Doanh nghiệp Đức gây áp lực buộc Litva chiều ý Trung Quốc trên vấn đề Đài Loan
Posted by Luu HoanPho, Jan 24, 2022, Comments Off
Tấm biển ghi rõ “Văn Phòng Đại Diện Đài Loan tại Litva” gắn tại trụ sơ cơ quan đại diện Đài Loan ở Vilnius, thủ đô Litva. Ảnh chụp tháng 11/2021. PETRAS MALUKAS AFP/File.–
Vì đồng ý cho Đài Loan mở văn phòng đại diện dưới tên gọi “Đài Loan” thay vì “Đài Bắc” như đòi hỏi của Bắc Kinh, Litva, một thành viên Liên Hiệp Châu Âu, hiện đang bị Trung Quốc trừng phạt, đặc biệt về thương mại. Dù được hậu thuẫn của giới lãnh đạo Liên Âu và Nghị Viện Châu Âu, nhưng Litva đang phải chịu nhiều áp lực, nhất là từ các tập đoàn kinh tế, muốn Vilnius chiều ý Bắc Kinh để khỏi tác hại đến việc kinh doanh của họ với Trung Quốc.
Phải nói là đòn trừng phạt của Trung Quốc nhắm vào Litva đặc biệt thâm hiểm khi ngoài việc hạn chế nhập khẩu hàng hóa đến từ quốc gia Baltic, Bắc Kinh còn yêu cầu các tập đoàn đa quốc gia có làm ăn với Trung Quốc là không được sử dụng nguyên liệu hay linh kiện sản xuất tại Litva nếu không muốn bị loại khỏi thị trường Trung Quốc.
Giới lãnh đạo EU và Nghị Viện Châu Âu ủng hộ Litva
Các biện pháp trừng phạt của Trung Quốc đối với Litva dĩ nhiên đã bị châu Âu phản đối. Ngày 20/01/2022 vừa qua, trong một nghị quyết về Hồng Kông, Nghị Viện Châu Âu đã lên tiếng ủng hộ Litva, lên án mạnh mẽ hành động cưỡng ép kinh tế của Trung Quốc và kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu có biện pháp cụ thể để bảo vệ thị trường EU.
Trước đó, hôm 14/01, theo lời lãnh đạo đối ngoại Liên Hiệp Châu Âu Josep Borrell, một hội nghị ngoại trưởng Liên Hiệp Châu Âu ở Brest, miền tây nước Pháp, cũng bày tỏ hậu thuẫn đối với Litva trong cuộc tranh chấp với Trung Quốc.
Về phần mình, tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 11/01, khi trình bày các ưu tiên của Pháp trong tư cách chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu, cũng nêu bật thái độ “quan ngại” trước các hành động của Bắc Kinh nhắm vào Vilnius.
Các đại tập đoàn xe hơi Đức gia tăng áp lực trên Vilnius
Vấn đề đặt ra là bất chấp các tuyên bố ủng hộ Litva của các lãnh đạo chính trị trong Liên Hiệp Châu Âu, giới kinh doanh châu Âu lại có dấu hiệu khuất phục Trung Quốc và gây sức ép để buộc Vilnius chiều ý Bắc Kinh, tạo thuận lợi cho công việc làm ăn của họ tại Trung Quốc.
Trong một bài phân tích ngày 21/01 vừa qua, hãng tin Anh Reuters đã trích dẫn nhiều nguồn thạo tin, nêu bật sự kiên là một số đại tập đoàn Đức đang gia tăng áp lực với chính quyền Litva để buộc nước này lùi bước trong cuộc tranh chấp với Trung Quốc trên vấn đề Đài Loan.
Theo ghi nhận của Reuters, một số hãng bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ các biện pháp trừng phạt Litva của Trung Quốc, đặc biệt là các tập đoàn trong ngành chế tạo xe hơi, đã yêu cầu giới lãnh đạo tại Vilnius phải xuống thang trong tranh chấp với Bắc Kinh nếu không thì các hãng này bị buộc phải rời khỏi Litva.
“Không còn đường nào khác ngoài việc dừng sản xuất ở Litva”
Trong một bức thư gửi các bộ trưởng Ngoại Giao và Kinh Tế của Litva, Phòng Thương Mại Đức-Baltic đã báo động rằng do việc nhập khẩu máy móc và phụ tùng từ Trung Quốc cũng như việc bán các sản phẩm của Litva sang Trung Quốc đã phải dừng lại, một số công ty có thể rời khỏi quốc gia Baltic này.
Bức thư đã thúc giục giới lãnh đạo Litva tìm kiếm một “giải pháp mang tính xây dựng” để khôi phục quan hệ với Trung Quốc, bằng không thì nhiều công ty “không còn con đường nào khác ngoài việc dừng sản xuất ở Litva”.
Theo Reuters, vào tháng 12 vừa qua, thủ tướng Litva đã gặp gỡ giới lãnh đạo doanh nghiệp, bao gồm cả các giám đốc điều hành của tập đoàn sản xuất phụ tùng ô tô khổng lồ của Đức, để lắng nghe những quan ngại của họ.
Ngoài ra, vào tuần trước, tổng thống Litva Gitanas Nauseda cũng đã có cuộc hội đàm với các giám đốc điều hành doanh nghiệp và ông cũng được thúc giục là phải thực hiện việc “xuống thang ngay lập tức”.
Litva là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu
Ngành công nghiệp Litva, chủ yếu dựa trên các tổ hợp nhà nhà máy sản xuất linh kiện, phụ tùng cho nước ngoài đang lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng do các biện pháp trừng phạt của Trung Quốc.
Giao thương trực tiếp giữa Litva với Trung Quốc chỉ ở mức khiêm tốn, nhưng do việc các công ty tại Litva đã hội nhập chặt chẽ vào chuỗi cung ứng toàn cầu, vì thế các biện pháp gây áp lực của Bắc Kinh có thể khiến hoạt động của các doanh nghiệp này bị gián đoạn, tác hại đến nước khác.
Theo Reuters, tình trạng bế tắc đang đe dọa ngành sản xuất công nghiệp Litva, chẳng hạn như phụ tùng xe hơi, linh kiện điện tử và laser, bên cạnh các mặt hàng khác như đồ nội thất, quần áo. Hàng trăm container hàng hóa và phụ tùng nằm trong tình trạng ùn tắc, đe dọa chuỗi cung ứng toàn cầu.
Một ví dụ điển hình từng được Reuters nêu bật là trường hợp của tập đoàn Đức Continental, nổi tiếng thế giới về sản xuất phụ tùng xe hơi, và sử dụng các linh kiện được chế tạo từ Litva. Khó khăn mà Continental đang gặp phải đã tác động trực tiếp đến các khách hàng của tập đoàn này như nhà sản xuất ô tô hạng sang BMW và Volkswagen.
Joerg Wuttke, chủ tịch Phòng Thương Mại Liên Hiệp Châu Âu tại Trung Quốc cho biết: “Litva đã trở thành khu vực cấm ở Trung Quốc… Các công ty châu Âu không thể ghi Litva là quốc gia xuất xứ cho các sản phẩm mà họ đang bán ở thị trường Trung Quốc”.
Giải pháp là không dùng từ “Đài Loan” cho văn phòng đại diện?
Trọng tâm của tranh chấp Litva-Trung Quốc là việc Đài Loan mở văn phòng đại diện ở Vilnius dưới tên “Đài Loan”, do vậy nhiều người cho rằng khủng hoảng có thể được giải quyết bằng việc Litva xóa từ này và thay bằng từ “Đài Bắc” như thường thấy tại các văn phòng đại diện khác ở châu Âu và Hoa Kỳ.
Đây cũng chính là ý kiến từng được tổng thống Litva nêu lên như một biện pháp để khôi phục quan hệ bình thường với Trung Quốc.
Vấn đề, theo Reuters, là Bắc Kinh chưa chắc đã hài lòng với bước lùi đó trong bối cảnh Trung Quốc đã khẳng định rằng “chính phủ Litva đã phản bội lòng tin của Trung Quốc”.
Dẫu sao thì Litva đang bị lâm vào vào tình thế khó khăn trước các ngón đòn thâm hiểm của Trung Quốc.
Đòn hiểm khó đối phó của Trung Quốc
Trong một bài phân tích ngày 15/12/25021, nhật báo Anh Financial Times không ngần ngại cho rằng trường hợp Litva cho thấy là “chiến thuật thương mại cưỡng ép của Trung Quốc rất khó đối phó”.
Theo tác giả bài báo, Litva không phải là nước đầu tiên bị Bắc Kinh tấn công bằng đòn hiểm thương mại: Nhật Bản, Hàn Quốc, Na Uy hay Úc đã từng là nạn nhân của Trung Quốc.
Theo Financial Times, trước chiến thuật cưỡng ép kinh tế của Trung Quốc, hiệu quả của các biện pháp đối phó của Liên Hiệp Châu Âu đang bị nghi ngờ trước uy lực của nền kinh tế Trung Quốc.
Reuters nhắc lại rằng các quan chức Pháp cho biết Paris đang cố gắng đẩy nhanh việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại mới của Liên Hiệp Châu Âu, những biện pháp có thể trừng phạt Trung Quốc trong các tranh chấp như vậy.
Vấn đề là liệu các nước Liên Âu, đặc biệt là Đức, vốn phụ thuộc vào Trung Quốc trong lãnh vực thương mại, có đồng ý với Pháp hay không.
Nguồn: RFI/Trọng Nghĩa