Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Tuesday, December 3, 2024

Dân Ngã ba Ông Tạ nhớ về Bà Thiệu


Phu nhân của cố Tổng thống Việt Nam Cộng hoà Nguyễn Văn Thiệu, bà Christine Nguyễn Thị Mai Anh, mới qua đời ngày 15/10/2021 tại miền Nam California, hưởng thọ 91 tuổi. Bà mất đúng 20 năm sau khi ông Thiệu qua đời tại Boston, Hoa Kỳ năm 2001.

Hai mươi năm của chính thể Việt Nam Cộng hoà có bốn tổng thống: Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu, Trần Văn Hương và Dương Văn Minh.

Dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm có bà Ngô Đình Nhu được cho là “Đệ Nhất Phu nhân” không chính thức, vì bà là vợ của cố vấn Ngô Đình Nhu, bào đệ của Tổng thống độc thân Ngô Đình Diệm. Thực sự bà Nhu là con người với tham vọng chính trị vì bà là dân biểu quốc hội và đã khuấy động chính trường trong những năm dưới thời Ngô tổng thống.

Sau đảo chánh 1/11/1963, trước khi khai sinh Đệ Nhị Cộng hoà, những năm 1965-67 có bà Đặng Tuyết Mai cũng sôi nổi vì là tình nhân, rồi trở thành phu nhân của Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ, khi đó là Chủ tịch Uỷ ban Hành pháp Trung ương, là chức vụ như thủ tướng, cùng với Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu là Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia, như một quốc trưởng.

Ngoài ông Kỳ, ông Thiệu thì những ngày tháng cuối cùng của Việt Nam Cộng hoà còn có Tổng Thống Trần Văn Hương, lãnh đạo một tuần, và Tổng thống Dương Văn Minh lãnh đạo đất nước hai ngày nên người dân không nghe biết đến các vị phu nhân. Ngay cả Tướng Minh, sau đảo chánh 1/11/1963 đã làm Chủ tịch Hội đồng Quân nhân Cách mạng và quốc trưởng nhưng người dân cũng ít nghe nói đến phu nhân.

Bà Nguyễn Văn Thiệu là phu nhân của Tổng thống Việt Nam Cộng hoà từ 1967 đến 1975, nhưng bà không phô trương ồn ào, không can dự vào công việc của chồng mà chỉ làm công tác xã hội, uỷ lạo chiến sĩ, giúp người nghèo.

Trong quá khứ, giới truyền thông chống chính phủ Việt Nam Cộng hoà thường đưa ra cáo buộc những phu nhân của lãnh đạo miền Nam, như bà Nguyễn Văn Thiệu, bà Trần Thiện Khiêm, bà Đặng Văn Quang với những vụ mua quan bán chức hay buôn lậu mà không đưa bằng chứng, chỉ là những lời đồn, như vụ buôn lậu ở Long An với còi hụ xe nhà binh với đồn đãi là bà Thiệu tổ chức. Khi đó vụ việc đổ bể và nhiều thùng rượu mạnh được vội vã đổ hàng ngay trong khu vực Ngã ba Ông Tạ.

Khu vực Ngã ba Ông Tạ từ năm 1974 cũng là bản doanh của Phong trào Nhân dân Chống tham nhũng, do linh mục Trần Hữu Thanh đứng đầu, đặt tại giáo xứ Tân Chí Linh. Phong trào đã đưa ra những bản cáo trạng nhắm vào Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và phu nhân.

Khi hay tin Bà Thiệu qua đời, nhiều cư dân vùng Ông Tạ đã nhắc lại những ký ức về bà.

Theo phóng viên báo Tuổi Trẻ Cù Mai Công, một người được sinh ra và sống ở Ngã ba Ông Tạ, viết trên Facebook thì trước 1963 ông bà Thiệu sống trong cư xá sĩ quan Trần Hưng Đạo, trên đường Thoại Ngọc Hầu (nay là Phạm Văn Hai), gần Bộ Tổng tham mưu và bà Thiệu cùng với bà Trần Thiện Khiêm thường đi chợ Ông Tạ bằng xích lô đạp, ngang qua nhà ông.

Khi ông Thiệu làm tổng thống, bà Thiệu muốn xây một bệnh viện cho người nghèo thì địa điểm cho Bệnh viện Vì Dân được chọn nằm tại một góc của Ngã tư Bảy Hiền, trên phần đất mà địa dư nằm trong quần thể Ngã ba Ông Tạ.

Bệnh viện Vì Dân được khánh thành năm 1971. Nhiều cư dân trong khu vực đã được chữa trị miễn phí nên dân quanh vùng gọi đó là “Bệnh viện Bà Thiệu” hay “Nhà thương Bà Thiệu”. Đó là một cơ sở y tế rộng lớn, hiện đại với 400 giường bệnh. Tôi đã đi qua nơi này mỗi ngày trong những năm học cấp ba ở trường Nguyễn Bá Tòng Gia Định.

Vùng Sài Gòn – Gia Định khi đó đã có các bệnh viện Bình Dân, Chợ Rẫy, Nguyễn Văn Học, Nhi Đồng nằm ở nhiều vị trí. Khi bệnh viện Vì Dân hoạt động thì phục vụ dân chúng trong một vùng rộng lớn, có thể nói là từ Hoà Hưng, Ngã ba Ông Tạ ra đến Hóc Môn, Trung Chánh theo đường Lê Văn Duyệt nối dài (nay là CMT8). Còn theo đường Nguyễn Văn Thoại (nay là Lý Thường Kiệt) nối dài Võ Tánh là từ cư xá Lữ Gia qua Ngã tư Bảy Hiền, Lăng Cha Cả, tới Ngã tư Phú Nhuận.

Một người dân đã hồi tưởng về nơi này:

“Tôi cũng dân gốc Ông Tạ, hồi nhỏ sống và đi học ở Ông Tạ, lớn lên lấy vợ cũng đem về Ông Tạ và có con cũng ở Ông Tạ. Khi Bệnh viện Vì Dân đang xây, tôi 13 tuổi, chỉ nghe người ta nói nên biết đó là ‘bệnh viện của bà Thiệu’, nhưng nhiều lần đi học trường Nghĩa Hòa về ngang, ngó lên mấy chữ VÌ DÂN to đùng trên nóc bệnh viện, tôi không hiểu, cứ tự nghĩ trong đầu: ‘Tên nghe kỳ!’

Sáng Mùng 2 Tết năm 1973 bố tôi xuất hành lấy hên đầu năm, khi về đến nhà thì than nhức đầu và ngả mình lên chiếc ghế bố, miệng tự dưng á khẩu. Đến chiều chúng tôi nhờ xe Lam đưa bố tôi vào Bệnh viện Vì Dân. Hóa ra bố tôi bị đứt mạch máu não. May mà các bác sĩ tận tình chạy chữa, nên bố tôi vẫn giữ được tánh mạng, nhưng cũng bị liệt nửa người, chỉ chống gậy đi đi lại lại trong nhà, chín năm sau thì mất.

Những ngày vào thăm bố trong bệnh viện, vào cổng phụ trên đường Lê Văn Duyệt, bây giờ là Cách Mạng Tháng 8, có cảnh sát áo trắng mũ lưỡi trai đứng gác, tôi mới hiểu ý nghĩa của hai chữ ‘vì dân’, nghĩa là ‘vì người nghèo’. Nhưng cũng chỉ là hiểu nghĩa đen vậy thôi, rồi quên mất. Hôm nay, nghe tin bà Mai Anh mất, tôi nhớ lại chuyện xưa, rồi nghĩ đến chuyện nay, tự dưng thấu suốt được cái nhân ái to lớn ẩn trong hai chữ ‘Vì Dân’ đơn giản và cụt lủn mà ngày xưa tôi đã chỉ thấy kỳ!

Xin cúi đầu tạ ơn người Phụ nữ có gương mặt phúc hậu và một trái tim nhân ái. Cầu mong Bà được an nghỉ đời đời nơi nước Chúa.”

Trên trang Facebook của Hội Đồng Hương Ông Tạ nhiều người nhắc đến bà Thiệu và công trình của bà.

Hà Trần nhớ lại: “Tôi sanh con đầu lòng tại Bệnh Viện Vì Dân. Tôi là giáo viên nên cũng được không tốn lệ phí, cũng được cho tiền sữa, được chăm sóc chu đáo, 3 bữa ăn một ngày. Mong Bà ra đi thanh thản và nguyện xin Chúa đón nhận trên đường Bà về Quê Trời.”

Khánh Vũ không quên một kỷ niệm: “Em gái út của tôi được hạ sinh hồi đầu năm 1974 tại bệnh viện Vì Dân, lúc đó tôi chỉ là chú nhóc 7 tuổi, được ba đưa vào bệnh viện thăm má, thăm em bé mấy ngày liền. Tôi đã phóng cẳng thả giàn chạy chơi trong bệnh viện. Lần đầu tiên trong đời tôi được đi thang máy là ở bệnh viện Vì Dân này đây. Viết ra đây một thoáng kỷ niệm về một nơi bà Mai Anh đặt dấu ấn, đã và sẽ được người đời trân trọng nhắc nhở mãi về sau…”

Chung Nguyen: “Bệnh viện Vì Dân tôi biết khi còn rất trẻ vì gia đình tôi ở khu Ông Tạ. Tôi có bà chị họ sinh đẻ ở đó, chị là vợ một quân nhân thường thôi chứ không phải cấp uý hay tướng tá gì hết. Sau một tuần lễ ở bệnh viện quay trở về nhà, chị không phải đóng một đồng tiền lệ phí nào cho bệnh viện, chị còn được cho tiền và 10 mét vải may tã cho em bé, 10 hộp sữa bò và thuốc men cho cả hai mẹ con…”

Còn Thien Nguyen, một học sinh nghèo, nhớ lại ngày nhận học bổng: “Bà đã trao tiền học bổng học sinh nghèo, học giỏi cho tôi cả năm lớp 9. Mẹ đã dắt tôi đi nhận tại hội trường Viện Quốc gia Âm nhạc…”

Nhà thơ Bùi Chí Vinh là cư dân quận 3 Sài Gòn thời trước 1975, khi hay tin bà Thiệu qua đời đã làm bài thơ, với những câu:

Cô Bảy Mỹ Tho cùng tuổi với má tôi
Má tôi chết trước cô 3 năm ở một xứ sở buồn như địa ngục
Cô chết lưu vong nhưng cũng có những tháng ngày hạnh phúc
Thượng thọ 90 còn gì nữa để ngậm ngùi
“Đâu có tình yêu thương, ở đó có Đức Chúa Trời”
Cô đã thuộc lòng lời ca thánh yêu thương khi ngồi trong lớp học
Khi trở thành Đệ Nhất Phu Nhân cô càng biết rơi nước mắt
Xây bệnh viện Vì Dân miễn phí giúp người nghèo
Là phụ nữ miền Tây cô không thích nói nhiều
Công, dung, ngôn, hạnh như Kiều Nguyệt Nga trong thơ Đồ Chiểu
Cô đi không hậu ủng tiền hô, cô đến không slogan khẩu hiệu
Thăm viện dưỡng lão, trại cô nhi như thăm viếng người nhà
Cô Bảy Mỹ Tho ơi, làm sao không nén nổi xót xa
Bệnh viện Vì Dân của cô ngày xưa bây giờ “Vì Quan” mà phục vụ
Dân còn không có ăn thì lấy gì mà thuốc men, mà giường nằm, mà lót tay đủ thứ…

Cách bệnh viện Vì Dân vài trăm mét là trường trung học Quốc Gia Nghĩa Tử, nơi dành cho học sinh là con em của tử sĩ và thương phế binh Việt Nam Cộng hoà. Tuy bà Thiệu không phải là người khai sinh ngôi trường, nhưng bà luôn quan tâm giúp đỡ cho trường và các em học sinh.

Bà Tranh Nguyễn, người cùng xóm với tôi ở Ngã ba Ông Tạ và là cựu học sinh nội trú của trường Quốc Gia Nghĩa Tử, hiện ở tiểu bang Texas, chia sẻ: “Bà Thiệu là người đã dành rất nhiều tâm huyết cho trường. Khi xây xong bệnh viện Vì Dân bà đã đưa mấy chục học sinh Quốc Gia Nghĩa Tử đi học điều dưỡng để về làm cho bệnh viện. Bà còn có nhiều gắn bó dành cho thương binh, cô nhi, quả phụ. Học sinh của trường luôn coi bà là nghĩa mẫu.”

Khi hay tin bà Thiệu từ giã cõi đời, bà Tranh viết mấy vần thơ tưởng nhớ:

Chúng con là đám trẻ sớm mồ côi
Từ bốn phương lòng đang hướng về Cội
Cùng chung tay thắp một nén nhang trầm
Quyện theo gió bay về bên Nghĩa Mẫu
Muốn nói nhiều nhưng bây giờ không thể
Vì chúng con lòng thổn thức bi thương…
Quốc Gia Nghĩa Tử một ngôi trường
Không sáng lập nhưng Mẹ đã dày công vun đắp
Cho chúng con những đứa trẻ mồ côi
Những đứa trẻ còn cha không lành lặn
Một tương lai, một cuộc sống no đầy…
Bệnh viện Vì Dân một điều còn hiện hữu
Dù hôm nay đã đổi chủ thay tên
Nhưng trái tim của nhiều người đất Việt
Vẫn ghi lòng công của Mẹ… Mẹ ơi
Mẹ ra đi để lại luống ngậm ngùi
Lòng thương nhớ bao giờ nguôi hả Mẹ.!!?
(19/10/21)

Bà Thiệu quê quán ở Mỹ Tho, sinh năm 1931 trong một gia đình công giáo có mười chị em và bà là người con thứ 7 nên có tên “Cô Bảy Mỹ Tho”. Cô Bảy kết hôn với trung uý Nguyễn Văn Thiệu năm 1951 và có ba người con là Nguyễn Thị Tuấn Anh, Nguyễn Quang Lộc và Nguyễn Thiệu Long.

Cuối tháng 4/1975, trong lúc tình hình quân sự và chính trị tại Việt Nam trong cảnh dầu sôi lửa bỏng, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức và vài ngày sau ông rời Việt Nam qua Đài Loan, rồi sang Anh quốc sống ở London gần 20 năm trước khi qua Mỹ định cư ở vùng Boston. Sau khi ông Thiệu mất, bà dọn về nam California sống với con trai cho đến khi lìa trần.

Xin chia buồn cùng tang quyến. Nguyện xin cho linh hồn Christine được an nghỉ bên Chúa Kitô trên Thiên Đàng.

Nguồn: VOA Tiếng Việt

Tags:

More Stories From Xã Hội

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh