Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Sunday, December 22, 2024

Giáo sư TQ: Biến đổi khí hậu “tặng” cho Bắc Kinh cơ hội mở rộng sức mạnh toàn cầu


Tập Cận Bình phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu toàn cầu do ông Biden tổ chức.

Chế độ cộng sản Trung Quốc coi biến đổi khí hậu là cơ hội để mở rộng ảnh hưởng trên toàn thế giới, theo một học giả nổi tiếng của Trung Quốc.

Di Dongsheng, phó hiệu trưởng của Trường Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Renmin (Nhân dân) ở Bắc Kinh, đã viết trong blog của mình hôm 27/4 rằng chương trình cắt giảm khí thải toàn cầu không chỉ có thể giúp chế độ về mặt kinh tế mà còn có “ý nghĩa chính trị” đối với Bắc Kinh.

“Nó có thể giúp [chúng ta] điều chỉnh và kiểm soát môi trường xã hội, chính trị và kinh tế,” ông Di viết.

Vị giáo sư cho rằng, chế độ này nên đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết biến đổi khí hậu toàn cầu, trong bối cảnh ngày càng gia tăng rạn nứt giữa Bắc Kinh và các cường quốc phương Tây về một loạt vấn đề.

“Vấn đề khí hậu về cơ bản là chủ đề tích cực duy nhất mà Trung Quốc, Hoa Kỳ và Châu Âu có thể cùng nhau thảo luận một cách cởi mở,” ông Di viết.

Năm ngoái, vị giáo sư này đã trở nên nổi tiếng khi ông thay mặt Bắc Kinh chỉ ra vai trò lâu đời của Phố Wall trong việc ảnh hưởng lên nền chính trị Mỹ. Theo tiểu sử trực tuyến của mình, ông Di đã làm việc với nhiều cơ quan khác nhau của chế độ Trung Quốc, bao gồm cả Bộ Ngoại giao và Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia.

Khí hậu là một trong số ít các vấn đề mà Hoa Kỳ và chính quyền Trung Quốc cho biết họ có thể cùng nhau giải quyết, ngay cả khi mối quan hệ giữa hai bên đã rạn nứt sâu sắc trong những năm gần đây.

Kể từ thời chính quyền Trump, Hoa Kỳ đã dần dần củng cố lập trường chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trên nhiều mặt, từ việc Bắc Kinh vi phạm nhân quyền nghiêm trọng cho đến hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ nước ngoài tràn lan.

Chính quyền Biden cũng đã cam kết tiếp tục phương pháp tiếp cận cứng rắn này, tuy vậy cũng cho biết họ sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc vì những lợi ích chung như biến đổi khí hậu.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, trong lần xuất hiện đầu tiên với Joe Biden tại hội nghị thượng đỉnh khí hậu toàn cầu vào tháng trước, cho biết nước này sẽ “hạn chế nghiêm ngặt” việc gia tăng tiêu thụ than trong 5 năm tới và giảm dần trong 5 năm tiếp theo.

Cho đến nay, Trung Quốc là nước sử dụng than lớn nhất thế giới. Vào năm 2020, nước này đã đưa hơn 38,4 gigawatt (GW) công suất nhiệt điện than mới vào hoạt động, gấp hơn ba lần công suất được xây dựng ở những nơi khác. Dự kiến Trung Quốc sẽ bổ sung thêm 247 GW điện than — gần gấp sáu lần toàn bộ công suất nhiệt điện than của Đức.

Nước này cũng là quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới, chiếm hơn 27% tổng lượng khí thải toàn cầu. Vào năm 2019, lượng khí thải của Trung Quốc vượt quá mức của Hoa Kỳ và các nước phát triển khác cộng lại, theo một báo cáo gần đây. Vào năm 2020, khoảng 61% tổng tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc là từ than, theo số liệu chính thức (pdf).

Tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu, ông Tập đã lặp lại cam kết từ năm ngoái là sẽ đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2060 và đạt mức phát thải cao nhất vào năm 2030. Tuy nhiên, các nhà lập pháp và chuyên gia tỏ ra nghi ngờ rằng Bắc Kinh sẽ chẳng thực hiện tốt bất kỳ lời hứa nào, bởi họ có lịch sử dài lâu về phớt lờ cam kết của mình.

Ai thu được lợi ích?

Trong khi bản thân ông Di bày tỏ sự hoài nghi về sự tồn tại của hiện tượng nóng lên toàn cầu là do con người tạo ra, lại còn gọi đó là một “lý thuyết sai lầm”, thì ông vẫn cho rằng Bắc Kinh nên nắm bắt cơ hội mà chương trình khí hậu ban tặng để trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về công nghệ xanh.

Làm như vậy, Trung Quốc sẽ đạt được lợi ích kinh tế nhờ thúc đẩy xuất khẩu công nghệ sạch ra toàn thế giới, đồng thời thu được uy tín chính trị bằng cách trở thành quốc gia đặt ra “tiêu chuẩn xanh cho các vấn đề phát triển toàn cầu”, ông nói.

Giáo sư cho biết Vương quốc Anh đã dẫn đầu cuộc cách mạng năng lượng đầu tiên trên thế giới thông qua việc sử dụng than đá. Sau đó, Hoa Kỳ đã đi tiên phong trong cuộc cách mạng năng lượng thứ hai nhờ dầu khí. Giờ đây, theo ông Di, Trung Quốc có thể là nước đi đầu trong cuộc cách mạng năng lượng lần thứ ba dựa trên năng lượng sạch và “hướng dẫn sự phát triển của nhân loại theo một hướng mới”.

“Trong vòng 10 năm ngắn ngủi, các doanh nghiệp Trung Quốc đã đánh bại các đối tác châu Âu về năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Trong hai lĩnh vực này, năng lực sản xuất của Trung Quốc chiếm hơn 60% tổng năng lực của thế giới,” ông nói thêm.

Trung Quốc là nhà sản xuất tuabin gió và tấm pin mặt trời lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, sự vươn lên dẫn đầu trong các ngành năng lượng sạch của họ được thúc đẩy bởi một loạt các hành vi thương mại không công bằng đã cho phép các công ty Trung Quốc vượt trội các đối thủ nước ngoài trên thị trường quốc tế, các chuyên gia cho biết.

Ví dụ, đối với điện mặt trời, trợ cấp của chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các công ty Trung Quốc chiếm ưu thế trên thị trường toàn cầu trong những năm 2010, theo một báo cáo năm 2020 của Tổ chức Công nghệ Thông tin & Thông tin có trụ sở tại Washington (ITIF). Việc các công ty Trung Quốc bán phá giá các tấm pin mặt trời trên toàn thế giới đã chặn đứng ngành công nghiệp sản xuất mặt hàng này ở Hoa Kỳ và các nước khác. Vì vậy khi Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá đối với các tấm pin mặt trời do chính phủ Trung Quốc trợ cấp vào năm 2012, thì đã quá muộn để cứu vãn phần lớn ngành công nghiệp này ở trong nước.

Trung Quốc là “kẻ đi đầu trong việc đánh cắp các công nghệ sạch của nước ngoài, ép buộc họ phải chuyển giao nó [cho Trung Quốc] khi họ không muốn làm như vậy và còn trợ cấp ồ ạt cho các công ty công nghệ sạch kém sáng tạo hơn ở Trung Quốc,” Robert Atkinson, chủ tịch ITIF., cho biết tại một cuộc thảo luận không chính thức ngày 19/4.

Ông Di cũng đề xuất nhà nước đưa ra các chính sách khuyến khích để động viên các công ty Trung Quốc chuyển đổi sang năng lượng sạch vì hầu hết các doanh nghiệp ở nước này đều năm trong chuỗi tác nhân gây ô nhiễm và lãng phí năng lượng. Điều này sẽ dẫn đến lượng khí thải giảm đáng kể, nâng cao uy tín của chế độ Trung Quốc trên trường quốc tế.

Những người bị bỏ lại phía sau

Theo ông Di, việc tìm kiếm nâng cao sự lệ thuộc vào năng lượng sạch của Trung Quốc sẽ bắt người nghèo trong nước phải trả giá.

Một bộ phận lớn người dân Trung Quốc không được sưởi ấm vào mùa đông vì toàn bộ phần phía nam của Trung Quốc không được trang bị hệ thống sưởi trung tâm. Hàng trăm triệu người Trung Quốc không đủ tiền mua các phương tiện sưởi ấm tư nhân nên buộc phải chịu đựng mùa đông lạnh giá.

Nếu chế độ cố gắng cắt giảm lượng khí thải, ông Di lo ngại rằng “giấc mơ” có hệ thống sưởi vào mùa đông sẽ không thành hiện thực cho tất cả mọi người trong một thời gian dài nữa.

Ông Di nhớ lại tại thành phố Qidong quê hương mình ở tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc, tất cả những gì mọi người có thể làm là run cầm cập trong suốt mùa đông, khi nhiệt độ trung bình giảm xuống mức đóng băng. Qidong nằm ở cửa sông Dương Tử, con sông dài nhất của Trung Quốc chảy qua miền trung nam của đất nước.

Ông Di nói rằng hầu hết những người sống ở khu vực sông Dương Tử không thể mua nổi hệ thống sưởi ấm cho riêng họ. Trong khi đó, nền kinh tế Trung Quốc lại không đủ mạnh để hỗ trợ việc lắp đặt hệ thống sưởi trung tâm cho tất cả những ngôi nhà này, ông nói.

Nguồn:Tiến Minh (dịch từ Epoch Times)

 

More Stories From Biển Đông

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh