Phản ứng các nước sau tuyên bố của Pompeo
Posted by Luu HoanPho, Jul 18, 2020, Comments Off
Tập trận chung giữa Mỹ, Nhật và Philippines ở tỉnh Zambales, Philippines hôm 6/10/2018.
Thế giới thấy rõ ràng là từ nay Mỹ sẽ áp dụng luật chơi mới; phương Tây dĩ nhiên ủng hộ mạnh mẽ bước đột phá này. Một số nước ASEAN bày tỏ tự tin hơn; riêng Việt Nam vẫn kiên trì lập trường, không có dấu hiệu chuyển hoá và hầu như cũng không hề có bất cứ sự thay đổi nào trong quan điểm chính thống. Mỹ thay luật chơi bằng tuyên bố: “Chúng tôi đang làm rõ một điều: Các tuyên bố của Bắc Kinh đối với tài nguyên ngoài khơi trên hầu hết Biển Đông là hoàn toàn bất hợp pháp, cũng như chiến dịch bắt nạt của Trung Quốc nhằm kiểm soát chúng”. Lần đầu tiên, Washington mở đầu tuyên bố một cách trực diện, công khai quan điểm của mình đối với các yêu sách quá đáng của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Phát biểu của Pompeo là cú hích lớn
Một số chuyên gia cho rằng tuyên bố rạng sáng 14/7 của Bộ Ngoại giao Mỹ chưa hẳn mang tới thay đổi trực tiếp, ngay lập tức nào. Nhưng về góc độ ngoại giao, tuyên bố ấy là cú hích lớn cho nhận thức chung và cam kết lâu dài. Chuyển sang triết lý mới trong lượng định và đánh giá việc Trung Quốc quân sự hoá trên Biển Đông bao lâu nay, chính quyền Trump dấy lên hy vọng, từ nay, Trung Quốc khó có thể hành xử trên vùng biển quốc tế này như cái ao, cái hồ của riêng nhà mình. Luật chơi mới trong tuyên bố của Pompeo có hai phần rõ rệt: hoàn toàn bác bỏ yêu sách của Trung Quốc và công khai thừa nhận quyền hàng hải của các nước khác có liên quan.
Về yêu sách của Trung Quốc, Mỹ nêu rõ lập trường bác bỏ hầu hết các yêu sách hàng hải của Bắc Kinh ở Biển Đông, bao gồm bãi Tư Chính ngoài khơi Việt Nam; Bắc Kinh đã không đưa ra cơ sở pháp lý nhất quán nào cho yêu sách “đường chín đoạn” ở Biển Đông kể từ khi chính thức ra tuyên bố đó vào năm 2009. Mỹ cũng tái khẳng định phán quyết đạt được sự thống nhất ngày 12/7/2016, tại Tòa trọng tài thành lập theo Công ước Luật biển của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS-1982). Phán quyết này đã bác bỏ yêu sách hàng hải của Trung Quốc, nhấn mạnh yêu sách ấy không có cơ sở luật pháp quốc tế.
Về công nhận quyền hàng hải của các nước khác, đây là lần đầu tiên Washington khẳng định rõ ràng, Trung Quốc không có vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa bên ngoài phạm vi 12 hải lý tính từ các đảo. Với việc đề cập cụ thể tới bãi Tư Chính, bãi Cỏ Rong, đá Vành Khăn, cụm bãi cạn Luconia và vùng biển ngoài khơi đảo Natuna Besar, Hoa Kỳ gần như đã đưa ra một “làn ranh đỏ” (red line) và phát đi tín hiệu rằng nước này sẽ có thái độ mạnh mẽ hơn nếu Trung Quốc tiếp tục những hành động quấy rối như khu vực và giới đã chứng kiến trong mấy năm qua.
Ngày 14/7 tại một hội thảo về Biển Đông do Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tổ chức, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Stilwell thẳng thừng chỉ trích Trung Quốc về việc yêu sách, bắt nạt và kiểm soát trên biển. Mô tả cách hành xử của Trung Quốc thời gian qua, ông Stilwell khẳng định: “Chúng tôi sẽ không còn cho rằng mình sẽ trung lập nữa và không loại trừ khả năng trừng phạt những quan chức Trung Quốc tham gia các hoạt động mà Mỹ đánh giá là phi pháp ở Biển Đông”. Thực tế, qua động thái gần đây, các chuyên gia cho rằng đã có sự thay đổi lớn trong cách tiếp cận của Mỹ về tình hình Biển Đông. Nhưng để khẳng định Mỹ “không còn trung lập nữa” như trước đây, thì còn cần kiểm chứng thêm trên thực tế.
Phương Tây ủng hộ, Trung Quốc phản đối
Không mấy ngạc nhiên, Nhật Bản và Úc đã nhanh chóng ủng hộ cách tiếp cận mới này của Mỹ. Trong buổi họp báo cùng ngày 14/7, Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi Toshimitsu đã hoan nghênh và ủng hộ tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ về lập trường phản đối các yêu sách hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông. Ngoại trưởng Motegi nhấn mạnh, lập trường của Nhật Bản là các bên đương sự cần phải tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) vào tháng 7/2016 phủ nhận quyền lịch sử và “đường chín đoạn” của Trung Quốc tại Biển Đông. Đồng thời, Nhật Bản sẽ tiếp tục hợp tác với cộng đồng quốc tế, trước hết là với Mỹ để bảo vệ tự do hàng hải.
