Vì sao Nga để cho Ukraine đánh sập cầu phao trong trận Siverskyi Donets?
Posted by Luu HoanPho, May 25, 2022, Comments Off
Bắc cầu qua sông dưới làn đạn của đối phương là một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất mà các lực lượng trên bộ nào cũng phải đối mặt. Kể từ đầu cuộc xâm lược Ukraine từ ba tháng trước, quân Nga đã tìm cách vượt qua một số con sông bằng cách sử dụng cầu phao tạm thời. Một số nỗ lực trong đó đã trở nên tồi tệ.
Các lực lượng Nga đã triển khai cầu phao để vượt sông Irpin gần Kyiv hồi đầu cuộc chiến, tìm cách chiếm làng Moshchun và tấn công thủ đô. Pháo binh Ukraine đã phá hủy một số cây cầu, một số có xe Nga trên đó. Moscow đã điều thêm lực lượng đến tham gia giao tranh, nhưng không đủ để chiếm giữ Moschun, điều này góp phần khiến Nga sau đó không chiếm được Kyiv.
Gần đây, quân đội Nga đã nhiều lần cố gắng vượt sông Siverskyi Donets ở vùng Donbass, miền đông Ukraine. Trong một lần giao tranh dữ dội với lực lượng Ukraine, Moscow đã mất hơn 80 phương tiện quân sự, theo ước tính của các nguồn tin mở, hoặc gần tương đương với một nhóm tác chiến cấp tiểu đoàn.
Một cây cầu phao bắc qua sông Siverskyi Donets trước giao tranh dữ dội khiến Nga thiệt hại hơn 80 phương tiện. (Nguồn: MAXAR/Shutterstock).
Các sĩ quan phương Tây đã nghiên cứu các hình ảnh về cuộc vượt sông thất bại, cho rằng quân đội Nga tham gia hoạt động này dường như đã tung ra một nỗ lực quá sức vội vàng, phớt lờ học thuyết quân sự và hướng dẫn chiến đấu của chính họ, trong khi một cuộc vượt sông thực tế đòi hỏi phải lập kế hoạch cẩn thận, sử dụng nhiều nguồn lực và được giám sát chặt chẽ.
“Tất cả phải được phối hợp để có hiệu quả, và chúng tôi chưa thấy người Nga làm điều đó ở Ukraine”, chuẩn tướng về hưu Peter “Duke” DeLuca, người đã phục vụ trong Công binh Lục quân Hoa Kỳ và là nhà nghiên cứu quân sự Nga trong nhiều năm, cho biết.
Theo các nhà quan sát quân sự phương Tây, chuỗi các cuộc vượt sông thất bại của Nga – bao gồm cuộc vượt sông Ingulets – cho thấy các vấn đề trong hệ thống chỉ huy của nước này vượt ngoài phạm vi chiến trường; và dường như giới lãnh đạo cấp cao Nga đang cố gắng thúc đẩy những mục tiêu mà quân đội không chuẩn bị để đạt được.
Bộ Quốc phòng Nga không bình luận về sự việc này.
Các chuyên gia quân sự cho biết, bắc cầu vượt sông trong chiến đấu đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tốc độ và sự kết hợp phức tạp của các lực lượng trên bộ, thủy quân và không quân; và sẽ khó đạt được bất ngờ nếu lực lượng ít hoặc tiến hành vào ban ngày.
Việc vượt sông có thể rất quan trọng trong các tình huống tấn công, vì các vùng nước thường hình thành hệ thống phòng thủ tự nhiên. Nhưng vì các cuộc vượt sông đòi hỏi các thiết bị và lực lượng đặc biệt, đồng thời có thể khiến một số lượng lớn quân bị tổn hại, chúng chỉ nên được thực hiện khi thực sự cần thiết, các nhà chiến thuật nói.
“Các chỉ huy chỉ sử dụng chúng khi họ mong đợi một lợi ích lớn,” Thiếu tướng quân đội Úc đã nghỉ hưu Mick Ryan cho biết. “Chúng thường được thực hiện khi quân đội dự kiến sử dụng tuyến đường đó như một trục tiến công quan trọng.”
Theo các nhà phân tích, cuộc vượt sông Siverskyi Donets thất bại của Nga không chỉ là một thất bại trên chiến trường, khiến nước này tiêu tốn hàng chục phương tiện, nhiều đoạn cầu và hàng trăm binh sĩ – có thể bao gồm cả những kỹ sư quân sự – và việc triển khai các thiết bị chuyên dụng, các nhà phân tích cho biết. Sự sụp đổ này cũng có thể đã đóng lại về phía Nga một con đường tấn công vào các lực lượng Ukraine tại Donbass, hạn chế các lựa chọn của Moscow tại khu vực mà nước này rất muốn kiểm soát.
Một cầu vượt bằng phao của Nga bị phá hủy cùng với các phương tiện bọc thép trên hai bờ sông Siverskyi Donets. (Nguồn: Văn phòng báo chí Tổng thống Ukraine).
Các hoạt động vượt sông bao gồm ít nhất sáu bước, bắt đầu với việc trinh sát và lựa chọn địa điểm, có thể bắt đầu vài ngày trước khi bắc cầu. Tony Spamer, một Thiếu tá người Anh đã nghỉ hưu, từng là kỹ sư đội biệt kích, nói rằng khi tham gia vào các vụ vượt sông trong bốn chuyến làm nhiệm vụ ở Afghanistan, các đơn vị của ông sẽ tiến hành bảy cuộc diễn tập tốc độ chậm tại căn cứ và sau đó thực hành ở tốc độ nhanh, mỗi lần giảm bớt vài phút các thao tác nguy hiểm trước khi triển khai hành động thực tế.
Các đơn vị trinh sát cố gắng chọn một số địa điểm vượt sông để trải mỏng lực lượng đối phương và một cuộc tấn công vào một nơi không ảnh hưởng đến nơi kia, các chuyên gia quân sự cho biết. Ngay cả khi chỉ có một địa điểm được cho là có thể vượt sông, quân đội nên giả vờ làm việc tại nơi khác để kéo quân địch ra khỏi địa điểm thực. Việc vượt sông thực tế nên được tiến hành vào ban đêm, nếu có thể. Nếu không, quân đội nên tạo ra một màn khói bằng lửa hay pháo, xung quanh tất cả các địa điểm của họ.
Các lực lượng Nga khi chuẩn bị vượt qua Siverskyi Donets đã có sử dụng khói, theo Maxim, người tự xưng là kỹ sư quân sự Ukraine và chuyên gia chất nổ tham gia vụ tấn công, cho biết trên Twitter. Nhưng quân Nga đã chỉ cho làm cầu tại một địa điểm – mà người Ukraine dường như đã xác định là một vị trí có thể băng qua sông và nhắm mục tiêu – mà không sử dụng các biện pháp nghi binh.
Khói bốc lên từ nơi có vẻ là một cây cầu phao bị phá hủy bắc qua sông Siverskyi Donets mà quân đội Nga đã không thể vượt qua hồi đầu tháng. (Nguồn: Lực lượng Tấn công Không quân Ukraine).
Tướng DeLuca nói: “Nếu anh làm khói tại một nơi và anh chỉ có một địa điểm vượt sông, anh sẽ chẳng che giấu được bất cứ điều gì.”
Các cựu chiến binh cho biết, trước khi chuyên gia công binh bắt đầu lắp các đoạn cầu phao nổi vào vị trí, lực lượng biệt kích hoặc bộ binh nên cố gắng đảm bảo vùng bán kính nửa dặm trên bờ sông. Họ nên phối hợp với pháo binh hoặc không quân yểm trợ để áp chế pháo binh của đối phương và đảm bảo rằng quân địch không thể có được tầm nhìn rõ ràng về khu vực vượt sông. Lực lượng bộ binh có thể tự bảo vệ dòng sông.
Kiểm soát vùng bờ xa là điều quan trọng, vừa để ngăn chặn đối phương tấn công cây cầu và đảm bảo quân đội sau khi vượt sông có thể nhanh chóng thoát ra khỏi khu vực, tránh dồn ứ tắc nghẽn sẽ tạo thành một mục tiêu lớn.
Tướng Ryan nói: “Các chỉ huy cần có một kế hoạch rõ ràng cho những gì sẽ xảy ra sau khi vượt sông. Không phải là ngồi uống trà suy nghĩ.”
Tương tự như vậy, quân chờ qua sông nên được ẩn đi một khoảng cách xa trong các khu vực tổ chức phân tán và dần dần tiến đến các điểm dàn xếp sẵn trước khi di chuyển qua cầu. Dòng người phải được điều tiết và sẵn sàng cho những điều bất ngờ, chẳng hạn như tai nạn hoặc phương tiện bị kẹt trên cầu. Các quyết định như sửa một chiếc xe đang dừng, hay xô nó ra khỏi cầu phải được thực hiện ngay lập tức.
Các sĩ quan phương Tây cho biết tại Siverskyi Donets, quân đội Nga dường như không bảo đảm kiểm soát được vùng bờ xa. Người Nga cũng triển khai hai cây cầu rất gần nhau, cho phép đạn pháo của Ukraine có thể gây sát thương đồng thời.
Theo các nhà quan sát phương Tây, sai lầm của lực lượng Nga là đặc biệt đáng ngạc nhiên vì cuộc vượt sông được thực hiện tại vùng Donbass, có lẽ rất quen thuộc với quân đội Ukraine. Tình huống như vậy đòi hỏi phải có thêm kế hoạch và sự thận trọng.
Nguồn: Phong Vân @ trithucvn (theo WSJ)