Đô đốc Pháp Pierre Vandier : Ấn Độ – Thái Bình Dương có nguy cơ bị Trung Quốc «bóp nghẹt»
Posted by Luu HoanPho, Jun 23, 2021, Comments Off
Vùng biển Ấn Độ – Thái Bình Dương (phần màu đậm trong bản đồ). Wikipedia.
Tư lệnh Hải Quân Pháp, đô đốc Pierre Vandier, trong bài trả lời phỏng vấn đăng ngày 10/06/2021 trên trang mạng của báo Le Monde khẳng định Hải Quân Pháp đang chứng kiến sự gia tăng lực lượng quân sự của Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Hải Quân Pháp đang phải đương đầu với « logic bóp nghẹt » của Bắc Kinh tại Ấn Độ – Thái Bình Dương. RFI tiếng Việt trích dịch bài phỏng vấn.
Quân đội Trung Quốc gần đây đã có nhiều hành động phô trương lực lượng ở Ấn Độ – Thái Bình Dương : Bắc Kinh đã cho 200 tàu thuyền tập trung gần Đá Ba Đầu (Whitsun) mà Philippines tuyên bố chủ quyền, lập bản đồ đáy Ấn Độ Dương với thiết bị bay không người lái, điều 20 chiến đấu cơ J-20 đến xâm nhập khu vực nhận dạng phòng không của Đài Loan … Ông phân tích thế nào về những hành vi này của Trung Quốc ?
Có nhiều yếu tố cho chúng tôi thấy là tình hình đang thay đổi. Tàu của chúng tôi bị theo dõi một cách có hệ thống, đôi khi buộc phải xoay xở trước tàu Trung Quốc để tránh các vụ va chạm, bất chấp các quy tắc tự do hàng hải mà chúng ta bảo vệ. Một số chặng dừng của chúng tôi tại các nước trong khu vực mà trước đây chúng tôi thường ghé qua đã bị hủy vào phút chót mà không có lời giải thích rõ ràng.
Cái gọi là “đường chín đoạn” mà Trung Quốc áp đặt đã gây ảnh hưởng tới sự hiểu biết về luật pháp quốc tế. Ngoài ra, Bắc Kinh đã ép buộc một số quốc gia nhất định, chẳng hạn không cho thao dợt, không cho đón tàu nước ngoài … Sự phát triển quân sự của Trung Quốc dĩ nhiên là phục vụ một ý đồ chính trị và sách trắng về quốc phòng của Trung Quốc đã vạch ra các mục tiêu chiến lược. Sự cứng rắn của Bắc Kinh đã lên một nấc và điều này đã được đoán trước.
Theo ông, đó là logic lập pháo đài, thành trì hơn là làm gián đoạn lưu thông hàng hải ?
Ban đầu Bắc Kinh chủ yếu quan tâm đến lãnh thổ và thương mại. Chúng ta đang phải đối mặt với một cường quốc từng « quay lưng lại » với biển trong suốt 5 thế kỷ, nhưng nay khi đã trở thành cường quốc thương mại thế giới, Trung Quốc sẽ tăng cường phát triển hải quân. Vì thế, chúng ta phải tìm cách thảo luận với một cường quốc đang xâm chiếm không gian và cố gắng cân bằng quyền lực. Chúng ta đang đối đầu với một « logic bóp nghẹt » Ấn Độ – Thái Bình Dương với cách tiếp cận đa lĩnh vực : các đòn bẩy tài chính, kinh tế, ngoại giao, quân sự. Trung Quốc có thể gây áp lực với chiến tranh hỗn hợp, chiến tranh mạng hoặc với nhiều phương tiện khác.
Hải Quân Trung Quốc sẽ trang bị cho tàu sân bay của họ một loại máy bay chuyên dụng mới, FC-31. Đây có phải là dấu hiệu cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của hải quân Trung Quốc và một mối đe dọa ?
Đối với Hải Quân, để làm chủ một tàu sân bay thì cần trải qua nhiều giai đoạn : có một tàu sân bay trực thăng, sau đó một con tàu kéo dài có chỗ cho máy bay cất cánh theo chiều thẳng đứng, tiếp đến là một cầu để máy bay vốn được thiết kế cất cánh trên đất liền có thể cất cánh trên biển với chi phí thấp, và cuối cùng, để có một chiến đấu cơ thực thụ, họ cần một thiết bị phóng và một máy bay chuyên dụng, được thiết kế riêng cho tàu sân bay. Chúng tôi thấy tham vọng của Trung Quốc đang tăng dần.
Bộ chỉ huy Ấn Độ – Thái Bình Dương của Mỹ đang yêu cầu được cấp thêm một tỷ đô la (800 triệu euro) để đối phó với Trung Quốc. Còn Hải Quân Pháp thì sao ?
Pháp có một tham vọng chính trị nhất quán, được triển khai tốt từ nhiều năm nay. Chiến lược của Paris thực dụng, không phải là phương pháp tiếp cận dựa trên phương tiện, mà là nhằm tối đa hóa hiệu ứng đòn bẩy của Pháp, thông qua các thỏa thuận hợp tác giữa chính phủ Pháp với chính phủ Ấn Độ và Úc, với việc xuất khẩu vũ khí phù hợp với nhu cầu thực tế và có thể làm thay đổi cuộc chơi. Với 36 chiến đấu cơ Rafale mua của Pháp, Ấn Độ trở nên mạnh hơn và được tôn trọng hơn là khi chưa được trang bị Rafale ; chuyện cũng tương tự với việc Úc trang bị tàu ngầm mua của Pháp. Ngoài ra, còn có các thỏa thuận về tình báo. Đây là một mối quan hệ được cấu trúc từ trên xuống và có sự phối hợp.
Bằng cách này, chúng ta khó đoán định ở mức vừa đủ, vừa thân thiện, vừa tự chủ, vừa phát huy giá trị của chủ nghĩa đa phương, khiến Trung Quốc gặp nhiều phiền phức hơn trong cuộc chơi. Pháp hợp tác với các nước dưới nhiều thể thức khác nhau – ví dụ, lần đầu tiên chúng tôi mời Ấn Độ tham gia diễn tập với Pháp nhưng không phải là thao dợt song phương mà là trong khuôn khổ cuộc thao diễn « La Perouse » với sự tham gia của Mỹ, Úc và Nhật. Và sau đó, Pháp tiến hành cuộc thao dợt « ARC21 » với Mỹ, Nhật và Úc. Tương quan giữa sự đầu tư và kết quả đạt được là khá tốt.
Hải quân Pháp có thể làm được nhiều hơn nữa ở Ấn Độ – Thái Bình Dương ?
Chúng tôi thấy các nước trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương mong muốn có sự hiện diện quân sự của Pháp ở cấp độ cao hơn. Đó là lý do tại sao chúng tôi đang lên kế hoạch triển khai các phương tiện chẳng hạn như các đội tàu sân bay. Chúng thể hiện một nỗ lực rất lớn của Hải Quân quốc gia Pháp. Đây là một thách thức mà chúng tôi đang phải đối mặt. Theo kế hoạch được dự kiến hồi năm 2012, đội tàu sân bay này sẽ gồm 15 khinh hạm để có thể hoạt động ở 3 khu vực – chúng tôi đã có mặt ở 4 hoặc 5 khu vực từ nhiều năm nay. Vì thế, sự hiện diện ở cấp độ này của Hải Quân Pháp ở Ấn Độ – Thái Bình Dương là không liên tục.
Các khinh hạm làm nhiều nhiệm vụ quan trọng bậc nhất hoặc các tàu hộ tống của chúng tôi không thể dễ dàng được điều chuyển đến Ấn Độ – Thái Bình Dương và trước hết chúng có nhiệm vụ bảo vệ quốc gia : cảnh báo thường trực giúp bảo đảm năng lực răn đe và các phương pháp tiếp cận của Pháp. Chúng tôi đang dồn rất nhiều sức lực vào Địa Trung Hải và Đại Tây Dương, trong khi đó Ấn Độ – Thái Bình Dương đòi hỏi những nỗ lực rất đặc biệt.
Nước có thể « chạy tiếp sức » với Pháp ? Đức đã hứa điều một khinh hạm, nhưng cuối cùng lại không phối hợp với châu Âu. Liệu chúng ta có thể dựa vào các nước châu Âu ?
Chúng tôi đã có thể phối hợp với Đức trong khuôn khổ lực lượng của NATO ở Địa Trung Hải, nhưng tạm thời mới chỉ dừng lại ở đó. Cần tính toán theo khu vực. Các nước châu Âu nay có thể hiện diện ở khá xa, chẳng hạn Đan Mạch, Tây Ban Nha và Hà Lan đang tham gia sứ mệnh Aenor giám sát eo biển Ormuz. Bây giờ việc chúng tôi cần làm là tổ chức phối hợp chặt chẽ hơn. Ngoài ra, chúng tôi có thể hộ tác trong các nhiệm vụ đặc biệt, đột xuất, nhất là trong quá trình triển khai tàu sân bay. Ở Ấn Độ – Thái Bình Dương, đối tác Úc của Hải Quân Pháp có sự hiện diện lớn. Hải Quân Úc đang đi vào vịnh Bengal và đã đi vào các vùng biển quần đảo và có sự phối hợp với Hải Quân Pháp. Khuôn khổ hành động của chúng tôi là sự liên kết chặt chẽ giữa các quan hệ đối tác, nguồn lực, phương tiện và sự phối hợp với quân đội của các nước khác.
Hải Quân Pháp đã phát triển quan hệ với Hải Quân Mỹ. Vậy Hải Quân Mỹ trông chờ gì ở Hải Quân Pháp tại Ấn Độ – Thái Bình Dương ?
Các đồng nghiệp Mỹ rất hài lòng về hoạt động của chúng tôi trong lực lượng đặc nhiệm TF 50, khi Pháp hồi tháng 03/2021 điều tàu sân bay Charles-de-Gaulle và đoàn tàu hộ tống đến thay thế một nhóm tàu sân bay Mỹ ở Vùng Vịnh. Điều này giúp giảm gánh nặng cho Hải Quân Mỹ, vốn đang căng thẳng về số lượng hàng không mẫu hạm và Washington lại muốn hiện diện nhiều hơn ở Biển Đông. Nếu cần, Pháp và Mỹ có thể hoạt động cùng nhau nhiều hơn mà không cần nhiều thông báo trước. Nỗ lực kết nối mà chúng tôi đã tiến hành để đặt nhóm tàu sân bay của Pháp dưới quyền chỉ huy của Hoa Kỳ cũng có thể được áp dụng ở những nơi khác. Pháp – Mỹ có chung khái niệm về sử dụng và bảo vệ tàu sân bay cũng như về các hoạt động, chiến dịch. Điều tạo ra khả năng tương tác chính là khả năng kết nối, tương thích hệ thống vũ khí và sự nhất quán về chiến thuật.
Đâu là những thách thức mà sức mạnh của Trung Quốc có thể đặt ra cho tương lai ?
Thách thức này mang tính tập thể : các nước phải đối thoại được với Trung Quốc để mang lại an ninh. Không ai muốn có chiến tranh. Trong một vài năm nữa, có thể các nước sẽ không còn đi qua một eo biển nào mà không thấy sự hiện diện của các tàu khu trục của Trung Quốc, hoặc thậm chí sẽ bị tàu Trung Quốc ngăn cản không cho chúng ta đi qua. Áp lực sẽ ở mức cao. Trung Quốc đang sử dụng một sức mạnh quân sự rất lớn. Bắc Kinh cư xử theo cách khiến chúng ta phải đặt câu hỏi về ý đồ của họ. Dù muốn hay không, chúng ta vẫn bị cuốn vào những mối căng thẳng đang gia tăng.
Nguồn: RFI/Thùy Dương