Vụ Bành Súy: Quyết định có tính toán của WTA
Posted by Luu HoanPho, Dec 2, 2021, Comments Off
Nữ vận động viên tennis Trung Quốc Bành Súy trong trận đấu đơn với tay vợt Monica Niculescu người Rumani tại Giải Quần Vợt Mở Rộng Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 04/10/2017. AP – Andy Wong.–
Quyết định của Hiệp Hội Quần Vợt Nữ (WTA) đình chỉ ngay lập tức các giải đấu ở Trung Quốc và Hồng Kông để bày tỏ sự ủng hộ đối với cây vợt ngôi sao Bành Súy, đã có tác động như một quả bom, bởi lẽ chưa bao giờ một tổ chức thể thao quốc tế dám có hành động mạnh mẽ như thế đối với Trung Quốc, một thị trường rất béo bở.
Đây không phải là lần đầu tiên một tổ chức thể thao quốc tế bị Trung Quốc đưa vào tầm ngắm do lập trường của các vận động viên hay của các quan chức. Trung Quốc đã từng ngưng chiếu các trận đấu của NBA (Hiệp Hội Bóng Rổ Quốc Gia Mỹ) sau khi quản lý của đội Houston Rockets Daryl Morey bày tỏ sự ủng hộ phong trào biểu tình đòi dân chủ ở Hồng Kông năm 2019. Bắc Kinh cũng đã từng kiểm duyệt tên của cầu thủ của Premier League Mesut Ozil trên mạng Internet Trung Quốc, sau khi cầu thủ này lên tiếng phản đối việc Trung Quốc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ Hồi Giáo ở Tân Cương.
Gần đây, các trận đấu của Boston Celtics trong giải NBA cũng bị cấm chiếu, do một trong những tuyển thủ của đội này, Enes Kanter vẫn chỉ trích chính sách của Tập Cận Bình đối với Tân Cương, Hồng Kông và Tây Tạng, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ Đài Loan.
Vụ Bành Súy tố cáo một quan chức cấp cao Trung Quốc lạm dụng tình dục xảy ra vào lúc mà phong trào #MeToo cũng đã lan đến giới thể thao. Theo nhận định của giáo sư Simon Chadwick, Trường Kinh Doanh Emlyon ở Pháp, được đài Al Jazeera trích dẫn hôm nay, so với các tổ chức thể thao khác, WTA có thời điểm thuận lợi và động lực chính trị để ra quyết định đình chỉ các giải đấu ở Trung Quốc.
Nói cách khác, tổ chức này đã cân nhắc, tính toán kỹ rủi ro. Giáo sư Chadwick nói: “WTA có thể đã tính toán rất kỹ và thấy rằng nếu không lên tiếng, họ sẽ mất nhiều hơn là được, bởi vì sẽ bị xem là đứng về phía Trung Quốc.”
Nhưng vì sao WTA lại ra một quyết định mà chắc chắn sẽ gây thiệt hại tài chính nặng nề, vì Trung Quốc được xem là một thị trường quan trọng ? Trong mùa thi đấu 2019, tức là khi dịch Covid-19 chưa bùng phát, đã có 10 giải quần vợt được tổ chức ở Trung Quốc, trong đó có giải Masters nữ vào cuối năm, với ngân sách lên tới 14 triệu đô la, nhiều hơn so với giải Masters nam.
Theo lời giáo sư Chadwick, mặc dù đã có đầu tư đáng kể vào bộ môn quần vợt ở Trung Quốc, quần vợt nữ ở nước này thật ra lại không phát triển nhanh chóng như WTA mong muốn lúc ban đầu, cho nên thị trường này không thật sự quan trọng lắm.
Quyết định nói trên cũng là hậu quả của đại dịch Covid-19. Trong năm 2019, Thâm Quyến chỉ tổ chức duy nhất một giải chung kết WTA. Giải chung kết 2020 thì đã bị hủy do đại dịch, còn giải 2021 đã được dời qua Mêhicô, do dịch Covid-19 lại bùng phát ở Trung Quốc.
Trong khi đó, Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế CIO sẽ vẫn phải tham gia tổ chức Thế Vận Hội mùa đông Bắc Kinh 2022 như dự kiến, tuy với sự hạn chế về khán giả do tình hình đại dịch. Sau vụ Bành Súy mất tích, CIO đã tuyên bố sẽ “tiếp tục đối thoại” với phong trào Olympic Trung Quốc về các vấn đề liên quan đến nhà cựu vô địch này. Trên mạng Twitter, một quan chức của CIO, Emma Terho khẳng định tổ chức này chủ trương một đường lối ngoại giao “êm thấm” với Bắc Kinh.
Nhưng WTA không muốn có phản ứng nhẹ nhàng như thế. Trong thông cáo đưa ra hôm qua, chủ tịch WTA Steve Simon đã mạnh mẽ tuyên bố : “WTA sẽ làm hết sức mình để bảo vệ các cây vợt nữ. Tôi hy vọng là các lãnh đạo thế giới sẽ tiếp tục lên tiếng để công lý được thực thi cho Bành Súy và cho mọi phụ nữ, cho dù hậu quả tài chính là như thế nào”.
Khi ra quyết định nói trên, rõ ràng là WTA được nhiều tiếng thơm, trong khi CIO thì đang bị chỉ trích là gián tiếp giúp Bắc Kinh nhận chìm vụ Bành Súy, sau cuộc nói chuyện qua video giữa chủ tịch CIO Thomas Bach và ngôi sao quần vợt Trung Quốc, mà trong đó ông không hề đề cập đến những cáo buộc về lạm dụng tình dục.
WTA hóa ra còn đáng khen hơn cả tổ chức Cảnh sát Quốc tế Interpol. Trong vụ chủ tịch người Trung Quốc Mạnh Hoành Vĩ mất tích khi về nước vào năm 2018 và 18 tháng sau đó ra nhận tội tham nhũng và bị kết án 13 năm tù, Interpol có vẻ như bằng lòng với bức thư “xin từ chức” của ông Mạnh Hoành Vĩ và cũng không mở điều tra về vụ mất tích của nhân vật này, lấy lý do “quy định nội bộ của Interpol không cho phép điều tra”.
Nguồn: RFI/Thanh Phương