Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Tuesday, November 5, 2024

Phó Tổng thống Mỹ sắp thăm Việt Nam: Cơ hội mới liệu có bị bỏ lỡ một lần nữa?


Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, thứ ba từ phải sang, và Bộ trưởng Quốc phòng VN Phan Văn Giang (thứ ba từ trái sang) tại cuộc gặp ở Hà Nội, hôm 29/7/2021.–

Cánh cửa hẹp hướng đến một tương lai khác biệt đã không mở ra cho Việt Nam năm 1946 khi Tổng thống Harry Truman giữ im lặng với các lá thư thỉnh cầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, bối cảnh lịch sử từ đó đến nay đã thay đổi…

Các đời Tổng thống Mỹ và các nhà Lãnh đạo Việt Nam suốt 26 năm trở lại đây dường như đang cố gắng tạo dựng lên cái tương lai khác biệt ấy. Chứng kiến thiện chí chủ động đến từ phía Chính quyền Biden – Harris, giới quan sát tự hỏi, liệu “Tứ trụ” mới Việt Nam sẽ đáp ứng ra sao các chủ động này từ Hoa Kỳ? Cả khu vực Đông Nam Á như “chảo dầu sôi” và thế giới trong đó cạnh tranh Trung – Mỹ đang bị đẩy tới đỉnh điểm, chăm chú theo dõi “cuộc hôn nhân vì lợi” Việt – Mỹ đang vào hồi cao trào.

Từ chuyến thăm của Austin

Ngày 30/7/2021 Nhà Trắng vừa ra thông báo: “Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris sắp thăm Việt Nam và Singapore vào tháng 8 tới trong khuôn khổ chuyến công du nhằm tăng cường quan hệ với “hai đối tác quan trọng ở vùng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”. Đây là lần đầu tiên một Phó Tổng thống Mỹ có chuyến thăm riêng rẽ đến Việt Nam. Tuyên bố về chuyến đi của bà Harris được Cố vấn riêng kiêm Phát ngôn viên chính của bà Harris là Symone Sanders đưa ra cuối tuần trước [1].

Tuyên bố còn cho hay: “Tổng thống Biden và Phó Tổng thống Harris lâu nay đặt ưu tiên hàng đầu là xây dựng lại quan hệ đối tác toàn cầu và giữ an ninh cho quốc gia của chúng ta, và chuyến thăm sắp tới tiếp tục cho công việc đó: làm sâu sắc thêm cam kết của chúng ta ở Đông Nam Á”. Trong chuyến công du sắp diễn ra, Tuyên bố cho biết thêm, bà Phó tổng thống Mỹ sẽ làm việc với các nhà lãnh đạo của hai chính phủ Việt Nam và Singapore về các vấn đề mà ba bên cùng quan tâm, bao gồm an ninh khu vực, sự ứng phó toàn cầu đối với đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu và nỗ lực chung của ba nước nhằm thúc đẩy trật tự quốc tế có nền tảng là luật lệ.

Tin Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris sẽ sớm thăm Việt Nam có lẽ là một trong những thoả thuận nổi bật mà Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã loan báo trước Tuyên bố nói trên một ngày, tức là đúng vào hôm 29/7/2021, sau khi tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đến chào xã giao ông tại Phủ Chủ tịch [2]. Trong cuộc tiếp ấy, ông Nguyễn Xuân Phúc nói ông mong đợi chuyến công du tới đây của bà Harris, tuy không cho biết thêm chi tiết.

Một vấn đề khác cũng được bàn tới trong buổi tiếp xúc nói trên là triển vọng nâng cấp quan hệ đối tác và cách đặt vấn đề từ mỗi phía, làm thế nào để thúc đẩy quan hệ “đối tác toàn diện” hiện nay tiến tới “đối tác chiến lược”. Tại cuộc hội kiến với Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc mà ông Austin cho là “rất vinh dự” và cuộc gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính mà ông đánh giá là “rất long trọng”, các nhà lãnh đạo đã điểm lại các mối quan hệ song phương bền chặt. “Hoa Kỳ cam kết ủng hộ một Việt Nam hùng cường, phồn vinh và độc lập”. Tuyên bố này không mới nhưng đi đôi với lời nói là việc làm, khi Mỹ mang 5 triệu liều vắc-xin Moderna, cùng với 20 triệu đô la viện trợ Việt Nam chống COVID-19. Xúc động biết bao khi ông Austin nói với ông Phúc: “Chúng tôi muốn tiếp tục hỗ trợ theo nhiều cách khác nhau… Chúng tôi không có ràng buộc điều kiện gì cả. Đây là chuyện bạn bè giúp nhau khi cần kíp”.

Động thái nói trên đưa Hoa Kỳ trở thành quốc gia tặng nhiều vắc-xin nhất cho Việt Nam. Ngoài ra, trong kế hoạch của Chính quyền Biden chia sẻ 80 triệu liều vắc-xin cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, Việt Nam cũng nằm trong danh sách các quốc gia được ưu tiên nhận trực tiếp hoặc thông qua cơ chế COVAX. Sự hỗ trợ kịp thời của Mỹ đối với Việt Nam, nhất là trong hoàn cảnh Việt Nam đang phải đối phó với số ca nhiễm tăng kỷ lục, hy vọng sẽ giúp tăng cường lòng tin và thắt chặt hợp tác giữa hai nước.

Lô vắc-xin của hãng Moderna về sân bay Nội Bài, Hà Nội hôm 10/7/2021. Hình: Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội

Tính cấp thiết về chiến lược…

Kết thúc hai ngày ở Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ đã cám ơn Đại tướng Phan Văn Giang vì sự đón tiếp nồng hậu và buổi làm việc hiệu quả. Mối quan hệ đối tác mà ông Austin cho là bắt nguồn từ giao lưu nhân dân bền chặt và cam kết tiếp tục của hai bên trong việc giải quyết các di sản chiến tranh một cách có trách nhiệm, được ông nhấn mạnh thêm trên Twitter: “Trên hết, tôi muốn nói tới tính cấp thiết về chiến lược của quan hệ đối tác”. Tính cấp thiết về chiến lược của quan hệ đối tác, hay đó chính là quan hệ “đối tác chiến lược”? Chúng ta còn phải chờ cho đến khi có thông cáo chung về kết quả từ chuyến công du Việt Nam của bà Phó Tổng thống Harris vào tháng 8 này thì mới rõ [3].

Trong quá trình thăm Việt Nam của ông Austin, Hà Nội chắc chắn đã được giải thích về khái niệm “răn đe tích hợp”, cũng như biết rõ Mỹ cần ASEAN đến mức nào trong cấu trúc FOIP. Ngược lại, cái vị thế chông chênh của Việt Nam, phía Washington cũng có dịp “cân đong đo đếm” khá kỹ. Chẳng phải ngẫu nhiên, suốt từ khi đặt vấn đề chính thức cách đây bốn tháng với Đại sứ Hà Kim Ngọc, người trên danh nghĩa đại diện cho Chủ tịch nước tại Washington, cả chủ lẫn khách đã chăm chút đến từng chi tiết cho chương trình chuyến thăm.

Đúng vào ngày 29/7, lúc tướng 4 sao Lloyd J. Austin rời Hà Nội, Đô đốc Karl L. Schultz, Tư lệnh Lực lượng Tuần duyên Hoa Kỳ, tại cuộc họp báo trực tuyến cùng ngày cũng lại nhấn mạnh trước truyền thông Mỹ và quốc tế về tầm quan trọng của Việt Nam trong vùng. Vị Đô đốc hải quân này cho biết, ông đã gặp một số lãnh đạo Việt Nam và nhận được cam kết, Hà Nội sẽ sử dụng những tàu mà Hoa Kỳ viện trợ phù hợp với lợi ích an ninh quốc gia của Việt Nam trong khu vực. Ông bày tỏ tin tưởng Việt Nam tiếp tục là đối tác quan trọng của lực lượng Tuần duyên Hoa Kỳ. Ông rất háo hức xem Việt Nam sẽ sử dụng ra sao những tàu mà Hoa Kỳ đã viện trợ trước các mối đe dọa trong khu vực [4].

Điều khá thú vị là chính Tuỳ viên Quân sự Hoa Kỳ tại Hà Nội Thomas Stevenson, nhân chuyến thăm của “sếp lớn”, đã bày tỏ lập trường cảm thông với chính sách quốc phòng “4 không” và “một nếu” của Việt Nam. Theo Đại tá Đại tá Thomas Stevenson, đó là cách Việt Nam tạo ra khuôn khổ đóng góp cho đối thoại hiệu quả, để quản lý tranh chấp hiệu quả, không gây xung đột. Vị Đại tá này láy lại thông điệp trong chuyến thăm của Bộ trưởng Austin, cả Việt Nam lẫn Hoa Kỳ đều nhất trí, không ai yêu cầu các nước trong khu vực phải chọn phe. Thay vào đó, kêu gọi các bên hãy lựa chọn và củng cố hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ [5].

Tàu cảnh sát biển CSB 8021 do Mỹ tặng Việt Nam. Hình: Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội

Những khúc mắc phía trước

Nếu như chuyến công du của ông Lloyd Austin nhằm tái khẳng định mối quan hệ quốc phòng giữa Hoa Kỳ với cả ba nước Singapore, Việt Nam, Philippines cũng như cam kết lâu dài của Mỹ đối với khu vực, theo như thông cáo ngày 19/7 của người phát ngôn của Bộ Quốc phòng John F. Kirby, thì chuyến thăm tới đây của bà Harris càng chứng minh Việt Nam và ASEAN là một phần thiết yếu trong kiến trúc Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP) của Chính quyền Biden – Harris.

Nhìn từ Việt Nam, các nhà quan sát dễ thống nhất với nhau: Lại một cơ hội lớn nữa sắp đến với đất nước có gần 100 triệu dân, mang trong mình “cặp gen” cảnh giác/dám chống lại thế lực bành trướng phương Bắc. “Cặp gen” này – vừa thuần phục vừa cảnh giác – và trong trường hợp chẳng đừng thì sẵn sàng chống trả, đã được đúc kết từ trong lịch sử cả hàng ngàn năm. Mỹ cần một Việt Nam hùng cường như thế và một ASEAN có vai trò trung tâm trong khu vực để đối phó với dã tâm độc chiếm Biển Đông và ý đồ của Bắc Kinh lăm le lật nhào cái trật tự dựa trên nguyên tắc và luật lệ quốc tế, để thay vào đó bằng trật tự toàn trị và bá quyền do Trung Quốc khống chế và chỉ huy.

Đến giờ này thì cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ chẳng ai giấu diếm các “đại chiến lược” nói trên. Với Mỹ, có thể tham khảo “Hướng dẫn tạm thời về chiến lược an ninh quốc gia”. Vai trò của Việt Nam đã được nhắc đến trong chiến lược này, với tư cách là đối tác khu vực và quốc tế [6]. Với Trung Quốc, có thể chứng kiến các tuyên bố nhân kỷ niệm 100 năm thành lập ĐCSTQ và cuộc thượng đỉnh giữa Trung Quốc với các chính đảng đầu tháng 7 vừa qua. Tại các sự kiện ấy, Bắc Kinh đã coi cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam năm 1979, cuộc đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974 và vụ thảm sát trên đảo Gạc Ma năm 1988 là những cột mốc lớn trên con đường “cách mạng” của ĐCSTQ [7].

Trong bối cảnh ấy, từ phía Việt Nam, liệu quan điểm bất thành văn của một giới nào đó cho rằng, nếu Việt Nam muốn hoà bình thì phải thần phục Trung Quốc, còn muốn phát triển thì phải quan hệ tốt với Mỹ, liệu có còn hợp thời? Cách đặt vấn đề như thế này trên thực tế là phi logic, vì hoà bình là điều kiện để phát triển, phát triển mới tạo tiềm lực để giữ vững hoà bình. Hai yếu tố này quan trọng như nhau và tuỳ thuộc lẫn nhau. Chưa nói, quan niệm ấy là một sự đánh đồng Trung Quốc với Mỹ, nên chỉ chú tâm theo đuổi “chính sách đu dây”.

Chính sách đu dây” thực chất chỉ là phản ứng tự nhiên của người yếu trước những kẻ mạnh, chẳng phải là một đối sách gì to tát hay cao siêu. Nhìn nước Lào chẳng hạn, trước đây cũng “đu dây” nhưng giờ đây thì thực chất đã ngả hắn về Trung Quốc, chỉ còn vuốt ve và tranh thủ Việt Nam để giữ thể diện và hoà khí. Riêng Campuchia thì không cần khéo đến mức như những người Lào “anh em”. Và đấy là sự lựa chọn của các nước ấy!

Giờ đây, bối cảnh quan hệ Việt – Mỹ đang thuận lợi do có sự điều chỉnh chiến lược từ phía Mỹ và đồng minh. Hoa Kỳ muốn thăm dò Việt Nam về khả năng lập quan hệ “đối tác chiến lược” và đã chủ động tạo điều kiện để Việt Nam lựa chọn. Thực ra việc tranh thủ hỗ trợ vắc-xin hay phương tiện tuần tra ở Biển Đông chỉ mang ý nghĩa trước mắt và ngắn hạn, trong khi cả Hoa Kỳ và bối cảnh thời cuộc đang thúc đẩy Việt Nam và các nước Đông Nam Á phải đưa ra lựa chọn rộng mở hơn.

Câu hỏi là có thể tiếp tục lần lữa và trì hoãn, đẩy sự lựa chọn ấy từ nhiệm kỳ này cho nhiệm kỳ kế tiếp hay không? Cái khó bây giờ không chỉ là để đáp lại sự chủ động từ Hoa Kỳ hay giữ ý với Trung Quốc, mà vấn đề là làm sao để đáp ứng được mong mỏi của người dân nữa. Qua đại dịch, người dân Việt Nam càng thấy rõ ai là bạn thật sự của mình lúc khốn khó. Có thể nói, với nhân dân, họ đã có sự lựa chọn của mình rồi.

Vậy làm thế nào để lãnh đạo quyết định? Câu chuyện quan hệ Việt – Mỹ và Việt – Trung không đơn giản chỉ liên quan đến chính sách đối ngoại, nó còn là mục tiêu và chiến lược phát triển quốc gia. Vì vậy, ở đây là vấn đề chính trị đối nội, tức là quan hệ quyền lực. Liệu có cá nhân nào đó đủ mạnh để dám quyết (nếu là cá nhân), hoặc có sự đồng thuận nào đó từ Bộ Chính trị (nếu là tập thể) để lấy quyết định không? Phép thử này đang đặt ra cho ban lãnh đạo nhiệm kỳ hiện nay, liệu “Tứ trụ” mới có dám học theo cả “cái chí” lẫn “cái dũng” của người thầy Hồ Chí Minh năm xưa?

Quan hệ đối ngoại, một khi được xác lập lấy lợi ích quốc gia làm nền tảng, sẽ trở nên bộ phận cấu thành của nguồn lực chính trị, kinh tế, quân sự của quốc gia. Vấn đề là, thay vì bám giữ nhận thức cũ trước đây khi tách bạch nội lực và ngoại lực, người làm chiến lược cần tính toán, tận dụng nguồn lực đặc biệt này sao cho tối ưu hoá nó ở mức cao nhất.

Nguồn: RFA/TS Đinh Hoàng Thắng

 

Tags: ,

More Stories From Biển Đông

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh