Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Friday, November 22, 2024

Mượn thảm họa COVID hút máu cả dân tộc, ai phải chịu trách nhiệm?


Xét nghiệm COVID-19 ở Hà Nội hôm 20/8/2021

Chủ Tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ yêu cầu phải cụ thể hóa địa chỉ, mức độ sai phạm không chung chung “hai sôi ba lạnh”. Đây là điều đúng đắn và cần thiết. Vấn đề là với hai đại án Kit Test Việt Á và chuyến bay giải cứu cần gọi đúng tên là lãnh phí hay tham nhũng? Ai phải chịu trách nhiệm để xảy ra tội ác tài trời này? Nếu cứ để mấy chú đánh máy Phạm Quốc Việt làm Lê Lai thì chẳng sớm muộn gì xứ Đông Lào sẽ thành châu huyện của xứ bạn vàng.

Sáng 25-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị phải nêu thẳng thắn, rõ địa chỉ nơi nào làm tốt, việc gì nổi bật so với năm trước để động viên, đồng thời nêu cụ thể bộ, ngành, địa phương nào gây lãng phí chứ không nói chung chung, chỉ ghi chú. Chủ tịch Quốc hội: ‘Anh nào làm không tốt nói thẳng chứ sao phải né, ngại?’ (1)

Quan điểm cụ thể hóa, cá nhân hóa trách nhiệm với sai phạm là rất đáng hoan nghênh, cần thực hiện nghiêm túc chứ không nên dừng lại ở ý kiến cá nhân. Hơn nữa, với hai đại án Kít tát Việt Á và các chuyến bay giải cứu chưa từng có tiền lệ cả về quy mô lẫn tính chất mức độ tác hại mượn thảm họa toàn cầu, nhiều quan chức Chính phủ, nhiều bộ ngành đã dàn dựng kịch bản, tung hứng nhau để hút máu cả dân tộc thu vén quyền lợi cá nhân nhiều ngàn tỷ đồng được Chính phủ xem là lãng phí liệu có khiên cưỡng?

Trước khi dịch bùng phát, Chính phủ yêu cầu, Quốc Hội cũng đã chuẩn y, ra nghị quyết cho Chính phủ cơ chế đặc biệt để mua sắm thiết bị, điều hành chống dịch, giúp người dân, doanh nghiệp vượt khó khăn trong đời sống sản xuất.Thủ tướng Phạm Minh Chính vốn nổi tiếng điều hành công việc sát sao, thần tốc, mướt mồ hội đi kiểm tra đến từng phường xã, thần tốc xây dựng mỗi xã phường thành pháp đài, lô cốt, Văn phòng Chính phủ có studio hoành tráng để Thủ tướng làm việc trực tuyến với toàn bộ xã phường trong cả nước, thương dân đến mức điều động cả quân đội, xe thiết giáp đi chợ cho dân.

Chính phủ đòi cơ chế nhưng chậm triển khai thực hiện

Ấy vậy mà báo cáo của Chính phủ trong thực hành tiết kiệm lại cho thấy có nhiều sơ hở, bê trễ, thiếu sót chết người. Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – ngân sách Phạm Thúy Chinh cho biết, về công tác hoàn thiện thể chế, trong bối cảnh chuyển công tác phòng, chống dịch COVID-19 sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19”, Chính phủ chưa có văn bản chỉ đạo cụ thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và chưa điều chỉnh, bổ sung các nhiệm vụ, chỉ tiêu của chương trình tổng thể Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan chậm ban hành quy định, hướng dẫn chi tiết.

Nghị quyết số 12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, đến nay Chính phủ, Bộ Y tế chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện.

Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân từ những bất cập của hệ thống văn bản pháp luật trong quản lý khoa học, đấu thầu, mua sắm tài sản công, đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, vắc xin, thuốc, hóa chất và sinh phẩm xét nghiệm để có giải pháp khắc phục trong thời gian tới. (2)

Những ý kiến đánh giá góp ý của bà Thanh nêu trên là hoàn toàn chính xác. Nhưng vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ; nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á” hay vụ ánh các chuyến bay giải cứu ở Cục Lãnh sự – Bộ Ngoại giao được đưa vào báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí làm người dân rất hoang mang. Nghe qua cứ tưởng như gọi tên con voi là con chuột.

Theo luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thì “Lãng phí là việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản, lao động, thời gian lao động và tài nguyên không hiệu quả. Đối với lĩnh vực đã có định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành thì lãng phí là việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, vốn nhà nước, tài sản nhà nước, lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước và tài nguyên vượt định mức, tiêu chuẩn, chế độ hoặc không đạt mục tiêu đã định” (3).

Theo định nghĩa này có thể hiểu rằng lãng phí là hành vi vô ý, do năng lực kém gây ra hậu quả tốn kém cao hơn mức dự định.

Người Việt lên máy bay từ Singapore về Việt Nam trong đại dịch COVID-19 hôm 7/8/2020. Reuters

Biến voi thành chuột

Qua kết quả điều tra bước đầu với hàng chục tướng lĩnh, sĩ quan cấp tá bị kỷ luật, khởi tố; hai Bộ Trưởng Ủy Viên Trung ương Đảng bị đề nghị kỷ luật; hàng chục cán bộ cấp Vụ trưởng, Vụ phó, Giám đốc CDV cấp tỉnh bị khởi tố bắt giam cho thấy Vụ Kit test Việt Á mang tính chất hoàn toàn khác hẳn. Đây là bản đại hợp xướng được dàn dựng công phu hoành tráng, có sự tham gia của rất nhiều ngành: Quân Đội, Khoa Học Công Nghệ, Y Tế, Tài Chính, Ban Thi Đua Khen Thưởng Trung ương, đặc biệt được toàn thể hệ thống báo chí truyền thông lề phải nhiệt tình tung hô cổ vũ. Nhà nước chi 19 tỉ đồng nghiên cứu đề tài khoa học, sản phẩm ảo. Thực chất là mua Kit test Trung Quốc về dán nhãn Việt Nam. Các bộ, ngành diễn tuồng nghiệm thu, cấp phép, chào bán với giá trên trời. Báo Chí đưa nhau đưa tin giả sản phẩm được WHO công nhận, được xuất khẩu sang châu Âu…. Chủ tịch nước cũng được lôi vào tròng trao Huân Chương lao động trang trí nâng cao sự hào nhoáng, sang trọng cho hàng ảo. Cú lừa hoành trong vô tiền khoáng hậu, vụ ăn chia trị giá 4.000 tỉ đồng mà tiền lót tay hoa hồng trên 800 tỉ đồng bị xem là lãng phí quả là “oan ức” cho công lao và tài năng tinh vi các bị can và những bị can diễn viên và đạo diễn sao cánh gà còn chưa lộ hình.

Tương tự, đại án các chuyến bay giải cứu đã khởi tố một thứ trưởng ngoại giao và nhiều quan chức, trong đó có công an, tổ chức hàng trăm chuyến bay đến nhiêu nước, chặt chém hàng trăm ngàn người Việt xa quê, thu lợi hàng ngàn tỉ đồng nhất định không thể xem là lãng phí.

Một nhân viên của Công ty Việt Á làm việc trên kit test ở nhà máy tại Bình Dương hôm 2/3/2020. Reuters

Tham nhũng lũng đoạn nhà nước không thể là lãng phí!

Về tính chất, việc lợi dụng thảm họa toàn cầu, dùng quyền lực nhà nước để lừa bịp, rút rỉa ngân sách (thực chất là tiền thuế của dân) bóp cổ móc túi trực tiếp người dân để trục lợi thể hiện tâm địa vô lượng, vô sỉ, lòng tham tanh tưởi không chút lương tri. Chính phủ, Quốc hội xếp loại hai đại án này vô hàng lãng phí thì một lần nữa khinh bỉ, sỉ nhục 100 triệu người dân đã từng là nạn nhân của nó

Nói bỗ bã theo dân gian thì Chính phủ, Quốc hội, gọi tên, xếp loại đại án Việt Á chỉ là lãng phí là hành vi hiếp dâm ngôn ngữ.

Vậy theo quan điểm chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, phải xếp loại, gọi tên hai vụ án này như thế nào? Phải chăng luật pháp, ngôn ngữ Việt Nam không đủ từ để gọi cho chính xác?

Không! Chính báo chí lề phải của Đảng dù bị bịt mắt, bịt miệng cũng đã từng gọi đúng tên. Báo Đại Đoàn Kết của Mặt Trận Tổ Quốc từng có bài viết tiêu đề “Phòng, chống tham nhũng nhìn từ vụ Việt Á: Cấu kết trục lợi trên diện rộng” (5)

Báo Vetnamnet của Bộ Thông Tin Truyền Thông không chỉ quy kết về hình sự mà còn lưu ý về sai phạm chính trị “Đây không chỉ là tham nhũng mà sự tha hóa quyền lực trầm trọng, một sự tự diễn biến, tự chuyển hóa” (5).

Trên diễn đàn quốc tế, BBC tiếng Việt cũng gọi tên theo quan điểm khách quan “Việt Á: Vụ kit xét nghiệm là dấu hiệu ‘lũng đoạn nhà nước’ được chuẩn bị công phu” (6)

Như vậy đây là hai đại án tham nhũng, phải gọi đúng tên và xếp vào báo cáo về phòng chống tham nhũng

Trong kỳ họp Quốc hội trước đây, khi vụ án mới được khởi tố, chỉ mới bắt giam Phạm Quốc Việt và Giám đốc CDC Hải Dương thì Chính Phủ đã báo cáo “Hiện vụ án đã được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đưa vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi. Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo khẩn trương tiến hành điều tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật, lợi dụng dịch bệnh để trục lợi bất chính” (7)

Tại sao hiện nay khi vụ án đã mở ra khởi tố nhiều bộ, ngành, nhiều địa phương thì lại xếp vào nhóm lãng phí?

Trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm cá nhân!

Cùng ngày 25-4, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã ký ban hành kết luận số 34 của Bộ Chính trị về chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2030. Theo đó, Bộ Chính trị yêu cầu kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên không đủ năng lực, uy tín; việc miễn nhiệm, từ chức, trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, tiêu cực. (8)

Theo tinh thần đó, với hai đại án tham nhũng có liên quan đến cán bộ chủ chốt ít nhất là bảy bộ ngành trong chính phủ thì ai là người đứng đầu phải chịu trách nhiệm?

Hơn thế nữa, với cả hai vụ án, về trách nhiệm cá nhân, có những dấu hiệu ít nhiều có liên quan trách nhiệm cá nhân của Thủ tướng chính phủ.

Đối với vụ án kit test Việt Á, chủ trương xét nghiệm thần tốc, xét nghiệm đại trà trên diện rộng không có ý nghĩa, tác dụng trong phòng chống dịch khi dịch đã lan tỏa sâu. Nhiều chuyên gia y tế đã phản biện, góp ý nhưng chính Thủ tướng Phạm Minh Chính đã hô hào thành một áp lực với các địa phương buộc phải xét nghiệm thần tốc, xét nghiệm đại trà, một người bị nhiễm xét nghiệm cả làng, xét nghiệm để phân loại tô màu cho từng vùng… Vào Google dùng từ khóa “Thủ tướng chỉ đạo thần tốc xét nghiệm” sẽ tìm thấy Khoảng 3.260.000 kết quả (9) Áp lực xét nghiệm thần tốc này là điều kiện vàng để Việt Á tiêu thụ và nâng giá kit cao ngất ngưởng.

Về tổ chức các chuyến bay giải cứu, chính Thủ tướng đã ký quyết định phân công nhiệm vụ cho từng bộ ngành tham gia hoạt động này. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể từng tiết lộ với báo chí và giải trình với cơ quan điều tra “thực hiện chủ trương nhân đạo của Đảng, Nhà nước về tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có nhu cầu về nước trong bối cảnh đại dịch COVID-19, theo phân công nhiệm vụ của Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Bộ GTVT đã phối hợp rất tích cực với Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng trong công tác bảo hộ công dân”(10)

Gọi đúng tên, đúng người sai phạm, một quan điểm đúng đắn liệu có được ông Vương Đình Hệ thực thi hay là chỉ nói để cho vui sẽ được thể hiện trong kỳ họp tới,

Phân tích của blogger Gió Bấc

_____________________

Tham khảo:

1-https://tuoitre.vn/chu-tich-quoc-hoi-anh-nao-lam-khong-tot-noi-thang-chu-sao-phai-ne-ngai-20220425114624382.htm

2-https://tuoitre.vn/vu-viet-a-bay-giai-cuu-thao-tung-chung-khoan-gay-buc-xuc-trong-nhan-dan-202204250905373.htm

3-https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Luat-thuc-hanh-tiet-kiem-chong-lang-phi-2013-215837.aspx

4-http://daidoanket.vn/phong-chong-tham-nhung-nhin-tu-vu-viet-a-cau-ket-truc-loi-tren-dien-rong-5681792.htm

5-https://vietnamnet.vn/vu-viet-a-khong-chi-la-tham-nhung-811276.html

6-https://www.bbc.com/vietnamese/forum-59951841

7-https://vov.vn/chinh-tri/chinh-phu-bao-cao-quoc-hoi-cong-ty-viet-a-truc-loi-tiep-tuc-lam-ro-sai-pham-post916072.vov

8-https://tuoitre.vn/bo-chinh-tri-kiem-tra-giam-sat-viec-mien-nhiem-tu-chuc-khi-xay-ra-tham-nhung-tieu-cuc-20220425210722764.htm

9=https://www.google.com/search?q=Th%E1%BB%A7+t%C6%B0%E1%BB%9Bng+ch%E1%BB%89+%C4%91%E1%BA%A1o+th%E1%BA%A7n+t%E1%BB%91c+xet+nghi%E1%BB%87m&oq=Th%E1%BB%A7+t%C6%B0%E1%BB%9Bng+ch%E1%BB%89+%C4%91%E1%BA%A1o+th%E1%BA%A7n+t%E1%BB%91c+xet+nghi%E1%BB%87m&aqs=chrome..69i57j0i22i30.9400j0j15&sourceid=chrome&ie=UTF-8

10-https://dangcongsan.vn/thoi-su/bo-giao-thong-van-tai-cung-cap-thong-tin-ve-cac-chuyen-bay-giai-cuu-cong-dan-604332.html

Tags: ,

More Stories From Bình Luận

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh