Chiến lược Ấn Độ Thái Bình Dương của Liên Âu đặt Trung Quốc trong tầm nhắm
Posted by Luu HoanPho, Apr 21, 2021, Comments Off
Ngoại trưởng 27 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu (EU) ngày 19/04/2021 đã thông qua bản phác thảo chiến lược được mong đợi từ lâu đối với vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, bao trùm mọi lãnh vực mà Liên Âu có thể can thiệp vào nhằm tăng cường ảnh hưởng, bảo vệ lợi ích của mình trong vùng, và theo như nhận định của hãng tin Anh Reuters, nhằm đối phó với thế lực ngày càng tăng của Trung Quốc.
Có điều là đối tượng bị đặt trong tầm nhắm lại không hề được nêu đích danh trong văn kiện dài 10 trang này, và các nhà ngoại giao Liên Âu khẳng định rằng đây không phải là một chiến lược “chống Trung Quốc”.
Châu Âu không chấp nhận sự bành trướng của chủ nghĩa độc đoán.
Tuy nhiên, theo Reuters, dưới sự dẫn dắt của ba nước Pháp, Đức và Hà Lan, vốn đã đi tiên phong trong việc tìm cách thắt chặt quan hệ với những quốc gia gia trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương như Ấn Độ, Nhật Bản và Úc, khối 27 nước Liên Âu giờ đây muốn sử dụng chiến lược đang hình thành để cho Bắc Kinh thấy rõ là khối châu Âu không chấp nhận sự bành trướng của chủ nghĩa độc đoán.
Trong một bản tuyên bố, các ngoại trưởng Liên Âu đã khẳng định rằng toàn khối đã thấy là “EU cần củng cố trọng tâm chiến lược, sự hiện diện cũng như các hành động của mình ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương … dựa trên việc phát huy dân chủ, pháp quyền, nhân quyền và luật pháp quốc tế”.
Mặc dù không đề cập chi tiết đến Trung Quốc, nhưng rất nhiều nội dung của chiến lược, cũng như ngôn từ sử dụng đều hàm ý kháng lại đà bành trướng của Trung Quốc trong bối cảnh mối lo ngại càng lúc càng tăng về việc Bắc Kinh hiện đại hóa công nghệ và quân sự đe dọa phương Tây và các đối tác thương mại của phương Tây ở châu Á. Chiến lược này như đi theo cùng một chiều hướng với cách tiếp cận cứng rắn của chính quyền Joe Biden trong hồ sơ Trung Quốc.
Reuters ghi nhận sự kiện là các nhà ngoại giao EU tin rằng các nước ở Ấn Độ-Thái Bình Dương muốn châu Âu dấn thân mạnh mẽ hơn vào khu vực để duy trì một nền thương mại tự do và cởi mở, giúp cho các nước trong vùng không phải lựa chọn giữa Bắc Kinh và Washington, hai quốc gia đang chuyển sang thế đối đầu.
Cũng giống như một kế hoạch tương tự của cựu thành viên EU là Vương Quốc Anh, chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương đã được các ngoại trưởng Liên Âu phác thảo vào lúc châu Âu tỏ thái độ cứng rắn hơn đối với Trung Quốc về ba hồ sơ lớn: Hồng Kông, người Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và đại dịch Covid-19 khởi nguồn tại Vũ Hán.
Vế an ninh hàng hải được xem trọng hơn
Có hai yếu tố nổi bật được Reuters ghi nhận trong điều có thể gọi là chiến lược châu Á mới của EU, và đã được các ngoại trưởng Liên Âu xác định rõ trong tuyên bố của mình.
Trước hết là hướng đi chung – “EU sẽ phát triển hơn nữa các quan hệ đối tác và tăng cường hợp lực với các đối tác đồng chí hướng và các tổ chức có liên quan trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng” – và tiếp đến là hành động cụ thể nhằm “ứng phó với các thách thức đối với an ninh quốc tế, bao gồm cả an ninh hàng hải.”
