Luật sư đưa vụ án Phạm Đoan Trang ra LHQ: Việt Nam vi phạm nhân quyền trầm trọng
Posted by Luu HoanPho, Sep 14, 2021, Comments Off
Luật sư nhân quyền quốc tế Kurtulus Bastimar (trái) đã nộp hồ sơ vụ án Phạm Đoan Trang (phải) lên Nhóm công tác LHQ về Giam giữ tùy tiện (UNWGAD), đồng thời ông cho biết sẽ nhận được phán quyết trong tháng 9/2021.–
Luật sư nhân quyền quốc tế Kurtulus Bastimar có văn phòng ở Thổ Nhĩ Kỳ cho VOA biết ông đã nộp hồ sơ vụ án Phạm Đoan Trang lên Nhóm công tác Liên Hiệp Quốc về Giam giữ tùy tiện (UNWGAD), đồng thời ông cho biết sẽ nhận được phán quyết trong tháng 9 này.
Ông nhận định rằng vụ án của nhà báo Phạm Đoan Trang, người bị chính quyền Việt Nam chính thức truy tố với tội danh “Tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 88 Bộ Luật hình sự 1995 và sắp được đưa ra xét xử, “có nhiều vi phạm nghiêm trọng”. Cụ thể, ông cho rằng Việt Nam là quốc gia thường xuyên vi phạm quyền tự do ngôn luận và quyền được xét xử công bằng so với các quốc gia khác.
Ông Bastimar là một luật sư người Kurd, tốt nghiệp trường Luật Châu Âu thuộc Đại học Maastricht, chuyên về luật nhân quyền châu Âu và luật nhân quyền quốc tế. Vừa qua ông đại diện thành công tại UNWGAD cho nhà báo Việt Nam Lê Hữu Minh Tuấn, và cho một nhà hoạt động nhân quyền Cuba Luis Manuel Otero Alcantara, người đã được phóng thích.
Sau đây là nội dung cuộc trao đổi với Luật sư Bastimar.
VOA: Thưa Luật sư, ông có thể cho biết một vài thông tin liên quan đến việc đưa vụ án Phạm Đoan Trang ra LHQ?
Luật sư Kurtulus Bastimar: Tôi đã đưa trường hợp của bà Phạm Đoan Trang lên Nhóm Công tác của Liên hợp quốc về việc cô ấy bị bắt giữ tùy tiện, sau đó tôi đã chính thức nộp hồ sơ lên UNWGAD và hồ sơ đã được chấp nhận, và chính phủ Việt Nam cũng bị UNWGAD yêu cầu phải nộp giải trình của họ.
Vừa qua tôi đã nhận được một e-mail từ Nhóm công tác UNWGAD thông báo rằng phán quyết sẽ được đưa ra trong tháng này, cụ thể là vào tháng 9, và theo phán quyết, tôi tin chắc rằng trong đó sẽ nêu sự vi phạm rất lớn của chính phủ Việt Nam đối với Công ước Quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam là thành viên ký kết.
Chúng tôi đã viện dẫn các điều khoản vi phạm rất nghiêm trọng của chính quyền Việt Nam.
Luật sư Kurtulus Bastimar: Tôi chắc chắn sẽ thắng kiện chính phủ Việt Nam và UNWGAD sẽ ra phán quyết có vi phạm quyền tự do ngôn luận đối với thân chủ Phạm Đoan Trang, trong đó có quyền được xét xử công bằng … Và sau khi nhận được phán quyết này, một phán quyết quốc tế, tôi tiếp tục hợp tác rất chặt chẽ với các tổ chức phi chính phủ có tiếng nói, có ảnh hưởng và các tổ chức quốc tế cũng như các cá nhân.
Tôi đang lên kế hoạch bắt đầu một chiến dịch lớn sẽ tạo ra một áp lực rất lớn đối với chính phủ Việt Nam và tôi sẽ kêu gọi mọi người ủng hộ chiến dịch trả tự do cho thân chủ Phạm Đoan Trang của tôi, và tôi sẽ cố gắng hết sức.
VOA: Thưa ông, qua hai hồ sơ của Lê Hữu Minh Tuấn và Phạm Đoan Trang, ông nhận định như thế nào về tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam?
Luật sư Kurtulus Bastimar: Rất tiếc, theo quan sát của tôi, Việt Nam là nước đầu tiên tôi biết vi phạm nhân quyền quá nhiều, và qua từng hồ sơ mà chúng tôi thực hiện cho thấy rõ tình trạng sử dụng các điều luật hay bộ luật hình sự của Việt Nam để bịt miệng các nhà báo và các tác giả.
Vì vậy, tôi muốn nói rằng quyền tự do ngôn luận, cụ thể như quyền tự do báo chí, là quyền căn bản nhất và quan trọng nhất, lại đang bị chính phủ vi phạm rất nhiều so với các nước khác, ví dụ nữa là quyền được xét xử công bằng và những quyền khác. Đây thực sự là một vấn đề lớn.
Về cơ bản, chính phủ Việt Nam sử dụng các bộ luật hình sự này như một công cụ để bịt miệng người dân và hạn chế, thậm chí cấm đoán quyền tự do ngôn luận.
VOA: Ở trong nước, các luật sư cũng đang cố gắng xin được thăm gặp bà Phạm Đoan Trang và nỗ lực để bào chữa cho bà, ông sẽ đồng hành cùng với họ như thế nào?
Luật sư Kurtulus Bastimar: Tôi muốn gửi lời nhắn đến những người đang bảo vệ quyền lợi cho bà Phạm Đoan Trang tại Việt Nam theo luật pháp trong nước. Và tôi sẽ nói rằng họ không đơn độc, và tôi sẽ ở bên họ cho đến khi Phạm Đoan Trang được tự do. Và tôi sẽ tiếp tục đấu tranh cho quyền của bà ấy.
Nguồn: VOA Tiếng Việt