Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Sunday, December 22, 2024

Bức thư chung của 4 tờ báo lớn ở Bắc Âu gửi ông Tập Cận Bình 


Bốn tờ nhật báo hàng đầu của Bắc Âu đã công bố một bức thư ngỏ gửi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tố cáo những vi phạm tự do báo chí ở Hồng Kông, đồng thời kêu gọi thế giới đừng khoanh tay đứng nhìn. Bức thư được đăng trên trang nhất của các báo vào đúng dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ngày 1/7. 

Tổng hợp tin tức từ trang tin Stand News (Hồng Kông) và Đài Á Châu Tự do, chủ bút của 4 tờ báo lớn Bắc Âu, bao gồm Aftenposten của Na Uy, Politiken của Đan Mạch, Helsingin Sanomat của Phần Lan và Dagens Nyheter của Thụy Điển, đã cùng xuất bản một Thư ngỏ gửi tới ông Tập Cận Bình và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trên trang nhất xuất bản ngày 1/7. Bức thư cho biết 4 tờ báo lớn tham gia cuộc biểu tình phản đối việc Trung Quốc vi phạm quyền tự do báo chí ở Hồng Kông. Cuộc biểu tình diễn ra sau khi tờ Apple Daily bị ép buộc đóng cửa. Họ tuyên bố sẽ tập trung vào những diễn biến khủng khiếp ở Hồng Kông, để thông tin bị kiểm duyệt ở đặc khu này sẽ xuất hiện ở những nơi khác trên thế giới.

Bắc Kinh đàn áp tự do báo chí, thế giới không thể khoanh tay đứng nhìn

Bức thư ngỏ nêu rõ rằng Trung Quốc đã và đang làm xói mòn quyền tự do báo chí của Hồng Kông, và bây giờ, đã quá đủ rồi (now, enough is enough), thế giới không thể tiếp tục khoanh tay đứng nhìn. “Hy vọng của chúng tôi rằng Trung Quốc sẽ tuân theo những cam kết của họ rằng các  quyền dân chủ và tự do cơ bản của Hồng Kông sẽ được bảo vệ gần đây đang giảm dần, trong khi sự kinh hãi và coi thường của chúng tôi ngày càng gia tăng.”

Bức thư nói rằng sự mong đợi này của ngoại giới “có thể là ngây thơ” đã hoàn toàn tan vỡ một cách đáng tiếc khi tờ báo độc lập Apple Daily sụp đổ dưới sự vi phạm quyền tự do báo chí của nhà cầm quyền. Đồng thời, bức thư cũng đề cập đến tình hình nghiệp vụ trong lĩnh vực báo chí của Hồng Kông đang dần xấu đi, trước Apple Daily, Đài Truyền hình Hồng Kông đã bị đặt dưới sự kiểm soát của các nhà chức trách, trong khi cảnh sát được trao quyền mới để kiểm duyệt internet, việc đưa tin tự do, độc lập và phê phán đã dần trở thành tội phạm. “Các chủ sở hữu phương tiện truyền thông, nhà sản xuất và nhà báo bị truy tố và bỏ tù vì làm việc đúng chuyên môn và làm công việc của họ với tư cách là tiếng nói của công chúng.”

Tổng biên tập của 4 tờ báo đã chỉ trích ĐCSTQ thường tự cho mình là một chế độ “nhân từ”. “Nhưng không có gì nhân từ ở một nhà nước tấn công báo chí tự do. Không có gì cao quý ở đó.” Ngược lại, họ cho rằng các cuộc tấn công vào báo chí tự do là một dấu hiệu của sự yếu kém, thậm chí “khó có thể tin rằng nó tồn tại vì lợi ích của người dân”. Nhưng họ tin rằng mỗi khi Bắc Kinh trấn áp phe đối lập, tinh thần phản kháng sẽ càng lớn.

Sát cánh cùng nhau để thông tin bị kiểm duyệt ở Hồng Kông sẽ xuất hiện những nơi khác trên thế giới
Cuối cùng bức thư ngỏ nói rằng quyền lực có thể chôn vùi sự thật và tự do, nhưng nó sẽ chỉ là tạm thời. Mỗi khi sự chống đối và chỉ trích bị đàn áp, một tinh thần phản kháng mạnh mẽ hơn sẽ được khơi dậy và sức mạnh của sự giác ngộ cuối cùng sẽ chiến thắng. Bây giờ là lúc phải thay đổi hướng đi, vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập ĐCSTQ, Trung Quốc cần phải thực sự trở thành một nước cộng hòa vì nhân dân chứ không chỉ vì những người cầm quyền.

Bức thư cho biết, những người làm truyền thông Bắc Âu sẽ cùng các phóng viên Hồng Kông đưa tin sâu hơn về những diễn biến khủng khiếp ở Hồng Kông, và đưa những thông tin bị kiểm duyệt ở Hồng Kông đến với phần còn lại của thế giới.

Đài Á Châu Tự Do đưa tin rằng một trong những người đồng ký tên, bà Trine Eilertsen, Tổng biên tập kiêm Giám đốc điều hành tờ Aftenposten của Na Uy, tiết lộ rằng khi ông Christian Jensen, Tổng biên tập tờ Politiken Đan Mạch ngỏ lời mời, bà đã không ngần ngại cùng tham gia. Bà  không nghĩ rằng bức thư ngỏ này sẽ khiến Trung Quốc thay đổi cách làm của mình, nhưng hy vọng bày tỏ quan tâm đến giới truyền thông Hồng Kông, cũng như thể hiện rằng các phương tiện truyền thông Bắc Âu, nơi có báo chí tự do, sẽ không sợ bị đàn áp bởi các nhà chức trách quyền lực của Trung Quốc, cũng như không sợ các lệnh trừng phạt.

Tuyên bố chung hiếm có  – định hướng cho sự phản công của thế giới đối với ĐCSTQ

Nhà bình luận thời sự Thụy Điển kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Văn Bút Độc Lập Trung Quốc (Independent Chinese PEN Center), ông Trương Dụ (Chang Yu), nói với Đài Á Châu Tự do rằng tuyên bố chung do 4 tờ báo lớn ở Bắc Âu đưa ra là rất hiếm có. Ông nói: “Đây là lần đầu tiên trong vòng 40 năm qua khi đến Thụy Điển, tôi được biết đến một sự kiện lớn có sự tham gia của giới truyền thông 4 nước cùng quan tâm đến tự do báo chí của Trung Quốc. Điều đó rất đáng khích lệ.” Tuyên bố này có nghĩa đặc biệt, các nước trên thế giới đã tức giận và phản công sau khi ĐCSTQ đàn áp quyền tự do báo chí của Hồng Kông.

Ông Trương Dụ nói rằng tự do truyền thông của bốn nước Bắc Âu được xếp vào hàng tốt nhất trên thế giới. Trong những năm gần đây, Đại sứ quán của ĐCSTQ thường thực hiện các can thiệp ngoại giao mang tính chiến tranh, chẳng hạn như sự trả đũa và can thiệp của ĐCSTQ ở Na Uy; truyền thông Đan Mạch bị Đại sứ quán của ĐCSTQ tẩy chay vì đã xuất bản tranh biếm họa virus Trung Quốc; Đại sứ quán của ĐCSTQ tại Thụy Điển đã nhiều lần tấn công các báo cáo liên quan đến người bán sách Hồng Kông – công dân Thụy Điển Quế Dân Hải (Gui Minhai) và các báo cáo liên quan đến dịch bệnh. Điều này cho phép giới truyền thông Bắc Âu hiểu sâu sắc hơn hoàn cảnh của tự do báo chí ở Hồng Kông dưới sự đàn áp của ĐCSTQ. “Tự do báo chí là một giá trị phổ quát. Các phương tiện truyền thông chính thống ở Bắc Âu luôn quan tâm đến tình hình của đồng nghiệp ở các quốc gia… Trước việc tờ Apple Daily của Hồng Kông bị ép buộc đóng cửa, bốn tờ báo Bắc Âu đã vô cùng kinh hoàng và tức giận.” Ông cũng hy vọng rằng các chính phủ và xã hội dân sự sẽ cùng có những hoạt động theo dõi sâu rộng hơn.

Ông Chu Thụy (Zhu Rui), một nghiên cứu sinh tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông, nói với Đài Á Châu Tự do rằng việc ông Tập Cận Bình đóng cửa tờ Apple Daily một cách tàn bạo là một thách thức thẳng mặt vào các giá trị quan chính thống của tự do báo chí phương Tây, đã đến lúc phương Tây quyết định không thể tiếp tục khoanh tay đứng nhìn. “Bức thư ngỏ này từ các tờ báo chính thống của các nước Bắc Âu cho thấy sự nhẫn nhịn và nhân nhượng của xã hội phương Tây đối với Trung Quốc sắp đến hồi kết. Ông Tập Cận Bình đại biểu cho xung đột về các giá trị chủ đạo giữa Trung Quốc và phương Tây, không chỉ là xung đột trên bình diện kinh tế, mà còn là xung đột về giá trị quan và ý thức hệ của văn minh nhân loại, điều mà không thể được giải quyết bằng hình thức đàm phán và đối thoại. Ở các nước phương Tây, ít nhất là Bắc Âu, họ cuối cùng cũng bắt đầu nhận thấy điều này.”

Ông Göran Lindblad, chính trị gia Thụy Điển và là cựu Phó Chủ tịch Hội đồng Thụy Điển tại Ủy ban Châu Âu, nói rằng không chỉ giới truyền thông từ 4 nước Bắc Âu, tất cả các nước Bắc Âu và các nền dân chủ trên thế giới nên hợp lực để ngăn chặn ĐCSTQ đàn áp nền dân chủ, pháp quyền và tự do báo chí của Hồng Kông.

Nguồn: Lý Gia Hoành@trithucVN, Vision Times

 

Tags:

More Stories From Biển Đông

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh