Hải quân Mỹ đóng tàu ngầm hạt nhân ‘lớn nhất, tiên tiến nhất’ khi TQ mở rộng hạm đội
Posted by Luu HoanPho, Jun 13, 2022, Comments Off
Đồ họa tàu ngầm hạt nhân lớp Columbia (Ảnh: US Navy).–
Mỹ đã bắt đầu đóng tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) lớp Columbia tiên tiến nhất của mình, khi quân đội nước này cố gắng duy trì lợi thế trước các đối thủ, đặc biệt khi hải quân Trung Quốc đang mở rộng nhanh chóng.
Theo trang web USNI News của Viện Hải quân Hoa Kỳ, buổi lễ khai trương đóng tàu USS District of Columbia (SSBN 826) đã diễn ra vào ngày 4/6. Báo cáo cho biết, sự kiện này đánh dấu nghi thức khởi đầu cho việc đóng chiếc đầu tiên trong lớp tàu ngầm tên lửa đạn đạo mới dự kiến đưa vào hoạt động năm 2027.
“Lớp Columbia sẽ là tàu ngầm lớn nhất, có năng lực lớn nhất và tiên tiến nhất do quốc gia chúng ta sản xuất”, dân biểu Eleanor Holmes Norton nói trong buổi lễ.
Việc chế tạo 12 tàu ngầm lớp Columbia là ưu tiên hàng đầu của Hải quân Hoa Kỳ trong thập kỷ qua, với công việc thiết kế sơ bộ bắt đầu từ năm 2007.
Hạm đội sẽ thay thế các SSBN lớp Ohio để trở thành lực lượng răn đe chiến lược số một của Hải quân Hoa Kỳ, bắt đầu từ chuyến tuần tra đầu tiên vào năm 2031.
Bộ trưởng Hải quân Carlos Del Toro cho biết tại buổi lễ ở Rhode Island, tàu lớp Columbia sẽ mang theo “70% kho vũ khí hạt nhân được triển khai của Mỹ”, đồng thời gọi tàu ngầm là “khoản đầu tư thông minh nhất mà chúng tôi có thể thực hiện” để đảm bảo an toàn cho công chúng Mỹ, USNI đưa tin.
Hải quân Mỹ vận hành 14 chiếc SSBN lớp Ohio cũ được chế tạo từ năm 1976 đến 1997. Ngoài ra, 4 chiếc tàu ngầm cũ nhất của lớp này đã được chuyển đổi thành tàu ngầm mang tên lửa hành trình (SSGN) như một phần của Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược (New START) với Nga.
Tàu lớp Columbia sẽ được trang bị 16 ống SLBM hoặc tên lửa hạt nhân, so với 24 trên các SSBN lớp Ohio. Nhưng chiếc tàu lớp Columbia sẽ dài hơn (158 mét), nặng hơn (18.000 tấn), và có hệ thống động lực truyền động điện và công nghệ đi kèm tinh vi hơn.
Tàu lớp Columbia là chìa khóa để Mỹ duy trì lợi thế cạnh tranh, đặc biệt là với việc Trung Quốc hiện đang vận hành lực lượng hải quân lớn nhất thế giới.
Người đứng đầu tập đoàn quốc phòng khổng lồ General Dynamics Phebe Novakovic của Mỹ cho biết: “Nếu bạn nhìn vào Hải quân Hoa Kỳ, tàu ngầm là ưu tiên hàng đầu của họ và cụ thể là tàu Columbia. “Và tại sao vậy? Đó là bởi vì tàu ngầm vẫn là một lợi thế cạnh tranh đơn lẻ, một lợi thế cạnh tranh quan trọng của Hoa Kỳ với các đối thủ cạnh tranh gần ngang hàng và các đối thủ ngang hàng”.
Năm ngoái, General Dynamics đã ký hợp đồng trị giá hơn 10 tỷ USD cho hai chiếc tàu lớp Columbia đầu tiên.
Tháng trước, các bức ảnh vệ tinh tiết lộ Trung Quốc đang đóng một tàu ngầm hạt nhân mới và lớn hơn với hệ thống đẩy tiên tiến hơn so với các biến thể Type 093 đang hoạt động.
Tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân Type 093 (SSN) của Trung Quốc có thể phóng tên lửa hành trình chống hạm YJ-18, trong khi tàu Type 094A nâng cấp được trang bị tên lửa đạn đạo JL-3 phóng thẳng đứng với tầm bắn hơn 10.000 km – có khả năng đánh vào đất liền Hoa Kỳ.
Theo một báo cáo của Lầu Năm Góc năm ngoái, Trung Quốc đã chế tạo 12 tàu ngầm hạt nhân trong vòng 15 năm, bao gồm 6 chiếc Type 093 SSN và các biến thể nâng cấp của nó, cũng như 6 chiếc SSBN Type 094 khác.
Đối thủ lớn khác của Mỹ, Hạm đội Thái Bình Dương của Nga, dự kiến sẽ nhận được hai tàu ngầm hạt nhân và một tàu ngầm tấn công diesel-điện trong năm nay. Chúng bao gồm tàu ngầm chiến lược hạt nhân đầu tiên thuộc lớp Borei-A, Knyaz Oleg và tàu ngầm hạt nhân đầu tiên thuộc lớp Yasen-M, Novosibirsk, theo Tass.
Knyaz Oleg sẽ được trang bị tên lửa đạn đạo Bulava, có tầm bắn hơn 8.000 km. Trong khi đó, Novosibirsk là một tàu ngầm hạt nhân đa năng, được trang bị tên lửa hành trình Kalibr và Onyx.
Nguồn: Xuân Lan @ trithucvn (theo SCMP)