Biển Đông: Mỹ cập nhật bản “cáo trạng” về yêu sách chủ quyền của Trung Quốc
Posted by Luu HoanPho, Jan 13, 2022, Comments Off
Ảnh minh họa: Đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trong phạm vi đường 9 đoạn tại Biển Đông. UNCLOS/CIA.–
Đúng vào lúc khối Đông Nam Á ASEAN chuẩn bị họp hội nghị thường niên của các ngoại trưởng, trong đó vấn đề Biển Đông có thể được gợi lên, Hoa Kỳ ngày 12/01/2022 đã công bố một tài liệu cập nhật được đánh giá là một “cáo trạng” hoàn chỉnh nhắm vào các yêu sách chủ quyền bị quốc tế coi là phi pháp của Trung Quốc đối với vùng biển này.
Tài liệu mang tựa đề “Ranh Giới Trên Biển – Limits in the Seas”, với số thứ tự 150 kèm theo tiểu tựa “Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa: Các yêu sách hàng hải tại Biển Đông” là một công trình nghiên cứu dài 47 trang do Cục Đại Dương và Các Vấn Đề Môi Trường và Khoa Học Quốc Tế thuộc Bộ Ngoại Giao Mỹ công bố.
Đây là một tài liệu nằm trong loạt nghiên cứu kỹ thuật và pháp lý đã có từ lâu của Mỹ về các tuyên bố chủ quyền biển của mỗi nước và xem xét tính chất phù hợp với luật pháp quốc tế của các đòi hỏi này.
Trung Quốc phải chấm dứt các hành động cưỡng chế và trái pháp luật trên Biển Đông
Trong một thông cáo báo chí giới thiệu tài liệu, bộ Ngoại Giao Mỹ cho biết là công trình nghiên cứu mới nhất này đã kết luận rằng Trung Quốc đang “khẳng định những yêu sách chủ quyền phi pháp trên đa phần Biển Đông, kể cả một yêu sách lịch sử phi pháp”.
Thông cáo nhắc lại rằng bản nghiên cứu mới này dựa trên một phân tích năm 2014 của bộ Ngoại Giao Mỹ về các đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh bên trong một “đường gián đoạn” mơ hồ trên Biển Đông. Kể từ năm 2014, Trung Quốc tiếp tục khẳng định chủ quyền đối với một vùng rộng lớn trên Biển Đông cũng như tại những nơi mà Trung Quốc gọi là “vùng nội thủy” và “quần đảo xa”, và tất cả các yêu sách đó đều không phù hợp với luật pháp quốc tế như được thấy trong Công Ước về Luật Biển năm 1982.
Thông cáo kết luận: “Với việc công bố bản nghiên cứu mới nhất này, Hoa Kỳ một lần nữa kêu gọi Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa điều chỉnh các yêu sách hàng hải của mình sao cho phù hợp với luật pháp quốc tế như đã được phản ánh trong Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, tuân thủ phán quyết về Biển Đông ngày 12/07/2016 của Tòa Trọng Tài (Thường Trực La Haye), và chấm dứt các hoạt động cưỡng chế và trái pháp luật trên Biển Đông.”
4 loại yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông đều trái với luật pháp quốc tế
Theo các tác giả công trình nghiên cứu Ranh Giới Trên Biển, căn cứ vào các tài liệu đã được Trung Quốc công bố, Bắc Kinh đã có đến 4 bốn loại yêu sách chủ quyền khác nhau trên Biển Đông, nhưng tất cả đều không phù hợp với luật pháp quốc tế như được phản ánh trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Loại yêu sách thứ nhất liên quan đến các thực thể trên biển (maritime features). Bản nghiên cứu ghi nhận là Trung Quốc đòi “chủ quyền” đối với hơn một trăm thực thể ở Biển Đông, những bãi cạn hay rạn san hộ vốn chìm dưới mặt biển khi thủy triều lên cao và nằm ngoài giới hạn hợp pháp của lãnh hải của bất kỳ quốc gia nào.
Trên bình diện pháp lý, những yêu sách như vậy không phù hợp với luật pháp quốc tế, theo đó các thực thể nửa chìm nửa nổi không thể là đối tượng của một yêu sách chủ quyền hợp pháp hoặc không có khả năng tạo ra các vùng biển như lãnh hải chẳng hạn.
Loại yêu sách thứ hai liên quan đến các đường cơ sở thẳng. Cho đến nay, Bắc Kinh đã vạch ra hoặc khẳng định quyền được vẽ ra “các đường cơ sở thẳng” bao quanh các đảo, vùng biển và các thực thể chìm bên trong một không gian đại dương rộng lớn ở Biển Đông.
Theo các tác giả của bản nghiên cứu, không một nhóm nào trong số bốn “nhóm đảo” mà Trung Quốc đòi yêu sách chủ quyền ở Biển Đông (Quần Đảo Đông Sa (đảo Pratas), Quần Đảo Tây Sa (tức là Hoàng Sa), Quần Đảo Trung Sa (bãi Macclesfield), và Quần Đảo Nam Sa (tức là Trường Sa) đáp ứng được các tiêu chí địa lý cho việc sử dụng các đường cơ sở thẳng theo Công Ước Liên Hiệp Quốc 1982.
Ngoài ra, không có một tập quán pháp lý quốc tế riêng biệt nào biện minh cho quan điểm của Trung Quốc, theo đó nước này có thể xác định các đường cơ sở thẳng bao quanh các nhóm đảo.
Quyền lịch sử của Trung Quốc trên Biển Đông không có cơ sở pháp lý
Hai loại yêu sách tiếp theo mà Trung Quốc đưa ra liên quan đến các vùng biển và các quyền gọi là “lịch sử” của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Về các vùng biển. Trung Quốc khẳng định các yêu sách chủ quyền đối với nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa dựa trên việc coi mỗi nhóm đảo trên Biển Đông mà nước này tự nhận chủ quyền là “một thực thể đơn nhất”.
Bản nghiên cứu của Mỹ nhấn mạnh rằng điều vừa kể không được luật pháp quốc tế cho phép. Phạm vi của các vùng biển phải được đo từ các đường cơ sở được thiết lập hợp pháp, thường là ngấn nước dọc theo bờ biển lúc thủy triều thấp. Ngoài ra, trong các vùng biển mà họ tự cho là thuộc chủ quyền của mình, Trung Quốc cũng đưa ra nhiều yêu sách về quyền tài phán không phù hợp với luật pháp quốc tế.
Riêng về các quyền lịch sử, Trung Quốc luôn khẳng định rằng họ có “quyền lịch sử” ở Biển Đông. Theo tài liệu vừa được Mỹ công bố, những tuyên bố về quyền lịch sử này “không có cơ sở pháp lý” và Trung Quốc không đưa ra được chi tiết cụ thể để chứng minh các khẳng định của họ.
Quan điểm của Mỹ bác bỏ “chủ quyền lịch sử” của Trung Quốc trên Biển Đông cũng không khác gì phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye, đã cho rằng các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc bên trong “đường lưỡi bò” hoàn toàn không có cơ sở pháp lý.
Yêu sách bất hợp pháp của Trung Quốc phá hoai luật pháp quốc tế
Nhận định chung của bản nghiên cứu “Ranh Giới Trên Biển” 150 là tính chất bất hợp pháp của các yêu sách chủ quyền cũng như của những đòi hỏi đặc quyền tài phán của Trung Quốc đối với gần như toàn bộ Biển Đông. Theo tài liệu vừa công bố, “những yêu sách đó của Trung Quốc làm suy yếu nghiêm trọng sự thượng tôn pháp luật trên biển và nhiều quy định của luật pháp quốc tế được công nhận rộng rãi như đã được nêu lên trong Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển”.
Khi loan tin về việc Mỹ công bố bản nghiên cứu mới bác bỏ các yêu sách chủ quyền rộng khắp của Trung Quốc trên Biển Đông, hãng tin Pháp AFP ghi nhận là báo cáo này được đưa ra trong bối cảnh Washington ngày càng thách thức Bắc Kinh trên phạm vi toàn cầu, và cho rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc là mối đe dọa lâu dài cho Mỹ.
AFP nhắc lại rằng vào năm 2020, ngoại trưởng Mỹ khi đó là Mike Pompeo đã công khai ủng hộ các tuyên bố chủ quyền của các quốc gia Đông Nam Á ở Biển Đông, vượt xa lập trường của Mỹ trước đó là thách thức Trung Quốc nhưng không chỉ rõ ràng quốc gia nào có quyền hợp pháp trên Biển Đông.
Nguồn:RFI/Trọng Nghĩa