “địa ngục”. Le Figaro dành đến ba bài báo để nói về chủ đề này.
Trong bài thứ nhất tờ báo tóm lược tình hình : “Thế giới dựng thành lũy đối mặt với virus corona” dù chỉ có 1% các ca bệnh. Giám đốc Tổ Chức Y Tế Thế Giới tuần qua đã nhấn mạnh rằng tình hình không đến nỗi phải giới hạn mọi giao thương với Trung Quốc. Điều đó không cấm cản các nước từ Mỹ, Nhật Bản đến Anh, Pháp, Đức và cả Maroc hay Indonesia hối hả hồi hương kiều dân khỏi ổ dịch Vũ Hán, các hãng hàng không lớn bé trên thế giới ngừng phục vụ các chuyến bay sang Hoa lục. Đó là bằng chứng rõ rệt cho thấy Tổ Chức Y Tế Thế Giới đã đánh mất uy tín.
Vũ Hán : Người bị đầy xuống địa ngục
Những người trong cuộc ở ngay ổ dịch Vũ Hán đang sống ra sao ? Bà Shi Muying, một phụ nữ 37 tuổi, sống tại Luân Đôn về nước thăm mẹ bị ung thư giai đoạn cuối kể lại với phóng viên báo Le Figaro : Bà về đến Vũ Hán 12 ngày trước khi thành phố bị phong tỏa và đã từng bước “rơi xuống địa ngục”.
Chuyến về thăm quê lần này của bà vốn đã mang màu tang tóc nhưng với dịch viêm phổi virus corona, bà và gia đình còn khổ hơn. Từ khi đáp xuống phi trường, ngày ngày người phụ nữ Vũ Hán này cùng cha vào bệnh viện thăm người mẹ chỉ còn đợi ngày ra đi. Đó cũng là thời gian hai bố con bà Shi Muying bắt đầu bị sốt, rồi ho. Họ đạp xe đi khắp thành phố tìm một hiệu thuốc.
Cuối cùng, hôm 26/01 họ đành phải đi bệnh viện khám xem chỉ cảm cúm qua loa hay đã nhiễm virus corona. Vào gặp được bác sĩ, họ mới biết rằng, phải tự đi tìm lấy dụng cụ xét nghiệm, nhưng trong một thành phố đã bị phong tỏa, những ca bị ho, sốt bị “cách ly”, hai cha con bà “bó tay”. Nhân chứng này nói rõ : bị cách ly có nghĩa là họ bị trả về nhà và không được phép ra khỏi cửa. Ba ngày sau, phụ nữ này trở lại bệnh viện tái khám và đã phải đợi “từ bốn đến năm tiếng đồng hồ trong một gian phòng nhỏ, đông kín người”.
Khám xong ra về, bà quá tuyệt vọng nên cất tiếng kêu cứu trên mạng xã hội Vi Bác. Nhờ vậy, đến hôm 30 tháng Giêng, hai bố con được nhập viện. Phụ nữ 37 tuổi này không nuôi ảo vọng và biết rằng dù ở bệnh viện hay không thì cũng chẳng được chăm sóc. Cùng phòng với Shi Muying có hai người phụ nữ khác, lớn tuổi hơn, họ ăn nói ồn ào. Thân phụ của bà được giữ ở một tầng khác trong cùng một nhà thương. Hai bố con nói chuyện với nhau bằng điện thoại.
Ngồi trên giường bệnh, nhìn ra dòng sông Dương Tử, người phụ nữ sống ở Luân Đôn trở về Vũ Hán này biết chắc, cách đấy vài cây số, mẹ bà đang trút những hơi thở cuối cùng, không một người thân bên cạnh. Điều khiến bà lo lắng là liệu có được xuất viện để nhận xác mẹ về mai táng hay không. Bà cũng không chắc là người cha già sẽ vượt qua được thử thách này.
Khủng hoảng y tế : Giải pháp nào cho thích hợp ?
Cách xa Vũ Hán ngàn trùng, tại Paris, ông Emmanuel Hirsh, giám đốc tổ chức của vùng Ile de France (Paris và vùng phụ cận) chuyên nghiên cứu về những khía cạnh đạo đức trong đời sống hàng ngày, nêu lên câu hỏi : Trước một cuộc khủng hoảng về y tế, làm thế nào để tránh bị chỉ trích hoặc là không phản ứng kịp thời để cho dịch bệnh lây lan, hoặc là đưa ra những biện pháp quá mạnh tay hành xử như một chế độ độc tài ?