Hiện vẫn chưa rõ EU sẵn sàng lao vào lãnh vực an ninh đến đâu, nhưng điều đó có thể sẽ được phản ánh qua việc Liên Hiệp Châu Âu sẽ có tiếng nói và hành động mạnh mẽ hơn trên các vấn đề Ấn Độ- Thái Bình Dương, đầu tư nhiều tài lực và nhân sự hơn vào khu vực và rất có thể hiện diện quân sự thường xuyên hơn như điều chiến hạm qua Biển Đông hoặc tham gia các chuyến tuần tra của Úc…
Văn kiện dài 10 trang chính thức mang tên: “Chiến lược của Liên Hiệp Châu Âu về hợp tác ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương” mới chỉ là bản phác thảo chiến lược, cần phải được cụ thể hóa thêm từ nay đến tháng 9, nhưng đã cho thấy rõ tầm quan trọng mà 27 nước Liên Âu dành cho vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Xem trọng ASEAN và ASEM
Trong một bài phân tích công bố ngày 20/04/2021, chuyên san Nhật Bản The Diplomat đã bước đầu ghi nhận 10 điểm nổi bật trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Liên Hiệp Châu Âu đang trên đường hình thành. Yếu tố được tờ báo nêu lên hàng đầu là chủ trương tăng cường quan hệ với các đối tác trong khu vực.
Theo The Diplomat, đây là “cốt lõi” trong cách tiếp cận của EU đối với vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, không chỉ áp dụng cho các đồng minh và bạn bè lâu đời của châu Âu, mà cho cả “các nước thứ ba vì lợi ích hỗ tương”. Liên Hiệp Châu Âu cũng tăng cường hợp tác với các tổ chức đa phương khu vực, đi đầu là Hiệp Hội Đông Nam Á ASEAN, nhưng cũng có cả diễn đàn Á-Âu ASEM.
Việc Liên Âu chú ý đến ASEM, một cơ chế có sự tham gia của Trung Quốc, thể hiện một quan điểm thực dụng chi phối chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của EU: Đó là dù phải tìm cách hạn chế đà bành trướng của Trung Quốc, nhưng không thể xem nhẹ vai trò và ảnh hưởng của nước này. Quan điểm đó đã được The Diplomat tóm tắt trong công thức: “Nếu Trung Quốc là một phần của vấn đề, thì đó cũng là một phần của giải pháp”.
Ngoài việc tranh thủ cơ chế có sẵn là Thượng Đỉnh Á-Âu ASEM, nhu cầu hợp tác với Trung Quốc còn thể hiện qua mong muốn của Liên Âu thúc đẩy được Hiệp Định về Đầu Tư giữa Bruxelles và Bắc Kinh.
Đối với The Diplomat, trên nhiều mặt, các chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Đức-Hà Lan hay của Anh Quốc cũng đã thừa nhận sự cần thiết phải hợp tác với Trung Quốc về các vấn đề cùng quan tâm. Đối sách Trung Quốc của chính quyền Joe Biden cũng vậy.
Cũng chính vì thế mà chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Liên Hiệp Châu Âu tránh hẳn việc vạch mặt chỉ tên Trung Quốc, điều vốn đã trở thành truyền thống của khối 27 nước.
Tuy nhiên, tài liệu đã nêu bật những thách thức đối với sự ổn định của khu vực như “cạnh tranh địa chính trị”, “căng thẳng về chuỗi cung ứng và các lĩnh vực công nghệ, chính trị và an ninh” và sự tồn tại của các mối đe dọa đối với “tính phổ quát của nhân quyền”. Ai cũng hiểu là tác giả của những thách thức đó không ai khác hơn là Trung Quốc.
Một trong những điểm nhắm vào Trung Quốc được chuyên san Nhật Bản nêu bật là nhu cầu bảo đảm an ninh hàng hải mà chiến lược mới của Liên Âu nhấn mạnh.
Theo The Diplomat, khối thương mại số một thế giới là Liên Hiệp Châu Âu rất cần đến các tuyến hàng hải tự do, mở rộng và an toàn. Để bảo đảm điều này, các thành viên Liên Âu trong tư cách cá nhân như Pháp, Đức và Hà Lan, cũng như cựu thành viên Anh Quốc, đang xem xét việc tăng cường sự hiện diện hải quân của họ trong khu vực. Trong tư cách là một khối nước, Liên Âu từ năm 2008 đã từng triển khai Hải Quân chống hải tặc ở vùng Vịnh Aden, đồng thời giúp đỡ các nước trong vùng nâng cao năng lực kiểm soát vùng biển của mình.
Việc tăng cường bảo vệ các tuyến hàng hải quan trọng sẽ được thúc đẩy trên toàn khu vực Ấn Độ Dương và vùng biển Đông Nam Á.
Nguồn: RFI/Mai Vân