Ngày 16/7, Thủ tướng Úc Scott Morrison tuyên bố Canberra sẽ tiếp tục ủng hộ tự do hàng hải ở Biển Đông. “Úc giữ vững lập trường nhất quán trước nay là ủng hộ rất mạnh mẽ cho tự do hàng hải trên Biển Đông”, Thủ tướng Morrison phát biểu trong buổi họp báo tại thủ đô Canberra. Ông Morrison cho biết thêm Úc đóng vai trò mang tính xây dựng ở Biển Đông và sẽ tiếp tục có hành động, tuyên bố cùng những sáng kiến riêng của mình.
Tuy Tổng thống Donald Trump cá tính thất thường, nhưng tuyên bố của Pompeo không phải ngẫu nhiên, mà đã được chuẩn bị khá kỹ lưỡng, phản ánh xu thế “bài Trung” hay “tách khỏi Trung Quốc” đang tăng lên không chỉ ở Mỹ mà còn ở các nước phương Tây khác (như Úc, Anh và Nhật Bản). Trong khi người Mỹ và phương Tây phân hóa mạnh và tranh cãi kịch liệt về nhiều vấn đề quốc tế, nhưng họ lại đồng thuận với nhau về lập trường “bài Trung”.
Theo Cựu phó Trợ lý bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Elbridge Colby, để ngăn chặn các hành động của Trung Quốc muốn tạo ra “chuyện đã rồi” (fait accompli) trên Biển Đông, Mỹ và đồng minh cần phải ngăn chặn Trung Quốc ngay từ đầu. Nay là lúc các nước ASEAN phải đoàn kết như một bó đũa và thông qua các cơ chế an ninh khu vực để tham gia tuần tra hàng hải chung, trong khuôn khổ ASEAN+3, ADMM+ hoặc là “Bộ tứ Mở rộng” – Quad Plus, tức là ngoài Mỹ, Nhật, Úc và Ấn cần có thể thêm ASEAN (?) – đang hình thành.
Trước tới giờ, hễ Mỹ nói A thì Trung Quốc nói B, đấy là điều hiển nhiên. Trong mọi chuyện, chứ không cứ gì về Biển Đông, Trung Quốc luôn tìm cách đối đầu với phần còn lại của thế giới, không riêng gì với Mỹ hay phương Tây. Nhưng lần này, ngoài việc phản ứng quyết liệt, lập luận Bắc Kinh phản đối tuyên bố của Washington chẳng thuyết phục được ai. Trung Quốc lập luận Mỹ không có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông thì “đừng xía” vào đây. Nói vậy là không đọc kỹ UNCLOS, hoặc đọc mà không hiểu, hay hiểu nhưng cố nói bừa.
Phần mở đầu và các nguyên tắc chỉ đạo của UNCLOS viết: “Tính đến các lợi ích và nhu cầu của toàn thể loài người và đặc biệt là các lợi ích và nhu cầu riêng… dù có biển hay không có biển” và “khu vực đáy biển và đại dương, cũng như lòng đất dưới đáy các khu vực nằm ngoài thẩm quyền quốc gia đều là di sản chung của loài người và việc thăm dò, khai thác khu vực này sẽ được tiến hành vì lợi ích của toàn thể loài người, không phụ thuộc vào vị trí địa lý của các quốc gia…” Với tinh thần này, có thể thấy, ngoài quốc gia ven biển có những đặc quyền không thể chối cãi, bất kỳ quốc gia nào trên thế giới đều có quyền khai thác, sử dụng các vùng biển trên thế giới một cách hợp pháp và hợp lý.
ASEAN vững tin hơn
Trong bản tuyên bố chung khi kết thúc Thượng đỉnh ASEAN-36 cách đây hai tuần, lãnh đạo các quốc gia ASEAN dường như tự tin hơn khi đã dám nêu mối quan ngại về những diễn biến gần đây tại Biển Đông và nhấn mạnh tầm quan trọng của UNCLOS-1982. Đối với họ, Công ước là cơ sở để xác định các quyền lợi hàng hải, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích hợp pháp đối với các vùng biển. Các lãnh đạo ASEAN một lần nữa khẳng định các bên phải “giải quyết hoà bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS-1982”.
Như vậy là ASEAN có thêm đà từ Mỹ, còn Việt Nam có thêm hậu thuẫn từ ASEAN liên quan tuyên bố của Pompeo, nhất là từ Philippines, Malaysia và Indonesia, để đối trọng với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Nhưng liệu tình đoàn kết này có lâu bền hay không thì vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ, vì cho tới nay Trung Quốc đã “mua đứt” được một vài nước trong khối và ASEAN đã nhiều lần bị chia rẽ trên vấn đề này. Trước đây, ASEAN có nói là phải “phù hợp với luật pháp quốc tế”, nhưng cụm từ “luật pháp quốc tế” còn tương đối mơ hồ, chung chung. Năm nay, cụ thể hơn, Tuyên bố đã nhấn mạnh đến vai trò của Công ước 1982 và bất cứ chỗ nào có nhắc đến luật pháp quốc tế thì đều đi kèm với công ước này.
Trong cùng ngày 14/7, Bộ Quốc phòng Philippines đã ra ngay một tuyên bố ủng hộ lập trường của cộng đồng quốc tế về việc tuân thủ luật pháp, tôn trọng phán quyết của tòa thường trực trong vụ kiện “đường chín đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông. “Chúng tôi nhất trí mạnh mẽ với lập trường của cộng đồng quốc tế rằng nên có một trật tự dựa trên luật lệ ở Biển Đông. Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) và tuân thủ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) mà Trung Quốc vốn là bên đã ký kết”, thông cáo của Bộ Quốc phòng Philippines ký tên bộ trưởng Delfin Lorenzana nêu rõ như thế.
Còn Malaysia, trong một thông cáo báo chí về quan điểm đối với tuyên bố ngày 13/7 của Ngoại trưởng Mỹ, Ngoại trưởng Hishamuddin nhấn mạnh: “Malaysia sẽ tiếp tục đóng vai trò tích cực trong việc đảm bảo Biển Đông là vùng biển của hòa bình và thương mại. Các vấn đề liên quan đến Biển Đông phải được giải quyết hòa bình dựa trên các nguyên tắc được thừa nhận của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS-1982”. Ngoại trưởng Hishamuddin cho biết những nỗ lực ngoại giao của Malaysia hồi tháng Năm vừa qua đã khiến tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 cùng đội tàu hộ tống của Trung Quốc phải rời khỏi khu vực giàn khoan West Capella.
Tại Jakarta, ngày 16/7, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi đã bày tỏ quan ngại về các diễn biến gần đây tại Biển Đông. Ngoại trưởng Retno nhấn mạnh hòa bình và ổn định ở Biển Đông là hi vọng của mọi quốc gia, nêu rõ việc tôn trọng luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS-1982, là mấu chốt để biến Biển Đông thành vùng biển hòa bình và ổn định. Ông Retno nhấn mạnh: “Quan điểm của Jakarta về Biển Đông rất rõ ràng và nhất quán. Việc tôn trọng luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS-1982, là vấn đề mấu chốt và cần được tất cả các bên duy trì”. Indonesia cũng từng khẳng định những tuyên bố về chủ quyền đơn phương của Trung Quốc về Biển Đông là không có cơ sở pháp lý, vi phạm UNCLOS-1982 và chưa bao giờ được luật pháp quốc tế công nhận.
Hà Nội tiến thoái lưỡng nan
Một số chuyên gia quốc tế cho rằng tuyên bố của Pompeo là một thời cơ, một điểm tựa rất lớn để chính phủ Việt Nam có thể đưa ra những phát ngôn và hành động mạnh mẽ hơn nữa trong việc bảo vệ chủ quyền, lẽ phải. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ là một tín hiệu đáng mừng, tuy còn phải chờ xem những diễn biến tiếp theo. Tuyên bố mới nhất này của chính phủ Mỹ có thể xem là một “điểm tựa” để Việt Nam có thể đưa ra những diễn ngôn cứng rắn hơn về chủ quyền ở Biển Đông. Đây cũng là thời điểm Việt nam nên có những quyết sách mạnh mẽ hơn để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của mình.
Phản hồi chính thức về tuyên bố của Mỹ, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã bày tỏ quan điểm trong một thông cáo báo chí phát đi ngay chiều 15/7. Theo đó, Việt Nam “hoan nghênh lập trường của các nước về vấn đề Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế”. Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho hay là Việt Nam cũng “chia sẻ quan điểm, như đã nêu trong tuyên bố dịp Hội nghị cấp cao ASEAN-36, rằng Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương”.
Vướng trong vòng xoắn ý thức hệ (Việt Nam và Trung Quốc cùng do hai đảng Cộng sản lãnh đạo), lại bị níu kéo bởi các phe nhóm chống đối nhau kịch liệt trước đại hội 13, Hà Nội không thể có một tuyên bố rõ ràng hơn, dù là đang đương kim chủ tịch của ASEAN. Bời lẽ phe nào trong đảng, dù thân Trung hay bài Trung, cũng đều sợ tuy “ớn” Bắc Kinh đến tận cổ, nhưng lại phải dựa vào Trung Quốc để lấn sân nhau. Nhưng người dân trong nước thì nghĩ khác. Một cuộc khảo sát từ Singapore trước đây cho biết có đến 80% số người Việt Nam được hỏi cho biết họ thích Việt Nam quan hệ tốt đẹp hơn với Mỹ. Tỷ lệ này cao nhất ASEAN! Việt Nam cũng là nước có số người không tin vào Trung quốc nhiều nhất. Vấn đề là lãnh đạo Việt Nam đang trong thế tiến thoái lưỡng nan, không thể đáp ứng nguyện vọng của nhân dân và xu thế của thời đại./.
Nguồn: RFA/Ba Đê