Tác giả bài viết nêu lên trường hợp cụ thể của Trung Quốc : nhân danh chống dịch bệnh, chính quyền đã tăng cường các biện pháp kiểm tra, bế quan tỏa cảng nhiều thành phố gây trở ngại cho quyền tự do đi lại. Các nền dân chủ làm sao có thể ban hành được những biện pháp này ? Đây là bài báo thứ ba Le Figaro dành để nói về virus corona.
La Croix đề cập đến một khía cạnh gần gũi và dễ hiểu hơn : “Ngành nghiên cứu của thế giới dốc lực chống virus corona”. Một tháng đã trôi qua kể từ khi Trung Quốc công bố những ca bệnh đầu tiên, chúng ta biết thêm được những gì về siêu vi corona ? Còn những gì cần tìm hiểu thêm về loài siêu vi mới lạ này ?
Viện Y Tế Quốc Gia và Nghiên Cứu Y Khoa của Pháp – INSERM cuối tuần trước cho biết đã xác định được thời hạn ủ bệnh là từ 5 đến 8 ngày. Tỷ lệ tử vong do virus corona trung bình là từ 2 đến 3%. (Thấp hơn so với 10% do virus gây viêm phổi cấp tính SARS gây nên. Còn virus MERS xuất phát từ vùng Trung Cận Đông có tỷ lệ tử vong là 25%). Ngoài ra, INSERM cũng xác định được rằng cứ 1 người bệnh có nguy cơ lây nhiễm cho từ 1,4 đến 2,5 người chung quanh. Để so sánh, một người bị ban đỏ có thể lây cho từ 15 đến 20 người.
Bên cạnh đó, virus corona cũng còn nhiều ẩn số giới khoa học chưa giải mã được hết. Thí dụ tại sao một số trường hợp, bệnh tình đã nguy ngập hơn hẳn sau 7 ngày được phát hiện ? Tại sao trẻ nhỏ dưới 15 tuổi ít bị lây nhiễm ?
Trung Quốc bị tê liệt
Báo kinh tế Les Echos chú ý đến những thiệt hại khi mà không chỉ Vũ Hán, mà cả nước Trung Quốc bị thế giới xa lánh. “Bắc Kinh huy động 160 tỷ đô la cứu nguy kinh tế”.
Tình trạng bị cô lập, có nguy cơ đẩy nền kinh tế thứ nhì của thế giới vào suy thoái. Sau 10 ngày nghỉ Tết, các thị trường tài chính Trung Quốc hoạt động trở lại. Biết trước chỉ số chứng khoán đồng loạt sụt giá, Ngân Hàng Trung Ương đã vội vã bơm thêm 1.200 tỷ nhân dân tệ vào cỗ xe kinh tế. Chính quyền thông báo sẽ “kề vai sát cánh” với các doanh nghiệp gặp khó khăn. Nhiều cơ quan, nhà máy không thể khai trương đúng ngày như mong đợi.
Một thành phố năng động như Thượng Hải phải quyết định kéo dài thời gian nghỉ Tết thêm một tuần lễ. Thiệt hại về tài chính kèm theo đó không biết đâu mà lường. Thành phố Bắc Kinh khuyến khích các doanh nghiệp nghỉ thêm đến hết tuần này. Thậm chí, một số nhà máy còn thông báo chỉ hoạt động lại vào ngày 14/02/2020. Ba tuần lễ được nghỉ để ăn Tết, một hiện tượng chưa từng thấy tại Trung Quốc.
Tập đoàn mua bán địa ốc lớn thứ ba trên toàn quốc ngưng tiếp khách cho đến ngày 16/02, cho nhân viên tại hơn 1.200 công trường nghỉ ngơi đến ngày 20/02. “Toàn quốc bị một con virus làm tê liệt”, trong lúc học sinh, sinh viên nước ngoài tìm đường “hồi hương”.
Cũng Les Echos cho biết các trường đại học của Pháp và các trường lớn gửi sinh viên sang Trung Quốc đều trong tư thế sẵn sàng, cho dù bộ Giáo Dục chưa ra chỉ thị “hồi hương” tất cả các sinh viên Pháp khỏi Trung Quốc. Khoảng 200 sinh viên của trường thương mại Skema tại Tô Châu, cách ổ dịch Vũ Hán 750 cây số, từ Thứ Năm tuần trước đã rời thành phố từng được mệnh danh là kinh đô tơ lụa của Viễn Đông.
Ở mãi tận Paris, trường thương mại nổi tiếng HEC thông báo “ngưng các chương trình trao đổi sinh viên với Trung Quốc cho đến khi có lệnh mới”.
Nguồn: RFI/Thanh Hà